Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên tiếp tục hối thúc Mỹ trong tiến trình đàm phán

2019-11-21

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Ngày 17/11, Hàn Quốc và Mỹ quyết định hoãn các cuộc tập trận quân sự chung và kêu gọi Bắc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán phi hạt nhân hóa. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng gửi gắm trên trang cá nhân thông điệp tăng tốc tiến trình đàm phán đến Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng không có động thái nào ngoài tiếp tục gây sức ép, buộc Washington rút lại chính sách thù địch. Giáo sư Chung Dae-jin từ Viện Thống nhất, Đại học Ajou, phân tích sâu hơn.

 

Rõ ràng, Tổng thống Mỹ không muốn chấm dứt hoàn toàn đàm phán với nhà lãnh đạo miền Bắc, nhưng có vẻ ông đang chuyển dần sang lập trường cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên. Trong thông điệp gần đây trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump đã hối thúc Chủ tịch Kim nhanh chóng hành động và sớm đi đến thỏa thuận, đồng thời tái khẳng định cam kết nối lại đối thoại. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng hé lộ rằng chỉ có ông mới giúp được nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đạt được điều mình muốn. Điều này ngụ ý rằng nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un thất bại trong đàm phán với Tổng thống Trump thời điểm này, ông sẽ khó đạt được mục đích ở các cuộc đàm phán trong tương lai. Nói cách khác, nỗ lực đàm phán sẽ càng khó khăn hơn nếu Bình Nhưỡng không đáp ứng yêu cầu hiện tại của Washington. Rõ ràng, ông Trump đang vừa bày tỏ cam kết đàm phán, vừa gián tiếp gây áp lực lên Bắc Triều Tiên.

 

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã đề cập đến Chủ tịch Kim và Bắc Triều Tiên trên trang mạng xã hội Twitter lần đầu tiên kể từ đầu tháng 8, thời điểm ông nhận được một lá thư từ ông Kim Jong-un. Thông điệp của ông Trump được đưa ra sau khoảng 10 giờ kể từ khi Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố hoãn các cuộc tập trận chung trên không. Trong khi thời hạn miền Bắc đặt ra cho đề xuất mới từ Mỹ đang cận kề, nước này vẫn đang giữ vững lập trường cứng rắn. Bình Nhưỡng đã nhanh chóng phản hồi thông điệp của ông Trump bằng một loạt các tuyên bố khá gây hấn.

 

Cố vấn Bộ Ngoại giao Kim Kye-gwan và Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Châu Á-Thái Bình Dương Kim Yong-chol của miền Bắc nhấn mạnh nước này sẽ chỉ tham gia đàm phán khi Mỹ xóa bỏ chính sách thù địch. Đối với Bắc Triều Tiên, rút lại chính sách thù địch thể hiện ở việc chấm dứt các cuộc diễn tập chung Hàn-Mỹ, xóa bỏ lệnh trừng phạt, và hơn thế nữa. Miền Bắc cho hay họ chỉ có thể tham gia đối thoại khi Mỹ thể hiện thái độ nghiêm túc với những vấn đề này. Tôi cho rằng đây chính là trở ngại mới cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều.

 

Dù Bắc Triều Tiên không nêu cụ thể “chính sách thù địch” gồm những gì, nhưng có vẻ hàm ý của miền Bắc là khá rộng, từ các cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ, việc Mỹ chuyển giao vũ khí công nghệ cao cho Hàn Quốc, lệnh trừng phạt quốc tế lên Bắc Triều Tiên, cho đến cả vấn đề nhân quyền. Việc Mỹ chấm dứt hoàn toàn chính sách thù địch với Bình Nhưỡng là điều kiện tiên quyết để miền Bắc tái khởi động đàm phán.

