Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Đạo diễn Koh Sun-woong, người khắc họa chân dung người Hàn Quốc trên sân khấu kịch

2016-03-22

“Chân dung người Hàn Quốc” phản ánh hình ảnh con người xã hội hiện đại
Cặp đôi học cùng trường đại học đã vun đắp cho tình yêu đơm hoa kết trái và thề nguyện cùng nhau xây đắp hạnh phúc. Thế rồi, bất lực trước cảnh nghèo khó, người vợ bỏ nhà đi, còn người chồng, vốn là nhân viên tạm thời của một công ty bị sa thải.

Đó là phân cảnh trong vở kịch mang tên “Chân dung người Hàn Quốc” trên sân khấu nhỏ có tên “Pan” phường Seogye, quận Yongsan (Seoul) do đoàn kịch quốc gia thực hiện. “Chân dung người Hàn Quốc” là tác phẩm kể về 27 mảnh đời khác nhau, lột tả hình ảnh của người dân Hàn Quốc thời nay. Koh Sun-woong, đạo diễn vở kịch này cho biết: “Vở diễn được dàn dựng với mục đích mô tả hình ảnh và tình cảnh của người dân Hàn Quốc hiện nay. Các thành viên đã cùng nhau thảo luận, bàn bạc, và trao đổi ý kiến về những trải nghiệm của chính bản thân hay qua những câu chuyện từng được nghe, và từ đó dựng nên các phân cảnh của vở kịch. Chúng tôi còn thu thập các câu chuyện đăng trên mạng, báo chí, hoặc tin tức thời sự để làm tư liệu.”

Qua vở kịch với thời lượng 85 phút, khán giả như được nhìn thấy hình ảnh của chính mình phản chiếu trong gương khi bất chợt gặp một anh nhân viên công sở trên chuyến tàu đông nghẹt vào giờ đi làm hay tan tầm, một người phụ nữ mê phẫu thuật thẩm mỹ, một công tử bột, hình ảnh chợ người – nơi người ta chờ được thuê việc, hình ảnh một sòng bạc, một người nghiện trò chơi trực tuyến, hay một ông lão thu lượm phế thải…Một số khán giả cho biết: “Vở kịch phản ánh đúng bản chất xã hội hiện đại trong thế kỷ XXI. Chúng ta có thể coi những chuyện đó là chuyện của người khác và dễ dàng làm ngơ bất chấp việc chúng xảy ra hàng ngày xung quanh chúng ta.” “Hình ảnh những ông bố, bà mẹ sống chăm chỉ suốt một đời phải trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện dưỡng lão, phần nào giống như hình ảnh của chính tôi trong tương lai khiến lòng tôi nghẹn đắng. Vở kịch nói đến những chuyện tưởng như khó có thể đối mặt nhưng lại được khắc họa không ngại ngùng theo phong cách phóng khoáng, khiến người xem, dù cảm thấy buồn vì tất cả đều là hiện thực, nhưng cùng lúc lại thấy rất thú vị.” “Khi theo dõi các nhân vật dán mắt vào điện thoại trên xe buýt, tôi nhận thấy hóa ra mình cũng như họ. Tôi nghĩ mình phải quan tâm và chia sẻ tình cảm với mọi người nhiều hơn. Vở kịch khiến tôi cảm thấy hổ thẹn với bản thân. Tôi đã quyết định đúng khi lựa chọn xem vở kịch này.”



Thừa nhận thiếu sót để hướng tới tương lai tươi đẹp hơn
Lý do gì đã khiến Đạo diễn Koh Sun-woong quyết định miêu tả những khoảng tối hiện thực đau buồn của xã hội Hàn Quốc mà mọi người thường muốn che giấu, lên sân khấu kịch? Ông giải thích: “Tôi là người Hàn Quốc và tôi tự hào về điều đó. Tôi có quyền được kể về những câu chuyện đó dù đó chẳng phải chuyện vui. Và đương nhiên tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Với tư cách là người dân Hàn Quốc, tôi cho rằng mình cần nói lên những mặt tiêu cực để có thể hiểu rõ hơn về con người Hàn và thêm yêu đồng bào mình. Qua đó, tôi có thể tự tin mà nói rằng tôi yêu đất nước Hàn Quốc”.

Khi mô tả một hiện thực đau buồn không mấy dễ chịu để mang ra bàn tán, đạo diễn Koh muốn giải tỏa nỗi buồn chất chứa trong nội tâm của những nhân vật phải đối diện với hiện thực đó và gieo mầm hy vọng cho họ. Thông qua vở kịch, Đạo diễn Koh Sun-woong muốn cho khán giả thấy hình ảnh ước mơ một cuộc sống ấm no, xã hội tươi đẹp và ấm áp với nếp sống văn minh và tràn ngập tình yêu. Trở thành tâm điểm chú ý khi giành chiến thắng ở hầu hết các giải thưởng kịch lớn trong nước vào năm ngoái, đạo diễn sân khấu kiêm nhà soạn kịch Koh Sun-woong đang nhận được tình cảm yêu mến trong giới kịch nghệ Hàn Quốc.

Đạo diễn sân khấu mang phong thái của diễn viên chuyên nghiệp
Địa điểm đoàn phóng viên KBS World Radio gặp gỡ đạo diễn Koh Sun-woong là Trung tâm nhà hát kịch Daehakno (Seoul). Vừa trở về sau khi tham dự hội thảo vào cuối tuần qua, ông đến buổi gặp trong trang phục áo khoác dài cùng với chiếc mũ phớt kéo sâu xuống khuôn mặt có bộ râu mép dài. Người đàn ông từng có ước mơ trở thành diễn viên ấy có phong cách ăn mặc trông giống như một diễn viên thực thụ trên sân khấu kịch, hơn là một đạo diễn sân khấu. Có lẽ vì thế mà ông là người đạo diễn hiểu rất rõ diễn viên. Diễn viên Jung Jae-jin đảm nhận vai ông lão trong vở kịch “Chân dung người Hàn Quốc” tâm sự: “Đạo diễn Koh Sun-woong là một người rất nhân hậu. Ông ấy yêu mến tất cả các diễn viên và tạo cảm giác thoải mái cho chúng tôi khi diễn. Ông ấy còn trực tiếp diễn thử mỗi khi các diễn viên bí ý tưởng. Không chỉ diễn xuất tốt mà đạo diễn Koh còn hát hay, múa giỏi nữa. Một đạo diễn giống diễn viên hơn cả diễn viên thực thụ.”

Đi theo tiếng gọi của đam mê
Một đạo diễn sân khấu trông giống như diễn viên chuyên nghiệp, Koh Sun-woong tuy vậy lại có quãng thời gian từng là một nhân viên công chức bình thường. Ông từng là người lập kế hoạch quảng cáo cho một công ty quảng cáo và tự hào rằng mình đã làm một công việc mang tính sáng tạo. Mối nhân duyên với nghệ thuật kịch vào năm thứ nhất đại học đã thôi thúc ông đến với sân khấu kịch. Ông bày tỏ: “Có một khát khao dồn nén trong tôi bấy lâu, đó là được làm kịch, và dần dần nó càng trở nên mãnh liệt hơn. Thế rồi trong một ngày tuyết rơi, tôi đang ngồi ăn mỳ và bất chợt nhìn về phía tòa nhà 63 tầng, nơi tôi làm việc ở tầng 16. Tôi băn khoăn tại sao mình lại sống bó buộc ở trong đó. Và tôi quyết tâm thôi việc để theo đuổi đam mê.”

Nghỉ việc ở tuổi 32, thời điểm đã quen với công việc và đạt được những thành công nhất định, Koh Sun-woong trở về với cuộc sống thường ngày trong căn phòng gác mái của mình. Và rồi ông bắt đầu viết ra những câu chuyện chất chứa trong lòng bấy lâu. Ông chia sẻ: “Tôi đã viết rất nhiều. Mỗi tháng tôi cho ra đời ít nhất một tác phẩm, và trước đó tôi cũng đã viết khoảng trên mười kịch bản. Phòng gác mái rất nóng nên vào mỗi sáng khi thức dậy, tôi vừa ngồi viết vừa dùng bình xịt nước nhỏ để xịt cho mát. Khi đó trong tôi có sự thôi thúc đầy cưỡng bách rằng nếu mỗi tháng mà không viết được một tác phẩm thì cuộc sống sinh hoạt sẽ không thể được đảm bảo.”



Đối mặt với thất bại - sự thức tỉnh kịp thời
Sau tám tháng miệt mài, cuối cùng đến năm 1999, tác phẩm “Người phụ nữ trong khung cảnh ảm đạm” của ông đã được bình chọn là tác phẩm hay trong một cuộc thi do một tờ báo tổ chức. Ngay vào năm đó sau khi đăng đàn, ông bắt đầu hoạt động với vai trò là một nhà soạn kịch và đạo diễn sân khấu. Đến năm 2005, đạo diễn Koh Sun-woong thành lập đoàn kịch mang tên “Ma trận kì ảo”. Từ đó, ông cùng với các thành viên trong đoàn kịch lên kế hoạch đưa từng câu chuyện mà bấy lâu ông đã muốn thực hiện lên sân khấu kịch. Thế nhưng kết quả lại là sự thất bại thảm hại. Ông kể lại: “Tôi thành lập đoàn kịch năm 38 tuổi và đối mặt với tổn thất trong suốt bốn, năm năm. Tất cả hơn 10 vở diễn đều không thành công, đến cả phòng tập chúng tôi cũng không giữ được.”

Không thu hút được sự quan tâm của khán giả trong suốt năm năm, điều mà đạo diễn Koh Sun-woong nhận ra rằng sẽ không thể tạo được thành công cho vở kịch nếu như không có tình yêu. Ông nói thêm: “Khi đã bị dồn đến chân tường, tôi mới nhận ra rằng làm kịch cũng cần phải có tình yêu. Kể từ đó, những vở kịch tôi làm ra có chất lượng hơn. Nếu như trước đây tôi chỉ chuyên tâm vào những câu chuyện mình muốn kể hay câu chuyện mình thích, thì nay, sau khi nhận ra bài học về tình yêu, tôi bắt đầu chuyển hướng quan tâm rằng liệu tôi có thể kể câu chuyện gì vì nhân loại và vì những người xung quanh. Từ đó mà các vở kịch của tôi trở nên đáng giá hơn rất nhiều. Tôi luôn muốn mang tình yêu vào trong kịch. Tình yêu dường như là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Nhờ nhận ra được điều đó mà kịch của tôi trở nên hay hơn.”

Những tác phẩm lay động lòng người lần lượt ra đời
Kể từ năm 2010, đạo diễn Koh Sun-woong đảm nhận vị trí đạo diễn nghệ thuật của đoàn kịch quốc gia tỉnh Gyeonggi và được công chúng biết đến nhiều hơn. Thay vì các tác phẩm có tính đột phá và thử nghiệm, ông đem đến sân khấu kịch những tác phẩm dễ đi vào lòng người, với những câu chuyện đời thường mà cảm động. Vở kịch với tựa đề “Ngày xanh tươi đẹp” ra mắt vào năm 2011 đã mang về cho ông giải tác phẩm xuất sắc và giải đạo diễn xuất sắc trong cùng năm đó.

“Ngày xanh tươi đẹp” là vở kịch lấy bối cảnh của Phong trào vận động dân chủ Gwangju ngày 18/5/1980 được đạo diễn Koh Sun-woong tái hiện lại theo phong cách lãng mạn, vui vẻ. Mặc dù biến cảm xúc nặng nề thành tiếng cười và sự thú vị, nhưng ông vẫn khiến cho người xem tưởng nhớ về những người đã trải qua những ngày tháng mùa xuân của tháng 5 lịch sử như những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời. Diễn viên Jung Jae-jin cho biết: “Tôi nghĩ những ý tưởng của ông thường bất chợt phát sinh từ những suy nghĩ ngây thơ. Trên thực tế, kịch cũng được xuất phát từ những ý tưởng như vậy. Mọi người thường tiếp cận nó một cách nặng nề, nhưng đạo diễn Koh lại nghĩ cần phải thoáng hơn, đưa ra vấn đề một cách nhẹ nhàng, bởi vì nếu bản thân diễn viên thể hiện vấn đề quá nghiêm trọng thì khán giả sẽ còn cảm thấy nặng nề hơn. Vì vậy mà các diễn viên luyện tập lối diễn nhẹ nhàng, và tôi đồng tình với đạo diễn ở điểm này.”

Kết thúc nhiệm kỳ làm đạo diễn nghệ thuật, năm 2015, Koh Sun-woong quay trở lại với vai trò là đạo diễn kịch và giới thiệu đến khán giả nhiều thể loại và phong cách đa dạng qua các tác phẩm “Killbeth”, “Ngày xanh tươi đẹp”, “Arirang”, “Byeon Kang-soe và Ongnyeo”. Đặc biệt phải nói đến tác phẩm “Sự trả thù của Triệu Thị Cô Nhi”, được phóng tác từ truyện cổ “Triệu Thị Cô Nhi” (tạm dịch là con côi nhà họ Triệu) của Trung Quốc. Đạo diễn Koh Sun-woong giải thích: “Gia tộc nhà họ Triệu phải chịu tội chu di cửu tộc nên 300 người bị giết và chỉ còn một đứa trẻ sống sót nhờ sự thế mạng của một đứa trẻ khác. Câu chuyện kể về sự trả thù sau 20 năm của đứa trẻ đó. Qua vở diễn, tôi muốn nói rằng sự trả thù đôi khi vẫn cần thiết nhưng không nhờ thế mà chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm hơn.”



Hiệp hội kịch Hàn Quốc đã chọn đạo diễn Koh Sun-woong để trao tặng giải đạo diễn của năm 2015. Ngoài ra, vở kịch “Sự trả thù của Triệu Thị Cô Nhi” đã mang về cho ông nhiều hạng mục giải thưởng như Tác phẩm kịch xuất sắc Hàn Quốc, Giải kịch xuất sắc nhất Donga, Giải nghệ sĩ ấn tượng. Mặc dù trước đó, tài năng của đạo diễn Koh đã được công nhận nhưng với “Sự trả thù của Triệu Thị Cô Nhi”, các vở kịch do đạo diễn Koh Sun-woong thực hiện đã trở thành những vở diễn được khán giả tin tưởng. Diễn viên Kim Jung-eun, người đảm nhận vai người phụ nữ trung niên trong “Chân dung người Hàn Quốc”, cho biết: “Tôi cũng đã đến xem Triệu Thị Cô Nhi vào năm ngoái và tôi đã đứng dậy vỗ tay không ngừng. Đạo diễn Koh thật biết cách mang đến tiếng cười cũng như nước mắt cho khán giả, cũng như biết cách làm lay động lòng người. Tôi có cảm giác ông ấy có thể đọc được suy nghĩ của người khác, như một ông đồng vậy. Những đề tài nặng nề được ông nhào nặn thành những đề tài thú vị vừa hài hước mà vẫn cảm động và thâm sâu. Có lẽ nhờ là một đạo diễn xuất thân từ biên kịch mà ông mới làm được như vậy. Thật là một con người đáng ngưỡng mộ.”

Dẫn lối khán giả theo tia sáng của hy vọng
Trải qua năm 2015 đầy bận rộn, đạo diễn Koh Sun-woong đang thể hiện những bức chân dung của người Hàn Quốc trên sân khấu kịch trong mùa xuân năm nay. Mỗi lần công diễn, khán giả lại được thấy hình ảnh những người Hàn Quốc mệt mỏi và kiệt sức trước cuộc sống chán chường.

Mạch diễn biến với những sự việc không có mối liên hệ với nhau có thể sẽ khiến khán giả quay cuồng trong mớ hỗn độn, và cảm thấy nặng nề trước nội dung u ám, nhưng lại thấy dễ chịu phần nào nhờ các diễn viên với muôn hình muôn vẻ thể hiện các tình huống dở khóc dở cười…

Đạo diễn Koh Sun-woong với kỹ năng biến nỗi buồn thành niềm vui tươi sáng, khiến khán giả tập trung hơn vào vở kịch. Diễn viên Jung Jae-jin vai ông lão trong “Chân dung người Hàn Quốc” nói: “Đạo diễn Koh móc nối những câu chuyện lại và về sau tạo nên một cấu trúc liên kết liền mạch khiến tất cả chúng tôi đều thán phục. Nhờ đó tôi được chứng kiến tài năng xuất chúng của một đạo diễn sân khấu, và sự chăm chút tỉ mỉ, chi tiết cho từng phân cảnh kịch của ông. Ở mặt này, Koh Sun-woong là một đạo diễn thiên tài trong số các thiên tài.”

Thật ấn tượng với ý tưởng đặt những chiếc gương cỡ lớn phía bên sườn sân khấu để khán giả có thể soi thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Trong suốt vở diễn, mặc dù khán giả phải chứng kiến nỗi đau và sự tuyệt vọng, nhưng theo đạo diễn Koh Sun-woong, người lấy tình yêu và sự tha thứ làm nội dung chính thì không có thứ gì mang tên tuyệt vọng. Cuối cùng thứ mà khán giả được nhìn thấy là mặt trời, là ánh sáng của hy vọng. Đạo diễn Koh Sun-woong cho biết: “Nếu như chúng ta thấy mặt trời mỗi ngày thì nhiều việc tốt sẽ xảy đến, nhưng dường như con người của xã hội hiện đại lại sống mà không cần nhìn thấy ánh mặt trời. Chỉ cần cảm nhận thấy mặt trời mọc rồi lặn thôi là tôi cho rằng chúng ta đã có thể cảm nhận được nhiều tình yêu thương hơn và có suy nghĩ lạc quan, tích cực hơn. Nhờ thế mà thái độ tự dày vò, miệt thị bản thân cũng sẽ dần mất đi, và mỗi ngày sẽ trở nên đáng sống hơn. Vì thế mà tôi đã cho thêm cảnh các nhân vật hướng về phía mặt trời.”

Sống và hết mình cho hiện tại
Ngay cả khi giới kịch nghệ gọi đây là thời đại của đạo diễn Koh Sun-woong, bản thân ông không cảm thấy điều gì quá đặc biệt. Ông đem sự chú ý và lời khen ngợi dành cho mình chôn vùi vào quá khứ, và ngay tại thời điểm này ông chỉ biết cống hiến hết mình cho tác phẩm đang công diễn. Nếu như được hỏi tác phẩm nào khiến ông hài lòng nhất, thì bất cứ khi nào, câu trả lời của ông cũng chỉ có một, đó là tác phẩm đang công diễn. Một người luôn sống vì hiện tại, người muốn tô vẽ hiện tại và biến nó thành bức tranh đẹp nhất, không ai khác chính là đạo diễn sân khấu kiêm nhà biên kịch Koh Sun-woong.

Lựa chọn của ban biên tập