Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Đạo diễn Cho Jung-rae của bộ phim “Về cố hương”, hiện đang tạo nên cơn sốt trên khắp Hàn Quốc

2016-03-15



Nỗi đau chưa nguôi
“Về cố hương” là bộ phim điện ảnh lột tả cuộc sống và nỗi đau của các cụ bà là nạn nhân của Nô lệ tình dục thời chiến. Toàn dân Hàn Quốc đã cùng phẫn nộ và cùng khóc than cho câu chuyện của cô bé ở độ tuổi 10 đã phải sống trong địa ngục khi bị bắt và cưỡng ép mua vui cho quân lính Nhật Bản trong Thế chiến II. Một số khán giả bày tỏ cảm nhận như sau: “Tôi đã sợ phải thấy hiện thực cuộc sống đau thương của các cụ bà. Mặc dù vậy, tôi vẫn muốn cùng đồng cảm với nỗi đau của họ nên đã quyết định xem bộ phim này”. “Trước đây tôi từng nghe nói đến bộ phim, nhưng nay được xem trực tiếp khiến tôi cảm nhận rõ hơn về sự khủng khiếp mà những nhân vật trong bộ phim phải chịu đựng”. Hay như một khán giả cho biết: “Tôi mong tất cả người dân Hàn Quốc đều xem bộ phim này. Vấn đề nô lệ tình dục thời chiến vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng nên tôi mong rằng các cụ bà sẽ sống thật lâu đến khi mọi việc được giải quyết rõ ràng”.

14 năm là quãng thời gian kể từ khi bộ phim “Về cố hương” được lên kế hoạch và khởi chiếu. Giữa lúc bế tắc do thiếu kinh phí đầu tư, một số cụ bà là nạn nhân của nô lệ tình dục đã qua đời. Khi tin tức việc quay phim bị tạm ngừng được truyền đi, hơn 75.000 người dân đã chung tay đóng góp kinh phí giúp cho bộ phim được hoàn thành. Cuối tuần vừa qua, bộ phim “Về cố hương” đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem. Đạo diễn của bộ phim Cho Jung-rae vẫn thầm biết ơn những kỳ tích đang diễn ra hàng ngày. Anh bày tỏ: “Tôi thực sự cảm kích. Bộ phim tìm được nhà phân phối và được công chiếu đã là một kỳ tích đối với tôi. Việc khán giả chấp nhận bộ phim và số lượng phòng chiếu tăng lên nằm ngoài dự đoán của tôi. Đây là kỳ tích do toàn dân Hàn Quốc tạo nên và tôi thực sự rất biết ơn vì điều này”.

Nỗi ám ảnh còn mãi
Đạo diễn Cho Jung-rae tốt nghiệp đại học chuyên ngành đạo diễn và có mối nhân duyên với các cụ bà là nạn nhân của nô lệ tình dục vào năm 2002. Từng là thành viên lâu năm trong câu lạc bộ nhạc dân tộc, đạo diễn Cho Jung-rae đã có dịp gặp các cụ bà tại “Ngôi nhà chia sẻ” khi tham gia hoạt động tình nguyện âm nhạc. Và tại đây, anh đã được nhìn thấy bức tranh đầy ám ảnh. Anh kể lại: “Tôi nhìn thấy bức tranh vẽ các thiếu nữ bị thiêu cháy của bà Kang Il-chul. Tôi hoàn toàn bị sốc. Hàng tháng tôi đến đó làm tình nguyện và dần thân thiết với các cụ bà. Tôi được xem bức tranh các cụ bà vẽ qua quá trình trị liệu tâm lý bằng mỹ thuật, và bức tranh của bà Kang Il-chul ngay lập tức đập vào mắt tôi. Ban đầu tôi không hiểu về nó nhưng về sau, khi biết được sự thật, tôi hoàn toàn bị ám ảnh. Nó thực sự khiến tôi bị sốc”.



Bức tranh “Những thiếu nữ bị thiêu cháy” do cụ bà Kang Il-chul vẽ là hình ảnh về các thiếu nữ mặc Hanbok đang bị thiêu cháy trong một hố lớn giữa rừng. Những cô gái ngồi trên chiếc xe tải đang tiến dần đến cái hố run lên vì sợ hãi, và từ phía sau một cái cây tận sâu trong rừng là hình ảnh hai cô gái nín thở chứng kiến khung cảnh đáng sợ đó. Đối nghịch với nỗi sợ hãi tột cùng là hình ảnh những tên lính Nhật máu lạnh thản nhiên thực hiện những tội ác man rợ. Hình ảnh trong bức tranh theo như lời kể của cụ bà, người bị cưỡng ép mua vui thời đó, chính là nơi quân lính Nhật tàn sát các cô gái nhằm thủ tiêu chứng cứ.

Sau khi nhìn thấy bức tranh và trở về nhà, Cho Jung-rae đã gặp các thiếu nữ ngay cả trong giấc mơ. Anh kể lại: “Sau khi nhìn thấy bức tranh, tôi mơ thấy những linh hồn của các thiếu nữ bị thiêu chết bay lên trời và trở về với quê hương. Kể từ đó, tôi đã quyết tâm làm nên một bộ phim để cho cả thế giới biết đến sự thật đó. Tôi đã nói về chuyện đó khi gặp bất cứ ai”.

Chặng đường gian nan bảo vệ sự thật lịch sử
Đạo diễn Cho quyết tâm thực hiện bộ phim và bắt đầu tìm nhà đầu tư. Vì nô lệ tình dục là lịch sử đau thương của cả Hàn Quốc và là vấn đề chưa được giải quyết nên anh nghĩ sẽ có rất nhiều nhà đầu tư sẽ đồng cảm với ý tưởng này. Tuy nhiên, sự thực lại hoàn toàn khác. Đạo diễn Cho Jung-rae cho hay: “Ngay cả việc bắt đầu viết kịch bản cũng đã gặp trở ngại. Những nhà đầu tư tôi tìm đến đều hỏi nhất định phải làm bộ phim đó hay sao, và nói rằng nó không có tính đại chúng khi thậm chí họ còn chưa đọc kịch bản. Vì họ cho rằng sẽ không ai xem bộ phim nặng nề như thế”.

Cuối cùng, đạo diễn Cho Jung-rae đã phải tự lo toàn bộ chi phí cho công đoạn kịch bản. Anh đã cố gắng hết sức có thể và tất cả số tiền anh kiếm đều được đầu tư vào sản xuất bộ phim “Về cố hương”. Thế rồi sau bao nhiêu thăng trầm, đến năm 2013, tức là 11 năm sau, kịch bản phim cũng đã hoàn thành. Lần này anh mang theo kịch bản và tìm đến các nhà đầu tư một lần nữa. Đạo diễn Cho Jung-rae cho biết: “Tôi tìm đến nhờ họ đầu tư vì bây giờ kịch bản đã viết xong và họ nói rằng “Vậy là anh vẫn chưa hiểu ý tôi. Tôi đã nói là không được”. Dù vậy tôi vẫn nhờ họ xem qua kịch bản nhưng họ không hề đọc. Có người còn ném kịch bản đi và bảo tôi đừng làm mấy cái thể loại phim như thế. Đó là quãng thời gian dài của sự từ chối và thất bại, Và đó cũng chính là quá khứ lịch sử của bộ phim “Về cố hương”.



Đối mặt với kinh phí khó khăn
Cuối cùng anh đã thất bại trong công cuộc tìm nhà đầu tư. Không chỉ riêng bản thân đạo diễn Cho Jung-rae mà toàn bộ ê-kíp làm phim đã cùng chung tay đóng góp tất cả những gì mà họ có. Nhà sản xuất Im Seong-cheol nói: “Khi đó cả tôi lẫn đạo diễn Cho đều đầu tư tất cả số tiền có thể vay được ở ngân hàng như vay, thấu chi và ứng tiền mặt. Khoản nợ ngân hàng của đạo diễn Cho đã lên tới con số triệu đô-la Mỹ. Cả khoản nợ của tôi lẫn số tiền tôi mượn bên gia đình nhà vợ cũng không hề nhỏ. Chỉ tính riêng tiền trả lãi hàng tháng đã là hàng nghìn đô-la Mỹ”.

Mặc dù đã hết sức chạy vạy, nhưng số tiền đó cũng chỉ đủ để đoàn làm phim quay trong vỏn vẹn chưa đến một tuần. Vào thời điểm tưởng như sẽ phải bỏ cuộc, họ được biết đến chương trình quyên góp thực hiện trên cổng thông tin điện tử và quyết định thử liều một phen vì nếu thất bại cũng chẳng mất gì. Và mục tiêu được đặt ra là 10 triệu won (tương đương 9.000 USD) trong vòng 45 ngày.

Kỳ tích của sự đồng lòng
Một đoạn quảng cáo phim ngắn với tựa đề “Chị ơi, mình về nhà thôi” đã được đăng tải trên trang web. Ngay sau khi cổng thông tin được mở, kỳ tích đã xảy ra. Đạo diễn Cho Jung-rae cho biết: “Ngay khi cổng thông tin được mở, chúng tôi đã nhận số tiền quyên góp là 30 triệu won (tương đương 27.000 USD theo tỷ giá hiện tại) chỉ trong một ngày chứ không phải là 10 triệu won như mục tiêu ban đầu”. Nhà sản xuất Im Seong-cheol nói thêm: “Chuyện không thể tin nổi. Tôi chỉ có thể gọi nó là kỳ tích. Tôi quá đỗi ngạc nhiên và nhận ra rằng những chuyện như thế vẫn còn tồn tại trên đời. Sự ủng hộ của mọi người đã tiếp thêm sức mạnh cho những người làm phim chúng tôi”.



Cú lội ngược dòng trong quá trình sản xuất bộ phim “Về cố hương” bắt đầu từ đó. Với sự tham gia của 14.737 người trong đợt một, số tiền quyên góp đạt được 2500% so với con số mục tiêu ban đầu được đặt ra, tức là đã quyên góp được 250 triệu won (tương đương 230.000 USD). Nhờ đó, bộ phim chính thức khởi quay vào ngày 15 tháng 4 năm 2015.

Phải chăng nhờ sự hỗ trợ vững chắc của người dân Hàn Quốc mà công tác chỉ đạo của đạo diễn Cho Jung-rae cũng tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên số tiền quyên góp quý giá cũng dần cạn kiệt chỉ sau bốn, năm ngày. Nhà sản xuất Im Seong-cheol nói: “Mỗi ngày đều là những giây phút căng thẳng. Ví dụ như tuần này chúng tôi nhận được 100 triệu won tiền đầu tư thì cứ ngỡ rằng sẽ có thể yên tâm cho đến tuần sau. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của tôi và đến ngày thứ bảy thôi là số tiền trong tài khoản đã chỉ còn lại 150.000 won, lúc ít nhất chỉ vỏn vẹn 557 won. Vì thế, đến ngày thứ hai chúng tôi lại tiếp tục đi kiếm tiền từ bất cứ ai mà chúng tôi gặp. Và chúng tôi đã rất biết ơn khi sau đó số tiền lại tăng lên nhờ sự đóng góp của những người xung quanh, trích từ tiền tích góp mua nhà, xe ô tô, và thậm chí cả tiền để dành chuẩn bị làm đám cưới của họ”.

Nhà đầu tư cho bộ phim “Về cố hương” chính là chủ cửa hàng sửa chữa xe ô tô, huấn luyện viên thể hình, hay thợ sửa ống nước…., tất cả đều là người dân thường. Một người mẹ cùng con mới học ở trường mẫu giáo đã mang theo sổ tiết kiệm tìm đến đoàn làm phim. Ngay cả trong số ê-kíp 200 người gồm cả diễn viên, cũng có rất nhiều người tình nguyện đóng góp tài năng của bản thân cho bộ phim. Nữ diễn viên Sohn Sook thủ vai Yeong-hee lúc về già trong bộ phim “Về cố hương” chia sẻ: “Tôi đọc kịch bản và lần đầu tiên một tác phẩm lại khiến tôi cảm động đến vậy. Tôi nghẹn ngào đến trào nước mắt. Vì thế tôi gửi tin nhắn cho đạo diễn Cho nói rằng mình đã khóc rất nhiều, và anh ấy đã đến tìm gặp tôi mỗi ngày. Đạo diễn Cho Jung-rae khiến người khác phải động lòng. Anh có khả năng thuyết phục khiến người khác không thể không giúp”.

Sự chấp thuận từ thế giới bên kia
Đón nhận kỳ tích mỗi ngày, đạo diễn Cho Jung-rae không quên cúi đầu lạy để cảm tạ trước và sau khi quay cũng như không quên lòng biết ơn đối với các cụ bà là nạn nhân của nô lệ tình dục cho lính Nhật. Anh cho biết: “Hàng ngày tôi đều vái lạy linh hồn các cụ bà trong trường quay trước và sau khi quay phim để thể hiện lòng biết ơn. Tôi biết ơn vì họ luôn bảo vệ nơi đây, phù hộ để chúng tôi có thể quay phim thuận lợi mà không gặp sự cố, biết ơn vì họ cho phép chúng tôi quay những cảnh ghê rợn. Chúng tôi đã làm giỗ trước khi quay cảnh các thiếu nữ bị thiêu chết. Nó không chỉ là vấn đề về tôn giáo. Do đây là cảnh quay đáng sợ, nếu như tôi là những cụ bà đã mất chắc chắn tôi cũng không muốn chứng kiến lại cảnh đó. Vì vậy nên tôi vái lạy để xin sự đồng ý của những người ra đi trước khi quay”.



Phải chăng ông trời cũng cảm động trước tình cảm của đạo diễn Cho Jung-rae mà trường quay luôn cảm nhận được sự phù hộ của các cụ bà. Nữ diễn viên Choi Ri vào vai Eun-kyung, cô đồng an ủi vong linh các thiếu nữ chia sẻ: “Khi quay cảnh lên đồng ở huyện Yangpyeong (tỉnh Gyeonggi), gió đã thổi rất mạnh. Các nhân viên đoàn làm phim đều thấy kỳ lạ. Chúng tôi nghĩ rằng các cụ bà cũng đang rất mong ngóng, và cả thiên nhiên cũng cầu nguyện cùng họ. Gió thổi rất mạnh và những người xung quanh bắt đầu cùng cầu nguyện. Cả bản thân tôi không hiểu sao cũng cảm nhận được sức mạnh vô thường. Nếu cho tôi quay lại cảnh múa lên đồng chưa chắc tôi đã làm được tốt như lúc đó. Trường quay khi đó như cảm nhận được một sức mạnh rất lớn”.

Cuộc vận động quyên góp đợt hai – “Về nhà thôi con gái”
Quá trình sản xuất phim với sự chân thành của đạo diễn Cho Jung-rae đã làm lay động những người diễn viên, nhân viên đoàn phim và cả người dân Hàn Quốc. Để phục vụ cho các công đoạn hiệu đính, chỉnh sửa sau khi quay, cuộc quyên góp lần hai được khởi động với đoạn phim quảng cáo mang tên “Về nhà thôi con gái” đã quyên góp được 340 triệu won (tương đương 320.000USD).

Đạo diễn Cho Jung-rae cũng quyên góp được 2,5 tỷ won (tương đương 2,3 triệu USD) thông qua các cuộc đầu tư lớn nhỏ và chương trình từ thiện. Số người tham gia đóng góp cho bộ phim là hơn 75.000 người. Để ghi nhận những đóng góp của họ, đạo diễn Cho Jung-rae đã đề cập đến tên từng người trong phần cuối tác phẩm liệt kê danh sách những người tham gia thực hiện phim. Phần cuối phim giới thiệu bức tranh của các cụ bà, cùng tên của những người quyên góp với thời lượng dài 12 phút đã trở thành phần giới thiệu dài nhất thế giới.



Mong ước được dẫn lối cho những nạn nhân bị ép buộc mua vui cho binh lính Nhật trở về cố hương
Chặng đường 14 năm sản xuất phim đầy gian nan đã được đạo diễn Cho Jung-rae hoàn thành. Trưởng phòng sản xuất Noh Yeong-wan của tác phẩm “Về cố hương” đã gọi đạo diễn Cho là “một gã tồi”. Ông giả thích: “Bây giờ chúng tôi gọi đạo diễn Cho là gã tồi. Bởi lẽ thực sự là có quá nhiều việc phải làm và ông ấy là người vất vả hơn bất cứ ai, nỗ lực hơn bất cứ ai, và hơn hết, chứng kiến ông ấy xắn tay áo làm việc ở những vị trí thấp hơn bất cứ ai khiến chúng tôi không thể không làm việc”.

Số lượng lần chiếu phim “Về cố hương” hiện đã vượt qua con số 50.000 lượt. Và mục tiêu mà đạo diễn Cho đặt ra là 200.000 lượt chiếu với ước nguyện cháy bỏng mong cho 200.000 thiếu nữ đã hy sinh trong nạn nô lệ tình dục thế chiến II được trở về cố hương. Anh giải thích: “Tài liệu ghi chép rằng 500.000 người đã mất, và tối thiểu là 200.000 phụ nữ bị ép buộc mua vui cho binh lính Nhật trong Thế chiến II đã qua đời nơi đất khách quê người. Vì thế, tôi muốn bộ phim được chiếu ít nhất 200.000 lần để 200.000 người đó có thể được trở về quê nhà”.

Hiện nay chỉ còn lại 44 cụ bà là nạn nhân nô lệ tình dục còn sống. Không một ghi chép nào có thể sống động hơn những vết thương còn để lại trên người họ. Những vết thương đó đang thay lời muốn nói cho quãng thời gian đầy ám ảnh của 70 năm về trước. Qua bộ phim “Về cố hương”, đạo diễn Cho Jung-rae mong cho những vong hồn oan ức, những cụ bà ôm vết thương lòng sẽ tìm lại được sự bình yên trong tâm hồn.

Lựa chọn của ban biên tập