Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nghệ sĩ đàn tranh Gayageum Han Terra, tâm điểm chú ý trong buổi biểu diễn kỷ niệm 130 năm quan hệ Hàn-Pháp

2016-04-26

Buổi biểu diễn của nghệ sĩ đàn tranh 12 dây Gayageum Han Terra đã được diễn ra vào ngày 19/4/2016 tại nhà hát Chamber Hall của Trung tâm nghệ thuật Sejong nhân kỷ niệm 130 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Pháp. Trong buổi công diễn, nghệ sĩ Han Terra đã có màn phối hợp ăn ý cùng nghệ sĩ viola người Pháp Erwan Richard.

Đông-Tây hội tụ, cuộc gặp gỡ giữa Gayageum và viola
Chương trình âm nhạc này đã cho khán giả thấy nét đẹp của nhã nhạc Hàn Quốc lồng ghép trong tác phẩm nhạc cổ điển của các nhà soạn nhạc Pháp lừng lẫy thời kỳ Baroque như Marin Marais, Saint Saens, Claude Debussy. Một số khán giả nhận xét: “Ban đầu, tuy có chút lạ lẫm, nhưng càng nghe tôi lại càng thấy sự hòa quyện làm một của âm nhạc, không phân biệt xuất xứ, châu lục.” “Gayageum là nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc nhưng đã được hiện đại hóa, tạo nên sự phối hợp nhuần nhuyễn với vĩ cầm trầm viola. Sự kết hợp này khiến tôi rất ngạc nhiên vì hai loại nhạc cụ hoàn toàn khác nhau lại có thể tạo ra âm điệu đẹp đến vậy.” “Tôi không am hiểu nhạc truyền thống lắm, nhưng thật bất ngờ khi thấy viola và đàn tranh Gayageum lại có sự phối hợp ăn ý đến vậy. Sự phối hợp này đã tạo nên thể loại âm nhạc mới.”

Với nghệ sĩ viola Erwan Richard, phần biểu diễn đầu tiên trong đời với sự kết hợp cùng đàn Gayageum là một trải nghiệm mới khiến anh rất hài lòng. Anh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi biểu diễn kết hợp cùng đàn tranh Gayageum. Nhờ sự lựa chọn tác phẩm hết sức thú vị của nghệ sĩ Han Terra mà phần biểu diễn đã kết thúc tốt đẹp. Âm thanh của hai nhạc cụ cùng quyện vào nhau, tạo nên bản hòa tấu hấp dẫn.”

Nghệ sĩ Han Terra đã chứng tỏ sự tự tin trước những hoài nghi về sự hài hòa giữa hai nhạc cụ đàn tranh 12 dây Gayageum và viola trầm. Han Terra là nghệ sĩ bén duyên với nhạc truyền thống Hàn Quốc từ năm sáu tuổi, và từng được biết đến là cô bé thiên tài khi chinh phục được các lối biểu diễn Gayageum Sanjo ở độ tuổi mười.



Gayageum – linh hồn của âm nhạc truyền thống
Năm bốn tuổi, cô bé Han Terra đã thể hiện năng khiếu âm nhạc khi biểu diễn đàn piano một cách thành thục. Han Terra bén duyên với đàn tranh Gayageum từ năm sáu tuổi dưới sự khuyến khích của những người xung quanh. Dần dần, Gayageum lại hấp dẫn cô bé hơn cả đàn piano. Nghệ sĩ Han Terra cho biết: “Khám phá, tìm tòi và dần hiểu rõ đàn Gayageum, vốn là linh hồn của âm nhạc truyền thống, mang lại cho tôi niềm vui thích và say mê. Mỗi ngày tôi lại khám phá thêm được những âm thanh mới lạ, hấp dẫn từ chiếc đàn Gayageum. Tôi nghĩ đến nhạc cụ này ngay cả khi đi ngủ. Vì thế mà tôi thường đến phòng tập từ sáng sớm, thậm chí tôi chơi đàn ngay cả trong giờ ăn. Khi đó tôi chơi đàn vì niềm yêu thích chứ không phải do tự ép buộc mình phải làm thật tốt.”

Gắn bó với chiếc đàn Gayageum vì niềm yêu thích, Han Terra theo học cấp hai và cấp ba tại Trường âm nhạc truyền thống Quốc gia. Tuy nhiên, chương trình chính quy tại trường lại khiến Han Terra cảm thấy chán nản. Chị nhớ lại: “Tôi bắt đầu thấy buồn chán ngay từ năm lớp 6, lớp 7. Trước đó tôi đã thuộc hết dòng Sanjo dành cho Gayageum, nhưng tôi phải học lại những bài mà tôi đã từng đánh. Thế rồi cô giáo dạy tôi lúc đó nói rằng vì trước đó tôi đã được học quá nhiều tác phẩm nên không còn gì để dạy tôi và bảo tôi nên tìm đến giáo viên khác. Sau đó tôi có duyên gặp gỡ với giáo sư Kim Il-ryun của trường Đại học Chungang. Cô đã dạy tôi bản độc tấu dòng nhạc Gayageum Sanjo lối Choi Ok-sam và giới thiệu tôi thử chơi cây đàn Gayageum cải tiến 25 dây. Tôi đã được trải nghiệm thế giới hoàn toàn mới của đàn Gayageum, thậm chí thể hiện cả âm nhạc hiện đại với cây đàn này. Thế nhưng khi học lớp 11, một lần nữa tôi lại thấy chán nản với sự nghiệp âm nhạc mình đã chọn.”

Han Terra đã trải qua một năm buồn tẻ, không thiết tha đến đàn Gayageum. Năm sau đó, chị theo học tại khoa âm nhạc truyền thống của Trường Đại học quốc gia Seoul và dần thoát khỏi sự buồn tẻ với các hoạt động biểu diễn trong và ngoài nước. Khi tích cực tham gia các hoạt động âm nhạc, Han Terra nhận thấy mình luôn cần phải thay đổi và tìm hướng đi mới để thoát khỏi những lối mòn nghệ thuật khiến chị nhàm chán. Chị quyết tâm lên đường du học. Bất chấp những phản đối trước quyết định rời xa cái nôi của nhạc truyền thống Hàn Quốc để lên đường học hỏi thêm về âm nhạc thế giới của chị, Han Terra quyết tâm theo học Trường âm nhạc Havard. Thế rồi, sự may mắn đã tìm đến với chị. Chị kể: “Tôi có được cơ hội độc tấu tại San Francisco, Mỹ. Thật may mắn là đại diện của Hiệp hội văn hóa châu Á tại New York đã xem màn biểu diễn và tìm đến tôi sau đó. Ông ấy hỏi về dự định trong tương lai của tôi. Tôi cho biết mình có ý định đi du học. Ông nói rằng Hiệp hội này sẽ mời tôi đến Mỹ và hứa hỗ trợ chi phí cho tôi với tư cách một nghệ sĩ. Sau khi nhận được danh thiếp, tôi đắn đo rất nhiều nhưng cuối cùng cũng liên lạc với họ.”

Thế là vào năm 2010, chị Han Terra nhận hỗ trợ từ Hiệp hội văn hóa châu Á của Quỹ Rockefeller Mỹ và sinh sống tại đây với tư cách là một nghệ sĩ thay vì là một cô sinh viên.

Hòa mình vào nền âm nhạc thế giới
Thời gian sống tại thành phố New York đã giúp chị cảm nhận được những tinh hoa của thể loại nhạc thể nghiệm, nhạc ngẫu hứng và nhạc tiên phong (avant-garde). Tiếng đàn Gayageum của Han Terra không chỉ hấp dẫn nghệ sĩ nổi tiếng làng nhạc jazz hiện đại John Zorn, mà còn thu hút những nhân vật có tầm ảnh hưởng theo chủ nghĩa âm nhạc phong cách tối giản (minimalism) như Philip Glass, Steve Reich. Được hợp tác cùng các nghệ sĩ mới nơi xứ người đã mở ra chân trời mới mà Han Terra tìm kiếm bấy lâu. Nghệ sĩ Han nói thêm: “Thật may mắn khi tôi được gặp một nhà soạn nhạc nổi tiếng. Đã có những nút thắt trong âm nhạc mà tôi không thể gỡ. Nhưng khi nghe nhạc của ông ấy, tôi cảm nhận được giai điệu mới lạ. Những âm thanh mới lạ phát ra từ phần biểu diễn của ông khiến tôi như đến với thế giới khác vậy, giúp tôi thức tỉnh và nhận ra nhiều điều, kích thích sự sáng tạo trong tôi.”

Kể từ đó, Han Terra hợp tác cùng những người làm âm nhạc tại nước ngoài và phát triển sự nghiệp âm nhạc tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và cả châu Âu. Chị biểu diễn nhạc pop, nhạc cổ điển bằng chiếc đàn Gayageum và giới thiệu nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc tới khán giả nước ngoài. Thế rồi bất chợt chị nghĩ, liệu hoạt động âm nhạc hiện tại của mình có thực sự giúp quảng bá âm nhạc truyền thống Hàn Quốc? Chị cho biết: “Trong thời gian hoạt động tại nước ngoài, tôi còn được giao lưu với các nghệ sĩ hàng đầu của nhiều thể loại đa dạng như nhạc cổ điển phương Tây, nhạc điện tử, nhạc ngẫu hứng,…Tôi nhận thấy rằng, điều quan trọng không nằm ở thể loại hay tác phẩm âm nhạc.Thứ mọi người muốn là bản chất vốn có của âm nhạc. Tôi từng biểu diễn bài Let it be của nhạc sĩ John Lennon bằng đàn tranh Gayageum. Mặc dù tôi cũng yêu thích âm nhạc hiện đại, nhưng tôi nhận thấy thể loại âm nhạc thể hiện được bản chất vốn có của chiếc đàn Gayageum chỉ có thể là âm nhạc truyền thống hàng nghìn năm của đất nước Hàn Quốc. Đó chính là sức mạnh của truyền thống, là sức trường tồn mãi với thời gian của loại hình âm nhạc này.”

Với mong muốn truyền tải nét đẹp vốn có của đàn tranh Gayageum, năm 2015, nghệ sĩ Han Terra phát hành hai album độc tấu đàn Gayageum mang tên “Boheosa”(Bộ hư tự) và “Yeominrak”(Dự dân lạc).

Nhã nhạc Boheosa du nhập vào Hàn Quốc từ thời đại Goryeo thế kỷ thứ XII, được lưu truyền qua nhiều thời kỳ và duy trì mạch sống bền bỉ cho đến ngày nay.

“Yeominrak” (Dự dân lạc) có nghĩa “Bách tính chung vui”, là bản nhạc với lời được trích từ một đoạn trong 125 chương của nhạc cung đình “Yongbieocheonga” (Long phi ngự thiên ca) thời vua Sejong, triều đại Joseon năm 1447. Đây vốn là bản nhạc được biểu diễn trong các sự kiện lớn của triều đình, nhưng qua thời gian, bản nhạc bị rút ngắn lại và lời ca cũng bị thất truyền khiến ngày nay nhạc phẩm này chỉ còn được biểu diễn dưới dạng hợp tấu đàn dây và sáo. Nghệ sĩ Han Terra là người đầu tiên cho ra mắt album độc tấu đàn Gayageum cho bản nhạc này.

Nghệ sĩ Gayageum trẻ tuổi nhất biểu diễn tại Carnegie
Năm 2015 đối với Han Terra là một năm đầy ý nghĩa. Chị có cơ hội được biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát Carnegie New York và là nghệ sĩ đàn Gayageum trẻ tuổi nhất của Hàn Quốc tham dự buổi biểu diễn. Tại đây, chị mang đến cho khán giả tiết mục biểu diễn dòng nhạc Gayageum Sanjo theo lối Choi Ok-sam. Nghệ sĩ Han Terra chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc. Chưa từng có một nghệ sĩ đàn tranh Gayageum nào có cơ hội biểu diễn dòng nhạc Gayageum Sanjo tại Nhà hát Carnegie. Được biểu diễn một bản nhạc dân tộc kéo dài trong một tiếng đồng hồ cho khán giả nước ngoài là điều tôi chưa từng nghĩ đến.”

Buổi biểu diễn tại Nhà hát Carnegie nằm trong chuỗi sự kiện âm nhạc kỷ niệm 125 năm thành lập nhà hát và cũng trùng với dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của danh nhân Gayageum Choi Ok-sam.

Âm nhạc với giai điệu chầm chậm, ngưng nghỉ của dòng nhạc Sanjo mang lại cho khán giả cảm giác được trải qua thời gian thư giãn thoải mái. Khán phòng Nhà hát Carnegie trong suốt một giờ đồng hồ trầm lắng chìm trong âm thanh độc tấu bản Sanjo của nghệ sĩ Han Terra. Mặc dù không phải là bản nhạc truyền thống vui nhộn hay nhạc biến tấu theo xu hướng, phần biểu diễn đã khiến khán giả hoàn toàn đắm chìm trong điệu nhạc. Buổi biểu diễn giúp chị hiểu sâu sắc hơn về câu nói của người thầy trước đây, rằng âm nhạc của Hàn Quốc mang vẻ đẹp của sự tiết chế. Chị chia sẻ: “Học về nhã nhạc Jeongak (chính nhạc) trong vòng một năm đã giúp tôi khám phá được vẻ đẹp của thể loại nhạc này. Nghệ sĩ Kim Jung-ja, bậc thầy đàn Gayageum nhạc cung đình từng nói rằng, điều quan trọng của thể loại nhạc này là sự “tiết chế”. Tôi thật sự đã gặp khó khăn trong việc điều tiết nhịp điệu, âm quãng khi thu âm. Nhưng tôi đã tự rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm sử dụng kỹ năng này.”

Âm nhạc mang thương hiệu Han Terra
Đã 30 năm trôi qua kể từ ngày nghệ sĩ Han Terra đến với đàn tranh Gayageum và nhạc truyền thống. Sau những ngày tháng thanh xuân ở độ tuổi 10 và 20 với khả năng cảm thụ phong phú và sắc bén, chị đã trải qua nhiều thử thách mới cùng với cây đàn của mình. Giờ đây ở độ tuổi 30, chị cảm nhận được những tinh hoa trong các bản nhạc đàn tranh Gayageum chính thống, và luôn tìm tòi để mang đến cho khán giả âm thanh đàn Gayageum đẹp nhất, tuyệt vời nhất. Hình ảnh một Han Terra với những thử nghiệm táo bạo đã tạo cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ khác. Giáo sư danh dự Choi In-soo của Trường đại học quốc gia Seoul, đồng thời là nghệ sĩ điêu khắc, đang cùng Han Terra chuẩn bị cho triển lãm kết hợp với chương trình âm nhạc vào ngày 30/4 tới đây. Ông cho biết: “Âm nhạc và những màn biểu diễn đàn tranh Gayageum của Han Terra đã khiến tôi ấn tượng mạnh về một cô gái dám thực hiện những thể nghiệm mới mẻ trên nền tảng âm nhạc truyền thống lâu đời của nước nhà. Cá nhân tôi không đơn thuần coi âm nhạc của Han Terra đơn giản là âm thanh của đàn Gayageum truyền thống mà là thể loại âm nhạc mang phong cách độc đáo.”

Han Terra muốn kết hợp sự hùng tráng với vẻ đẹp tiết chế của nền âm nhạc truyền thống để tạo ra thể loại âm nhạc của riêng mình với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ. Bởi chị nghĩ âm nhạc sẽ được tỏa sáng hơn bao giờ hết khi được cùng chia sẻ và thưởng thức. Nữ nghệ sĩ cho biết: “Tôi thật sự mong muốn tạo nên phong cách âm nhạc của riêng mình Thời gian qua, có lúc tôi đã tự tách mình với bên ngoài do những thử thách âm nhạc cũng như mong muốn cá nhân. Nhưng giờ đây, tôi nhận ra rằng con đường nghệ thuật của một nghệ sĩ chân chính không phải là con đường của riêng ai, mà nỗ lực kết hợp cùng các nghệ sĩ khác để tạo nên giai điệu hay phục vụ công chúng chính là sứ mệnh của những người làm âm nhạc.”

Lựa chọn của ban biên tập