 

Mỹ khăng khăng cho rằng miền Bắc phải tiến hành phi hạt nhân hóa trước, còn Bắc Triều Tiên cũng kiên quyết đòi Mỹ rút lại chính sách thù địch trước, đây là một động thái ăn miếng trả miếng. Ngay cả khi nhất trí lộ trình phi hạt nhân hóa và chấp thuận việc xác nhận phi hạt nhân hóa, họ vẫn nghi ngờ Mỹ vì hai bên chưa xây dựng được niềm tin lẫn nhau. Bình Nhưỡng kêu ca rằng họ không nhận được ích lợi gì từ Washington, dù đã thực sự tiến hành nhiều biện pháp phá dỡ các cơ sở hạt nhân của mình. Vì vậy, miền Bắc đang đưa ra nhiều yêu cầu hơn với Mỹ, như tuyên bố hòa bình, lập văn phòng liên lạc giữa hai bên, hoặc đình chỉ tạm thời diễn tập quân sự chung Hàn-Mỹ, với mong muốn được đáp ứng càng nhiều càng tốt.

 

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội vào tháng 2, Bình Nhưỡng đã đề xuất cách tiếp cận theo giai đoạn, đồng bộ hóa để phi hạt nhân hóa, trong khi Washington kêu gọi một thỏa thuận lớn, hủy bỏ dứt điểm một lần các trạm hạt nhân ở Bắc Triều Tiên. Nhưng tuyên bố của ông Kim Yong-chol ngày 19/11 cho thấy miền Bắc đang muốn yêu cầu nhiều hơn nữa. Dư luận đang rất quan tâm đến lý do đằng sau việc Bắc Triều Tiên tăng cường áp lực lên Mỹ.

 

Các cuộc bầu cử Tổng thống sơ bộ ở Mỹ sẽ bắt đầu vào tháng Hai năm sau. Đối mặt với nhiều động thái luận tội và xếp hạng phê duyệt thấp, ông Trump đang liên tục khoe khoang thành tựu ngoại giao của mình trong việc kêu gọi Bắc Triều Tiên đình chỉ các vụ thử tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân. Đáp lại, Bắc Triều Tiên cho hay họ nên nhận được phần thưởng thích đáng vì đã đóng góp cho những thành tựu của ông Trump. Nói cách khác, nếu Tổng thống Trump muốn Bắc Triều Tiên tiếp tục dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, ông nên thực hiện các biện pháp đối ứng cụ thể như miễn trừ trừng phạt hoặc bảo đảm an ninh cho miền Bắc. Nếu không, Bình Nhưỡng buộc phải tìm kiếm con đường mới như đã cảnh báo. Miễn Bắc có thể sẽ tái diễn khiêu khích hạt nhân và tên lửa để đáp trả thứ mà ông Trump coi là thành tựu.

 

Bắc Triều Tiên đang tận dụng tình hình chính trị trong nước đầy bất lợi để gia tăng áp lực lên Tổng thống Mỹ. Hai bên dự kiến sẽ tiếp tục giằng co thêm một thời gian nữa.

 

Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều khó có thể sớm diễn ra, chưa nói đến hội nghị thượng đỉnh. Trong khi Washington đang cố gắng liên lạc với Bình Nhưỡng thông qua Thụy Điển, thì miền Bắc lại muốn đối thoại trực tiếp. Mỹ vẫn cho rằng cần có các cuộc đàm phán cấp chuyên viên để thảo luận kỹ lưỡng kế hoạch cụ thể trước khi chuyển sang hội nghị thượng đỉnh. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên mong muốn đàm phán trực tiếp để nhanh chóng thông nhất lộ trình phi hạt nhân hóa, đổi lại bằng các biện pháp đảm bảo an ninh và bãi bỏ lệnh trừng phạt từ phía Mỹ. Cả hai bên đều không chủ động hành động trước, nên thật khó để hy vọng cuộc họp cấp chuyên viên sẽ diễn ra, tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ Ba trong năm nay, trừ phi có một diễn biến đột phá.

 

Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất Bắc Triều Tiên Choe Son-hui nhấn mạnh đối thoại Mỹ-Triều mà Mỹ đề xuất tổ chức tháng 12 này sẽ chỉ diễn ra khi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch lên Bắc Triều Tiên. Chỉ trong một tuần qua, Bình Nhưỡng đã gửi thông điệp đến Washington tới 7 lần. Phản hồi của Mỹ sẽ quyết định tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập