Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Đạo diễn nghệ thuật Đoàn kịch quốc gia Kim Yoon-chul, và con đường đưa ông từ nhà phê bình đến nghệ sĩ sân khấu

2016-04-12

Vở kịch với tựa đề “Bát canh cặn” công diễn ngày 6/4/2016 vừa qua đã mở màn cho “Sự phát hiện mới của kịch nói cận hiện đại Hàn Quốc”. Tác phẩm đã khắc họa chặng đường nhiều cay đắng của một nhân viên bán hàng tuy rụt rè, khờ khạo nhưng luôn cố gắng sống sao cho ngay thẳng, bỗng dấn thân vào con đường danh vọng bất chấp thủ đoạn.

Một câu chuyện của 50 năm về trước, được biên kịch Lee Keun-sam chấm bút vào năm 1966, vẫn phản ánh trung thực hiện thực ngày nay, rằng những người thật thà, ngay thẳng luôn phải chịu thiệt thòi. Với nghệ thuật châm biếm, vở kịch “Bát canh cặn” phản ánh trò đời nghiệt ngã rằng chỉ trung thực thôi thì đến nước canh cặn cũng không có mà ăn. Vì lý do đó mà dù là tác phẩm cổ điển nhưng “Bát canh cặn” vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khán giả. Một số khán giả cho biết: “Tôi cứ nghĩ vở kịch lấy bối cảnh về những vấn đề của nhân viên không chính thức hay nhân viên bán thời gian, nhưng cụm từ “nhân viên tạm thời” xuất hiện đã cho thấy tuổi đời của tác phẩm. Thật là một dự án tuyệt vời khi những vấn đề tưởng như đã cũ với hơn 50 năm tuổi đời, nay lại được khai thác lại và đưa lên sân khấu kịch. Tôi mong rằng dự án sẽ còn tiếp tục trong tương lai.” “Ban đầu tôi cho rằng vở kịch sẽ có thể hơi nhàm chán vì dù sao đây cũng là một tác phẩm khá cũ, nhưng trên thực tế, vở kịch lại thú vị hơn tôi nghĩ. Người tốt không được đền đáp xứng đáng, còn người xấu lại có được thành công vẫn còn là hiện thực đáng buồn của xã hội. Cảnh cuối khi nhân vật chính cầm súng và đứng tại nơi tuyết phủ trắng dâng lên một nỗi buồn khó tả trong tôi. Có lẽ đó là sự trống trải xuất phát từ lòng tham.”

Qua nhân vật nhân viên tạm thời mang tên Kim Sang-beom, nhân vật chính của vở kịch 50 năm trước, khán giả nhớ đến anh chàng nhân viên hợp đồng Jang Geu-rae trong bộ truyện tranh mạng Misaeng (Mùi đời) ra mắt năm 2012 tại Hàn Quốc. Người đã đưa các vở kịch nói cận hiện đại của Hàn Quốc mà khán giả tưởng như khó có thể được thưởng thức lại tại các nhà hát thông thường, một lần nữa tỏa sáng trên sân khấu là đạo diễn nghệ thuật Kim Yoon-chul của Đoàn kịch thuộc Nhà hát kịch quốc gia Hàn Quốc. Sau khi đảm nhận vai trò người đứng đầu của đoàn kịch từ năm 2014, ông đã trực tiếp lên kế hoạch cho chuỗi công diễn “Sự phát hiện mới của kịch cận hiện đại Hàn Quốc”, từ đó khai thác những di sản vĩ đại của lịch sử kịch sân khấu Hàn Quốc. Đạo diễn sân khấu của vở kịch “Bát canh cặn”, ông Seo Chung-sik cho biết: “Đạo diễn Kim Yoon-chul từng là học giả, nhà phê bình trong suốt thời gian dài nên có cái nhìn sắc sảo về tác phẩm. Ông cũng được trang bị kỹ lưỡng kiến thức về mỹ học, ý tưởng chủ đạo của tác phẩm, hay kỹ thuật diễn xuất. Mặc dù không trực tiếp tham gia sản xuất kịch suốt hơn 40 năm, nhưng nhà phê bình cũng có thể coi là người làm kịch, nên tôi cho rằng ông ấy có tình cảm và mối quan tâm sâu sắc đến kịch sân khấu hơn bất cứ ai.”

Ước mơ trở thành diễn viên kịch
Đạo diễn nghệ thuật Kim Yoon-chul là nhân vật nổi tiếng trong giới kịch nghệ. Ông là cây đại thụ của làng phê bình sân khấu khi từng giữ các chức vụ quan trọng như Giám đốc Trung tâm kịch Trường nghệ thuật tổng hợp Seoul, Giám đốc Trung tâm dữ liệu nghệ thuật quốc gia, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng giao lưu kịch Hàn-Nhật, Chủ tịch Hiệp hội phê bình sân khấu Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội phê bình sân khấu quốc tế… Nhưng thật ngạc nhiên khi một nhân tài như vậy lại xuất thân từ đại học sư phạm. Đạo diễn Kim Yoon-chul cho biết: “Hồi cấp ba, gia đình tôi đã rất bất ngờ khi tôi tuyên bố theo đuổi nghiệp diễn kịch thay vì vào trường đại học. Bố tôi, người đã từng muốn trở thành ca sĩ, không phản đối ước mơ làm nghệ sĩ của tôi, nhưng vẫn nói với tôi rằng: “Con cũng biết là bố không đủ khả năng kinh tế để hỗ trợ cho con. Vậy nên trước khi theo đuổi ước mơ, hãy chứng tỏ cho bố thấy con có thể tự kiếm sống”. Do đó, tôi chọn vào trường sư phạm vì khi ra trường sẽ có giấy chứng chỉ hành nghề giảng dạy.”

Vào trường đại học sự phạm là một sự thỏa hiệp với gia đình để Kim Yoon-chul thực hiện ước mơ nghiệp diễn của mình. Ngày ngày, ông tham gia hoạt động tại câu lạc bộ kịch của trường, sau đó thành lập nhóm kịch và trở thành diễn viên sau khi tốt nghiệp. Thế nhưng, một sự cố lại xảy đến với ông. Ông chia sẻ: “Chúng tôi đã công diễn vở Hamlet của đại văn hào Anh William Shakespeare và tôi đảm nhận vai Hamlet. Sau khi kết thúc vở diễn, tôi bị tổn thương dây thanh quản nên phải từ bỏ nghiệp diễn. Tôi cũng thử sức làm đạo diễn sân khấu nhưng không cảm thấy hợp. Thế nhưng kịch vẫn là đam mê của tôi và không còn cách nào khác là phải học nếu như tôi muốn tìm kiếm lĩnh vực phù hợp với bản thân trong ngành kịch nghệ.”

Từ sân khấu kịch đến giới phê bình
Ông lên đường đến Mỹ học về kịch và hoàn thành học vị tiến sĩ chuyên ngành Kịch đương đại Mỹ. Trở về Hàn Quốc năm 1989 với suy nghĩ trăn trở nên làm gì, ông đã nhận được đề xuất bất ngờ. Đạo diễn Kim kể lại: “Bạn bè của tôi đều đã là người có thâm niên trong nghề, Son Jin-chaek, Yoon Ho-jin và Jung Jin-soo, hiện đều là người nổi tiếng trong giới kịch nghệ Hàn Quốc, đã gọi cho tôi. Họ cho rằng Hàn Quốc vẫn đang rất thiếu những nhà bình luận và họ hỏi liệu tôi có thể chịu trách nhiệm mảng phê bình hay không. Và họ đã chuẩn bị sẵn sàng một mục cho bài phê bình của tôi trên một tờ báo của ngày hôm sau đó. Tôi đã thức thâu đêm gồng mình lên viết bài phê bình, và thật bất ngờ là bài bình luận của tôi lại có ấn tượng với người đọc. Kể từ sau đó, tôi nhận được nhiều đề nghị viết bài và dần nhận thấy đây là công việc phù hợp với tôi hơn là đạo diễn sân khấu.”

