Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Họa sĩ trừu tượng Lee Kang-wook mở chân trời mới cho mỹ thuật Hàn Quốc

2016-01-19

Ngày 7/1, cái rét của ngày đông trở gió khiến cho dòng người dường như hối hả hơn để mau chóng trở về nhà. Thế nhưng, mặc cho thời tiết giá lạnh ấy, phòng trưng bày Arario nằm trên một con phố của phường Samcheong, quận Jongno, Seoul, vẫn tấp nập người đến để gặp gỡ họa sĩ tranh trừu tượng Lee Kang-wook vừa trở về sau bảy năm du học tại Anh.

Lee Kang-wook – Làn gió mới của nghệ thuật trừu tượng

Họa sĩ tranh trừu tượng Lee Kang-wook sinh năm 1976 và tốt nghiệp hệ Cao học trường Đại học Hongik (ngôi trường nổi tiếng về đào tạo mỹ thuật tại Hàn Quốc) vào năm 2001. Anh được biết đến là một nghệ sĩ mới nổi trong giới hội họa trừu tượng khi đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật lớn trong nước như Giải nhất “Cuộc thi hội họa toàn quốc” năm 2001, Giải thưởng mỹ thuật Donga tại “Lễ hội nghệ thuật Donga” năm 2002 và Giải đóng góp trong chuỗi giải thưởng Mỹ thuật Songeun năm 2003. Từ đó, Lee Kang-wook trở thành tâm điểm chú ý của các nhà sưu tầm tranh đến mức mọi tác phẩm trưng bày trong các triển lãm của anh đều được bán hết. Điều gì đã khiến một họa sĩ trẻ mới hơn ba mươi tuổi lại có sức ảnh hưởng lớn trong ngành hội họa trừu tượng đến vậy? Giáo sư Jung Yeon-shim thuộc Khoa nghệ thuật trường Đại học Hongik cho biết: “Tranh của Lee Kang-wook mô phỏng một phần cơ thể hay tế bào mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trường phái nghệ thuật trừu tượng cực kỳ chú trọng đến yếu tố mang tính nội tâm, tinh thần. Tuy nhiên, tác phẩm của họa sĩ Lee Kang-wook lại chứa đựng những yếu tố vừa vô hình lại vừa hữu hình giúp người xem tiếp cận dễ dàng hơn”.

Hội họa trừu tượng là trường phái nghệ thuật khó hiểu đối với những người không chuyên. Tuy tác phẩm của Lee Kang-wook khắc họa thế giới rất nhỏ bé mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng vẫn luôn có sẵn lời giải đáp cho muôn vàn câu hỏi trong thế giới kỳ diệu ấy. Chúng mang lại cảm giác thân thuộc cho công chúng như đã từng được nhìn thấy ở đâu đó. Chính sự đồng cảm ấy đã chinh phục được những nhà sưu tầm tranh khó tính ngay trong lần triển lãm đầu tiên. Lên đường sang Anh Quốc du học vào năm 2007, đến năm 2015 vừa qua, họa sĩ Lee Kang-wook hoàn thành khóa Tiến sĩ ngành Nghệ thuật tại trường Đại học Đông London và trở về quê nhà Hàn Quốc. Đánh dấu sự trở về sau bảy năm bằng các tác phẩm theo phong cách mới, tài năng của họa sĩ Lee Kang-wook vẫn được đánh giá cao như ngày nào và nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ phía người xem. Một số khách tham quan chia sẻ: “Có lúc tôi như được nhìn ngắm cả vũ trụ bao la, lúc như lạc vào thế giới đầy ảo ảnh. Mỗi tác phẩm lại mang đến cho tôi cảm nhận khác nhau. Khi nhìn kỹ các bức tranh, những chấm tròn như hạt kê này lại giống phân tử tế bào của cơ thể con người. Tôi cho rằng đây là phong cách nghệ thuật rất độc đáo chỉ có ở họa sĩ Lee Kang-wook”. “Một số người nói rằng những bức tranh của Lee Kang-wook từ trước đến nay mang tính trang trí, nhưng tôi chỉ muốn dành một từ cho chúng, đó là “đẹp”. Tôi chắc rằng ngay cả những người không am hiểu về mỹ thuật cũng sẽ có cùng cảm nhận như tôi”. Có người lại có cảm nhận rằng: “Tôi như lạc vào một thế giới khác, giống như thế giới của tương lai vậy, nơi mà tôi chưa từng đặt chân đến. Cảm giác như mình đang ở thế giới của những bộ phim khoa học viễn tưởng như “Hố đen tử thần” (Interstella) hay “Người về từ sao hỏa” (The Martian). Thật là thú vị”.



Hội họa dường như là vận mệnh đã định sẵn cho Lee Kang-wook. Với tính cách có phần nhút nhát khi còn nhỏ, cậu bé Lee Kang-wook chỉ cần vài chiếc bút sáp màu và quyển vở tập vẽ để tận hưởng niềm vui thích, thay vì nô đùa với bạn bè cùng trang lứa. Anh kể về tuổi thơ của mình: “Tôi đam mê vẽ từ khi còn bé, nên cho đến bây giờ tôi cũng không có nhiều bạn bè. Mỗi khi có ai hỏi tôi về sau muốn làm gì, tôi đều nói rằng mình muốn trở thành họa sĩ. Tôi bắt đầu vẽ từ năm sáu tuổi và khi học tiểu học tôi được các họa sĩ nổi tiếng hướng dẫn riêng tại phòng làm việc của họ”.

Phong cách tiếp cận độc đáo

Không chút hoài nghi về mơ ước trở thành họa sĩ của mình, khi lớn lên, chàng trai mang họ Lee ấy theo học tại khoa Hội họa của trường Đại học Hongik và say sưa với đam mê vẽ tranh mỗi ngày. Anh đưa cả thế giới hiện ra trước mắt vào trong các bức vẽ. Bước sang năm thứ ba đại học là lúc anh phải quyết định hướng đi cụ thể cho bản thân, giáo sư đã đưa ra chủ đề “Tôi là ai?” và yêu cầu sinh viên thể hiện cái “tôi” ấy vào bức vẽ của mình. Khi đó, Lee Kang-wook đã lựa chọn vẽ tế bào của cơ thể con người. Họa sĩ nói: “Tôi tiếp cận hội họa theo khía cạnh sinh học. Đó là các tiểu thể tế bào, thành phần tạo nên thể chất con người. Tôi cho rằng trong đó chứa những thông tin xác định cơ thể tôi của hiện tại và tương lai. Vì vậy, tôi bắt đầu thực hiện các bức vẽ lấy chủ đề là tế bào, đơn vị phân tử nhỏ nhất của cơ thể. Trong không gian tưởng chừng vô cùng nhỏ bé ấy là cả một thế giới bao la, rộng lớn hiện ra trước mắt tôi. Nhờ thế, từ mong muốn khám phá một phần bản thân, tôi đã dần chuyển hướng sang nghiên cứu về không gian”.

Các tế bào nhìn qua kính hiển vi không ngừng chuyển động và phân chia. Khi nhìn những tiểu thể tế bào của cơ thể con người ấy, Lee Kang-wook tưởng tượng đến cả không gian vũ trụ rộng lớn. Anh muốn đưa khung cảnh ấy vào bức vẽ của mình một cách đầy đủ và nguyên vẹn. Họa sĩ Lee Kang-wook đã vẽ rất tinh tế các vòng tròn nhỏ đa dạng giống như hạt kê hay các phân tử hữu cơ của tế bào cơ thể người. Anh mô phỏng tế bào tương đương với kích thước khi nhìn dưới kinh hiển vi, đồng thời trang trí thêm đá Cubic Zirconia nhỏ lấp lánh để tạo ra không gian giống như vũ trụ. Các bức tranh của Lee Kang-wook đều có đối tượng cụ thể và chủ đề rõ ràng giúp cho người xem hiểu rõ hơn về tác phẩm. Đây có thể coi là bước thử nghiệm cũng như thử thách đối với trường phái trừu tượng thuần túy hiện nay. Thử thách táo bạo của Lee Kang-wook đã được chào đón qua các cuộc thi tranh mà anh tham gia. Anh nói: “Việc mang tranh đi dự thi coi như là bước đầu tiên để khởi đầu sự nghiệp. Tôi rất may mắn đoạt giải ở tất cả các cuộc thi mà tôi tham gia chỉ trong vòng một, hai năm khi còn đi học đại học. Tôi là sinh viên khóa 1997, thời kỳ nền kinh tế Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, vì thế không có nhiều không gian cho các nghệ sĩ hoạt động. Tất cả các phòng tranh đều đóng cửa, nên sau khi tôi tốt nghiệp, điều kiện hoạt động rất khó khăn. Khi đó, các cuộc thi là lựa chọn duy nhất của tôi”.



Niềm vui không trọn vẹn

Lee Kang-wook khởi đầu thành công sự nghiệp họa sĩ khi đạt giải ở nhiều cuộc thi về mỹ thuật, từ đó tác phẩm của anh trở nên đắt giá. Số dư trong tài khoản tăng dần khiến anh nghĩ chẳng mấy chốc mình sẽ trở nên giàu có. Rồi đến một ngày, người họa sĩ đặt dấu chấm hỏi về sự nghiệp của mình. Lee kang-wook chia sẻ: “Một hôm tôi cảm thấy trống trải dù tôi vẫn vẽ tranh, các tác phẩm của tôi vẫn có người mua và số tiền trong tài khoản vẫn tăng lên. Tôi làm bạn với rượu mỗi đêm, rồi có khi gặp bạn bè là cãi nhau rồi chỉ trích nhau ta chỉ là thợ thủ công không hơn không kém. Cứ như thế, hàng ngày tôi đến phòng làm việc trong bộ dạng say xỉn và thực hiện công việc mà tôi phải làm. Tôi vẽ một cách miễn cưỡng vì tôi phải nộp tác phẩm cho phòng trưng bày đúng hạn”.

Điều khiến anh bị sốc hơn là khi tổ chức triển lãm cá nhân hay tham dự hội chợ nghệ thuật, không chỉ những bức tranh đã trưng bày được bán hết mà có những tác phẩm được đặt mua ngay cả khi tác giả thậm chí chưa đặt lên nét vẽ nào. Anh kể rằng: “Khi tổ chức triển lãm cá nhân, họa sĩ sẽ chuẩn bị sẵn các tác phẩm, mời các nhà báo và những người làm mỹ thuật. Có lần khi tôi chuẩn bị đem tranh ra trưng bày thì nhận được thông báo là 30 tác phẩm của mình tại triển lãm đã có người đăng ký. Điều khiến tôi khó hiểu là họ mua tranh của tôi dù chưa hề được nhìn thấy tranh, chẳng khác gì họ mua một tờ giấy trắng. Nó khiến tôi cảm thấy rằng họ không cần quan tâm xem khả năng tôi thế nào hay chất lượng tác phẩm tôi ra sao, và những đứa con tinh thần của tôi chỉ là đồ vật không hơn không kém”.

Tìm lại đam mê

Lee Kang-wook cảm thấy mệt mỏi với những người sưu tầm tranh vì mục đích kinh doanh thu lợi nhuận. Anh quyết định tạm ngừng hoạt động nghệ thuật một thời gian. Sau hai tháng gác bút vẽ, họa sĩ lên đường đến Anh du học.

Dù đã đăng ký vào học, nhưng Lee Kang-wook di du lịch trong vòng một năm, và anh tìm lại được sự tự do trong tâm hồn. Sau suốt một năm rong chơi, bước chân anh tự tìm đến các phòng trưng bày mỹ thuật lúc nào không hay. Người họa sĩ nói rằng: “Họa sĩ phải có hứng thú trong công việc mới có thể ngồi 12 tiếng đồng hồ để sáng tác. Bản thân việc vẽ tranh chính là thú vui của người họa sĩ. Vì thế tôi bắt đầu thấy chán sau khi nghỉ ngơi trong suốt thời gian dài. Tôi bắt đầu đi tìm mua giấy vẽ và đến tham quan các phòng trưng bày”.

Anh quay lại trường Đại học nghệ thuật và Thiết kế Chelsea, London, sau một năm dài nghỉ ngơi. Có một giáo sư đã cho anh điểm số thấp nhất vừa đủ để đỗ. Điều đó đã khiến Lee Kang-wook tỉnh ngộ. Anh chia sẻ: “Đó là người thầy mà tôi không bao giờ quên và đến bây giờ tôi vẫn giữ liên lạc. Có lần thầy nhìn tôi và hỏi tại sao tôi phải lặn lội đến tận London để vẽ tranh. Thầy còn hỏi đâu là mối quan tâm thực sự của tôi và những thứ tôi vẽ rốt cuộc là có ý nghĩa gì. Thầy luôn nhấn mạnh rằng làm những gì bản thân muốn hoặc thử sức những điều mới có thể phản ánh được cái “tôi”. Thầy nói rằng: “Em không bao giờ được dừng lại mà phải luôn luôn làm mới mình, đó chính là lý do em có mặt tại đây”. Chính vì những lời dạy của thầy mà tôi có cơ hội để nhìn lại bản thân mình”.

Họa sĩ Lee Kang-wook tự vấn rằng đâu là mối quan tâm thực sự của anh, vẽ tranh là gì và tại sao anh lại đến với hội họa. Thế rồi, anh quyết định dồn hết tâm huyết lên bề mặt vải bố (Canvas). Đó là bức tranh mang tên “Gesture” (Cử chỉ) được giới thiệu trong triển lãm lần này. Họa sĩ Lee giới thiệu về tác phẩm của mình: “Tôi thực hiện tất cả những công đoạn như sơn, chà xát, trộn, pha màu, tẩy màu rồi đổ màu lên. Tôi cũng dùng bút vẽ và đặt những nét chấm lên bức tranh. Tất cả tạo thành một bức tranh nhiều lớp, một không gian vô hạn khi nhìn từ xa bằng vô số tông màu đậm nhạt khác nhau. Những người làm họa sĩ cần phải có sự chuyển động cơ thể như vậy khi thực hiện tác phẩm của mình. Và tôi muốn cho người xem thấy chúng quan trọng như thế nào thông qua tác phẩm này”.



“Thế giới mới – không gian đối nghịch”

Trên nền giấy vải Canvas trắng, họa sĩ Lee Kang-wook đã sơn, vảy, vẽ, chà, xát, chấm màu… Và điều đặc biệt, anh chỉ lựa chọn duy nhất một màu cho một bức vẽ của mình, thay đổi tông màu từ nhạt đến đậm. Tác phẩm “Gesture” (Cử chỉ) như thoát ra khỏi tầm nhìn của anh trước đó vốn chứa đựng thế giới của những tế bào nhỏ dưới kinh hiển vi và cả vũ trụ bao lao, rộng lớn. Vì vậy, chủ đề chính của triển lãm lần này mang tên “Thế giới mới - không gian đối nghịch”. Giám đốc phòng trưng bày Arario bà Joo Yeon-hwa giải thích thêm: “Tranh của họa sĩ Lee Kang-wook chứa đựng không gian bao quát như vũ trụ và phân tử nhỏ nhất của cơ thể con người là tế bào. Trọng tâm trong tác phẩm của anh là sự hòa hợp giữa hai yếu tố đó. Hai thế giới dường như không thể cùng tồn tại này lại tạo nên sự kết hợp hoàn hảo trên cùng mặt vải vẽ. Vì vậy, chúng tôi thể hiện điều này qua cụm từ “không gian đối nghịch”. Còn cụm từ “thế giới mới” phản ánh rằng Lee Kang-wook là nghệ sĩ của sự sáng tạo, người đã tạo ra trường phái nghệ thuật trừu tượng mới. Đó là lý do vì sao chúng tôi chọn chủ đề của triển lãm là “Thế giới mới - không gian đối nghịch”.

Những bức vẽ với nền xanh lam, hồng, tím, xanh lá cây hay nâu tạo cảm giác hình ảnh lộng lẫy khi nhìn từ xa. Cả một vườn hoa xuân như hiện lên trước mắt người xem dù trong bức tranh không hề có bông hoa nào. Vô số những tế bào được họa sĩ Lee Kang-wook thể hiện một cách tài tình như vườn hoa rực rỡ đầy sức sống. Sự thay đổi trong phong cách ấy khiến người xem cảm nhận được nỗ lực và nhiệt huyết của tác giả. Ông Jeong Gu-ho, nhà sưu tầm tranh cho biết: “Tôi sưu tập tranh của họa sĩ Lee Kang-wook ngay từ những ngày đầu. Tôi nhận thấy rằng tác phẩm lần này có sự thay đổi lớn với phương thức biểu hiện mới lạ chưa từng có trước đây. Trong bức tranh được tạo nên bằng những nét vảy sơn này, tôi cảm nhận được những cố gắng và sự thử nghiệm không ngừng của họa sĩ Lee Kang-wook nhằm thể hiện sự biến đổi đa dạng của tông màu”.

Bài học từ khách hàng đầu tiên

Trong quá trình chuẩn bị cho triển lãm trước khi về nước, họa sĩ Lee Kang-wook luôn ám ảnh về câu nói của vị khách đầu tiên đã mua bức tranh của anh với giá 3 triệu won (tương đương gần 2.900 USD theo tỷ giá hiện nay). Anh kể lại: “Khi nhắc đến người sưu tập tranh, nhiều người thường nghĩ đến người giàu có, sung túc. Nhưng khách hàng đầu tiên của tôi lại là một người chế biến và bán đồ ăn cho công nhân tại công trường xây dựng. Khi đó, ông ấy đã mời tôi đến dừng bữa tại một nhà hàng nhỏ. Cuộc hẹn đó giúp tôi nhận ra nhiều điều. Vì mới vào nghề nên khi đó tôi còn khá ngạo mạn. Trong bữa ăn, tôi đã nói gì đó lỡ lời và ông ấy bảo rằng: “Mặc dù tôi không phải là người học rộng tài cao, nhưng tôi tự tin là mình nấu ăn giỏi và ngon không kém cạnh ai”. Ngay khi nghe câu nói ấy, tôi có cảm giác như mình vừa bị mắng. Ông ấy muốn nói với tôi rằng mỗi người nên chuyên tâm vào việc của mình, cũng như người họa sĩ cần chuyên tâm vào việc vẽ tranh”.

Vị khách hàng đầu tiên của họa sĩ Lee Kang-wook hiện nay đang kinh doanh nhà hàng tại khu phố Sinchon, phía Tây Seoul. Một người tự tin về tài nấu nướng từng bán cơm tại công trường xây dựng nay đã trở thành chủ nhà hàng. Và lời điều ông nói đã đúng, rằng họa sĩ chỉ cần chuyên tâm vào việc vẽ tranh để cho ra đời những tác phẩm đẹp. Anh Lee Kang-wook nói tiếp: “Họa sĩ là người vẽ tranh. Niềm hạnh phúc của họa sĩ là tạo ra những tác phẩm hội họa. Vì thế, tôi mong muốn trở thành họa sĩ khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê hội họa của mình thật lâu dài”.

Ước mơ của Lee Kang-wook đơn giản là có được sự khỏe mạnh về thể chất và tinh thần để có thế tiếp tục sự nghiệp hội họa lâu dài. Chúng ta hãy cùng dõi theo họa sĩ Lee Kang-wook và chờ đón những thế giới mới mà anh sáng tạo trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập