Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Kỷ niệm hai năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4

2020-04-23

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 27/4 năm nay đánh dấu kỷ niệm hai năm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Có lẽ nhiều người vẫn nhớ khoảnh khắc hai nhà lãnh đạo nắm tay nhau tại đường phân giới quân sự hai năm trước. Khi đó, Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim đã tuyên bố chấm dứt chiến tranh, mở ra một kỷ nguyên hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Hai nhà lãnh đạo đã ký kết Tuyên bố Bàn Môn Điếm, đưa quan hệ liên Triều bước sang một trang mới và hướng tới hòa bình khu vực. Nhà bình luận chính trị Kim Hong-guk phân tích sâu hơn về Tuyên bố.


Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất bán đảo Hàn Quốc có ba điểm chính. Đầu tiên, lãnh đạo hai miền đồng ý theo đuổi phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Hàn Quốc và nỗ lực để chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên cùng năm đó. Thứ hai, hai nước cam kết tích cực xúc tiến các cuộc họp ba bên Hàn-Triều-Mỹ để chuyển Hiệp định đình chiến thành Hiệp định hòa bình và thiết lập một chế độ hòa bình vĩnh viễn. Cuối cùng, hai miền cũng dành nhiều quan tâm đến hợp tác kinh tế liên Triều.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều thỏa thuận vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể do bế tắc trong quan hệ Mỹ-Triều. Mặc dù vậy, các nhà lãnh đạo hai miền Nam-Bắc đã chung tay nỗ lực vì hòa bình trên bán đảo bị chia cắt. Do đó, tôi đánh giá rất cao Hội nghị thượng đỉnh và Tuyên bố Bàn Môn Điếm.


Đáng chú ý, Tuyên bố 27/4 đã nêu rõ cam kết của Bắc Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa hoàn toàn, với nội dung: “Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là xây dựng một bán đảo Hàn Quốc không còn hạt nhân thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn.” Tuy nhiên, vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã không có nhiều bước tiến đáng kể trong hai năm qua. Các dự án hợp tác xuyên biên giới liên Triều cũng không đem lại thành tựu nổi bật, trái với mong đợi và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trước đó. 


Quan hệ Mỹ-Triều đã trải qua nhiều thăng trầm, bởi hai bên không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Tệ hơn, các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên vẫn tiếp diễn. Trong bối cảnh này, Bình Nhưỡng còn tuyên bố sẽ tạo ra bước đột phá trực diện để xây dựng nền kinh tế tự chủ mà không cần sự trợ giúp từ Mỹ hoặc Hàn Quốc. Đặc biệt, miền Bắc cực kỳ cảnh giác với việc phụ thuộc vào Hàn Quốc. Không có gì bất ngờ khi quan hệ liên Triều rơi vào bế tắc. Nhưng trước sự bùng phát toàn cầu của dịch COVID-19, Bắc Triều Tiên chắc chắn sẽ tìm kiếm một sự thay đổi. Nhân kỷ niệm năm thứ hai của Tuyên bố Bàn Môn Điếm, tôi nghĩ hai miền Nam-Bắc cần tìm một lối thoát mới.


Tại Hàn Quốc, đảng cầm quyền đã chiến thắng áp đảo trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 15/4 vừa qua, dự kiến sẽ giúp đẩy nhanh các chương trình hợp tác liên Triều, chủ yếu do Tổng thống Moon chỉ đạo. Nhờ nguồn ủng hộ chính trị mạnh mẽ, chính sách Bắc Triều Tiên của Phủ Tổng Thống Hàn Quốc có thể lấy lại được động lực. 


Giờ đây, khối cầm quyền đã được bảo đảm vững chắc hơn với 180 ghế Quốc hội, Chính phủ có quyền chỉ đạo các vấn đề Nhà nước và thúc đẩy chương trình nghị sự của Tổng thống. Tôi đoán trước tiên, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác chăm sóc sức khỏe với Bắc Triều Tiên. Các vấn đề nhân đạo hoặc kinh tế thường dễ tiếp cận hơn các vấn đề quân sự hoặc chính trị xét về hợp tác liên Triều. Trong bài diễn thuyết tại lễ kỷ niệm 101 năm Phong trào kháng Nhật giành độc lập (1/3/1919), Tổng thống Moon đã đề xuất hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và kiểm dịch. Tôi cho rằng miền Bắc đang rất cần sự giúp đỡ từ miền Nam. Vì vậy, hai bên có thể tiến hành một số chương trình hợp tác trong kiểm dịch. Sau đó, trao đổi song phương sẽ mở rộng dần sang lĩnh vực kinh tế, trao đổi nhân sự và nguyên vật liệu.


Hợp tác liên Triều trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nếu được triển khai sẽ giúp đẩy nhanh các tour du lịch khách lẻ Hàn Quốc tới Bắc Triều Tiên. Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm 20/4 thông báo sẽ tái kích hoạt dự án kết nối tuyến đường sắt xuyên biên giới. Đây là dự án khôi phục đoạn đường sắt nối thành phố Gangneung và ga Jejin (cùng thuộc tỉnh Gangwon), dọc tuyến phía Bắc của biển Đông, đang bị chững lại do vấn đề ngân sách. Nhưng giờ đây, Seoul đã quyết tâm giải quyết vấn đề này bằng cách công nhận đây là chương trình hợp tác và trao đổi liên Triều.

Căn cứ Tuyên bố Bàn Môn Điếm 2018, hai miền Nam-Bắc đã tổ chức lễ khởi công dự án kết nối đường sắt và đường bộ liên Triều tại ga Panmun ở Gaeseong vào tháng 12 cùng năm. Nhưng dự án đã bị đình chỉ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2/2019 tại Hà Nội không đi đến thỏa thuận, và quan hệ liên Triều cũng bị đóng băng.

