Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Giám đốc Kim Hui-cheol của Trung tâm nghệ thuật Chungmu với kỷ lục doanh thu của vở nhạc kịch tự dàn dựng Frankenstein

2016-03-01

Frankenstein – bài học thấm thía về lòng tham con người
Vở nhạc kịch mang tên Frankenstein diễn ra tại Nhà hát nghệ thuật Chungmu đang cho khán giả thấy lòng tham của con người sẽ sản sinh ra loài quái vật đáng sợ đến mức nào.

Vào thời kỳ của cuộc chiến tranh Napoleón thế kỷ XIX, nhà khoa học Victor Frankenstein trong khi đang nghiên cứu để tạo ra những “người lính không bao giờ chết” trên chiến trường đã tình cờ gặp bác sĩ Henry Dupre có tài cấy ghép xương. Hai người quyết định cùng hợp tác nghiên cứu, nhưng cuối cùng thứ mà họ tạo ra sau nhiều nỗ lực lại là một con quái vật.

Con quái vật do tiến sĩ Victor tạo ra đã nguyền rủa và trả thù người đã tạo ra mình. Chứa đựng những sắc thái cảm xúc của con người như tình yêu, cô đơn, giận dữ, đau đớn; vở nhạc kịch Frankenstein đã để lại cho khán giả nỗi băn khoăn về lý do con người tồn tại. Mỗi phân cảnh mang đầy kịch tính khiến khán giả tò mò về những diễn biến tiếp theo.


Kỷ lục doanh thu 10 tỷ won cho tác phẩm tự dàn dựng tại Hàn Quốc
Vở kịch Frankenstein lần này không phải là lần công diễn đầu tiên. Tác phẩm chứa đựng nhiều công sức và tham vọng của những nhà kịch nghệ Hàn Quốc này, đã được ra mắt khán giả nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Nhà hát nghệ thuật Chungmu năm 2014. Chỉ sau 10 tuần, tác phẩm đã đạt doanh thu 10 tỷ won (tương đương hơn 8 triệu USD), một con số kỷ lục đối với vở nhạc kịch không phải mua bản quyền mà do chính người Hàn dàn dựng. Với lượng khán giả đạt tới 180.000 người bao gồm cả đợt công diễn đầu tiên, Frankenstein đã tạo một dấu mốc mới trong lịch sử nhạc kịch Hàn Quốc. Ông Kim Hui-cheol, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Chungmu, người đã làm nên vở nhạc kịch Frankenstein, chia sẻ trong niềm vui sướng khôn xiết. Ông bày tỏ cảm xúc: “Rồi ngày này thực sự cũng đã đến trong đời tôi. Tôi cảm thấy rất tự hào. Nhiều người hoài nghi liệu rằng một tác phẩm đơn lẻ được sáng tác, dàn dựng tại Hàn Quốc có khả năng đạt được doanh thu hàng chục tỷ won hay không. Đến bây giờ tôi vẫn không tin được. Điều này đã cho thấy những sáng tạo nhạc kịch Hàn Quốc là vô hạn.”

Giám đốc Kim Hui-cheol gắn bó với Nhà hát nghệ thuật Chungmu ngay từ những ngày đầu hoạt động. Ông đã thành công trong việc giữ nguyên những chức năng của một nhà hát công cộng đồng thời biến nơi này thành không gian chuyên tổ chức nhạc kịch thương mại. Vở diễn Frankenstein chính là kết quả sự quyết đoán của vị Giám đốc này. Đạo diễn âm nhạc Lee Sung-joon cho biết: “Giữa chúng tôi có sự phối hợp ăn ý. Do ông Kim Hui-cheol nhiều tuổi hơn, nên tôi thường nghe theo ông. Ông lại là một nhà sản xuất biết nhìn xa trông rộng, có phong cách làm việc cấp tiến. Vì thế mà đôi khi có dự án dường như rất mạo hiểm nhưng ông ấy vẫn quyết tâm làm bằng được. Giám đốc Kim Hui-cheol còn khiến nhiều người rất nể phục khi thực hiện rất tỉ mỉ đến từng chi tiết.”

Sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của Giám đốc Kim Hui-cheol
Giám đốc Kim Hui-cheol có mối nhân duyên với nghệ thuật kể từ khi ông vào làm việc tại Đài Phát thanh và truyền hình Hàn Quốc KBS năm 1988. Kể từ đó, ông đảm nhận theo dõi sự kiện Olympic 1988 và dàn dựng các lễ hội văn hóa nghệ thuật đến năm 1994. Sau đó, Kim Hui-cheol chuyển công tác sang Nhóm Dự án hình ảnh của tập đoàn Samsung. Tại đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc với nhạc kịch và có cơ hội làm việc cùng các nghệ sĩ hàng đầu Hàn Quốc. Giám đốc Kim Hui-cheol kể: “Tôi làm việc tại đó khoảng năm năm. Được cộng tác với các nghệ sĩ hàng đầu khiến tôi không còn gì để tiếc nuối. Tôi đã có cơ hội tham gia tổ chức các buổi công diễn thuộc nhiều thể loại. Đặc biệt tại đó, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thể loại nhạc kịch. Vở nhạc kịch mà chúng tôi tổ chức mang tên “Phố thứ 42 Broadway”. Chúng tôi đã mời nhóm dàn dựng của bản nguyên tác tại Broadway (Mỹ) và phối hợp thực hiện. Đó là thời kỳ chúng tôi học hỏi được tất cả các khâu sản xuất nhạc kịch, từ lên kế hoạch cho đến marketing, từ đó xây dựng nên hệ thống của riêng mình.”

Sau một thời gian dài tìm hiểu thế giới nghệ thuật biểu diễn đầy hứng thú, đến năm 1997, xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á và Nhóm Dự án hình ảnh Samsung cũng phải hứng chịu hậu quả. Sau đó, Kim Hui-cheol chuyển sang một công ty giải trí nhưng không dễ để có thể tiếp tục theo đuổi nghệ thuật biểu diễn bằng số vốn ít ỏi. Rồi đến năm 2005, mối nhân duyên mới đến với ông khi Nhà hát nghệ thuật Chungmu được khánh thành. Ông nói: “Làm việc tại nhà hát là thử thách lớn đối với tôi. Tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi từng làm việc tại cơ quan truyền thông là KBS, ở tập đoàn lớn là Samsung, rồi thậm chí ở cả công ty giải trí. Duy có một nơi tôi chưa từng làm chính là nhà hát. Lần đầu tiên nhìn thấy nhà hát của Trung tâm nghệ thuật Chungmu, tôi đã nung nấu quyết tâm làm điều gì đó khác biệt.”

Nung nấu quyết tâm cải cách
Giám đốc Kim Hui-cheol nghĩ rằng đã đến lúc phải áp dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được vào sân khấu Trung tâm nghệ thuật Chungmu. Thế nhưng, những hạn chế dần bộc lộ khi ông bắt đầu điều hành trung tâm. Ông bày tỏ thêm: “Mặc dù Trung tâm nghệ thuật Chungmu tọa lạc ở quận Jung, trung tâm của Seoul, nhưng chỗ đó lại vắng vẻ. Hơn thế nữa, nó không thể cạnh tranh được với Trung tâm nghệ thuật Seoul ở phường Seocho hay Trung tâm nghệ thuật Sejong ở Gwanghwamun về truyền thống lâu đời, quy mô hay chi phí đầu tư. Ngay cả khi so sánh với Trung tâm nghệ thuật LG nổi lên thời đó thì Trung tâm nghệ thuật Chungmu cũng thua kém hẳn về mặt vị trí thuận lợi và độ sang trọng. Vì thế thay vì phát triển thành nhà hát đa chức năng, tôi quyết định tập trung vào nhạc kịch là thể loại có tính đại chúng mà mọi người sẵn sàng đi tàu điện ngầm đến xem.”

Để tồn tại lâu dài, Trung tâm nghệ thuật Chungmu cần phải tạo dựng được bản sắc riêng. Sau nhiều trăn trở, cuối cùng Giám đốc Kim Hui-cheol quyết định biến nơi này thành nhà hát đầu tiên chuyên tổ chức nhạc kịch dưới sự quản lý của Nhà nước. Song ý tưởng này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ do lúc đó trung tâm mới tồn tại được vỏn vẹn ba năm. Giám đốc Kim Hui-cheol chia sẻ: “Thực ra từ khi tôi đề xuất sẽ xây dựng một nhà hát công lập chỉ biểu diễn nhạc kịch, tôi đã nhận nhiều chỉ trích từ những người làm thể loại khác. Mặc dù vậy, tôi đã chuẩn bị tài liệu và tìm đến từng người trong số họ để thuyết phục. Khi đó, để có được sự ủng hộ Chủ tịch quận Jung, tôi đã phải tìm đến tận phòng tập thể dục mà ông ấy hay lui tới vào sáng sớm. Cứ thế tôi đã mất một năm trời để thuyết phục những người liên quan.”

Trung tâm nghệ thuật Chungmu khoác chiếc áo mới
Mùa xuân năm 2007, Trung tâm nghệ thuật Chungmu đóng cửa và trải qua công cuộc cải cách. Với số tiền đầu tư 7,8 tỷ won (tương đương khoảng 6,4 triệu USD theo tỷ giá hồi đó), nhà hát lớn của trung tâm từ 800 ghế đã mở rộng thành 1300 nghế. Ngoài ra còn có ghế ngồi biểu diễn dành cho dàn nhạc giao hưởng, sân khấu được mở rộng thêm 1,5m. Tấm màn được sử dụng trong chuyển bối cảnh cũng đã được tăng thêm tám cái thành 38 cái. Bảy tháng sau khi trùng tu, Trung tâm nghệ thuật Chungmu mở cửa trở lại với vở nhạc kịch “Sắc đẹp ngàn cân” do nhà hát tự sáng tác và dàn dựng.

Kể từ đó, Trung tâm nghệ thuật Chungmu tiếp tục ra mắt khán giả các tác phẩm như Ca sĩ đám cưới (Wedding Singer), Miss Saigon, Ba chàng lính ngự lâm,… từ đó dần củng cố và phát huy hình ảnh của một nhà hát nhạc kịch.


Xây dựng ý tưởng mới tạo bản sắc riêng cho nhà hát
Dù Trung tâm nghệ thuật Chungmu ngày càng được biết đến rộng rãi, nhưng Giám đốc Kim Hui-cheol vẫn cảm thấy có gì đó trống trải. Ông cho rằng không có gì thực sự là của riêng mình. Giám đốc của trung tâm nghệ thuật Chungmu tâm sự: “Tôi nghĩ chỉ cần sở hữu hai vở nhạc kịch tự biên tự diễn thì Trung tâm nghệ thuật Chungmu chắc chắn sẽ có khả năng cạnh tranh cao. Chính vì vậy mà tôi đã lên kế hoạch cho tác phẩm Frankenstein từ rất lâu.”

Giám đốc Kim Hui-cheol đã quyết định dựng vở nhạc kịch tự sáng tác mang tên “Frankenstein” để ra mắt nhân kỷ niệm 10 năm thành lập nhà hát vào năm 2014. Đó là tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1818 của nữ nhà văn người Anh Mary Shelley. Vì bản quyền tác phẩm gốc đã hết hiệu lực từ lâu, nên việc chuyển thể lần thứ hai đã không gặp trở ngại gì. Frankenstein là tác phẩm nổi tiếng trên toàn thế giới nên Giám đốc Kim tin rằng việc Trung tâm nghệ thuật Chungmu sản xuất vở diễn độc quyền này cũng sẽ được đón nhận trên sâu khấu quốc tế. Cuối cùng, ước mơ của ông cũng thành hiện thực.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Chi phí sản xuất lớn, việc tuyển chọn đội ngũ chuyên môn, dàn diễn viên là bài toán lớn đối với Giám đốc Kim Hui-cheol. Ông đã thu hút được vốn đầu tư tư nhân bằng ba phần tư của tổng chi phí sản xuất là 5 tỷ won (tương đương hơn 4 triệu USD) cho lần công diễn đầu. Ngày ngày, ông đều ghé qua phòng tập để kiểm tra tiến độ. Rồi đến ngày mở cửa bán vé, ông đã thức thâu đêm đến sáng. Ông kể rằng: “Tôi không tài nào ngủ được. Vì đây là dự án tôi đã quyết tâm làm cho bằng được nên nhất định phải thành công. Tác phẩm này có nguồn kinh phí sản xuất lớn, nên nếu gặp thất bại, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều người. Đội ngũ nhân viên và tôi đã chuẩn bị trong thời gian rất dài. Và bây giờ đến ngày tác phẩm ra mắt. Những ý tưởng trong đầu sắp thành hiện thực nên tôi tò mò không biết tác phẩm sẽ như thế nào và phản ứng của khán giả ra sao, có đáp ứng được mong đợi hay không.”

Thành công ngoài mong đợi
Mọi lo lắng đều không cần thiết khi tác phẩm nhận được phản ứng tích cực từ khán giả ngay khi phòng vé mở cửa. Đến ngày công diễn đầu tiên, sau khi theo dõi vở kịch 30 phút, ông Kim Hui-cheol đã có thể thở phào nhẹ nhõm.

Không chỉ Giám đốc Kim Hui-cheol thực hiện được ước mơ của mình. Ngay cả Đạo diễn âm nhạc Lee Sung-joon người hợp tác với ông từ tác phẩm “Ba chàng lính ngự lâm” cũng đã thỏa ước nguyện qua vở diễn Frankenstein này. Đạo diễn âm nhạc Lee Sung-joon nói: “Frankenstein là tác phẩm để đời của tôi. Nó giống như một giấc mơ, nhưng đã thành hiện thực và để lại cho tôi nhiều cảm xúc mới mẻ. Tôi thấy thật vinh dự khi được tham gia sản xuất vở Frankenstein. Vở nhạc kịch nhận được nhiều tình cảm yêu mến của khán giả, khiến tôi có cảm giác lâng lâng. Và tôi đang dồn hết sức mình để giấc mộng đó không biến mất. Tôi luôn nghĩ buổi công diễn của ngày hôm nay vẫn để lại gì đó niềm tiếc nuối và bị thôi thúc làm tốt hơn vào vở diễn hôm sau.”

Các diễn viên hạnh phúc vì được đứng trên một sân khấu đỉnh cao, đạo diễn phấn khởi vì được chỉ đạo trên một sân khấu mơ ước, và khán giả thấy hài lòng đến mức xem lại vở diễn nhiều lần. “Đây là tác phẩm có kết cấu chặt chẽ. Bố cục và diễn biến của vở kịch cũng không chê vào đâu được, không thua kém bất kỳ tác phẩm nào về mọi mặt. Nếu cứ tiếp tục duy trì được như vậy, tôi nghĩ vở diễn sẽ còn thành công ở hàng nghìn buổi sau này nữa.” “Tôi không nghĩ rằng tác phẩm Frankenstein lại có nội dung hay đến vậy, cả khâu đạo diễn lẫn âm nhạc đều rất tuyệt. Tôi cảm thấy tự hào khi thấy Hàn Quốc cũng có thể sản xuất ra nhạc kịch hay đến vậy. Khâu diễn xuất cũng rất tốt, vì là diễn viên nổi tiếng nên vai chính thì không còn gì bàn cãi, nhưng các vai phụ cũng diễn hay ngoài mong đợi. Tôi thấy rất hãnh diện về các diễn viên nước nhà.” là những lời nhận xét của khán giả dành cho tác phẩm Frankenstein.

Ước mơ về chân trời nghệ thuật mới - phim nhạc kịch
Giám đốc Kim Hui-cheol có kế hoạch cho ra mắt vở kịch Ben Hur vào năm sau, hứa hẹn về một tác phẩm đình đám nữa ra lò từ Trung tâm nghệ thuật Chungmu. Nếu như nói đến ước nguyện mới của ông, thì đó là niềm mong mỏi rằng tên tuổi của của Chungmuro, nơi sản sinh ra điện ảnh Hàn Quốc, sẽ sánh bước ngang hàng cùng nhạc kịch của Trung tâm nghệ thuật Chungmu trên con đường phát triển. Ông cho biết về kế hoạch tương lai của mình: “Dự án mới mà chúng tôi thực hiện từ năm nay là Liên hoan phim nhạc kịch Chungmuro. Mơ ước của tôi là khôi phục lại một Chungmuro, cái nôi của nền điện ảnh nước nhà và kết hợp với nhạc kịch của Trung tâm nghệ thuật Chungmu, cái nôi của nhạc kịch Hàn Quốc, từ đó tạo ra một liên hoan phim nhạc kịch tầm cỡ thế giới. Sau này, nếu như tôi có thể làm ra phim nhạc kịch từ vở Frankenstein, thì tôi hy vọng rằng những tác phẩm phim nhạc kịch của Trung tâm nghệ thuật Chungmu sẽ không chỉ tồn tại ở thị trường Hàn Quốc mà còn tiến xa hơn ra thế giới.”

Giám đốc Kim Hui-cheol đã thành công trong việc tạo dựng tên tuổi cho một nhà hát công chuyên về nhạc kịch. Biết đâu trong tương lai không xa chúng ta có thể thưởng thức vở nhạc kịch Frankenstein của Hàn Quốc trên sân khấu của West End (London), cái nôi của nhạc kịch thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập