Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lối sống

Giải đáp thông tin về Lễ hội điêu khắc băng tuyết Bugok Hawaii và truyện thiếu nhi “ Cầu Lee Shun-shin, cây cầu mơ ước của em”.

2013-12-22

1. Giải đáp thông tin về Lễ hội điêu khắc băng tuyết Bugok Hawaii



Question 1
Câu hỏi 1 :
Sắp tới mình có chuyến du lịch cùng đại gia đình tới Hàn Quốc. Chuyến du lịch lần này đã được công ty du lịch bao trọn gói, mình hoàn toàn có thể thảnh thơi theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên chứ không phải lo lắng về chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ chơi gì cả. Vì đúng dịp mùa đông nên trong chương trình có nhiều địa điểm liên quan đến ngắm tuyết, trượt tuyết rồi cả lễ hội điêu khắc băng tuyết nữa. Trượt tuyết thì dĩ nhiên được mọi người trông đợi nhưng còn điêu khắc băng tuyết thì không biết có nên xem không. Vì mọi người đã từng xem băng đăng của Trung Quốc ở Sài Gòn rồi, thấy cũng không cần phải xem lại làm gì nữa vì thời gian hạn hẹp, để dành xem cái khác có khi hay lại hơn. Mình đang băn khoăn quá, hãy tư vấn giúp mình với nhé. ”


Answer 1
Trả lời 1:
Thực ra, nói đến lễ hội băng đăng hay còn gọi là lễ hội điêu khắc băng tuyết thì chúng ta thường liên tưởng ngay đến lễ hội băng đăng của Trung Quốc, đúng không ạ? Đặc biệt, Lễ hội Băng đăng Quốc tế Cáp Nhĩ Tân diễn ra hàng năm tại thành phố Cáp Nhĩ Tân là một trong bốn lễ hội băng tuyết lớn nhất thế giới. Chắc quý vị và các bạn cũng biết thành phố Cáp Nhĩ Tân là một trong những điểm nổi tiếng về văn hóa băng tuyết trên thế giới. Về mặt địa lý, thành phố này thuộc khu vực Đông Bắc Trung Quốc, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa đông lạnh từ Xi-bê-ri thổi về. Ở Cáp Nhĩ Tân, nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 21,2°C, mùa đông là --16,8°C. Thậm chí, trong mùa đông, nhiệt độ còn có thể xuống đến -38,1°C. Lễ hội thường bắt đầu vào ngày 5 tháng 1 hàng năm và kéo dài một tháng. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thời tiết mà triển lãm băng có thể mở sớm hơn và kéo dài lâu hơn. Công nghệ trang trí tác phẩm điêu khắc băng bao gồm từ các phương thức hiện đại như dùng đèn laze đến truyền thống như đèn lồng băng, tạo nên thương hiệu băng đăng cho Trung Quốc.

Còn ở Hàn Quốc thì sao nhỉ? Với mùa đông kéo dài trong khoảng ba tháng, từ tháng 12 đến tháng 2, tại một số vùng, nhiệt độ có khi xuống đến trên dưới -20°C. Điều kiện khí hậu như vậy thích hợp cho các môn thể thao và lễ hội mùa đông nhưng phải đến năm 2008 thì lễ hội điêu khắc băng tuyết đầu tiên mới chính thức được diễn ra ở khu vực khách sạn Bugok Hawaii tại huyện Changnieng (창녕), tỉnh Nam Gyeongsang của Hàn Quốc. Năm 2014 là năm thứ sáu liên tiếp Lễ hội điêu khắc băng tuyết Bugok Hawall được tổ chức. Thường thì lễ hội sẽ bắt đầu vào khoảng cuối tháng 12 khi trời bắt đầu lạnh và có tuyết rơi, kéo dài trong vòng khoảng hơn một tháng. Năm nay lễ hội khai trương vào ngày 22/12/2013 và kết thúc vào ngày 2/2/2014.

Đây là lễ hội điêu khắc băng tuyết lớn nhất ở Hàn Quốc. Mỗi năm chủ đề điêu khắc băng tuyết lại khác nhau, chủ đề của năm nay là “sự thần bí của tuyết và băng” với năm mảng khác nhau là “đất nước của băng”, “đất nước của tuyết”, “đất nước của mùa đông”, “đất nước của ánh sáng”. Sự kết hợp giữa băng, tuyết và ánh sáng hứa hẹn mang lại nhiều điều hấp dẫn cho khách tham quan. Đây là những khối băng tuyết cứng được thăng hoa thành các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài những khối băng tuyết trong suốt truyền thống thì lễ hội còn sử dụng chủ yếu các khối băng tuyết nhiều màu sắc để tạo nên làng xóm, núi non, thành quách, cầu trượt, đường ngầm.

Những hình ảnh nổi tiếng của bảo tàng mỹ thuật Va-ti-căng ở Rô-ma, Ý, bảo tàng Louvre ở Pa-ri, Pháp... cũng được hiện lên dưới bàn tay tài hoa của những thợ điêu khắc băng tuyết, mang lại cho du khách cảm giác như đến với bảo tàng băng tuyết vậy. Chính vì vậy mà lần lễ hội điêu khắc băng tuyết này không chỉ đơn thuần là trưng bày những hình khối điêu khắc mà còn là nơi để du khách thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, mang tính giáo dục. Đặc biệt, đến đây du khách còn có thể trượt tuyết với sân trượt mini và thử trải nghiệm điêu khắc băng tuyết. Khách tham quan có thể tới đây bất kỳ lúc nào trong thời gian diễn ra lễ hội và không hạn chế độ tuổi.

Chắc hẳn bạn đang tò mò về giá vé vào cửa, đúng không ạ? Đối với người lớn là 29.000 won, đi theo đoàn thì 23.000 won/người. Còn trẻ em là 19.000 won, đi theo đoàn là 17.000 won/người. Trẻ em được tính từ 24 tháng tuổi đến hết bậc tiểu học, còn đoàn thì đối với người lớn là 25 người, trẻ em là 40 người cho một đoàn. Nếu muốn vào khu vực trượt tuyết thì vé người lớn là 13.000 won/người, vé trẻ em là 8.000 won/người.

Ngoài ra còn có hai loại vé giảm đặc biệt nhân kỷ niệm lễ hội điêu khắc băng tuyết. Loại thứ nhất thì giá vé dành cho người lớn là 32.000 won/người, trẻ em là 22.000 won. Khách sẽ được vào sân trượt tuyết, tham quan lễ hội điêu khắc băng tuyết và các công trình kiến trúc. Loại thứ hai đắt hơn với giá vé dành cho người lớn là 35.000 won/người và 25.000 won/người dành cho trẻ em nhưng được tham gia thêm ba loại trò chơi khác nữa.

Không biết những thông tin trên đã đủ hấp dẫn bạn Lan chưa nhỉ? Vì bạn đi du lịch theo đoàn và có hướng dẫn viên đi cùng nên chắc không cần phải lo lắng về vấn đề giao thông đi lại. Nhưng chúng tôi cũng xin lưu ý với bạn là nếu đi từ Seoul tới đó bằng xe bus công cộng thì phải mất khoảng 5 giờ đồng hồ. Tuy có hơi xa một chút và bạn đã xem lễ hội băng đăng của Trung Quốc rồi nhưng đến với lễ hội điêu khắc băng tuyết ở Hàn Quốc bạn sẽ nhận thấy có sự khác biệt với những trải nghiệm vô cùng thú vị đấy. Nếu muốn biết thêm thông tin thì có thể gọi đến số: 055-536-6331 hoặc truy cập trang web: http://www.bugokhawaii.co.kr/ Chúc bạn và đại gia đình có chuyến đi nghỉ thật thoải mái, đáng nhớ.



2. Giải đáp thông tin về truyện thiếu nhi “ Cầu Lee Shun-shin, cây cầu mơ ước của em”.


Question 2
Câu hỏi 2 :
Tôi kết hôn rồi qua đây sống với chồng người Hàn Quốc đã được gần tám năm rồi. Trong cuộc sống cũng có lúc này lúc kia nhưng về cơ bản, hiện nay chúng tôi tương đối ổn định. Con trai lớn của tôi đã học lớp 2 rồi. Trình độ tiếng Hàn của tôi cũng kha khá, và vì ở đây lâu rồi nên cũng có đi làm hướng dẫn viên du lịch không chuyên cho các đoàn từ Việt Nam sang. Tôi thuộc tuýp phụ nữ của gia đình nên ngoài thời gian thi thoảng đi làm như vậy thì tôi dành toàn bộ tâm sức của mình cho việc nội trợ và chăm sóc con cái. Tôi cũng hay tìm mua và đọc truyện thiếu nhi cùng con. Tuy nhiên, tôi để ý thấy Hàn Quốc rất quan tâm đến vấn đề đa văn hóa nhưng dường như không có truyện thiếu nhi nào viết về chủ đề đa văn hóa cả. Hay là tại tôi không biết? Nếu có, mong chương trình giới thiệu giúp.


Answer 2
Trả lời 2:
Chính phủ và các tổ chức, cá nhân của Hàn Quốc đã và đang rất quan tâm đến gia đình đa văn hóa, trẻ em gia đình đa văn hóa nhưng hầu như chưa có truyện thiếu nhi với chủ đề về đa văn hóa. Chủ yếu vẫn là dịch và giới thiệu truyện thiếu nhi nước ngoài sang tiếng Hàn rồi in song ngữ là chính. Tuy nhiên, vào ngày 4/12 vừa qua, cuốn truyện “내 꿈을 잇는 다리, 이순신대교”, tạm dịch là “Cầu Lee Shun-shin, cây cầu nối ước mơ của em” dày 136 trang của tác giả Seo Ji-won, với nhân vật chính là cậu bé thuộc gia đình đa văn hóa đã chính thức được giới thiệu đến các bạn thiếu nhi.

Tác giả Seo Ji-won tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Hanyang. Năm 1989, ông chính thức bước chân vào văn đàn bằng tiểu thuyết được in trên tạp chí “Văn học và phê bình”. Khởi nghiệp là nhà báo, sau đó chuyển sang làm biên tập viên tại một nhà xuất bản, giờ thì Seo Ji-won miệt mài với việc sáng tác truyện dành cho thiếu nhi. Ông đã viết khoảng 250 tác phẩm với các chủ đề đa dạng như toán học, khoa học, triết học, nhân văn làm cốt truyện. Hàng chục cuốn sách của ông đã được dịch và giới thiệu tại Trung Quốc, Đài Loan… Năm 2013, Seo Ji-won còn tham gia vào quá trình biên soạn sách giáo khoa sửa đổi của Hàn Quốc. Phần tranh trong cuốn truyện này do họa sĩ Kwon Song-lee đảm nhận. Ông đã phát huy hết khả năng tưởng tượng và vẽ lên những bức tranh làm mê lòng các em thiếu nhi.

“ Cầu Lee Shun-shin, cây cầu nối ước mơ của em” là cuốn thứ hai trong bộ truyện về các kỹ sư. Đây là bộ truyện giới thiệu một cách thú vị và dễ hiểu cho các em thiếu nhi biết về khoa học công nghệ và công việc của các kỹ sư. Tham gia sáng tác bộ truyện là các tác giả chuyên viết cho thiếu nhi có sách bán chạy nhất và nhiều nhà khoa học chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học nhằm xây dựng cốt truyện hấp dẫn các em nhỏ mà lại truyền tải được thông tin khoa học, những kiến thức cơ bản cần biết về khoa học. Với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học, truyện sẽ vừa hóa giải được những vấn đề của nhân vật chính một cách chính xác lại vừa tạo nên nhiều bất ngờ thú vị. Bộ truyện đặc biệt hấp dẫn các em ở lứa tuổi tiểu học từ lớp 3 đến lớp 6.
Cuốn sách này giới thiệu nhiều kiến thức khoa học cần thiết liên quan đến cầu đường như khoa học cấu tạo, khoa học đất nền, khoa học môi trường... Đó sẽ là tài liệu có ích để trẻ em nuôi dưỡng tính sáng tạo, suy nghĩ gắn kết, giúp các em mở rộng quan niệm về nghề nghiệp. Đặc biệt, cuốn sách còn mang đến những ý nghĩa mới mẻ về cây cầu cho các em nhỏ. Cầu không chỉ là sự kết nối đơn giản giữa đảo với đảo, giữa đảo với đất liền mà còn là nhịp nối giữa hiện tại và quá khứ, nối những người bạn bị cô lập với thế giới hòa đồng...Truyện cho các em thấy về một cây cầu nối ước mơ, mang lại cho các em nhỏ cái nhìn rộng lớn hướng tới thế giới.
Truyện được chia thành bốn chương với nội dung tóm tắt như sau: Shun-Shin là cậu bé thuộc gia đình đa văn hóa có mẹ là người Việt Nam. Do khuôn mặt của em có đôi chút khác biệt so với các bạn nên em thường bị bạn bè cô lập, khiến em không có đủ tự tin. Một hôm, ở khu nhà trọ của ông bà nội cậu bé có người khách đến ở trong một thời gian dài. Mọi người gọi vị khách này là “tiến sĩ Baek”. Ông là kỹ sư làm cây cầu lớn bắc ngang qua biển. Shun Shin cũng muốn trở thành kỹ sư tài ba như tiến sĩ Baek. Nhưng cậu lo ngại việc mình xuất thân từ gia đình đa văn hóa. Tiến sĩ Baek thấy vậy bèn nói với cậu rằng “bất cứ ai nỗ lực đều có thể biến ước mơ thành hiện thực.”.

Thế rồi, có một hôm, tiến sĩ Baek đến trường nơi Shun-shin đang theo học để làm “giáo viên một ngày”. Ông giảng về chủ đề cây cầu và đặt một câu hỏi khó cho các học sinh. Trong khi không ai trả lời được, chỉ đưa mắt nhìn nhau thôi thì Shun-shin bất ngờ giơ tay. Vì hâm mộ tiến sĩ Baek và trong thời gian qua cũng học được từ ông nhiều điều liên quan đến cầu đường nên em có thể trả lời được câu hỏi của tiến sĩ. Các bạn trong lớp vốn không có thiện cảm với Shun-shin nay nhìn cậu bé với con mắt khác vì cậu đã trả lời đúng câu hỏi của tiến sĩ Baek. Tiến sĩ Baek là người chịu trách nhiệm xây dựng cây cầu nối giữa thành phố Yeosu và thành phố Gwangyang của tỉnh Nam Jeolla. Rất có tình cảm với cậu bé Shun-shin nên ông quyết định đặt tên cho cây cầu ấy là “cầu Lee Shun-shin”.

Chủ đề đa văn hóa và công nghệ cầu đường là một chủ đề hoàn toàn mới lạ trong các truyện thiếu nhi. Khi đọc truyện này, các em nhỏ ngoài việc thấy được ý nghĩa mang tính khoa học xung quanh việc xây dựng những cây cầu chủ yếu ở Hàn quốc như cầu Incheon, cầu Lee Shun-shin thì còn hiểu được giá trị quan trọng của đa văn hóa. Những thông tin khoa học đưa ra trong sách đều đã được chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng tư vấn và kiểm soát nên hoàn toàn có tính chính xác. Vì vậy truyện không chỉ thú vị mà còn có tính giáo dục cao.

Lựa chọn của ban biên tập