Việc trở thành nhà phê bình sân khấu không nằm trong kế hoạch của chàng thanh niên từng mơ ước làm diễn viên khi ấy. Nhưng một khi đã làm, ông quyết định làm thật nghiêm túc. Ông muốn trở thành nhà phê bình sắc sảo, khách quan, không bị cảm xúc cá nhân chi phối và đưa ra được những đề xuất thiết thực cho sân khấu kịch. Đạo diễn Kim Yoon-chul nói: “Trước đó, tất cả đều là bài phê bình tập trung nhận xét về chủ đề của tác phẩm kịch. Tôi thì lại chủ yếu bình luận về vở diễn cụ thể như diễn xuất, biên đạo, đạo diễn, nên có lẽ tôi là người đầu tiên ở Hàn Quốc đưa ra bình luận trên khía cạnh nghệ thuật biểu diễn. Điều quan trọng nhất ở lĩnh vực phê bình là đề ra xu hướng lý tưởng cho kịch nói. Phê bình, bình luận không chỉ đơn thuần để khen hay chê vở diễn mà chính là để so sánh xem vở diễn còn thiếu sót những gì để có thể trở thành một tác phẩm chuẩn mực lý tưởng. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để làm được điều này.”

Bằng những bình luận khách quan mà sắc sảo, Kim Yoon-chul đã nhận được sự đồng cảm và hưởng ứng từ công chúng. Thế nhưng phong cách bình luận mới mẻ cũng đã khiến khá nhiều người làm kịch bị tổn thương. Ông cho biết: “Bạn bè đều xa lánh tôi. Cũng có bạn đã hối hận vì nhờ tôi viết bình luận. Họ quay lưng lại với tôi và không nói với tôi nửa lời. Nhưng giờ đây, họ biết rằng tôi viết những lời bình không đơn thuần vì cá nhân họ hay để quảng bá tác phẩm. Tôi làm vậy là vì muốn tác phẩm có thể trở nên hay hơn nữa để phục vụ công chúng.”


Cống hiến cho ngành kịch nói nước nhà
Không ngừng lên tiếng vì sự phát triển kịch sân khấu của Hàn Quốc, Kim Yoon-chul đã tạo nền móng để kịch sân khấu Hàn Quốc vươn ra thế giới. Năm 2008, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hiệp hội phê bình kịch sân khấu quốc tế và cống hiến hết mình vì hợp tác quốc tế. Ông nói thêm: “Được thành lập vào năm 1956, trọng tâm của hiệp hội là mảng phê bình sân khấu châu Âu. Tôi là Chủ tịch thứ 12 của hiệp hội, và 11 người trước tôi đều là người châu Âu. Trong suốt 20 năm hoạt động trong lĩnh vực kịch nghệ, hiệp hội phê bình kịch sân khấu quốc tế như một cánh cửa mới đưa tôi đến với kịch quốc tế. Hàng năm, hiệp hội đều mở cuộc họp và đó là cơ hội tôi nắm bắt được dòng chảy của kịch thế giới. Kịch của Hàn Quốc không chỉ để người Hàn Quốc biểu diễn cho nhau xem mà cần tìm ra những đạo diễn phù hợp với thời đại toàn cầu, đưa kịch Hàn Quốc ra với thế giới. Đạo diễn có thể là người Hàn Quốc hoặc người nước ngoài, và dựa theo suy nghĩ đó để ta có thể phát triển nhân tài mang tính quốc tế tại Hàn Quốc.”

Đến năm 2014, đạo diễn Kim Yoon-chul nhận được đề nghị đảm nhận vai trò đạo diễn nghệ thuật của Đoàn kịch thuộc Nhà hát kịch quốc gia Hàn Quốc. Ông xua tay ngay khi nhận được lời đề nghị. Ông nói: “Tôi chính là người mà trước đây chỉ trích mạnh mẽ Đoàn kịch quốc gia Hàn Quốc. Tôi từng viết rằng đoàn kịch làm xấu mặt người Hàn Quốc và khuyên các diễn viên nên rút khỏi đoàn nếu như không muốn hủy hoại sự nghiệp. Một người từng viết những lời lẽ đả kích đó như tôi chưa từng nghĩ sẽ đảm nhận vai trò đạo diễn đoàn kịch.”

Đến nay, đa số diễn viên hoặc đạo diễn sân khấu sẽ được cử làm đạo diễn nghệ thuật của đoàn kịch. Việc một nhà phê bình trở thành người đứng đầu đoàn kịch đã bị giới kịch nghệ phản đối gay gắt. Thế nhưng không vì thế mà ông từ chối. Một người luôn đòi hỏi sự thay đổi và không ngại đối đầu thử thách như Kim Yoon-chul đã dũng cảm hạ quyết tâm chấp nhận thách thức mới

Cải tổ cơ chế điều hành đoàn kịch
Đồng ý làm đạo diễn sân khấu của Đoàn kịch quốc gia, Kim Yoon-chul tổ chức họp báo chỉ sau hai tuần và công khai cách thức điều hành của mình trong tương lai. Bước đầu tiên ông tiến hành là tuyển chọn thành viên cho đoàn theo đợt. Ông giải thích: “Vấn đề của Đoàn kịch quốc gia là diễn viên một khi được tuyển vào thì sẽ là thành viên cố định. Các diễn viên từ nghệ sĩ thành người làm công ăn lương là điều đáng tiếc nên tôi quyết định xóa bỏ chế độ biên chế và tiến hành tổ chức thi tuyển. Để cải thiện chất lượng đoàn kịch quốc gia, tôi đã tăng số lượng thành viên bằng chế độ tuyển thành viên theo đợt.”

Đoàn kịch có sân khấu và phòng luyện tập riêng đảm bảo quá trình luyện tập trước khi biểu diễn. Và nỗ lực nâng cao chất lượng tác phẩm cũng là một trong những điểm mạnh của các thành viên của đoàn kịch quốc gia. Diễn viên đoàn kịch quốc gia Hàn Quốc Kim Jung-ho nói: “Tôi hoạt động tại khu vực Daehakno được khoảng 20 năm, và một năm nhiều lắm cũng chỉ diễn được hai đến ba vở. Đến đây tôi có cơ hội diễn nhiều hơn ba vở kịch, và hơn thế tôi được luyện tập ngay tại sân khấu đã được dàn dựng trước biểu diễn. Ngoài ra quá trình tập luyện cùng nhau giúp năng lực các thành viên được cải thiện tương đồng hơn và giúp chúng tôi tin tưởng nhau hơn, nhờ đó chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ trong quá trình tập luyện.”

Sau khi đã đảm bảo số lượng thành viên của đoàn theo chế độ tuyển theo đợt, đạo diễn Kim Yoon-chul bắt đầu tập trung vào việc lựa chọn vở diễn cho phù hợp với bản sắc của đoàn kịch. Lựa chọn của ông là cải biên lại kịch cận hiện đại của Hàn Quốc. Ông cho biết: “Mục tiêu chính của tôi là giúp người xem cùng nhìn lại bản sắc dân tộc trong quá khứ thông qua các vở kịch cận đại. Có thể thấy các vở kịch của Wiliam Shakespeare hàng năm được công diễn hàng trăm vở trên toàn thế giới, phần lớn các tác phẩm cổ điển xưa được hiện đại hóa và công diễn lại. Thực trạng của ngành sân khấu Hàn Quốc là chúng ta không hiểu rõ và ngoảnh mặt với các tác phẩm cổ điển. Đã đến lúc chúng ta cần khai thác giá trị cổ điển của kịch cận đại nước nhà, hiện đại hóa và phổ biến chúng thành những tác phẩm hiện đại thời nay.”

Hồi sinh kịch cận hiện đại Hàn Quốc
Chuỗi công diễn “Sự phát hiện mới của kịch cận hiện đại Hàn Quốc” của Đoàn kịch quốc gia Hàn Quốc bắt đầu năm 2014 với chủ đề “Nhìn lại chính mình” bằng vở diễn “Ngài Lee Joong-saeng còn sống” của biên kịch Oh Young-jin. Vào năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm quốc khánh, với chủ đề “Giải phóng và áp bức”, đoàn kịch đã giới thiệu vở diễn “Lee Young-nyeo” do Kim Woo-jin sáng tác năm 1925 và vở “Mảnh vụn” là tác phẩm đầu tay của Yoo Chi-jin viết năm 1933. Đặc biệt, vở kịch “Lee Young-nyeo” lần đầu tiên được công diễn sau 89 năm kể từ ngày công bố đã nhận được hưởng ứng nhiệt liệt dành cho sự sống lại của một kiệt tác đã bị chôn vùi của Hàn Quốc.

Chủ đề của năm nay là “Thử thách” với ý nghĩa dự đoán những thách thức mà Hàn Quốc phải vượt qua trong bối cảnh phát triển sau 70 năm đất nước giành độc lập qua những vở kịch cận hiện đại. Và vở kịch “Bát canh cặn” đã mở màn cho nỗ lực này. Đạo diễn sân khấu Seo Chung-sik nói: “Các đoàn kịch tư nhân và các sân khấu kịch ở Daehakno khó có thể diễn các vở cổ xưa. Đó là lý do kế hoạch cải biên tại đoàn kịch quốc gia trở thành dự án được chào mừng trong giới kịch nghệ cũng như đối với những người đạo diễn sân khấu như chúng tôi. Nhiều khi các đạo diễn tập trung thực hiện các tác phẩm mới hay tác phẩm nổi tiếng thế giới vì khá ngại ngùng trong việc khai thác lại tác phẩm cổ xưa hoặc những tác phẩm chưa từng được công diễn do áp lực phải làm tốt về chất lượng cũng như quy mô vở diễn. Việc khai thác tác phẩm của các nhà biên kịch xưa của Hàn Quốc chính là khai thác lại những di sản có giá trị hay bị lãng quên, và điều này rất có ích cho giới kịch nghệ nước nhà.”

Đã bước sang năm thứ ba kể từ khi đạo diễn nghệ thuật Kim Yoon-chul dẫn dắt đoàn kịch quốc gia. Công chúng và giới nghệ sĩ không còn nghi ngờ bàn tán, và nay hoàn toàn đặt niềm tin ở ông. Ông thậm chí còn nhận được những tràng pháo tay khen ngợi cho sự quyết đoán của mình. Diễn viên Kim Jung-ho chia sẻ: “Can đảm đưa các vở kịch cận hiện đại lên sân khấu là điều đáng khâm phục. Hơn nữa đạo diễn Kim Yoon-chul rất thích mạo hiểm, điều mà ngay cả người trẻ tuổi cũng không đủ can đảm đối đầu. Đó là điều chúng tôi thấy rất khâm phục và học hỏi được rất nhiều.” Ngoài ra diễn viên Park Wan-kyu còn cho biết: “Đạo diễn không ngừng khám phá nghệ thuật, tìm kiếm những nét mới và nỗ lực biến chúng thành hiện thực. Thêm vào đó, đạo diễn còn khai thác các tác phẩm chưa từng được công diễn và bị lãng quên, giúp chúng tôi và công chúng cảm nhận được ý nghĩa của tác phẩm này.”

Khi nhiệm kỳ đạo diễn nghệ thuật Đoàn kịch quốc gia Hàn Quốc chỉ còn vỏn vẹn một năm, Kim Yoon-chul càng cảm thấy gấp gáp hơn bao giờ hết. Ông vẫn còn muốn tìm thêm nhiều vở kịch vĩ đại đã bị chìm vào quên lãng, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất với các đạo diễn nước ngoài xuất sắc để giúp ngành kịch nói Hàn Quốc phát triển giao lưu quốc tế . Được chứng kiến diện mạo ngày càng hoàn thiện của ngành kịch Hàn Quốc là một điều vô cùng ý nghĩa đối với Kim Yoon-chul. Ông tâm sự: “Tôi chỉ biết có kịch thôi. Tôi không biết làm gì khác ngoài kịch. Vì vậy mà tôi chỉ có suy nghĩ là làm sao để làm kịch thật hay. Thay vì tận hưởng thành công, tôi luôn căng thẳng trăn trở làm thế nào để các vở kịch hay hơn nữa. Bởi vì nghệ thuật, bao gồm cả kịch sân khấu, không có sự hoàn thiện tuyệt đối mà chỉ là luôn cố hướng đến sự hoàn thiện mà thôi.”

Lựa chọn của ban biên tập