Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Lee Jong-beom, tác giả bộ truyện tranh trực tuyến “Dr. Frost”

2016-01-26

Hôm 6/1 vừa qua, tại phòng trải nghiệm sáng tác webtoon, hay còn gọi là “truyện tranh trực tuyến” thuộc Cơ quan Hình ảnh hoạt hình Hàn Quốc (Komacon) ở thành phố Bucheon, tỉnh Gyeonggi (phía Tây Bắc Hàn Quốc) đã diễn ra buổi hội thảo về sáng tác truyện tranh trực tuyến. Người thuyết giảng trong sự kiện này chính tác giả Lee Jong-beom, cha đẻ của tác phẩm nổi tiếng mang tên Dr.Frost (Tiến sĩ Frost).



Sử dụng hiệu quả phần mềm 3D SketchUp cho sáng tác
Lee Jong-beom là người đã sáng tác truyện tranh trực tuyến đầu tiên lấy nhà tâm lý học làm nhân vật chính. Hiện nay anh đang tiếp tục cho ra đời mùa thứ ba của bộ truyện dài kỳ “Dr. Frost”. Trong buổi trao đổi kinh nghiệm lần này, anh đã giới thiệu về cách sử dụng phần mềm thiết kế 3D SketchUp. Giáo sư Han Chang-wan thuộc Khoa phim hoạt hình của trường Đại học Sejong cho biết: “Khác với phương pháp truyền thống là scan các trang truyện rồi đăng tải trên mạng, phần mềm thiết kế 3D SketchUp là bản vẽ kỹ thuật số. Người họa sĩ vẽ, tô màu trực tiếp lên màn hình kỹ thuật số và xử lý bằng hiệu ứng đặc biệt. Điều này giúp cho các tác giả tiết kiệm thời gian trong việc vẽ tranh, phân cảnh và liên kết truyện. Theo tôi, họa sĩ Lee Jong-beom là người sử dụng phần mềm này hiệu quả nhất nên các buổi giảng về SketchUp của anh luôn chật kín người nghe”.

Với thời lượng hội thảo chỉ vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ, vẫn có rất nhiều người háo hức được lắng nghe thêm chia sẻ kinh nghiệm của bản thân họa sĩ truyện tranh trực tuyến Lee Jong-beom. Các học viên nói rằng: “Tôi cũng sử dụng phần mềm thiết kế 3D SketchUp nhưng chưa thực sự hiểu rõ về nó. Tác giả Lee Jong-beom vừa viết sách lại có những bài giảng thú vị về lĩnh vực này nên tôi đến đây với mong đợi sẽ tiếp thu được kiến thức một cách có hệ thống”. “Ngoài kiến thức kỹ thuật nhưng tôi cũng tò mò xem các tác giả có bí quyết gì đặc biệt để có được ý tưởng khi sáng tác truyện hay phân cảnh kịch bản”.

Lee Jong-beom – tài năng thiên bẩm
Để giải đáp mọi thắc mắc của những người tham dự, cần phải có kinh nghiệm dày dặn trong nghề, nhưng tác giả Lee Jong-beom mới hoạt động trong lĩnh vực truyện tranh trực tuyến được bảy năm. Tuy nhiên, điều này không làm anh ngần ngại trả lời các câu hỏi của học viên. Giáo sư Han Chang-wan Khoa phim hoạt hình trường Đại học Sejong nói thêm: Lee Jong-beom là người tài năng trong số các tác giả truyện tranh mạng của Hàn Quốc. Điều thú vị hơn là anh còn có kinh nghiệm giảng dạy tại trung tâm tiếng Anh lại vừa là nghệ sĩ nhạc jazz, dù chưa từng đi học tại nước ngoài cũng như chưa bao giờ học về nhạc jazz. Tất cả đều do anh tự học và tự tích lũy. Việc vẽ tranh cũng vậy. Trong số nhiều tác giả trẻ, Lee Jong-beom có ý tưởng phong phú, và rất chỉn chu trong khai thác các chủ đề.

