Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nhà thiết kế Kim Young-jin sáng tạo vẻ đẹp khác biệt

2016-02-09


Không gian làm việc lý tưởng
Không hề kém cạnh khu phố rợp bóng cây Garosugil sầm uất ở quận Gangnam, nơi tấp nập giới trẻ, con phố mang tên Dokseodangno nằm trên đường dốc thoai thoải kéo dài từ phường Hannam (quận Yongsan) đến phường Oksu (quận Seongdong) đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn tại thủ đô Seoul. Từng là nơi khá yên tĩnh, phố Dokseodangno giờ nhộn nhịp người qua lại kể từ khi các quán cà phê bắt đầu mọc lên tại đây.

Dù vậy, khu nhà dân nằm sâu trong các ngõ hẻm vẫn tận hưởng được sự yên tĩnh vốn có trong không gian kín đáo, riêng tư. Là cư dân khu phố ấy, nhà thiết kế Kim Young-jin đang tận dụng ngôi nhà mà chị sống suốt hơn 30 năm qua làm nơi trưng bày và làm việc. Sau khi nhấn chuông, cửa sẽ được mở ra, rồi đi qua một mảnh sân vườn nhỏ trang trí đơn giản sẽ hiện ra một phòng làm việc có tường toàn bằng kính. Tại đó, bạn có thể quan sát thấy một người đang chăm chỉ khâu vá chính là nhà thiết kế Kim Young-jin.

Thiết kế cách tân mang đậm nét truyền thống
Chị Kim Young-jin chuyên thiết kế thời trang truyền thống của Hàn Quốc, từ trang phục Hanbok, áo cưới Hanbok, váy cưới, Hanbok cách tân; cho đến các loại chăn, đệm ngồi, gối, hay đồ trang sức. Nét đặc trưng trong nghệ thuật thiết kế của chị là cải biên những cái đã cũ cho phù hợp với từng người, từng hoàn cảnh và xu thế thời đại.

Nhà thiết kế Kim Young-jin đã may những chiếc váy phồng hình chum phỏng theo dáng cơ bản của trang phục xuất hiện trong bức tranh Miindo (Mỹ nhân đồ) của họa sĩ Shin Yun-bok vào thế kỷ XVIII. Đây được coi là giai đoạn phát triển nhất của trang phục truyền thống Hàn Quốc Hanbok. Thêm vào đó, chị còn sáng tạo ra những chiếc váy liền thân nhiều đường xếp ly giống với “Cheollik” là trang phục của các quan văn võ triều đại Goryeo (từ thế kỷ X đến XIV). Những yếu tố này đã tạo nên nét nổi bật của nhà thiết Kim Young-jin. Chị luôn hướng đến mục tiêu tạo ra những bộ quần áo Hanbok mà ai cũng muốn mặc, và làm ra đồ trang sức người người muốn sở hữu. Ngay cả diễn viên người Anh Tilda Swinton cũng đã tìm đến nhà thiết kế họ Kim để đặt mua Hanbok chuẩn bị cho buổi biểu diễn thời trang của hãng Chanel của Pháp và buổi chụp họa báo tại Seoul. Nhà thiết kế Kim Young-jin cho biết: “Swinton tỏ ý mua sản phẩm tôi thiết kế khi tới Hàn Quốc để chụp họa báo cùng các trang phục khác của hãng thời trang Chanel. Chị ấy đã đến tận nơi để trực tiếp lựa chọn và mua. Đó là buổi chụp họa báo cho tạp chí thời trang Vogue với trang phục chính là của Chanel kết hợp cùng Hanbok của chúng tôi dưới hình thức tài trợ.”

Sử dụng chất liệu kết hợp Đông Tây
Hanbok mang thương hiệu Kim Young-jin dù có sử dụng dây ren nhập khẩu cũng không làm mất đi vẻ truyền thống và nét đẹp đậm chất Hàn Quốc. Không những thế, việc sử dụng chất liệu nhập khẩu lại tạo cảm giác thân thuộc đối với người nước ngoài. Thiết kế Hanbok của Kim Young-jin, một sự kết hợp Đông-Tây hoàn hảo đã được đánh giá cao tại buổi “Trình diễn thời trang Hanbok” của Triển lãm quốc tế Expo ở thành phố Milano nước Ý và triển lãm “Korea Now!” (Hàn Quốc ngày nay) tại Bảo tàng trang trí quốc gia Pháp năm 2015. Lấy cảm hứng chủ đạo từ Hanbok truyền thống, Kim Young-jin đã cách tân loại trang phục này bằng đường nét thiết kế mạnh bạo và không gò bó trong sử dụng chất liệu. Mặc dù vậy, trước đây, mục tiêu cuộc đời chị không phải là trở thành nhà thiết kế Hanbok.

Tình yêu Hanbok thấm đẫm tâm hồn nghệ sĩ kịch đường phố
Vốn dĩ sự nghiệp mà Kim Young-jin hằng ước ao theo đuổi là nghề diễn viên. Chị đã học diễn xuất tại Học viện nghệ thuật biểu diễn, đồng thời học hát kể chuyện Pansori, múa hạc vùng Dongnae (thành phố Busan) và múa mặt nạ vùng Bongsan phía Tây của Bắc Triều Tiên, do yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống nước nhà. Kim Young-jin đã gia nhập đoàn kịch và từng biểu diễn trên sân khấu kịch chính thống. Và cũng tại nơi đó, chị đã được tiếp xúc với trang phục truyền thống.

Tôi đã tham gia các vở diễn như “Tháp tình yêu sụp đổ” hay “Đừng khóc, Hongdo à”. Vì các vở kịch của đoàn chủ yếu lấy bối cảnh cận đại, nên thường phải may trang phục Hanbok và tôi cũng tham gia hỗ trợ. Tôi đảm nhận làm phụ kiện, đạo cụ và rất thích thú với công việc này. Khi đó, đạo diễn và các bậc tiền bối của tôi đã rất thích con búp bê do tôi làm. Và tôi nghĩ đây có thể là thế giới để tôi có thể thỏa sức sáng tạo. Mặc dù ban đầu tôi muốn theo nghề diễn, nhưng về sau tôi nhận ra rằng hóa ra công việc phía sau sân khấu lại phù hợp với mình hơn. Tôi nghĩ mình thích hợp hơn với thế giới sáng tạo của riêng mìnhvà niềm đam mê của tôi là Hanbok. Tôi yêu thích tất cả những gì mang đậm chất Hàn Quốc.

Thôi thúc tìm đam mê mới
Kim Young-jin quyết định rời xa ánh đèn sân khấu và rẽ sang lĩnh vực thời trang. Chị khởi đầu từ vị trí nhân viên bán hàng tại cửa hàng bán quần áo. Nhiệt huyết muốn làm thật tốt ở lĩnh vực mới đã giúp chị thăng tiến lên vị trí giám sát cho thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Nhưng đây chính là lúc chị thấy thôi thúc mong muốn phải học sâu về thời trang. Nhà thiết kế Kim Young-jin chia sẻ: “Hãng Louis Vuitton rất coi trọng lịch sử của thương hiệu. Điều làm tôi ngạc nhiên đó là mỗi khi ra mắt sản phẩm mới, ví dụ như chiếc túi chẳng hạn, họ tự vỗ tay tán thưởng vẻ đẹp của sản phẩm mới này. Phải yêu chính sản phẩm của mình thì mới có thể bán hàng tốt. Điều này làm tôi thực sự nể phục nhưng cũng có phần cảm thấy không vui. Vì rõ ràng ở Hàn Quốc cũng đã từng có sản phẩm khéo léo như thế. Ví dụ như guốc gỗ hay guốc hoa nếu như được tiếp tục cách tân thì nó đã có thể trở thành một thương hiệu. Tôi liên tục băn khoăn vấn đề nằm ở đâu.”

Từng bước tạo thương hiệu riêng
Người Hàn Quốc không thua kém bất cứ quốc gia nào về sự khéo léo, nhưng đáng tiếc là điều này vẫn chưa được thể hiện trong thời trang. Nếu như nói đến tài nghệ trong may vá thì các bộ váy của phương Tây không thể nào sánh bằng với Hanbok của Hàn Quốc. Từ quần lót cho đến chân váy, thân áo trên, dây thắt áo, đến phần viền áo, Hanbok là trang phục nhiều mảnh và đặc biệt có nhiều phần phải cần đến bàn tay khâu vá thủ công. Công việc này đỏi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, nhưng đã được những người xưa thực hiện bền bỉ, không nề hà khó nhọc. Sau vài năm, chị Kim Young-jin thôi làm giám sát cho thương hiệu Louis Vuitton. Và rồi mối nhân duyên của chị với Hanbok ngày càng sâu đậm. Chị nói rằng: “Tôi đã muốn học về Hanbok từ khi còn nhỏ, nhưng do một số lý do mà không thực hiện được điều này. Thế rồi sau đó tôi tình cờ được một nghệ nhân sở hữu kỹ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể dạy cho cách may quần áo trẻ sơ sinh mỗi tuần một lần. Mỗi lần tôi nói rằng mình không giỏi khoản may vá, nghệ nhân này đều dặn dò không nên suy nghĩ quá phức tạp về việc đó, rằng khâu vá cũng như là ngồi thiền mà thôi. Điều thú vị nữa là tôi còn được nghe cô kể chuyện hồi nhỏ giúp tôi có thêm nghị lực học về Hanbok.”

Nhà thiết kế Kim Young-jin đã bắt đầu học cách thao tác từng đường kim mũi chỉ trong ngôi nhà truyền thống Hanok yên tĩnh. Rồi thời gian trôi qua, chị đã có thể làm ra những bộ Hanbok của trẻ sơ sinh và cả quần áo của người lớn. Đến năm 2004, Kim Young-jin thuê một không gian nhỏ tại phường Yeonhui, Seoul. Chị chia sẻ: “Ban đầu tôi không đủ tự tin để mở một cửa hàng bán Hanbok. Tầng dưới tôi dùng làm nơi may vá Hanbok rồi đem treo chúng lên. Tầng trên là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, một số người đi qua đường nhìn thấy các trang phục Hanbok rồi khen lần đầu tiên họ thấy những thiết kế như vậy. Tôi làm cho khách một, hai bộ Hanbok và cứ thế số lượng tăng dần. Song lúc đó, sản phẩm chủ lực của tôi không phải là Hanbok.”

Tchai Kim – thương hiệu của vẻ khác biệt
Thương hiệu Hanbok của nhà thiết kế Kim Young-jin là “Tchai” có nghĩa “sự khác biệt”. Bởi vì chị biết rõ rằng sự tỉ mỉ, tinh tế chính là yếu tố quyết định về nét độc đáo cho những bộ quần áo. Ý tưởng về sự khác biệt này đã hình thành nên sức hấp dẫn của thương hiệu Tchai Kim. Kim Young-jin chia sẻ về ý tưởng độc đáo của mình: “Động lực để tôi sáng tạo ra các thiết kế cách tân mang thương hiệu Tchai Kim là vì tôi cảm thấy muốn thoát ra khỏi sự bó buộc, luẩn quẩn với những thiết kế truyền thống. Tôi muốn tạo ra những bộ quần áo phá cách hơn. Bản thân tôi là nhà thiết kế trang phục truyền thống Hanbok, vì thế dĩ nhiên tôi vẫn phải dựa trên những nền tảng truyền thống vốn đã ăn sâu trong máu. Ví dụ như dòng sản phẩm Tchai Kim tiêu biểu là váy Hanbok Cheollik dạng xếp ly được thiết kế dựa theo phần dưới trang phục Cheollik của các quan nam văn võ thời xưa. Trang phục cổ này có đường xếp ly rất đẹp nên tôi nghĩ chúng sẽ tuyệt vời hơn khi đưa vào thiết kế dành cho phái nữ.”

Tchai Kim là thương hiệu quần áo may sẵn mang phong cách Hanbok truyền thống nhưng vẫn rất phù hợp để mặc thường ngày. Phần cổ áo Hanbok truyền thống được thay bằng thiết kế cổ áo sơ mi hiện đại, hoặc như phần chân váy vốn cao đến ngực được thiết kế rời để người mặc có thể kết hợp với nhiều loại áo khác nhau. Phần thân áo trên được chị Kim Young-jin thiết kế giống với áo khoác (jacket) hoặc áo cánh thời nay. Áo này hoàn toàn có thể kết hợp với quần bò hoặc chân váy có thể mặc cùng với áo vest lịch lãm. Nhờ đó mà Tchai Kim có đối tượng khách hàng đa dạng từ thanh niên đến người lớn tuổi và tất cả họ đều có một điểm chung là ưa sự cá tính. Một khách hàng nữ trẻ của Tchai Kim chia sẻ: “Tôi thấy nét truyền thống của Hanbok đã tạo nên vẻ đẹp cho thiết kế của Tchai Kim. Nhờ độ phồng của chân váy mà tôi có thể dễ dàng kết hợp với váy Cheollik xếp ly hoặc với bất cứ loại váy áo nào tôi có. Vì thế nên tôi vẫn mặc thường xuyên khi ra ngoài.”

Phương thức kinh doanh cửa hàng lưu động
Thương hiệu Tchai Kim không bày bán ở nhiều cửa hàng nhượng quyền mà chỉ có một cửa hàng chính ở phường Samcheong, Seoul. Ngoài ra còn có các quầy hàng lưu động trên toàn quốc. Nhà thiết kế Kim Young-jin cho biết: “Tôi từng là thành viên của đoàn nghệ thuật mang hơi hướng phường kịch hát nên thấm nhuần tinh thần của nghệ sĩ đường phố. Tôi muốn nét đẹp của tám vùng miền trên đất nước Hàn Quốc được phản ánh trong những bộ Hanbok do tôi làm ra. Vì vẻ đẹp của Hanbok cũng chính là vẻ đẹp của Hàn Quốc. Tôi cho rằng mình cần phải thể hiện được hết những tinh hoa trong nét đẹp của cả tám vùng miền một cách sáng tạo. Đó là lý do mà tôi mở các cửa hàng lưu động.”

Cho đến nay, hầu hết các cửa hàng lưu động đều là do những người thân quen của nhà thiết kế Kim Young-jin cho thuê. Chị có thể mở bán sản phẩm thiết kế của mình ở bất cứ đâu miễn là nó đáp ứng đủ một số điều kiện nhất định, từ nhà kho của một nông trại ở đảo Jeju cho đến phòng gallery hay một quán trà truyền thống nào đó. Một cửa hàng mà chị vừa mới thuê vào tháng 1 năm nay là quán trà truyền thống mang tên Bibibidang nằm trên một ngọn đồi cao ở thành phố Busan.

Quán trà truyền thống Bibibidang do một khách hàng của nhà thiết kế Kim Young-jin kinh doanh. Quán này nằm trên ngọn đồi cao nên từ đó có thể nhìn ngắm khung cảnh biển Haeundae tuyệt đẹp. Đây là một nơi không thể lý tưởng hơn, vì cảnh biển sẽ làm cho các thiết kế Hanbok thêm nổi bật.

Tôi vốn dĩ quan tâm đến thiết kế của chị Kim Young-jin nên đã lập tức tìm đến đây khi biết rằng mình có thể trực tiếp nhìn thấy sản phẩm. Thông thường khi nói đến Hanbok, tôi vẫn nghĩ dù nó có thiết kế độc đáo đến đâu thì rốt cuộc vẫn chỉ là Hanbok mà thôi. Nhưng trang phục của nhà thiết kế Kim Young-jin lại có màu sắc, chất liệu và thiết kế hiện đại, có thể được kết hợp dễ dàng với những bộ quần áo mà tôi đang có. Tôi thấy thích vì cảm thấy mình đang sở hữu những trang phục độc đáo mà không thể tìm thấy ở bất cứ cửa hàng nào.

Thử thách trong lĩnh vực mới
Không hoàn toàn bó buộc trong quan niệm nền tảng truyền thống, nhà thiết kế Kim Young-jin liên tục cho ra đời những thiết kế cách tân. Cách nhìn mới về Hanbok mang đến cho chị cơ hội ở các lĩnh vực khác. Giám đốc Jo Hui-kyung của nhà hàng Hàn Quốc đã giao cho chị công việc thiết kế nội thất nhà hàng này. Bà nói: “Tôi thấy cô ấy lộ rõ vẻ căng thẳng vì nay lại đảm nhận một công việc hoàn toàn mới. Nhưng đó là tinh thần căng thẳng của một người chuyên nghiệp, một người nghệ sĩ. Phải nói là sự tự tin mới đúng. Thiết kế của cô ấy là thử thách mới dựa trên ý tưởng Hanbok truyền thống, và tôi cảm nhận được thần thái tự do qua những bộ trang phục của Kim Young-jin.”

Giám đốc nhà hàng Jo Hui-kyung sau khi bị hút hồn bởi phong cách thiết kế nội thất độc đáo của Kim Young-jin đã nhờ chị thiết kế cho cả đồng phục của nhân viên. Từ đó bà Jo trở thành fan trung thành với Hanbok của Kim Young-jin.

Mục tiêu xây dựng thương hiệu trăm năm
Đã 15 năm kể từ ngày chị Kim Young-jin bắt đầu thiết kế Hanbok. Chị luôn tự hứa sẽ phải làm tốt hơn nữa. Dù vậy, Kim Young-jin không hề quá tham vọng. Chị cho rằng quá tham lam sẽ chỉ khiến con người cứ bám riết lấy nó mà mất đi sự tự do. Ngay cả việc mở cửa hàng lưu động có thể giúp chị đi khắp nơi trên đất nước giống như khách du lịch cũng là vì chị nghĩ rằng nhờ đó mình sẽ không nổi lòng tham. Quan điểm tự do không giới hạn và thay đổi liên tục chính là phương châm làm việc của bà chủ thương hiệu Tchai Kim. Nhà thiết kế Kim Young-jin tin tưởng mạnh mẽ rằng “Tinh thần này có thể gây dựng thương hiệu trăm năm”. Giống như những gì chị trải lòng, rằng: “Đương nhiên là tôi cũng muốn trở thành nhà thiết kế sở hữu thương hiệu lâu đời giống như Coco Chanel của Pháp. Song đây không phải mục tiêu thực sự của tôi. Vì ở Hàn Quốc chưa có một thương hiệu nào tồn tại được đến 100 năm và tôi muốn là người làm được điều đó. Không chỉ là một thiết kế tồn tại 100 năm, mà tôi muốn gây dựng nên cả một thương hiệu trường tồn như thế.”

Lựa chọn của ban biên tập