Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nghệ sĩ Moon Su-ho, sứ giả văn hóa kết nối Hàn Quốc và Cộng hòa Séc qua những con rối dây

2016-04-05

Thế giới thần bí của rối dây giữa lòng thành phố Seoul
Khu vực xung quanh ga Hongdae và ga Hapjeong quận Mapo luôn là một trong những địa điểm nóng bỏng nhất tại Seoul với sự giao thoa, kết hợp của văn hóa, nghệ thuật và sự tươi trẻ. Đây là nơi luôn đón đầu xu thế và nắm bắt xu hướng thời trang thịnh hành của giới trẻ. Ở đây cũng tồn tại một không gian mang thiết kế hài hòa đẹp mắt và không kém phần bí ẩn như trong truyện cổ tích, đó chính là Nhà hát múa rối gác xép.

Được cải tạo từ một bãi đỗ xe, cánh cửa chớp khi được kéo xuống sẽ ngăn cách nhà hát múa rối gác xép với thế giới con người, và thế giới của những con rối dây được bắt đầu. Những con rối truyền thống của Cộng hòa Séc được điều khiển bằng dây xuất hiện trên sân khấu và trò chuyện với nhau bằng tiếng Séc. Mặc dù vậy, khán giả vẫn có thể hiểu được diễn biến câu chuyện, cùng đồng cảm với nhân vật, và thậm chí không bỏ lỡ cả những phần hài hước của vở kịch. Một số khán giả cho biết: “Ngay khi cánh cửa chớp của nhà hát được kéo xuống, tôi như bước vào một thế giới khác vậy. Hồi còn nhỏ tôi thường chơi với búp bê nhưng đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác như có thể cảm thấy hơi thở của chúng. Chính cảm giác đó đã khiến tôi bị cuốn hút vào vở kịch.” “Tôi thật sự ngạc nhiên vì buổi biểu diễn mang lại cho tôi cảm giác mới lạ hoàn toàn so với những gì tôi đã tưởng tượng, đến mức tôi tự hỏi liệu đây có đúng là kịch múa rối hay không. Vở kịch về cơ bản có mạch diễn biến nhanh khiến thời gian trôi qua lúc nào không hay. Sân khấu là gác xép cũng đã là một không gian đầy kỳ ảo, và động tác của những con rối khiến tôi như được trở lại thời thơ ấu của mình.” “Tôi như lạc bước vào không gian bí mật của riêng mình, và tại đó, những con rối như nói thay cho cảm xúc của chính tôi vậy. Bằng âm nhạc, ánh sáng và các hiệu ứng khác, vở kịch chứa đựng nhiều cảm xúc không thể diễn tả bằng lời. Thật ngạc nhiên khi những con rối làm từ gỗ lại có thể truyền tải cảm xúc một cách tinh tế như vậy.”

Khi khán giả chừng như đã hơi mệt vì phải đuổi theo các diễn biến khác nhau của vở kịch bằng tiếng Séc, thì giai điệu Hàn Quốc thân quen lại vang lên.

Và khi đó, trường ca kể chuyện Pansori Sugungga (Thủy cung ca) của Hàn Quốc được vang lên từ những con rối gỗ của Cộng hòa Séc. Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc ai là nhân vật trung tâm trong không gian nhà hát kịch nhỏ bé đó. Người đã sáng tạo ra những màn kịch kết nối kịch múa rối Cộng hòa Séc truyền thống với kịch múa rối Pansori của Hàn Quốc, không ai khác chính là nghệ sĩ múa rối Moon Su-ho.


Người mở màn cho sự phát triển kịch rối tại Hàn Quốc
Lên đường du lịch khám phá đất nước Séc 12 năm trước khi còn là chàng thanh niên 28 tuổi, Moon Su-ho bất ngờ quyết định nhập học Trường nghệ thuật quốc gia Cộng hòa Séc, cái nôi của kịch múa rối truyền thống, và theo học chuyên ngành kịch thể nghiệm(alternative theater) và kịch múa rối. Hiện nay, anh là người Hàn Quốc duy nhất điều hành nhà hát múa rối truyền thống của Cộng hòa Séc. Mới đây, Trung tâm sáng tạo văn hóa tổng hợp của Hàn Quốc và Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hàn Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển loại hình kịch múa rối quốc tế, và người có công lớn nhất cho sự hợp tác này chính là nghệ sĩ Moon Su-ho. Anh nói: “Một lần trong khi tôi đang hỗ trợ giai đoạn khai thác tác phẩm cho một dự án nhạc kịch, một người đến từ Trung tâm sáng tạo văn hóa tổng hợp đã hỏi tôi có muốn làm về mảng văn hóa truyền thống Hàn Quốc hay không. Tôi bèn trả lời rằng có tác phẩm tôi đã muốn làm từ lâu là múa mặt nạ Sandaenori, và họ đề nghị tôi cùng hợp tác. Thế rồi tác phẩm đó được giới thiệu tại Lễ hội kinh tế sáng tạo và nhận được sự quan tâm từ các nhân vật chủ chốt trong ngành văn hóa. Như có một sức mạnh vô hình ở phía sau đẩy tôi tiến tới những thành công vậy”.

Nghệ sĩ Moon Su-ho được bình chọn là tác giả của năm tại Hiệp hội kịch múa rối quốc tế (UNIMA) trực thuộc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc UNESCO, vào năm 2014. Anh từng theo học chuyên ngành thiết kế mỹ thuật sân khấu tại Trường nghệ thuật tổng hợp Hàn Quốc và từng làm việc với vai trò đạo diễn mỹ thuật sân khấu. Vậy mối nhân duyên của anh với kịch múa rối đã bắt đầu như thế nào? Anh chia sẻ: “Có thể nói mỹ thuật sân khấu thể hiện hàng nghìn bức tranh cuộc sống trên một không gian. Nhưng khi các diễn viên biểu diễn, tôi lại không thấy hài lòng. Vì họ đã không thể hiện được những bức tranh đó rõ nét như mong muốn. Những bức tranh đó không có hồn mà chỉ được trang trí một cách miễn cưỡng bằng những bộ trang phục lộng lẫy mà thôi. Cảm thấy không ổn nên tôi quyết định thu hẹp không gian sân khấu, và thay vào đó bằng các diễn viên khác. Và đó chính là những con rối”.

Khởi đầu mới tại quê hương kịch múa rối
Anh Moon Su-ho bắt đầu tự mày mò và tạo ra các con rối. Song, anh lại không có ý tưởng gì về việc sẽ sử dụng chúng như thế nào. Nghĩ rằng nếu đến du lịch tại quê hương của kịch múa rối là Cộng hòa Séc, xem các buổi biểu diễn và gặp gỡ những người đầu ngành tại đây, có lẽ bản thân sẽ tìm được câu trả lời, anh quyết định lên đường khám phá đất nước này. Anh nói thêm: “Không biết đó có phải là vận mệnh hay không mà khi đang đi loanh quanh các điểm du lịch, tôi đã chợt thấy một tờ thông báo tổ chức kỳ thi tuyển sinh tại Trường nghệ thuật quốc gia Cộng hòa Séc và quyết định nộp thử hồ sơ. Cuối cùng tôi đỗ phỏng vấn và vượt qua kỳ thi đầu vào. Sau khi nhập học tôi lại thấy mình hầu như không biết gì về chuyên ngành này. Mặc dù tại Hàn Quốc tôi cũng từng học về kịch, ở đây lại là thế giới hoàn toàn khác. Và tôi quyết định bắt đầu học lại từ bậc đại học”.

Vì đã từng học ngành đạo diễn sân khấu tại Hàn Quốc nên bản thân cũng khá tự tin về mảng kịch nghệ, nhưng dần dần anh càng thấy đâu đâu cũng là kiến thức mới. Anh nói: “Tôi thật sự đã bị sốc. Ở Hàn Quốc tôi từng khá ngạo mạn và nghĩ mình có đầy đủ mọi yếu tố để trở thành một biên kịch tài giỏi. Tôi cứ nghĩ rằng đã học hết những gì cần học, nhưng khi đến Séc, tôi như một kẻ ngốc. Vì không thể nói nổi một câu nên tôi có cảm giác như mình vị rơi xuống đáy vực. Và tôi đã phải mất gần hai năm vượt qua khoảng thời gian với cảm giác ngớ ngẩn và thấy mình thật vô tích sự”.

Thành công vang dội với tác phẩm đầu tiên
Cuộc sống du học tại Cộng hòa Séc đối mặt với khó khăn, bắt đầu từ việc học tiếng Séc. Vì không có từ điển Hàn-Séc, nên anh đã phải học bằng hai cuốn từ điển Anh-Séc và Hàn-Anh. Vật lộn với những tháng ngày khó khăn đó, cuối cùng anh cũng có thể bắt tay vào thiết kế các con rối và lần đầu tiên ra mắt kịch múa rối cùng với thành viên trong nhóm của mình. Tác phẩm mang tên “Titus Andronicus” được biết đến là vở bi kịch đẫm máu của đại văn hào người Anh William Shakespeare, với những cảnh báo thù tàn nhẫn, đã được thể hiện với các nhân vật rối gỗ. Nghệ sĩ Moon Su-ho cho biết: “Tôi hồi hộp đến mức không dám đến ngồi ở ghế khán giả. Tôi lo chúng sẽ bị gãy, rồi dây điều khiển rối liệu có bị đứt hay không? Tôi tưởng tượng nếu dây bị đứt thì tôi sẽ phải chạy ngay ra sân khấu để xử lý. Phải sau 30 phút tôi mới cảm thấy yên tâm và đưa mắt về phía hàng ghế khán giả. Điều thú vị là khán giả coi những con rối tôi làm ra giống như người diễn viên thực thụ. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra rằng mình đã biến những con rối thành người sống, và mới thấy những con rối sống động như thế nào”.

Khi khán giả coi những con rối như người thật thì vở kịch múa rối đã đạt được thành công lớn. Tác phẩm của họ đã càn quét tất cả các giải thưởng tiêu biểu của khu vực châu Âu. Các thành viên của vở diễn khi đó hiện nay vẫn tiếp tục cùng nhau hoạt động. “Tiếng lành đồn xa”, đến năm 2012, con rối do Moon Su-ho thiết kế với chiều dài 12m được trưng bày tại Triển lãm quốc tế Expo Yeosu (Hàn Quốc) đã nhận được sự quan tâm lớn từ công chúng. Năng lực và danh tiếng như vậy đã đủ để khiến Moon Su-ho thành công tại thị trường Séc. Vậy tại sao anh lại quyết định trở về Hàn Quốc? Anh giải thích: “Tôi học về kịch thể nghiệm và viết luận văn nghiên cứu về chuyên ngành này. Trong đầu tôi luôn tự hỏi đâu mới được gọi là kịch thể nghiệm. Tôi không có ý định làm những vở kịch thể nghiệm theo trào lưu mà là sự thể nghiệm đối với chính bản thân tôi. Mà sự thể nghiệm sẽ được phát triển ở những nơi chưa được khai phá. Hàn Quốc nằm trong số đó và đây chính là nơi lý tưởng để phát triển kịch múa rối”.



Biểu diễn kịch rối trên “gác xép”
Với nguồn vốn ít ỏi, anh thuê một bãi đỗ xe trong khu dân cư yên tĩnh và tân trang lại thành sân khấu kịch kiêm phòng làm việc có thiết kế giống phòng gác xép. Vào tháng 12 năm 2014, nhà hát kịch rối chính thức mở cửa. Nghệ sĩ Moon Su-ho cho biết: “Trần nhà khá thấp và tối, giống như một nơi trốn bí ẩn và tôi đã không do dự biến nó thành một nhà hát kịch. Thực ra ngay từ ban đầu tôi đã không tính toán thiết kế nhà hát sao cho chứa được nhiều khán giả để thu lợi nhuận, mà tôi mở nhà hát này nhằm giới thiệu đến khán giả thể loại kịch múa rối. Mặc dù không có biển quảng cáo, nhưng thông qua truyền miệng, ba người, năm người, rồi lại 10 người, 20 người đã tìm đến nhà hát”.

Hiện ra trước mắt khán giả ngay khi bước vào bên trong rạp hát là một chiếc bàn với các dụng cụ thiết kế rối gỗ, giống như nơi làm việc của người thợ mộc già Geppetto trong “Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio”. Xung quanh khắp phòng là những con rối với nhiều hình thù khác nhau, nhưng lại không mang vẻ đáng yêu giống như nhân vật Pinocchio, mà có một vẻ ma quỷ, kỳ quái. Yếu tố này khiến cho rạp hát càng thêm phần bí ẩn. Với một buổi công diễn vào thứ Sáu cùng hai buổi công diễn vào mỗi thứ Bảy và Chủ nhật, rạp hát mở cửa đón khán giả năm lần một tuần.

Sức hấp dẫn trong kết hợp Pansori của Hàn Quốc với rối gỗ của Séc
Bên cạnh những câu chuyện đầy hứng thú trong kịch múa rối, trường ca hát kể truyện Pansori Thủy cung ca vẫn luôn hấp dẫn khán giả người Hàn. Bản trường ca Pansori Thủy cung ca với thời lượng đầy đủ kéo dài ba, bốn tiếng được nghệ sĩ Moon Su-ho giảm xuống còn 10 phút. Với biểu cảm của những con rối cùng giọng truyền cảm của người diễn viên, vở kịch mang lại cảm giác nhanh, dồn dập, hòa trong không gian của một rạp hát chính hiệu. Noh Eun-sil, người đảm nhận hát trường ca này cho biết: “Thông thường hát kể chuyện Pansori sử dụng ngôn ngữ cổ nên khán giả rất khó để hiểu nội dung. Thủy cung ca là một trường ca kể truyện nổi tiếng với nội dung không còn xa lạ với người xem, và có lẽ cũng nhờ sự xuất hiện của các nhân vật rối gỗ mà vở kịch trở nên thú vị và được khán giả dễ dàng tiếp nhận hơn”.

Một khán giả sau khi xem kịch rối nhận xét như sau: “Các nhân vật rối gỗ cùng sức hấp dẫn của Pansori không chỉ mới mẻ mà còn cho tôi cảm nhận về sự hài hòa giữa âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc với nền văn hóa của Cộng hòa Séc. Tôi mong rằng sau này sức hấp dẫn của Pansori sẽ còn được truyền bá rộng rãi hơn nữa trên toàn thế giới”.

Cống hiến cho hợp tác phát triển kịch nghệ của Hàn Quốc và Cộng hòa Séc
Anh Honza Klas người Séc đảm nhận sáng tác nhạc của kịch múa rối đang cùng với nghệ sĩ Moon Su-ho hăng say theo đuổi niềm đam mê của mình. Là bạn cùng khóa đại học với Moon Su-ho, và có sự phối hợp khá ăn ý với nhau, Honza Klas đã quyết định theo người bạn của mình sang Hàn Quốc. Anh cho biết: “Moon Su-ho là người đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng nghệ thuật. Anh là người có suy nghĩ thoáng theo phong cách của một nghệ sĩ kịch thể nghiệm nên tôi thấy rất thoải mái và quý mến anh. Nghệ thuật truyền thống của hai quốc gia có duyên gặp gỡ và tạo nên thể loại nghệ thuật mới là một kỳ tích đối với chúng tôi”.

Thời gian này nghệ sĩ Moon Su-ho đang bận rộn sáng tác múa mặt nạ Sandaenori phiên bản kịch múa rối phối hợp giữa Hàn Quốc và Séc, nằm trong chuỗi Thỏa thuận hợp tác phát triển kịch múa rối quốc tế mà Trung tâm sáng tạo văn hóa tổng hợp Hàn Quốc ký kết với Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hàn Quốc vào tháng 2 năm 2016 vừa qua. Vở kịch được dựng dựa trên truyền thuyết về cụ bà Seolmundae, người tạo nên đảo Jeju, và khán giả đang mong đợi không biết liệu nhân vật cụ bà Seolmundae sẽ được nhào nặn như thế nào dưới đôi bàn tay của nghệ sĩ Moon Su-ho. Anh nói: “Hát kể chuyện Pansori và kịch múa rối đều có điểm chung, đó là hình ảnh. Bản thân tôi là người làm kịch hình ảnh nên hiểu rõ rằng hình thù của một con rối cũng phần nào giúp ta hình dung ra câu truyện về nhân vật đó. Nói cách khác, sự xuất hiện của nhân vật rối cũng đủ để khán giả mường tượng về câu chuyện dù không hiểu ngôn ngữ. Pansori cũng vậy, vì là ngôn ngữ có nhịp điệu nên các câu hát cũng đủ giúp khán giả cảm nhận câu chuyện được truyền tải bằng cảm xúc như thế nào, dù họ không hiểu ngôn ngữ cổ. Chính hai yếu tối đó kết hợp tạo nên một ngôn ngữ kịch mang tính quốc tế”.

Vở kịch Sandaenori mà nghệ sĩ Moon Su-ho đang lên kế hoạch dàn dựng không chỉ dừng lại ở loại hình kịch biểu diễn trong nhà, mà anh còn có dự định phát triển thành tác phẩm kịch biểu diễn diễu hành ngoài trời theo hình thức biểu diễn kịch múa rối của Séc. Kết hợp nét truyền thống của Hàn Quốc vào loại hình kịch múa rối truyền thống của Cộng hòa Séc, từ đó khai thác thành một thể loại hoàn toàn mới, nghệ sĩ Moon Su-ho chính là sứ giả văn hóa kết nối nền văn hóa truyền thống của hai quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập