Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Tòa án Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên bồi thường vụ bắt giữ tàu Pueblo năm 1968

2021-03-04

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Truyền thông Mỹ như Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 25/2 (giờ địa phương) đưa tin Tòa án liên bang Washington đã ra phán quyết yêu cầu Bắc Triều Tiên bồi thường 2,3 tỷ USD cho gia đình thuyền viên tàu thu thập thông tin Pueblo của Hải quân Mỹ bị nước này bắt giữ năm 1968. Trên nguyên tắc, Chính phủ Mỹ cấm các vụ kiện chống lại Chính phủ các nước khác, song một Chính phủ nước ngoài vẫn có thể bị kiện ra tòa án Mỹ nếu Chính phủ nước đó được cho là đã tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố. Nhờ vậy, gia đình các nạn nhân bị miền Bắc bắt cóc vẫn có thể tiến hành khởi kiện tại Mỹ. Sau đây, nhà bình luận chính trị Lee Jong-hoon sẽ giải thích chi tiết sự việc.

 

Ngày 23/1/1968, tàu thu thập thông tin của Hải quân Mỹ mang tên Pueblo đã bị bắt giữ trên vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông của Bắc Triều Tiên sau khi bị nước này dùng 4 tàu tuần tra và hai máy bay chiến đấu MiG đe dọa. Căng thẳng gia tăng khi Mỹ triển khai tàu sân bay hạt nhân Enterprise. Để các thuyền viên sớm được phóng thích, Mỹ chấp nhận yêu cầu ký văn bản xin lỗi vì đã xâm phạm lãnh hải của miền Bắc. Theo đó, 82 thuyền viên và hài cốt của một thành viên thủy thủ đoàn đã được trả về vào tháng 12 cùng năm. Các thuyền viên cho biết họ đã bị tra tấn khắc nghiệt trong thời gian bị giam giữ ở miền Bắc.

 

Tàu Pueblo hiện vẫn còn lưu lại Bắc Triều Tiên mặc dù Chính phủ Mỹ đã trả một khoản tiền bồi thường lớn để đổi lấy tự do cho các thuyền viên. Con tàu được neo đậu dọc theo sông Daedong (Đại Đồng) ở Bình Nhưỡng và được sử dụng làm bảo tàng tuyên truyền.

 

Nguyên tắc của Mỹ là không bao giờ đàm phán với các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Washington đã làm tất cả những gì có thể, kể cả tham gia vào các cuộc đàm phán nhục nhã, để đưa các thuyền viên đang bị tra tấn về nước. Lợi dụng cơ hội này, Bắc Triều Tiên tự hào tuyên bố đã đạt được thành tích đáng kể trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ và Bình Nhưỡng thậm chí đã nhận được lời xin lỗi từ Washington. Miền Bắc neo đậu tàu Pueblo dọc theo sông Đại Đồng, nơi tàu General Sherman của Mỹ bị các binh sĩ Joseon đốt cháy và đánh chìm vào năm 1866. Bình Nhưỡng thậm chí còn tuyên bố việc phá hủy tàu General Sherman là do ông cố nội của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành chỉ huy.

 

Tháng 2/2018, các thuyền viên tàu Pueblo và gia đình đã đệ đơn kiện Bắc Triều Tiên lên Tòa án liên bang Mỹ. Tòa án phán quyết miền Bắc phải bồi thường 776,03 triệu USD cho 49 thuyền viên sống sót, 200,25 triệu USD cho 90 người thuộc gia đình các thuyền viên này và 179,21 triệu USD cho 31 người thân của các thuyền viên đã qua đời. Tính gộp cả khoản phạt 1,15 tỷ USD, Bắc Triều Tiên phải trả tổng cộng 2,3 tỷ USD. Đây là số tiền bồi thường lớn nhất từ trước đến nay mà Tòa án Mỹ từng phán quyết cho miền Bắc.

 

Ban đầu, các nạn nhân và gia đình yêu cầu khoản tiền bồi thường là 6 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với số tiền mà Tòa án liên bang Mỹ đưa ra. Tòa án tính toán khoản bồi thường cho mỗi thuyền viên là 3,35 triệu USD, tức khoảng 10 nghìn USD mỗi ngày cho 335 ngày họ bị giam giữ. Tòa án liên bang cũng xem xét các tổn thương về tinh thần mà các nạn nhân phải gánh chịu trong 50 năm qua do bị tra tấn. Cộng thêm các khoản bồi thường thiệt hại kinh tế, đây trở thành số tiền bồi thường cao nhất từ trước tới nay của một vụ kiện về Bắc Triều Tiên.

 

Tuy nhiên, có rất ít khả năng Bắc Triều Tiên chấp nhận phán quyết và chi trả tiền bồi thường. Bình Nhưỡng đã không cử người tới trình diện và phiên tòa được xử dưới hình thức “phiên tòa vắng mặt”, nên tòa án đưa ra phán quyết chỉ dựa trên lập luận của nguyên đơn. Vào năm 2019, Tòa án Mỹ từng ra phán quyết yêu cầu miền Bắc bồi thường 500 triệu USD cho gia quyến của sinh viên Otto Frederick Warmbier, người bị nước này giam giữ trong 17 tháng và qua đời chỉ 6 ngày sau khi được trao trả về nước hồi tháng 6/2017. Tuy nhiên, khi đó miền Bắc đã không thực hiện phán quyết nên lần này, Bình Nhưỡng có thể sẽ có động thái tương tự với vụ tàu Pueblo.

Bắc Triều Tiên ít có khả năng trực tiếp trả tiền bồi thường. Tuy nhiên, Mỹ hoàn toàn có thể tịch thu tài sản của miền Bắc ở nước ngoài. Trên thực tế, gần đây có nhiều trường hợp Chính phủ Mỹ tịch thu tài sản của miền Bắc hoặc các tài sản vi phạm lệnh trừng phạt đối với nước này để trả cho các nạn nhân. Vào năm 2019, gia đình sinh viên Warmbier đã được trao quyền sở hữu con tàu Wise Honest của Bắc Triều Tiên, vốn bị Mỹ bắt giữ vì vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế.

 

Một phần tài sản của Bắc Triều Tiên ở nước ngoài đã bị đóng băng do các lệnh trừng phạt quốc tế. Sau phiên tòa về sinh viên Warmbier, Tòa án Mỹ đã ban hành "lệnh bảo vệ" yêu cầu ba ngân hàng tại Mỹ tiết lộ thông tin về các khoản tiền bị đóng băng của Bắc Triều Tiên cho gia quyến nạn nhân. Gia đình sinh viên Warmbier có thể theo dõi và thu giữ tài sản của miền Bắc tại Mỹ và các nơi khác trên thế giới. Do đó, gia đình các thuyền viên tàu Pueblo cũng có thể làm điều tương tự để thu được khoản tiền bồi thường.

 

Một số người suy đoán phán quyết của Tòa án liên bang Washington liên quan đến vụ bắt giữ tàu Pueblo có thể gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ Mỹ-Triều, vốn đã trở nên căng thẳng kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai tại Hà Nội vào năm 2019 không đạt được kết quả. Nhiều người cũng thắc mắc liệu Mỹ có sử dụng vụ kiện để áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên hay không.

 

Ông Lee Jong-hoon không cho rằng phán quyết lần này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Mỹ-Triều. Mỹ có hệ thống “tam quyền phân lập”, bao gồm ba cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp hoạt động độc lập, nên Chính phủ Washington sẽ không phải chịu trách nhiệm về quyết định của Tòa án liên bang nước này. Đồng thời, Mỹ có thể yêu cầu miền Bắc trả lại tàu Pueblo, trên danh nghĩa vẫn là một tàu thuộc biên chế của Hải quân Mỹ. Theo Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young, việc trả lại tàu Pueblo có thể tạo ra một bước đột phá cho quan hệ Mỹ-Triều.

 

Năm 2008, Tổng thống Mỹ Joe Biden, khi đó đang giữ ghế Thượng nghị sĩ, đã ủng hộ một nghị quyết kêu gọi đưa tàu Pueblo hồi hương, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của ông đến vấn đề này. Chúng ta hãy cùng chờ xem phán quyết của Tòa án liên bang Washington về vụ bắt giữ con tàu xấu số này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập