Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Shin Zia, nghệ sĩ vi-ô-lông dẫn dắt dòng nhạc cổ điển thế hệ mới Hàn Quốc

2016-02-23

Món quà yêu thương ngày Lễ tình nhân Valentine
Giai điệu “Nỗi buồn vui trong tình yêu” (Liebesfreud & Liebesleid) của nhà soạn nhạc người Áo Fritz Kreisler vang lên trong buổi hòa nhạc mang tên “Beautiful Days” (Những ngày tươi đẹp). Sự kiện này do nghệ sĩ vi-ô-lông Shin Zia tổ chức nhân ngày Lễ tình nhân Valentine năm 2016 vừa qua.

Những âm thanh uyển chuyển, du dương phát ra từ cây đàn vĩ cầm giống như miếng socola ngọt ngào mà những đôi tình nhân trao cho nhau ngày Valentine. Âm thanh vi-ô-lông hòa quyện cùng tiếng đàn piano nhạc jazz tạo nên bản hòa âm da diết như lời thì thầm trao nhau yêu thương của đôi tình nhân. Hai khán giả nam và nữ chia sẻ rằng: “Buổi biểu diễn thật tuyệt vời. Tôi thấy thực sự thư thái và hạnh phúc trong suốt hai giờ đồng hồ. Tất cả đều không chê vào đâu được, và bản nhạc thứ hai đặc biệt ấn tượng. Nghệ sĩ đàn contrabass và nghệ sĩ Shin Zia chơi luân phiên giống như họ đang trao nhau lời yêu thương vậy.” “Động tác biểu diễn của nghệ sĩ Shin Zia giúp khán giả cảm thụ âm nhạc dễ dàng hơn. Tức là vừa kết hợp phần nghe lẫn phần nhìn. Thêm vào đó, chị còn cho khán giả thấy ngón đàn điêu luyện, tinh tế, tuy dứt khoát nhưng vẫn thể hiện tốt những đoạn da diết đầy xúc cảm.”

Vào ngày lễ đặc biệt này, ngày mà ai cũng muốn yêu và được yêu, nghệ sĩ vi-ô-lông Shin Zia đã gửi tặng đến khán giả hai giờ đồng hồ ngập tràn hạnh phúc. Shin Zia đang thả hồn vào dòng nhạc cổ điển vốn tĩnh lặng, giúp công chúng đến gần hơn với dòng nhạc này. Nghệ sĩ Shin Zia cho biết: “Như tôi từng nói trong lúc biểu diễn, trong khi những cặp đôi đang hẹn hò với nhau, thì tôi được trải qua những giây phút lãng mạn với khán giả. Được hẹn hò với nhiều người trong một ngày đặc biệt như vậy là một sự ưu ái đối với người nghệ sĩ, và tôi thực sự tự hào.”



Thành tích nghệ thuật
Shin Zia tên thật là Shin Hyun-su bắt đầu học chơi vi-ô-lông năm bốn tuổi và giành giải nhất tại nhiều cuộc thi âm nhạc cổ điển từ khi còn nhỏ. Năm vào lớp mười, tài năng vĩ cầm Shin Zia đã nhập học vào trường dự bị đại học của Đại học nghệ thuật tổng hợp Hàn Quốc. Dù chưa từng đi du học nước ngoài, năm 2008 Shin Zia đoạt giải nhất tại cuộc thi âm nhạc Long-Thibaud của Pháp, một trong mười cuộc thi nhạc thính phòng danh giá thế giới. Ngoài ra, chị đã đoạt giải ba Cuộc thi Queen Elisabeth tại Bỉ, là một trong ba cuộc thi âm nhạc tầm cỡ quốc tế cùng cuộc thi Chopin và cuộc thi Tchaikovsky. Nữ nghệ sĩ này không chỉ bó buộc phong cách biểu diễn ở thể loại thính phòng truyền thống. Chị đồng thời hoạt động ở nhiều lĩnh vực như tham gia chương trình âm nhạc trên truyền hình hay biểu diễn nhạc jazz và nhạc phim điện ảnh. Diễn viên nhạc kịch Yang Jun-mo kể: “Tôi học cùng trường đại học với chị Shin Zia. Mặc dù chúng tôi cách nhau nhiều khóa nhưng vì chị vốn nổi tiếng ngay từ khi còn đi học, nên rất nhiều người trong chúng tôi biết đến chị. Ngay cả bây giờ là nghệ sĩ vi-ô-lông tiêu biểu của Hàn Quốc, nhưng Shin Zia vẫn rất nỗ lực phát triển tài năng trên thế giới và phổ biến rộng rãi hơn nhạc vĩ cầm tại Hàn Quốc. Phát huy tài năng của bản thân, chị đang đưa nhạc vĩ cầm ngày càng đến gần hơn với công chúng. Tôi ủng hộ những nỗ lực mà Shin Zia đang thực hiện.”

Tài năng âm nhạc từ khi lên bốn tuổi
Có lẽ vì chiều cao 1mét 70 cùng mái tóc dài mà ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy chị là hình ảnh một người phụ nữ rất duyên dáng và điềm đạm. Ngay khi bắt đầu trả lời phỏng vấn đài KBS World Radio, chị đã tạo không khí vui vẻ cho cuộc trò chuyện bằng nụ cười thân thiện. Nghệ sĩ Shin Zia kể lại thời kỳ mới bén duyên với cây đàn vi-ô-lông: “Chị gái tôi đã được học vĩ cầm trong trường mẫu giáo, tôi xem chị chơi và bắt đầu học từ khi đó. Tôi đã đi theo con đường mà chị gái tôi đã đặt chân qua. Hồi đó tôi mới bốn tuổi nên không biết đó là đàn vi-ô-lông. Vì tôi có thể đánh rơi đàn thật bất cứ lúc nào, nên tôi dùng đàn mô phỏng làm bằng vỏ hộp bánh gắn thước kẻ dài 30cm. Tôi kẹp nó vào phần dưới cằm, rồi lấy thân cây kê dùng làm cây vĩ kéo và bắt đầu học từ cách cầm vĩ kéo.”

Quá trình khổ luyện
Cây đàn vi-ô-lông với cô bé Shin Zia bốn tuổi chỉ đơn thuần là thứ đồ chơi thú vị phát ra âm thanh. Điều khác biệt chính là việc gắn bó với đồ chơi đó trong thời gian rất dài. Đi theo phương châm của mẹ mình, rằng một khi đã bắt đầu thì phải làm hết mình và làm thật tốt, Shin Zia đã được đổi từ đàn vi-ô-lông làm từ hộp bánh thành cây đàn thật. Từ đó, cây đàn vi-ô-lông đã trở thành mục tiêu sự nghiệp của Shin Zia. Chị kể lại rằng: “Từ hồi cấp I tôi thường phải luyện đàn trong một tiếng đồng hồ trước khi đến trường học là 8 giờ sáng. Vì nếu không làm thế thì tôi không được phép đi học. Mẹ tôi tính cả thời gian tôi tan học. Và ngay khi vừa về đến nhà là tôi phải tập đàn cho đến khi đi ngủ.”

Chị đã không buông đàn vĩ cầm ngay cả khi bị gãy ngón tay. Shin Zia tậm sự rằng: “Năm lớp bốn, do chạy nhảy tôi bị gãy ngón tay hai tuần ngay trước khi diễn ra vòng chính thức của cuộc thi đàn. Mẹ tôi đã lập tức đưa tôi đến bệnh viện để băng bó. Mẹ hỏi bác sĩ rằng nếu tháo băng ngay thì liệu về sau tôi có bị tàn tật hay không. Bác sĩ nói rằng tình trạng không đến mức đó mà xương tay tôi chỉ bị nứt, nhưng vẫn có thể bị cong nếu tháo băng ngay. Khi nghe bác sĩ nói vậy, mẹ tôi liền tháo băng ngày hôm đó và bắt tôi trở lại luyện tập. Tôi đã khóc rất nhiều. Cuối cùng tôi giành được giải nhất nhưng ngón tay đó của tôi cho đến bây giờ vẫn bị cong do di chứng vết thương.”

Khi chị Shin Zia xòe bàn tay trái ra rồi chụm vào mới thấy, ngón tay út của chị không dính sát vào ngón tay áp út. Dù thế, ánh mắt của chị không toát lên nỗi oán giận người mẹ của mình. Ngược lại, chị coi tổn thất này là kết quả của những tháng ngày luyện tập không ngừng nghỉ. Dù mẹ chị đã rất nghiêm khắc, nhưng bản thân Shin Zia cũng coi việc tập đàn là niềm vui thích. Chị đã không ngừng luyện tập cho đến khi tự mình thấy thực sự hài lòng.



Từ trái đắng đến quả ngọt
Khoảng thời gian khổ luyện đã mang lại cho Shin Zia kết quả đáng hài lòng. Năm lớp hai tiểu học, chị đoạt giải nhất cuộc thi nghệ thuật Honam và hàng năm chưa bao giờ để tuột mất danh hiệu đó. Shin Zia luôn dẫn đầu tại các cuộc thi trong và ngoài nước. Thế rồi, ngày chị mang theo giải nhì trở về là ngày mà chị không bao giờ quên. Chị nhớ lại: “Khi tôi còn là học sinh lớp bảy, lần đầu tiên tôi bị tụt xuống giải nhì trong cuộc thi âm nhạc thiếu niên quốc tế. Tôi đã rất bực tức. Tôi lao vào luyện tập để chuẩn bị cho những cuộc thi sau, thử hết bài này đến bài khác, đến 2, 3 giờ sáng mới chịu đi ngủ. Mẹ tôi bảo khi ngủ hai tay tôi nắm chặt vào nhau như cầu nguyện vậy. Ngay cả trong giấc mơ tôi cũng nghĩ là phải tập đàn chứ không phải lúc để ngủ. Vì thế mà tôi luyện tập ngay khi vừa mở mắt. Đã từng có lúc tôi lao vào tập đàn đến mức chỉ ngủ được đúng một tiếng đồng hồ.”

Người lái đò đưa Shin Zia cập bến mơ ước
Nếu như mẹ của Shin Zia là người biến chị thành con ong chăm chỉ và dạy chị rằng nếu làm việc bền bỉ sẽ đến ngày ăn trái ngọt, thì người mở ra cho chị con đường trở thành nghệ sĩ vĩ cầm lại chính là Giáo sư Kim Nam-yoon của Trường nghệ thuật tổng hợp Hàn Quốc.

Nghệ sĩ Shin Zia gọi Giáo sư Kim Nam-yoon là người mẹ thứ hai của mình. Mối nhân duyên giữa chị với người cô giáo của cuộc đời bắt đầu từ năm lớp bốn tiểu học khi chị học tại trường dự bị đại học của Đại học nghệ thuật tổng hợp Hàn Quốc. Thứ Bảy hàng tuần, chị đi từ Jeonju (tỉnh bắc Jeolla), miền Tây Nam, lên Seoul để tham gia lớp học này. Rồi đến một ngày, chị được gặp Giáo sư Kim Nam-yoon. Chị kể lại: “Có lần giáo sư xuống thành phố Jeonju quê tôi biểu diễn. Cô có ghé qua nhà tôi và thấy rất ngạc nhiên. Khi đó hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Công việc làm ăn của bố tôi thất bại khi tôi còn đi học mẫu giáo. Vì thế, trên thực tế gia cảnh nhà tôi không đầy đủ để tôi học đàn. Tôi luôn phải mượn đàn của trường mẫu giáo để tập. Trong khi những học sinh khác dùng đàn giá mấy triệu won, thì tôi chỉ có cây đàn mượn được của trường có giá chưa đến một trăm nghìn won mà vẫn tạo ra âm thanh hay nhất. Tôi còn đem đàn đi dự thi nữa. Kể từ khi đến thăm nhà tôi, cô Kim Nam-yoon không lấy một đồng tiền học phí nào của tôi và chị gái.”

Giáo sư Kim Nam-yoon không chỉ giúp giảm gánh nặng học phí mà còn sẵn sàng cho học trò của mình mượn đàn học. Khi đó, Shin Zia đã cầm cây đàn nhảy lên vì vui sướng, và phải sau này chị mới hiểu rằng việc một người nghệ sĩ cho người khác mượn cây đàn của mình có ý nghĩa lớn lao như thế nào. Shin Zia kể: “Cô cho tôi mượn đàn để dùng khi đi thi, thậm chí còn thuê đàn cho tôi từ cửa hàng bán nhạc cụ. Là một người chơi nhạc, tôi từng nói rằng nhạc cụ là trái tim của người biểu diễn. Nghệ sĩ có tình cảm gắn bó đặc biệt với cây đàn của mình và nhiều người không thích người khác động vào đó. Vì đàn được làm từ gỗ có tuổi thọ khoảng 1600 năm chẳng hạn, nên các nghệ sĩ rất coi trọng nhạc cụ. Bây giờ khi đã lớn, tôi càng thấy biết ơn cô Kim Nam-yoon hơn vì cô đã sẵn sàng cho tôi mượn một thứ quý giá đến vậy.”

Nữ hoàng trên sân khấu cuộc thi Queen Elisabeth
Nghệ sĩ Shin Zia không hề có cảm giác lo lắng hay sợ hãi dù phải biểu diễn bằng bất cứ loại đàn vi-ô-lông nào. Chị là người có thể đạt được điều tuyệt vời nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào, vì chị biết cách kiểm soát khán giả bằng âm nhạc. Nghệ sĩ piano nhạc jazz Jo Yoon Seong hợp tấu cùng nghệ sĩ Shin Zia trong chương trình âm nhạc ngày Lễ tình nhân Valentine cho biết: “Mặc dù tôi quen biết Zia và biểu diễn cùng chị trong khoảng thời gian không lâu, nhưng chị đã cho tôi thấy những ý tưởng lớn, cùng kỹ năng âm nhạc đa dạng vượt qua cả những gì tôi kỳ vọng. Chị chắc hẳn không có nhiều cơ hội tiếp xúc với dòng nhạc jazz nhưng đã có khả năng phân tích tuyệt vời ngay trong lần đầu tiên. Nhạc jazz là dòng nhạc có tính ngẫu hứng, nhưng phần biểu diễn của chị đã sẵn mang phong cách ngẫu hứng rồi. Shin Zia giống như một cô bé nhỏ tuổi nhưng khi lên sân khấu lại khiến tôi cảm nhận được sự uy nghiêm của một bậc thầy vĩ đại.”



Nghệ sĩ Shin Zia mặc dù được coi là nữ thần vĩ cầm khi liên tục giành nhiều giải thưởng khi còn đi học, nhưng phải đến khi đoạt giải nhất tại cuộc thi Long-Thibaud tại Pháp năm 2008, chị mới thực sự được thế giới biết đến. Không chỉ giành được giải nhất, mà chị còn được nhận giải solo và giải hòa tấu với dàn giao hưởng hay nhất. Sau cuộc thi Long-Thibaud, Shin Zia bận rộn với lịch trình biểu diễn dày đặc trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, vẫn có mục tiêu lớn hơn mà chị nhất định muốn chinh phục, đó là sân khấu cuộc thi vi-ô-lông quốc tế mang tên Queen Elisabeth tổ chức tại Bỉ có lịch sử 75 năm. Chị chia sẻ: “Cuộc thi này diễn ra chỉ bốn năm một lần và có quy mô cũng như danh tiếng khác với các cuộc thi khác. Các cuộc thi khác chỉ kéo dài trong hai tuần nhưng cuộc thi Queen Elisabeth lại mất đến một tháng. Nếu như cuộc thi khác chỉ phải biểu diễn 10 bản nhạc, thì ở đây các thí sinh phải chuẩn bị đến 20 bài. 12 người lọt vào vòng chung kết sẽ phải chuyển đến sinh hoạt tại nơi quy định và có phòng riêng cho từng người. Mỗi thí sinh sẽ được đưa bản nhạc phổ mới và luyện tập trong vòng một tuần trước khi bước vào vòng chung kết.”

Shin Zia muốn có cơ hội được đứng trên sân khấu đó dù biết rằng điều này là vô cùng khó khăn. Giống như tên gọi của cuộc thi là Queen Elisabeth, chị muốn trở thành nữ hoàng của sự kiện. Và rồi đến ngày thứ hai tham gia, chị đã bước chân lên sân khấu Queen Elisabeth.

Ngay khi vừa kết thúc phần thi, Shin Zia nhận được những tràng pháo tay không ngớt. Cả nhạc trưởng dàn nhạc cũng dành cho chị cái ôm nồng thắm. Chị bỗng òa khóc trong niềm vui sướng khi kết thúc trọn vẹn phần thi. Nghệ sĩ Shin Zia kể lại: “Tôi không biết làm sao mình có thể hoàn thành cuộc thi. Trong vòng chung kết, chúng tôi phải biểu diễn liên tục hai bản xô-nát và công-xéc-tô. Yêu cầu rất khó nên chỉ cần lơ là một chút thôi cũng có thể phạm lỗi. Tôi không quan tâm liệu rằng mình có giành giải hay không và tôi không hề hối hận về phần biểu diễn của mình.”

Không dừng bước trên hành trình hoàn thành sứ mệnh
Với giải ba cuộc thi Queen Elisabeth, Shin Zia cũng kết thúc hành trình chinh phục các cuộc thi âm nhạc của mình.

Giờ đây, người nghệ sĩ thành danh này muốn chạm đến tâm hồn công chúng thông qua nhiều sân khấu đa dạng cùng với cây đàn vĩ cầm là trái tim của chị.

Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng Shin Zia đi quá xa so với dòng nhạc cổ điển chính thống, nhưng ngược lại chị đầu tư lượng thời gian và công sức lớn hơn nhiều so với trước đây để tiếp thu, diễn giải âm nhạc. Bởi vì chị muốn chứng tỏ rằng nhạc thính phòng không khó hiểu mà là thứ âm nhạc truyền tải tình cảm con người. Nghệ sĩ Shin Zia bảy tỏ: “Tôi coi chơi đàn vi-ô-lông như số phận đã định sẵn, là sứ mệnh mà tôi phải hoàn thành. Gắn bó với cây đàn này trong suốt 25 năm, có lần tôi trăn trở rằng bản thân có thực sự hạnh phúc khi chơi đàn hay không. Nhưng nỗi ngờ vực ấy tan biến sau khi tôi tham gia cuộc thi Queen Elisabeth. Tôi không hề thấy đuối sức và sẽ còn tiếp tục học về âm nhạc, tiếp tục giao lưu với công chúng. Tôi sẽ tiếp tục đi trên con đường mình đã chọn.”

Lựa chọn của ban biên tập