Mặc dù Bình Nhưỡng đã cảnh báo cắt đứt quan hệ với Seoul trong năm nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang tìm kiếm bước đột phá trong quan hệ song phương sau khi phe Tổng thống Moon giành được quá bán số ghế nghị sĩ tại Quốc hội khóa XXI, và nhân kỷ niệm hai năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm. 


Seoul dự kiến sẽ tổ chức sự kiện đánh dấu quyết định kết nối tuyến đường sắt ven biển Đông vào ngày 27/4 tới đây. Tuyến đường này trải dài hơn 110 km từ Gangneung đến Jejin dọc theo bờ biển phía Đông. Nếu được công nhận là chương trình hợp tác liên Triều, dự án sẽ được miễn nghiên cứu khả thi sơ bộ. Seoul sẽ tiến hành khôi phục đoạn đường sắt phía Hàn Quốc trước, với hy vọng có thể kết nối lại tuyến đường phía Tây Gyeongui, cũng như mở rộng các chương trình hợp tác trong mảng du lịch và các lĩnh vực kinh tế khác. Bắc Triều Tiên đã nhận ra tầm quan trọng của việc kết nối lại các tuyến đường sắt bị gián đoạn. Vì vậy, khi mối quan hệ hai miền được cải thiện ở một mức độ nhất định, tôi tin dự án sẽ được triển khai thuận lợi.


Phản ứng tích cực của Bắc Triều Tiên là rất cần thiết cho bất kỳ dự án xuyên biên giới nào. Tuy nhiên cho đến nay, miền Bắc vẫn thờ ơ với các chương trình hợp tác do Hàn Quốc đề xuất. Do đó, không chắc chắn liệu các chương trình hợp tác liên Triều do phía Seoul thúc đẩy có diễn ra suôn sẻ hay không. Dịch COVID-19 cũng là một yếu tố có thể ảnh hưởng đến thái độ của Bắc Triều Tiên. Do hệ thống kiểm dịch kém, Bắc Triều Tiên khó có thể mở cửa ra thế giới bên ngoài cho đến khi dịch bệnh được dập tắt hoàn toàn. 


Vấn đề là các nước đi của Bắc Triều Tiên rất khó lường. Nền kinh tế nước này đang trong tình trạng tồi tệ, vì thương mại với Trung Quốc đã bị đình chỉ khoảng ba tháng do đại dịch COVID-19. Không chỉ chống chọi với dịch bệnh, Bình Nhưỡng còn đang vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đang trong tình trạng sức khỏe kém, có lẽ miền Bắc sẽ không phản ứng tích cực với bất kỳ đề xuất nào của Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại.

Trong một diễn biến liên quan, một chính quyền mới của Mỹ sẽ được thành lập vào tháng 1/2021. Cho dù Tổng Thống Trump có tái đắc cử hay không, Nhà Trắng sẽ thiết lập chính sách mới về Bắc Triều Tiên trong ít nhất một năm nữa. Trong giai đoạn này, miền Bắc sẽ rất cần hợp tác với miền Nam. Nắm bắt được tình hình này, Seoul cần theo dõi sát sao động thái của Bình Nhưỡng và nỗ lực chủ động để thúc đẩy Bắc Triều Tiên thay đổi thông qua hợp tác song phương. Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên sẽ chấp nhận một số đề xuất của Seoul trong quá trình này.


Khả năng cao là xung lực đối thoại sẽ được củng cố vào thời điểm kỷ niệm hai năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4. Ngày 18/4, các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Mỹ đã tái khẳng định cung cấp viện trợ nhân đạo đối phó dịch COVID-19 cho Bắc Triều Tiên. Nỗ lực nối lại đối thoại sẽ tiếp tục được duy trì. 


Hàn Quốc nên khuyến khích Bắc Triều Tiên tham gia các chương trình hợp tác liên Triều thông qua hỗ trợ nhân đạo và trao đổi cấp tư nhân. Tất nhiên, chúng ta cần sử dụng chiến lược hai hướng để vừa thuyết phục Bình Nhưỡng nối lại đối thoại, vừa gây áp lực trong trường hợp nước này có động thái khiêu khích. Khi miền Bắc đang gặp khó khăn, miền Nam cần giúp đỡ trên tinh thần nhân đạo và chỉ ra những hướng đi chung mới cho cả hai. Nếu Hàn Quốc nhận được phản ứng tích cực từ Bắc Triều Tiên trong quá trình này, quan hệ liên Triều sẽ có một bước ngoặt mới. Tổng thống Moon có thể tổ chức được một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo dựa trên sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng. Ông cần phải dẫn dắt quá trình nỗ lực đạt thỏa hiệp chính trị về vấn đề hạt nhân. Để đạt được điều này, Hàn Quốc phải kiên trì đề xuất viện trợ nhân đạo và hợp tác kinh tế với Bắc Triều Tiên.


Trong bối cảnh này, nhiều suy đoán cho rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un có thể đang trong tình trạng nguy kịch sau phẫu thuật. Tuy nhiên, Phủ Tổng thống Hàn Quốc bác bỏ điều này, khẳng định sức khỏe của nhà lãnh đạo miền Bắc không có dấu hiệu bất thường nào.

Trong bài phát biểu kỷ niệm hai năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm 27/4/2018, Tổng thống Moon có thể sẽ đưa ra một số đề xuất, bao gồm cả việc cung cấp vật tư kiểm dịch của Seoul cho Bình Nhưỡng.

Lựa chọn của ban biên tập