Lee Jong-beom ra mắt bạn đọc cuốn truyện tranh trực tuyến đầu tiên vào năm 2009, đó là truyện “Bà hoàng đầu tư” viết về kỹ năng đầu tư. Năm 2011, anh cho ra đời bộ truyện dài kỳ kể về nhà tâm lý học thiên tài mang tên Dr. Frost khiến người đọc phải kiểm tra lại trạng thái tâm lý của chính bản thân mình. Từ chủ đề tâm lý mang tính chuyên môn cứng nhắc, tác giả đã biến hóa thành nội dung hấp dẫn qua bộ truyện này. “Dr. Frost” đã được nhận “Giải truyện tranh trực tuyến” do độc giả bình chọn, đồng thời được nhận bằng khen do Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch trao tặng trong Lễ trao giải sáng tạo nội dung Hàn Quốc năm 2012. Và đến nay, tác phẩm này vẫn giúp hàn gắn lại vết thương tâm lý của bạn đọc.



Tuổi thơ đam mê với truyện tranh
Một sự việc diễn ra đã khiến cậu bé Lee Jong-beom lúc đó mới tám tuổi, quyết tâm trở thành người sáng tác truyện tranh. Anh nhớ lại: “Hồi đó tôi chỉ vẽ theo một bức tranh trong truyện “Dragon Ball” (Bảy viên ngọc rồng) của Nhật Bản, nhưng bạn bè của tôi lại tranh giành nhau bức vẽ đó. Phản ứng đó đủ để một đứa trẻ lên tám như tôi có thể đặt cược cả cuộc đời vào việc vẽ truyện tranh. Lời khen ngợi cũng như sự yêu mến của những người xung quanh là rất quan trọng với một đứa trẻ và cậu bé có thể dành trọn thời gian vào những việc mà người xung quanh muốn ở mình”.

Sau khi Lee Jong-beom vẽ bức tranh trong truyện “Bảy viên ngọc rồng” cho bạn bè của mình, cậu say sưa với thú vui vẽ tranh hàng ngày. Lớn lên, em bắt đầu băn khoăn, cảm thấy việc đến trường là vô nghĩa. Cậu thiếu niên Lee Jong-beom đã mang theo những bức vẽ của mình tìm đến các họa sĩ để học hỏi với ước muốn trở thành tác giả vẽ truyện tranh. Nhưng những lời nhận xét lại không như cậu mong đợi: “Thầy nói rằng nó không phải là truyện tranh mà chỉ đơn giản là những bức vẽ. Vì truyện tranh phải có nội dung và để viết nên câu chuyện cần phải hiểu biết và học hỏi nhiều thứ. Khi đó, tôi còn là học sinh cấp hai và lời nhận xét này trở thành nguồn động lực khiến tôi nghĩ mình cần học hành chăm chỉ hơn”.

Nhờ lời khuyên ấy mà cậu bé Lee Jong-beom quyết định quay trở lại trường học. Lên cấp ba, cậu may mắn có cơ hội đến với câu lạc bộ truyện tranh. Họa sĩ truyện tranh Lee Jong-beom kể tiếp: “Câu lạc bộ truyện tranh thôi thúc tôi đến trường mỗi ngày. Đảm nhận vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ, tôi thấy mình thực sự đang được sống. Vẽ tranh, viết truyện, trưng bày triển lãm là lý do tôi đến trường. Tôi liên hệ tất cả các môn học với truyện tranh. Ví dụ như môn lịch sử sẽ cần đến khi vẽ truyện cổ trang, hay như môn khoa học sẽ giúp ích cho tôi khi vẽ về đề tài khoa học viễn tưởng… Nhờ đó, tôi phát huy được hết năng lực của mình. Tôi tin rằng mọi thứ mà mình học đều sẽ có ích cho việc vẽ truyện tranh”.

Có thể nói rằng học chính là phương tiện để Lee Jong-beom dấn thân vào con đường vẽ truyện tranh chứ không phải mục đích đỗ đại học. Nhưng kết quả vẫn là nhờ truyện tranh mà cậu bé Lee đã học hành chăm chỉ và cuối cùng đỗ vào Khoa Tâm lý học của trường Đại học Yonsei, một trong những trường danh tiếng nhất tại Hàn Quốc.



Chuyển hướng từ truyện tranh sang âm nhạc
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà Lee Jong-beom đã không vẽ truyện trong suốt bảy năm kể từ sau khi nhập học đến khi nhập ngũ, giải ngũ, và tốt nghiệp đại học. Anh giải thích: “Có lẽ do khi đó tôi cảm thấy mệt mỏi. Tôi đã dành trọn những năm tuổi thơ của mình cho truyện tranh, nhưng khi lên đến đại học, tôi mới phát hiện ra còn có thứ khác hấp dẫn không kém và thậm chí là hơn cả truyện tranh. Đó là âm nhạc. Tôi mê âm nhạc khi còn học cấp ba và nghĩ sẽ sáng tác truyện tranh về âm nhạc. Tôi chưa từng nghĩ mình có năng khiếu vẽ truyện tranh, nhưng khi học nhạc tôi lại có cảm giác mình giống như một thiên tài vậy. Âm nhạc đem lại niềm vui cho tôi, vì thế tôi chơi nhạc mỗi ngày. Chỉ sau vài tháng, tôi hoàn toàn say sưa với âm nhạc mà quên mất rằng truyện tranh là lý do khiến tôi bắt đầu chơi nhạc”.

Có lẽ đó là sự chia tay với truyện tranh một cách tự nhiên đối với Lee Jong-beom để chuyển sang âm nhạc. Rồi đến một ngày, anh thay đổi suy nghĩ khi bắt gặp ánh mắt của khán giả khi đang biểu diễn cùng nhóm nhạc của mình. Anh kể lại rằng: “Tôi chỉ đắm chìm trong niềm vui thích của bản thân mà không hề nghĩ đến cảm giác của người đến xem rằng họ có thích phần biểu diễn của chúng tôi hay không. Khi vẽ truyện tranh, tôi luôn quan tâm người đọc có thích tác phẩm của mình không, họ có thấy thú vị không hay họ có ngạc nhiên trước kết cục bất ngờ của truyện hay không”.

Sự thức tỉnh
Sau ngày đó, người họa sĩ truyện tranh bắt đầu trở lại ngồi trước bàn và cầm chiếc bút vẽ lên. Song anh lại không có ý tưởng gì trong đầu. Tác giả Lee Jong-beom nói tiếp: “Tôi ngồi vò đầu bứt tai và tự trách bản thân về những gì mình đã làm trong thời gian qua. Tôi đã rất hối hận và muốn quay trở lại vẽ truyện tranh. Đáng lẽ dù có chơi nhạc thì tôi vẫn nên luyện vẽ dù chỉ là chút một. Khi xem truyện của các tác giả truyện tranh trực tuyến, tôi đều rất thán phục tài năng của họ, nhưng nó cũng làm tôi mất đi tự tin. Việc duy nhất tôi làm là ngồi trước bàn làm việc và tự trách mình”.

Cảm thấy không thể duy trì mãi tình trạng đó. Lee Jong-beom tìm đến bậc tiền bối quen biết làm trong ngành xuất bản tạp chí nhạc jazz và nhờ đăng truyện tranh của mình trên tạp chí mà không cần nhuận bút.

Lee Jong-beom cảm thấy sốt ruột hơn bao giờ hết. Anh bắt đầu lập hồ sơ giới thiệu bản thân và tấn công thị trường truyện tranh mạng. Tuy nhiên, môi trường này rất khắc nghiệt đối với những người nuôi dưỡng mơ ước trở thành họa sĩ truyện tranh như anh. Hàng ngày, anh gửi tác phẩm của mình đến địa chỉ thư điện tử mà anh vất vả tìm ra với mong muốn họ đọc tác phẩm của anh. Không phụ lòng mong mỏi, cuối cùng anh nhận được hỗ trợ từ Viện chấn hưng các chương trình văn hóa Hàn Quốc (KOCCA) và ra mắt với bộ truyện “Bà hoàng đầu tư” đăng trên báo Thể thao. Sau bảy tháng ra mắt bộ truyện tranh mạng “Bà hoàng đầu tư” và gõ cửa giới chuyên môn, thứ anh nhận được chỉ là những cái lắc đầu từ chối. Tác giả Lee Jong-beom cho biết: “Tôi bị từ chối trong suốt một năm sau đó. Khi gặp gỡ người phụ trách và đề nghị đăng đàn, tôi phải chuẩn bị bản tóm tắt truyện và bản hoàn thiện của tập đầu tiên. Nhanh thì cũng phải mất đến vài tháng để chuẩn bị. Chỉ trong 10 tháng năm đó, bảy bản thảo của tôi bị từ chối”.



Le lói tia hi vọng mong manh
Lee Jong-beom vốn dĩ là người lạc quan cũng bắt đầu chán nản khi liên tục không được chấp nhận. Gửi bản tóm tắt với hy vọng nhỏ bé cuối cùng, Lee Jong-beom nhận được hồi âm mà anh chờ đợi bấy lâu. Nhưng cuộc gặp gỡ lại kết thúc không đúng như những gì anh mong đợi. Anh nói: “Tôi nghĩ rằng cuối cùng thì tác phẩm của mình cũng sắp được đăng đàn. Những người xung quanh cũng chúc mừng tôi. Song người phụ trách khi vừa đến đã thông báo với tôi rằng không thể đăng truyện của tôi vì một số lý do. Tôi hoàn toàn bị sốc. Tại sao họ lại đến tận nơi chỉ để từ chối? Về sau tôi mới biết hóa ra họ đến báo cho tôi vì nhân tiện trên đường đến đặt truyện của các tác giả nổi tiếng”.

Trước mặt người phụ trách biên tập mảng truyện tranh mạng đang thảo luận với tác giả nổi tiếng khác, Lee Jong-beom nghĩ mình phải làm điều gì đó, không được đầu hàng số phận. Tác giả Lee Jong-beom kể: “Tôi lôi cuốn sổ tay ra lục tìm. Đó là cuốn sổ ghi chép ý tưởng những tác phẩm bị từ chối trong suốt một năm của tôi. Ở phần cuối cuốn sổ tôi có ghi đúng một dòng chữ. Đó là “câu chuyện về nhà tâm lý học”. Không còn gì để mất, tôi mạnh dạn đưa ra ý tưởng về chủ đề tâm lý học. Ngay khi vừa dứt câu, người phụ trách lập tức hỏi “Anh đã tốt nghiệp Khoa Tâm lý học đúng không ạ? Khi nào có thể bắt đầu sáng tác?” Mọi việc được giải quyết chỉ trong vòng vài giây ngắn ngủi”.



“Dr.Frost” – Liều thuốc tinh thần cho độc giả
Trong suốt ba tháng, Lee Jong-beom tìm đến các đàn anh trong Khoa Tâm lý và tập trung vào khai thác đề tài. Anh cũng tìm hiểu các trường hợp tư vấn tâm thần và phân tích quá trình trị liệu, từ đó viết ra các phần của bộ truyện. Nhân vật chính của câu chuyện là Tiến sĩ Frost, có nghĩa là “băng giá”, nhà tâm lý học thiên tài ở độ tuổi 30 có ngoại hình ưa nhìn với mái tóc màu ánh kim, có thể đọc được suy nghĩ của người khác chỉ trong 0,3 giây. Bộ truyện tranh đã chiếm được cảm tình của độc giả ngay trong ngày phát hành đầu tiên là ngày 9/2/2011. Đến nay, bộ truyện tranh trực tuyến Dr. Frost thấm thoắt đã được ba năm tuổi và kéo dài đến mùa thứ ba. Trong suốt thời gian đăng tải bộ truyện, tác giả Lee Jong-beom đã mạnh dạn tái hiện những câu chuyện về nỗi đau của căn bệnh tinh thần mà mọi người muốn che giấu, từ chứng rối loạn giấc ngủ cho đến nỗi đau trong tình yêu, sự mặc cảm, tự ti… Đồng thời thông qua bộ truyện tác giả chia sẻ quá trình trị liệu mà anh phân tích từ những trường hợp thực tế. Những câu chuyện mà ai cũng sẽ trải qua hoặc đã từng trải qua trong đời nhận được phản ứng tích cực từ phía độc giả. Họ bày tỏ: “Chủ đề của bộ truyện vừa mang tính đại chúng lại vừa phát huy được thế mạnh của tác giả. Tôi rất mong đợi ở các tập tiếp theo. Tôi hoàn toàn bị cuốn hút”. “Có vẻ như tác giả đã đầu tư rất kỹ lưỡng cho tác phẩm này. Lee Jong-beom thực sự là một tác giả chuyên nghiệp cống hiến hết mình cho sự nghiệp. Có lẽ nghề sáng tác truyện tranh sẽ theo anh suốt cuộc đời”.

Lee Jong-beom cũng nhận được tin vui sau khi lựa chọn chủ đề về các học sinh trường trung học phổ thông Danwon phải chịu nỗi đau từ thảm họa đắm tàu Sewol xảy ra vào năm 2014 cho tập truyện mang tên “Những tâm hồn đã chết”. Tác giả Lee Jong-beom cho biết: “Ngay khi bắt đầu đăng tải tập truyện, tôi nhận được liên lạc từ chính em học sinh còn sống sót sau thảm họa đắm tàu Sewol với một lời nhắn rất ngắn ngủi. Đó là “Em là học sinh lớp 12 của trường trung học phổ thông Danwon và em đang đọc truyện với những người bạn của mình”. Tôi gửi lời cám ơn vì em đã liên lạc với tôi và sau đó bày tỏ mong muốn được gặp và nói chuyện với em. Bởi vì tôi lo lắng, không biết liệu rằng mình có kể đúng câu chuyện hay không. Vì thế tôi đã trực tiếp nghe nhiều người kể về thảm họa khi đó và xây dựng lại bố cục của truyện”.

Lee Jong-beom dẫn lối độc giả tìm lại chính mình
Tác giả Lee Jong-beom đã mượn nhân vật Tiến sĩ Frost để nói lên những suy nghĩ từ đáy lòng mình. Tự dối lòng rằng bản thân vẫn ổn và giấu đi nỗi đau không phải là cách khắc phục mà chỉ là sự né tránh thực tế. Lee Jong-beom mong muốn độc giả tìm lại được chính mình khi đọc những tác phẩm do anh sáng tác. Anh giãi bày tâm sự: “Ban đầu, tôi mong muốn truyện của tôi có thể trở thành nguồn động viên, an ủi cho bất cứ ai đó. Đây có thể là sự ngạo mạn, nhưng tôi đã thực sự mong muốn điều đó trong thời gian đầu đăng đàn. Tuy nhiên, bây giờ suy nghĩ của tôi đã khác. Tôi mong độc giả khi gấp lại bộ truyện của tôi, họ sẽ tự hỏi bản thân xem mình có thực sự ổn hay không. Nếu như bộ truyện của tôi giúp độc giả có thêm động lực kiểm tra tâm lý khi họ cảm thấy mệt mỏi thì tôi không còn mong muốn gì hơn. Biết được tình trạng của bản thân là điều quan trọng. Tôi muốn phần nào giúp đỡ mọi người ở giai đoạn đầu này”.

Bằng truyện tranh trực tuyến, tác giả Lee Jong-beom đã chạm đến ngưỡng cửa tâm hồn của nhiều độc giả. Sự quan tâm và tình cảm mà anh muốn thể hiện đang dẫn lối chúng ta trên con đường tìm lại chính mình.

Lựa chọn của ban biên tập