Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Hai nhà soạn nhạc Donald Womack và Thomas Osborne và tình yêu dành cho nhạc truyền thống Hàn Quốc

2016-05-03

Buổi công diễn đầu tiên trong năm 2016 của Dàn nhạc truyền thống quốc gia đã diễn ra trên sân khấu của Nhà hát quốc gia Haeoreum (Mặt trời mọc) vào ngày 22/4 vừa qua. Đúng như chủ đề “Vô vi”, khuyến khích quan niệm sống “thuận theo tự nhiên”, buổi biểu diễn đã mang đến cho khán giả yêu nhạc câu chuyện về lẽtự nhiên và sự phát triển của dân tộc. Mở đầu chương trình là tác phẩm “Thần thoại Dangun”, với nội dung về huyền thoại kiến quốc của dân tộc Hàn trong giai điệu âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.

Buổi biểu diễn khá độc đáo với sự góp mặt của nhà soạn nhạc Donald Womack và Thomas Osborne, hai giáo sư chuyên ngành soạn nhạc và lý luận âm nhạc của Trường đại học Hawaii (Mỹ). Hai vị giáo sư đã trực tiếp soạn nhạc cho hai tác phẩm nhạc truyền thống Hàn Quốc, lần đầu tiên ra mắt trên sân khấu âm nhạc. Trong đó, Donald Womack soạn thảo bản hợp tấu dành cho đàn tranh 12 dây Gayageum mang tên “Thả nhịp” (Scattered Rhythms), còn Thomas Osborne cho ra đời tác phẩm “Một ngày”, là câu chuyện âm nhạc về quá trình một ngày trôi qua. Những bản nhạc truyền thống Hàn Quốc được sáng tác bởi các tác giả nước ngoài đã được khán giả đón nhận ra sao? Một số ý kiến đánh giá của khán giả tới thưởng thức buổi biểu diễn như sau: “Khi biết những người chịu trách nhiệm biên soạn âm nhạc cho buổi biểu nhạc diễn truyền thống không phải là người Hàn thì tôi đã rất nhạc nhiên và ấn tượng.” “Tôi rất khâm phục hai nhà soạn nhạc người nước ngoài đang nghiên cứu và thực hiện nhiều thử nghiệm với nhạc truyền thống Hàn Quốc. Với bản nhạc “Một ngày”, các nhạc cụ biểu diễn đã tạo ra âm thanh thể hiện rõ thay đổi trong cuộc sống từ sáng đến tối một cách tinh tế.” “Trong bản nhạc “Thả nhịp”, nhạc sĩ cố tình không tấu đúng nhịp và nốt nhạc nhưng âm thanh vẫn rất hài hòa. Điều đó khiến tôi có cảm nhận rằng âm nhạc cũng có nhiều cách thể hiện trừu tượng giống như mỹ thuật vậy.”

Gắn bó và cống hiến cho âm nhạc truyền thống Hàn Quốc
Tài năng của Womack và Osborne đã được chính các nghệ sĩ nhạc truyền thống Hàn Quốc công nhận. Tám năm là thời gian mà họ gắn bó với nhạc truyền thống Hàn Quốc và cho ra đời những bản nhạc truyền thống mang phong cách mới. Để làm được điều này, nhà soạn nhạc Womack và Osborne đã học về âm nhạc, văn hóa, lịch sử Hàn Quốc, và đi khắp nơi tận mắt thưởng ngoạn phong cảnh của xứ sở kimchi để có thể cảm nhận được những tâm tư, xúc cảm của người dân nơi đây. Âm nhạc chính là sợi dây kết nối họ với con người và đất nước Hàn Quốc.



Người đã mời ông Donald Womack và Thomas Osborne đến với thế giới nhạc truyền thống Hàn Quốc là giáo sư Lee Ji-young của Trường đại học quốc gia Seoul. Giáo sư cho biết: “Năm 2008, khi đến Hawaii biểu diễn, tôi được mời đến giảng về đàn tranh Gayageum cho sinh viên khoa soạn nhạc của Trường đại học Hawaii. Trong vòng một tiếng giảng bài, tôi đã giới thiệu âm thanh cũng như lối biểu diễn hiện đại của đàn Gayageum. Hai vị giáo sư này đã đến tham dự giờ giảng của tôi hôm đó. Vài tháng sau đó, tôi nhận được thư điện tử kèm theo một bản nhạc của hai vị giáo sư nói trên. Trong thư họ có nói đã soạn thử một bản độc tấu cho đàn Gayageum. Tôi đã rất ngạc nhiên.”

Cảm nhận âm nhạc truyền thống Hàn Quốc theo cách riêng
Việc Womack và Osborne thử sáng tác nhạc truyền thống Hàn Quốc dù chưa bao giờ tiếp xúc với dòng nhạc này trước đó, nằm ngoài dự đoán của giáo sư Lee Ji-young. Vậy âm thanh của đàn Gayageum đã được hai nhà soạn nhạc phương Tây cảm nhận như thế nào? Giáo sư Thomas Osborne và Donald Womack chia sẻ: “Tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi âm thanh của đàn tranh Gayageum. Kể từ sau khi được nghe tiếng đàn trong giờ giảng của giáo sư Lee Ji-young, tôi dành sự quan tâm cho việc soạn nhạc với nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc. Âm nhạc Hàn Quốc rất mãnh liệt, có hồn và cuốn hút người nghe ngay từ những giây phút đầu tiên. Âm thanh của loại nhạc cụ này hoàn toàn khác với những âm thanh tôi đã từng nghe.” “Tôi từng có kinh nghiệm sáng tác các tác phẩm âm nhạc truyền thống của các quốc gia khu vực Đông Á trong một thời gian dài. Thực ra nhạc truyền thống Hàn Quốc có nhiều điểm rất khác so với âm nhạc truyền thống của Nhật Bản và Trung Quốc. Tôi cho rằng âm nhạc truyền thống Hàn Quốc là thể loại nhạc khá độc đáo với giai điệu nhịp nhàng mạnh mẽ, mang vẻ đẹp riêng.”

Với hai nhà soạn nhạc Womack và Osborne, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc là âm nhạc thể hiện tâm hồn và mang sức sống mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng mang lại cho người nghe cảm giác nhẹ nhàng, bình yên. “Đu dây” là bản nhạc đầu tiên mà giáo sư Womack dành tặng giáo sư Lee Ji-young trong chuyến thăm Mỹ năm 2008. Bà chia sẻ: “Tôi nghĩ đây là bản nhạc hay, đòi hỏi kỹ thuật cao và có nhịp điệu phức tạp, nên rất khó để biểu diễn. Nhưng đến bây giờ thì tất cả sinh viên theo học nhạc truyền thống Hàn Quốc đều chơi được bản nhạc này, và nó đã trở thành tác phẩm nhất định phải chinh phục khi học các bản nhạc hiện đại dành cho đàn tranh Gayageum.” Trong bản nhạc này, người thể hiện phải tấu và di chuyển các dây đàn tranh Gayageum với tốc độ nhanh và đòi hỏi sự cân bằng giống như trò nhào lộn trên dây.

Từ tác phẩm đầu tay “Đu dây”, giáo sư Womack đã cho ra đời thêm nhiều bản nhạc mang âm hưởng văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Tế lễ và lên đồng là hai chủ đề chính trong các bản nhạc của ông. Một số các tác phẩm tiêu biểu bao gồm tác phẩm “Vũ điệu của linh hồn” (Dancing with spirits) dành cho đàn nhị Haegeum và dàn nhạc truyền thống, “Giai điệu lên đồng” (Ritual resonance) với chủ đề lễ lên đồng Byeolsingut, “Tiếng trống vang vọng thấu trời xanh” (The sound of drums echoes beyond the heavens) dành cho dàn nhạc truyền thống, lấy ý tưởng từ lễ Cheondoje (tiễn các vong hồn về miền cực lạc). Giáo sư Womack giải thích: “Bản nhạc tôi sáng tác không chỉ đơn thuần tái hiện lại lễ lên đồng mà tôi còn muốn thể hiện suy nghĩ và cảm nhận của riêng mình về những sự kiện này. Ví dụ khi sáng tác bản “Khiêu vũ với các linh hồn” tôi đã tưởng tượng nghệ sĩ biểu diễn đàn nhị Haegeum là cô đồng hát và nhảy múa để lôi cuốn những người xem tham gia lễ lên đồng.”

“Tiếng trống vang vọng thấu trời xanh” cũng là tác phẩm mở màn cho Lễ hội âm nhạc quốc tế Maru diễn ra tại Busan năm 2014. Khi tiếng trống cái vang lên cũng là lúc những chiếc trống nhỏ hòa nhịp tạo ra âm thanh vang vọng. Bản nhạc này cũng nằm trong chương một của bản hợp tấu “Thả nhịp” dành cho đàn tranh Gayageum được giới thiệu trong chương trình biểu diễn “Vô vi”.


“Thả nhịp”
Mang phong cách năng động, tỉ mỉ, nhạy cảm và khá cầu kỳ khi lựa chọn các tiết tấu, nhịp điệu âm nhạc, giáo sư Womack đã khiến sức hấp dẫn mang nội lực mạnh mẽ của âm nhạc truyền thống được lan tỏa qua tác phẩm “Thả nhịp”. Nhạc trưởng dàn nhạc truyền thống quốc gia Lee Hye-kyung nhận xét: “Dòng nhạc Sanjo thường thay đổi nhịp điệu từ chậm đến nhanh, nhưng bản nhạc “Thả nhịp” đã mang lại góc nhìn mới về giai điệu truyền thống Hàn Quốc với việc loại bỏ đặc trưng này. Đây có thể coi là sự thử nghiệm mới với dòng nhạc truyền thống. Chúng tôi nghĩ rằng tác phẩm này sẽ mang lại những ảnh hưởng nhất định trong phong cách cũng như chiều sâu của các phần biểu diễn khác của chúng tôi.”

Trong thời gian chín tháng sinh sống tại Hàn Quốc vào năm 2011 theo lời mời của Ủy ban giáo dục Fulbright, giáo sư Thomas Osborne đã mang nguồn cảm hứng ông có được từ đàn Gaygaeum cũng như cuộc sống nơi đây gửi gắm vào các bản nhạc truyền thống Hàn Quốc mà ông sáng tác. Là người yêu thích thơ Hàn Quốc, ông đã sáng tác bài hát “Giấc mơ của trời và biển” (Dreams of sky and sea) với lời được lấy từ bài thơ “Hoa đỗ quyên” của thi sĩ dân tộc Kim So-wol. Ngoài ra, ông còn cho ra đời tác phẩm “Khúc hát đêm dài” (Singing through the endless night), hợp tấu giữa đàn tranh 12 dây Gayageum và bốn nhạc cụ cổ điển phương Tây dựa theo một bài thơ cổ Sijo của nàng kỹ nữ Hwang Jin-yi, một nữ thi sĩ xuất sắc giai đoạn cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII của triều đại Joseon.

“Một ngày”
Tác phẩm “Một ngày” của giáo sư Osborne giới thiệu tại buổi biểu diễn “Vô vi” gồm bốn chương nhạc là “Bình minh” (Sunrise), “Cơn giông trưa” (A Midday rainstorm), “Chạng vạng” (Twilight) và “Lễ hội đêm rằm” (A Full moon ceremony). “Một ngày” được bắt đầu bằng một sớm bình minh với ánh mặt trời mọc, rồi lặn, với những cơn mưa giông bất ngờ, sau đó kết thúc bằng một đêm trăng tròn tràn đầy hy vọng. Giáo sư Osborne chia sẻ: “Ý tưởng chủ đạo của tác phẩm là vòng tuần hoàn của tự nhiên. Tôi muốn thể hiện chủ đề về bốn hiện tượng xảy ra trong một ngày, mỗi hiện tượng ở một chương của bản nhạc. Chương cuối của bản nhạc mang tên “Lễ hội trăng rằm” được lấy cảm hứng từ ngày lễ rằm tháng Giêng ở Hàn Quốc với không khí rộng ràng, vui tươi.”. Nhạc trưởng dàn nhạc truyền thống quốc gia Lee Hye-kyung cho biết thêm: “Tác phẩm “Một ngày” của Osborne đã thể hiện được giai điệu truyền thống thân quen của Hàn Quốc, đặc biệt là ở chương “Lễ hội đêm rằm”, đến mức tôi băn khoăn không biết ông ấy có phải là người Hàn Quốc hay không. Tuy nhiên, những đoạn nhạc có tiết tấu chậm khác với nhịp điệu mà người Hàn Quốc hay sử dụng chính là điểm khác biệt trong tác phẩm của giáo sư Osborne. Và điểm khác biệt cũng có thể thấy khá rõ trong phần đầu của chương “Chạng vạng”, thể hiện phong cách đặc trưng của một nhà soạn nhạc nước ngoài.”

Tình yêu đối với âm nhạc Hàn Quốc
Sáng tác chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là với những tác giả người nước ngoài muốn sáng tác bản nhạc dành cho nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc. Vậy điều gì khiến âm nhạc truyền thống lại hấp dẫn giáo sư Thomas Osborne đến vậy? Ông cho biết: “Hầu như tất cả nhạc cụ truyền thống khi biểu diễn không quá coi trọng từng âm một mà quan trọng là khoảng giữa của các âm. Tuy nhiên nhạc phương Tây lại không hề có đặc trưng này. Điển hình là phần biểu diễn piano đã được định sẵn chỉ với thao tác nhấn và nhấc tay khỏi phím đàn. Nhưng với đàn tranh Gayageum, sau khi gảy một nốt nhạc, ta có thể vừa nhấn đầu dây bên trái để thay đổi độ cao âm thanh tạo ra từ nốt nhạc đó.”

Âm thanh vang, trầm, thong thả phát ra từ kỹ thuật rung dây đàn Gayageum tạo nên chiều sâu và năng lượng mạnh mẽ cho bản nhạc. Để thể hiện nét hấp dẫn đó của nhạc truyền thống, giáo sư Donald Womack đã tập trung nghiên cứu đặc trưng của từng loại nhạc cụ. Ông nói: “Rất khó có thể áp dụng hoàn toàn phong cách sáng tác cho nhạc cụ phương Tây vào sáng tác cho nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc. Điều quan trọng là phải phát huy được thế mạnh của các nhạc cụ truyền thống này. Vì thế, khi sáng tác nhạc truyền thống Hàn Quốc, tôi thường tập trung vào âm thanh của từng loại nhạc cụ, khác với âm nhạc phương Tây chỉ cần tập trung vào sự hòa hợp giữa các nhạc cụ với nhau.”

Khám phá ra nét đẹp trong khoảng cách giữa các âm trong nhạc cụ Hàn Quốc truyền thống, giáo sư Osborne và Womack đang rất hứng thú với công việc sáng tác nhạc truyền thống Hàn Quốc của mình. Là những người luôn theo đuổi sự phá cách, mới lạ, âm nhạc truyền thống Hàn Quốc chính là nguồn cảm hứng tuyệt vời cho họ.

Thời gian qua, các nghệ sĩ Hàn Quốc đã vượt qua những rào cản truyền thống, nỗ lực tạo nên những bản nhạc hiện đại, mang nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng. Sự kết hợp giữa nhạc truyền thống Hàn Quốc và nhạc cổ điển phương Tây cũng trở nên phổ biến hơn. Và giờ đây, nhạc truyền thống lại được tạo nên bởi chính các nhà soạn nhạc người nước ngoài. Hơn 10 năm dành tâm huyết và tình cảm nghiên cứu nhạc truyền thống Hàn Quốc, giáo sư Donald Womack và Thomas Osborne đang tạo nên sức sống mới cho nền âm nhạc truyền thống quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập