Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Sung Shi-yeon, nhạc trưởng nữ đầu tiên trong lịch sử dàn nhạc giao hưởng quốc gia Hàn Quốc

2016-03-29

Thoát khỏi lối mòn truyền thống
Sân khấu đầu tiên nằm trong chuỗi sự kiện biểu diễn âm nhạc năm 2016 mang tên “Master Series” của dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi vừa ra mắt tại nhà hát lớn của Trung tâm văn hóa tỉnh Gyeonggi vào ngày 23/3 vừa qua. Đây là sự kiện âm nhạc được tổ chức lần thứ tư, và chủ đề của sự kiện năm nay mang tên ‘Wagner, Mendelssohn và Tactus’.

Tactus theo tiếng La-tinh có nghĩa là “tiếp xúc”, “ảnh hưởng”, ngụ ý về màn biểu diễn các tác phẩm của tác giả chịu ảnh hưởng phong cách của hai nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức Wilhelm Richard Wagner và Felix Mendelssohn. Bản nhạc “Cuộc đời người anh hùng” của nhà soạn nhạc người Đức Richard Strauss trên sân khấu biểu diễn ngày 23/3 vừa qua đã mở màn cho chuỗi hòa nhạc thính phòng năm nay. Không dừng lại ở các tiết mục vốn có của giới nhạc cổ điển Hàn Quốc, dự án táo bạo này đã gây được tiếng vang lớn trong lòng công chúng. Nhân vật trung tâm của dự án này chính là Sung Shi-yeon, trưởng đoàn nghệ thuật kiêm trưởng dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi. Phó nhạc trưởng Jung Na-ra chia sẻ: “Nhân sinh quan của nhạc trưởng Sung Shi-yeon được thể hiện qua phần giải thích với các thành viên trong buổi diễn tập. Chị giải thích vị anh hùng đã chết như thế nào và có kết cục ra sao. Điều đó giúp cho các thành viên đồng cảm hơn với bản nhạc, nhờ thế mà phần âm nhạc cũng được thể hiện chân thực và thành công. Các thành viên dàn nhạc bao giờ cũng coi trọng người nhạc trưởng, bởi đây là nhân tố quan trọng nhất, là người thấu hiểu dàn nhạc và dẫn dắt dàn nhạc xuyên suốt buổi biểu diễn, và nhạc trưởng Sung là người rất giỏi ở mặt này. Chị là người lãnh đạo đang dẫn dắt các thành viên đi đúng hướng.”



Phá vỡ rào cản khắt khe với nữ giớicủa ngành chỉ huy dàn nhạc
Việc chứng kiến nhạc trưởng Sung Shi-yeon, người dồn tất cả sức lực chỉ huy hơn 100 thành viên dàn nhạc tập trung và tạo nên một bản hợp xướng hoàn hảo, cũng chính là điểm nhấn trong màn biểu diễn của dàn giao hưởng Gyeonggi. Một số khán giả là người trong ngành nói rằng: “Cuộc đời người anh hùng” là bản nhạc tốn nhiều sức để thể hiện, mà trong đó sự nam tính của nhân vật cần được thể hiện một cách đặc biệt mạnh mẽ. Dù là nữ nhưng nhạc trưởng Sung Shi-yeon lại có khả năng thể hiện nhân vật một cách tinh tế hơn cả nhạc trưởng là nam giới. Cô là người tôi rất kính trọng và là tấm gương để tôi noi theo.” “Đây là lần đầu tiên tôi được xem buổi hòa nhạc của nhạc trưởng Sung Shi-yeon, thân hình nhỏ bé của chị dường như trở nên vĩ đại hơn trong mắt tôi. Ở chị tràn đầy sức mạnh nội lực để chỉ huy toàn bộ dàn nhạc, sức hút đó đã chinh phục tôi hoàn toàn. Buổi hòa nhạc đã cho tôi nhiều xúc cảm và cả sự ngạc nhiên.”. Một khán giả nam chia sẻ thêm: “Trước đây tôi chưa từng có cơ hội được xem buổi biểu diễn do nữ nhạc trưởng chỉ huy, nhưng khả năng dẫn dắt của nhạc trưởng Sung cũng như cảm xúc thể hiện qua các cử chỉ, động tác dẫn dắt dàn nhạc của chị đều rất có sức hút. Tôi cảm nhận được âm nhạc qua mỗi động tác của chị. Tôi cũng là một người học chuyên ngành nhạc thính phòng và tôi muốn một ngày mình sẽ được biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Sung Shi-yeon.”

Đảm nhận vai trò đạo diễn nghệ thuật kiêm nhạc trưởng thường trực của dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi từ năm 2014, Sung Shi-yeon là nữ nhạc trưởng đầu tiên trong lịch sử dàn giao hưởng quốc gia Hàn Quốc. Ngoài dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi, chị từng là phó nhạc trưởng nữ đầu tiên của dàn nhạc giao hưởng thành phố Seoul năm 2009, và từng là phó nhạc trưởng nữ đầu tiên của dàn nhạc giao hưởng Boston của Mỹ với truyền thống 137 năm, vào năm 2007. Với khả năng dẫn dắt nhẹ nhàng mà uy nghiêm, Sung Shi-yeon đã vượt qua rào cản của ngành chỉ huy dàn nhạc vốn khắt khe với nữ giới.

Bắt đầu mối nhân duyên với âm nhạc
Sinh ra ở thành phố Busan miền Đông Nam Hàn Quốc, Sung Shi-yeon thuở nhỏ là một đứa trẻ hoạt bát, mỗi khi đi chơi là đến xế chiều mới chịu trở về nhà. Một đứa trẻ như thế tình cờ một ngày nghe thấy tiếng đàn piano từ góc phố bỗng dưng muốn học đàn piano. Nhân duyên của Sung Shi-yeon và đàn piano bắt đầu từ khi đó. Chị nhớ lại: “Mọi người nói tôi ham chơi từ năm 4-5 tuổi và kể rằng khi đang chơi đùa, tôi nghe thấy tiếng đàn piano và đòi học từ khi đó. Nhờ thế mà tôi bắt đầu đi học đàn tại một trung tâm gần nhà.”

Một đứa trẻ nhỏ từng thích chơi đùa, chạy nhảy bỗng muốn học đàn piano đã được người mẹ ủng hộ hết mình. Từng mơ ước học về thanh nhạc nhưng cuối cùng không thể thực hiện do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có lẽ bà muốn đứa con gái của mình thực hiện được ước nguyện còn dang dở đó. Không phụ lòng mẹ, con gái của bà học đàn piano rất nhanh. Năm 13 tuổi, cô bé Sung đã có buổi độc tấu đầu tiên và nhập học khoa piano của Trường âm nhạc Zurich, Thụy Sĩ, sau khi tốt nghiệp cấp ba trường nghệ thuật Seoul năm 1994. Tuy nhiên, việc học nhạc tại Thụy Sĩ khiến Sung Shi-yeon bắt đầu chán nản. Chị cho biết: “Khi tôi còn học cấp ba, một giáo sư của trường âm nhạc Zurich mở một lớp dành cho các học sinh học nhạc tại Hàn Quốc, và giáo sư khuyến tôi đến Thụy Sĩ nếu muốn học đàn. Và tôi quyết định lên đường ngay sau khi tốt nghiệp cấp ba. Thực tế, chỉ có một trường duy nhất tôi luôn mơ ước theo học từ năm tiểu học là Trường âm nhạc quốc gia Berlin(Đức) và tôi bắt đầu thấy chán nản khi học ở Thụy Sỹ. Hồi đó tôi bị thương ở tay và không thể chơi đàn trong suốt một năm. Nhân dịp nghỉ ngơi đó, tôi đã quyết định nộp thử hồ sơ đến trường ở Berlin.”

Tuy nhiên, ngón tay của chị chính là vấn đề. Chị Sung Shi-yeon giải thích: “Tay tôi vốn dĩ nhỏ, ngắn nhưng lại thích chơi những bản nhạc khó, quá sức với tay như nhạc của Franz Liszt hay Bela Bartok. Việc tập luyện quá sức khiến tay của tôi bị tổn thương. Tôi đã băn khoăn rất nhiều vì sau khi tay bị đau, ngay cả những kĩ năng trước đây tôi dễ dàng thực hiện thì nay lại không được như ý muốn.”



Bẻ lái sang ngành chỉ huy dàn nhạc giao hưởng
Nhưng người phụ nữ ấy không nản lòng chỉ vì những ngón tay không tuân theo sự điều khiển của mình. Với chị, việc được chơi đàn piano mà chị yêu thích đã là một niềm hạnh phúc. Thế rồi đến năm 25 tuổi, giáo sư hướng dẫn của chị đưa ra đề xuất mới. Chị kể lại rằng: “Đến học kỳ thứ hai hay thứ ba gì đó, giáo sư của tôi nói rằng ngoài piano tôi nên thử sức thêm với lĩnh vực khác. Khi đó, ngành mà tôi có thể thử sức là chỉ huy dàn nhac giao hưởng. Tôi đã xem rất nhiều các buổi hòa nhạc vì dàn giao hưởng Berlin biểu diễn ngay cạnh trường. Ngoài ra tôi thường ở lì trong thư viện để tìm xem các đoạn băng biểu diễn. Thế rồi khi xem màn biểu diễn của nhạc trưởng nổi tiếng người Đức Wilhelm Furtwangler, tôi cũng muốn trở thành người có thể giúp dâng cao nhiệt huyết và tỏa sáng tài năng của nhiều người giống như thế.”

Ấn tượng về sự phối hợp ăn ý giữa nhạc trưởng và các thành viên, trạng thái biểu cảm của nhạc trưởng hoàn toàn tập trung vào phần biểu diễn đã trở thành động lực khiến Sung Shi-yeon quyết tâm trở thành nhạc trưởng. Chị theo học tại khoa chỉ huy dàn nhạc của Trường đại học âm nhạc quốc gia Berlin và bắt đầu học từ âm nhạc cho đến tâm lý học. Chị học chăm chỉ đến mức không có ngày nào ngủ quá ba tiếng đồng hồ. Chị cho biết: “Một người chỉ huy dàn nhạc trước hết phải hiểu rõ bản nhạc và đặc trưng của từng nhạc cụ. Một điều quan trọng nữa là phải nắm bắt được tâm lý của thành viên dàn nhạc để làm thế nào đó có thể tạo nên sự phối hợp ăn ý. Bối cảnh lịch sử ra đời của bản nhạc cũng không thể bỏ qua. Vì thế có rất nhiều sách phải đọc và nhiều thứ cần học hỏi.”

Thành tích nổi bật và bước ngoặt trong sự nghiệp
Công sức học hành chăm chỉ cuối cùng đã được đền đáp. Tài năng của Sung Shi-yeon đã được tỏa sáng trên các sân khấu nhạc thính phòng thế giới với những giải thưởng như giải nhất cuộc thi dành cho nhạc trưởng nữ tại Solingen của Đức năm 2004, giải nhất cuộc thi nhạc giao hưởng Georg Solti năm 2006, giải nhì, giải cao nhất của cuộc thi chỉ huy dàn nhạc quốc tế Mahler năm 2007. Nổi bật trong số đó là giải thưởng cuộc thi nhạc giao hưởng Georg Solti đã mở ra con đường mới cho chị. Chị Sung Shi-yeon cho biết: “Đó là cuộc thi tổ chức để tưởng nhớ nhạc trưởng nổi tiếng người Hun-ga-ri Georg Sloti. Tôi đã giành được giải nhất tại cuộc thi và có buổi ký tặng cho các khán giả có mặt tại đó trong vòng hai tiếng. Không biết liệu về sau tôi có còn cơ hội được ký tặng khán giả trong thời gian lâu như vậy không nữa. Sau khi giành giải, tôi gặp một nhà quản lý người Mỹ và nhận được đề xuất đăng ký vào dàn nhạc tại Boston, Mỹ.”

Tham gia thi tuyển với tinh thần học hỏi là chính nên chị đã rất bất ngờ khi được chọn. Cánh cửa dàn nhạc giao hưởng Boston vốn đóng chặt đối với nhạc trưởng là nữ giới, nay đã mở rộng trước mắt chị. Để xứng đáng với vị trí đó, chị đã phải vượt qua ranh giới của sự phân biệt và định kiến. Ba năm hoạt động với vai trò phó nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Boston là quãng thời gian bận rộn nhất trong cuộc đời chị. Nhạc trưởng Sung Shi-yeon bồi hồi nhớ lại: “Tôi làm việc cật lực trong suốt ba năm đó. Tôi còn kiêm cả vị trí phó nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng thành phố Seoul. Danh sách bản nhạc mà tôi phải trực tiếp thực hiện chỉ huy có độ khó tương đối cao. Tôi đã không ngừng học hỏi trong suốt ba năm. Thời gian trôi qua với những ngày tháng chỉ thỉnh thoảng chợp mắt 1 tiếng mỗi khi thấy mệt vì số lượng bản nhạc tôi đảm nhận quá nhiều.”



Thử thách mới với nền nhạc giao hưởng tại quê nhà
Thế rồi năm 2014, một thử thách mới xuất hiện chị Sung Shi-yeon chính thức trở thành nhạc trưởng của dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi. Trước đó, vị trí nhạc trưởng dàn nhạc Gyeonggi đã bị khuyết trong hơn nửa năm liền. Và vì không có người dẫn dắt mà các thành viên dàn nhạc cũng dần xa cách nhau. Nhạc trưởng Sung quyết định phải nắm bắt được trái tim của các thành viên trước khi chỉ huy dàn nhạc. Ông Jung Ha-na, người đảm nhận vai trò concert master, tức người hỗ trợ nhạc trưởng khi biểu diễn, cho biết: “Ngay khi đảm nhận vị trí, chị Sung Shi-yeon đã trò chuyện riêng với từng người một trong dàn nhạc và cố gắng để hiểu các thành viên hơn. Âm nhạc không chỉ coi trọng kỹ thuật mà phải chạm được đến tâm hồn của người nghe nhạc. Nhạc trưởng và các thành viên phải hiểu rõ nhau. Nếu không thì dù kỹ thuật chơi nhạc có tốt đến đâu cũng không thể tạo nên âm nhạc làm lay động lòng người.”

Hồi sinh
Khi các thành viên đã cùng đồng lòng, âm nhạc cũng tự nhiên nhờ thế mà hòa vào làm một. Dậm chân tại chỗ trong nửa năm, nay dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi bắt đầu sống lại dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng mới. Trong buổi hòa nhạc nhân dịp nhậm chức, nhạc trưởng Sung Shi-yeon đã biểu diễn bản giao hưởng ‘Phục sinh’, bản giao hưởng số 2 của nhà soạn nhạc người Áo Mahler. Chị tâm sự: “Buổi công diễn đầu tiên là một sự hồi sinh. Trước buổi diễn, tôi có theo dõi bình luận trên mạng, và khi đó có khá nhiều bình luận không tích cực và nói rằng họ sẽ không đến xem. Đọc những lời bình luận đó, tinh thần thử thách trong tôi càng trỗi dậy, quyết tâm cho khán giả thấy năng lực của mình. Khi biểu diễn, tinh thần chúng tôi chỉ có một, đó là muốn được sinh ra một lần nữa và cuối cùng buổi biểu diễn đó đã chiếm được cảm tình của rất nhiều khán giả. Những người đến xem bảo rằng họ không chỉ gửi đến chúng tôi những tràng pháo tay miễn cưỡng mà phần biểu diễn đã khiến họ tự động đứng dậy vỗ tay lúc nào không hay. Đó là buổi công diễn có ý nghĩa nhất đối với chúng tôi.”

Khoác lên bộ cánh lộng lẫy cho dàn nhạc Gyeonggi
Sự chỉ bảo nhẹ nhàng cùng thái độ ân cần đã truyền sinh lực cho dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi, và dàn nhạc nay đã mang diện mạo mới một cách ngoạn mục như chính tính cách của chị Sung Shi-yeon.

Tháng 6 năm 2015, dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi là dàn nhạc trong nước đầu tiên có cơ hội biểu diễn tại Nhà hát Berlin Philharmonic tại thủ đô Berlin (Đức), quê hương của dòng nhạc thính phòng và cũng là nơi nhạc trưởng Sung Shi-yeon từng học tập.

Giữa khán phòng với sự tham dự của hơn 2,200 thính giả Đức, bản nhạc Arirang truyền thống của Hàn Quốc vang lên, truyền tải được cái hồn của âm nhạc Hàn.

Dẫn dắt dàn nhạc Gyeonggi trong suốt hai năm qua, trưởng đoàn Sung Shi-yeon không ngại đối mặt với những thử thách. Chị đã tổ chức buổi công diễn trong nước đầu tiên với bản giao hưởng số 4 của Karol Szymanowski thuộc thể loại cổ điển ‘Sinfonia concertante’, kết hợp giữa thể loại giao hưởng và concerto. Đồng thời dàn nhạc Gyeonggi cũng là dàn nhạc trong nước đầu tiên biểu diễn toàn bộ bản ‘Elijah’ của Felix Mendelssohn. Khai thác các bản nhạc không được biết đến rộng rãi trong nước và phá vỡ hình thức biểu diễn truyền thống đã mang lại sự tươi mới trong hình ảnh của dàn nhạc Gyeonggi.



Biến đá thô thành ngọc sáng
Dàn nhạc giao hưởng Gyeonggi đã thay đổi diện mạo nhờ trưởng đoàn Sung Shi-yeon. Và tỉnh Gyeonggi đã nhờ chị tiếp tục dẫn dắt dàn nhạc giao hưởng trong hai năm tới. Quyết định tiếp tục đồng hành cùng dàn nhạc, chị Sung Shi-yeon đang chuẩn bị cho bước nhảy vọt lần thứ hai. Chị có ý định lưu giữ lại những trái ngọt thu lượm được trong hai năm qua bằng cách thu âm chúng. Chị có niềm tin tưởng rằng nếu đã có mục tiêu thì nhất định các thành viên sẽ thực hiện được. Chính vì niềm tin đó mà chị quyết định tiếp tục cầm chiếc gậy chỉ huy và thực hiện sứ mệnh của mình. Chị kể về dàn nhạc của mình: “Có những giây phút luyện tập khiến chính tôi cũng nổi da gà. Các thành viên đã tạo nên sức mạnh đó khi họ hòa cùng làm một. Đến bây giờ vẫn có nhiều điểm cần gọt dũa và tài năng của các thành viên vẫn còn nhiều chênh lệch. Vì thế mà tôi ví họ như một viên đá thô. Dàn nhạc Gyeonggi giống như một viên đá thô sơ có tài năng vẫn chưa xác định được nên đi theo hướng nào và thay đổi theo hình dáng ra sao. Vì vậy tôi muốn tạo đòn bẩy cho họ thông qua nhiều dự án âm nhạc đa dạng khác nhau.”

Lựa chọn của ban biên tập