Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nhóm Yangjae Nabi và nỗ lực nâng cao văn hóa đọc sách tại Hàn Quốc

2016-05-24

Yangjae Nabi là nhóm đọc sách gồm các thành viên đầy nhiệt huyết, họ vừa vỗ tay và hô vang vừa quyết tâm trở thành lãnh đạo tương lai có tầm ảnh hưởng trong xã hội, góp phần nâng cao văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Cứ mỗi thứ Bảy hàng tuần, vào lúc 6 giờ 40 phút sáng, những thành viên đến từ khắp mọi miền lại có mặt để tham gia buổi thảo luận sách tổ chức tại khu vực gần ga Yangjae, quận Seocho, Seoul. Họ đều tham gia với cùng một mong muốn, thông qua thế giới sách, khám phá được cái tôi đang thay đổi từng ngày. Anh Kim Kyung-woo đến từ thành phố Sejong, tỉnh Bắc Chungcheong chia sẻ: “Tôi lên Seoul từ tối hôm trước rồi ngủ qua đêm tại nhà tắm hơi công cộng ở bến xe để có thể đến tham gia đọc sách vào sáng cuối tuần. Cuộc sống của tôi dần thay đổi kể từ khi được gặp gỡ mọi người. Trước đây tôi thường lưỡng lự khi phải đưa ra một quyết định nào đó, vì tôi luôn mong muốn khi đã bắt đầu thì phải bắt đầu một cách thật hoàn hảo. Sau khi tham gia nhóm, thái độ và suy nghĩ về cuộc sống của tôi đã hoàn toàn thay đổi, giúp tôi dần đạt được nhiều thành quả tốt trong công việc.”

Thành lập vào ngày 4/7/2009 chỉ với ba, bốn thành viên ban đầu, nhóm đọc sách Yangjae Nabi nay đã mở rộng trên toàn quốc với nhiều nhóm nhỏ tại 300 khu vực trên khắp Hàn Quốc. Nếu tính cả các nhóm hoạt động tại công ty, tại nhà và hoạt động cá nhân, số thành viên của nhóm đã vượt quá con số 1,000. Có thể nói Yangjae Nabi là nhóm đọc sách tự phát có quy mô lớn nhất tại Hàn Quốc. Từ “Nabi” trong tiếng Hàn nghĩa là “con bướm” nhưng “Nabi” trong Yangjae Nabi là cụm từ viết tắt mang nghĩa “sự thay đổi bắt đầu từ chính bản thân”. Với ý nghĩa đó, các thành viên của Yangjae Nabi đang thay đổi chính mình thông qua đọc sách và mang tầm ảnh hưởng của nhóm lan tỏa trên toàn quốc như hiệu ứng cánh bướm. Sự ra đời của nhóm đọc sách Yangjae Nabi xuất phát từ cuộc gặp gỡ giữa chuyên gia phát triển cá nhân, Giám đốc Viện nghiên cứu quản lý cá nhân 3P, Kang Gyu-hyung, và thợ làm kính mắt Park Sang-bae.



Kang Gyu-hyung và Park Sang-bae - người sáng lập Yangjae Nabi
Năm 2009, khi đọc cuốn sách của Giám đốc Kang Gyu-hyung, ông Park Sang-bae đã mạnh dạn liên lạc với tác giả và đề nghị gặp mặt. Khi đó, thợ làm kính Park Sang-bae đang phải gánh một khoản nợ lớn do đầu tư chứng khoán thất bại và đối mặt với quãng thời gian chán nản, bế tắc của cuộc đời. Ông Park cho biết: “Khi đó tôi sụt hơn 10kg so với bây giờ. Tình trạng sức khỏe của tôi xuống dốc nghiêm trọng. Tôi nhìn đời bằng ánh mắt đầy căm phẫn và thù hận. Rất may là tôi có đọc sách, tuy không nhiều. Trong số các nhà văn, có những tác giả sáng tác vì đam mê, coi sách là lẽ sống, nhưng cũng có những người coi việc sáng tác chỉ đơn thuần là kế sinh nhai. Tôi nghĩ Giám đốc Park là người thuộc nhóm thứ nhất, tôi muốn biết ông có thực sự sống theo những gì mình viết trong sách hay không. Tôi đã rất muốn gặp ông, muốn biết rằng liệu sách có thể thay đổi cuộc sống của tôi hay không.”

Lúc đó, gia đình Giám đốc Kang Gyu-hyung đang có tang. Ông Park Sang-bae đã tìm đến tận nơi tổ chức tang lễ sau khi kết thúc công việc tại cửa hàng kính mắt. Cuộc gặp đầu tiên của ông Park Sang-bae và Kang Gyu-hyung diễn ra lúc 11 giờ đêm khi khách đến viếng đã thưa dần. Giám đốc Kang Gyu-hyung cho biết: “Tôi không nghĩ ông Park Sang-bae lại đến tìm tôi vào lúc 11 giờ đêm. Tôi đã rất bất ngờ khi ông ấy xuất hiện. Mặc dù không bình thường cho lắm nhưng tôi nhận thấy đó là một hành động thể hiện sự nhiệt tình, rất đáng quý. Trong cuộc gặp thứ hai, ngay khi vừa ngồi xuống ghế, ông ấy đã yêu cầu tôi liệt kê 50 cuốn sách làm thay đổi cuộc đời tôi. Lòng nhiệt thành ấy đã thuyết phục tôi. Tôi đã chọn ra 50 cuốn sách tôi tâm đắc nhất. Ông Park Sang-bae đã đọc cả 50 cuốn sách chỉ trong vòng 50 ngày. Mối nhân duyên giữa chúng tôi xuất phát kể từ đó.”

Ông Park Sang-bae muốn thông qua đọc sách để có thể tạo nên bước ngoặt cho cuộc đời mình. Cảm nhận được sự nhiệt tình và khẩn thiết từ ông Park Sang-bae chỉ sau hai lần gặp gỡ, Giám đốc Kang Gyu-hyung đã quyết định cùng ông Park thành lập nên nhóm đọc sách đầy ý nghĩa. Ban đầu do không tìm được địa điểm phù hợp, Giám đốc Kang Gyu-hyung đã cho dọn dẹp một phần không gian trong công ty của mình và đặt bàn ghế làm nơi họp nhóm. Ngày 4/7/2009, Yangjae Nabi chính thức được thành lập với bốn thành viên. Dành mỗi sáng sớm cuối tuần để đọc sách là quãng thời gian vô cùng hạnh phúc đối với họ. Ông Kang Gyu-hyung cho biết: “Thực ra tôi đã có kinh nghiệm tổ chức và tham gia nhóm đọc sách khi còn làm ở công ty cũ. Tôi khát khao được thảo luận về những cuốn sách cùng mọi người. Tôi thực sự vui sướng khi bắt đầu nhóm đọc sách.” Ông Park Sang-bae cho biết thêm: “Tôi như kẻ tìm được nguồn nước trong lúc đang chết dần chết mòn giữa sa mạc khô hạn. Yangjae Nabi làm thỏa mãn cơn khát của tôi. Dù vẫn còn băn khoăn không biết tương lai nhóm sẽ như thế nào nhưng tôi cảm thấy rất vui.”

Bắt đầu chỉ với bốn thành viên, nhờ “tiếng lành đồn xa”, nhóm Yangjae Nabi đã tăng số lượng thành viên lên 30 người chỉ trong vòng hai tháng. Thành viên tăng lên cũng có nghĩa là nhóm cần địa điểm rộng rãi hơn để tổ chức hoạt động. Dù hạn hẹp về kinh tế, Giám đốc Kang Gyu-hyung vẫn mạnh dạn đầu tư thuê thêm một văn phòng ở tầng hầm với mong muốn được chia sẻ thú vui đọc sách với nhiều người hơn. Ngay sau khi địa điểm đi vào hoạt động, số lượng thành viên tham dự đã tăng lên gấp đôi, và cứ mỗi sáng cuối tuần lại có khoảng 70 đến 80 thành viên quây quần đọc sách cùng nhau.



Tận hưởng thú vui đọc sách vào sáng sớm
Tuy nhiên không dễ dàng để duy trì nhóm hoạt động lâu dài, Yangjae Nabi vẫn vững vàng trên chặng đường bảy năm qua với số lượng thành viên ngày càng tăng cùng sự xuất hiện của các chi nhánh trên toàn quốc và cả thế giới. Thành công có được là nhờ vào bí quyết chỉ có riêng ở nhóm Yangjae Nabi. Một trong số đó là bí quyết thức dậy vào sáng sớm.

Nhóm Yangjae Nabi hoạt động vào sáng sớm cuối tuần, cụ thể là 6 giờ 40 phút sáng thứ Bảy hàng tuần, thời điểm tưởng như rất khó để mọi người rời khỏi chiếc giường êm ái của mình sau một tuần lao động vất vả. Tuy nhiên, sáng sớm chính là thời điểm tạo cảm giác sảng khoái, tươi mới nhất cho một ngày. Bà Kim Hyun-ja đến từ phường Mokdong, quận Yangcheon chia sẻ: “Thức dậy sớm khiến tôi tận dụng được nhiều thời gian hơn người khác. Một ngày vì thế sẽ trở nên dài hơn. Tất cả mọi người đều có 24 giờ đồng hồ, nhưng họ có tận dụng được tối đa thời gian hay không phụ thuộc nhiều vào buổi sáng họ thức dậy như thế nào. Vì thế mà tôi đã quyết tâm dậy sớm tham gia buổi đọc sách dù đó là cuối tuần.”

Đóng góp tích cực của tất cả các thành viên
Bắt đầu một ngày từ sáng sớm khiến các thành viên cảm thấy một ngày như dài hơn và họ có thời gian thực hiện nhiều hơn các hoạt động có ích. Đánh thức các thành viên từ sáng sớm chính là điểm hấp dẫn đầu tiên của Yangjae Nabi. Điểm lôi cuốn thứ hai là sự đóng góp tích cực của chính các thành viên trong nhóm. Giám đốc Kang Gyu-hyung cho biết: “Sự tham gia của các thành viên là điều quan trọng nhất. Lý do rất nhiều nhóm đọc sách không thể tồn tại sau ba đến sáu tháng là do người lãnh đạo phải gánh vác hết mọi việc của nhóm như lựa chọn sách, giải thích nội dung, nói ra rả trong suốt một tiếng đồng hồ. Chúng tôi không làm như thế. Chúng tôi chia nhóm và cùng nhau chia sẻ những nội dung đã đọc, bài học rút ra từ đó, và cách áp dụng như thế nào trong cuộc sống. Tất cả các thành viên đều tham gia thảo luận và sau đó sẽ chọn ra người phát biểu. Nhờ thế mà hoạt động của nhóm không bị nhàm chán, giúp nhóm có thể tồn tại lâu dài.”

Bắt đầu buổi gặp mặt, từng nhóm sẽ thảo luận về sách và phát biểu nội dung gây ấn tượng trong các cuốn sách đã đọc. Sau khi thảo luận nhóm kết thúc, một đại diện nhóm được chọn sẽ đứng lên phát biểu. Sau khi người phát biểu giới thiệu về bản thân, tên của họ sẽ được xướng lên ba lần. Người phát biểu cảm thấy như mình trở thành một ngôi sao khi tên của mình được những người tham gia hô vang. Điều đó tạo nên sức mạnh giúp họ tự tin có thể làm tốt bất cứ điều gì.

Đọc, hiểu, áp dụng - nguyên tắc vàng trong cảm thụ văn học
Một điểm hấp dẫn không kém nữa của Yangjae Nabi là hình thức thảo luận ba bước gồm đọc, hiểu và áp dụng. Giám đốc Kang Gyu-hyung giải thích: “Chúng tôi chia sẻ những gì mình đọc được. Khi cùng nhau thảo luận về những cuốn sách đã đọc, coi như mỗi người đã đọc được sáu, bảy cuốn sách. Bước thứ hai là hiểu, tức là chúng ta đã học được những gì từ sách. Suy ngẫm lại những nội dung sách truyền tải là điều rất quan trọng. Cuối cùng là bước áp dụng. Tôi cho rằng việc đọc sách sẽ là vô nghĩa nếu ta không áp dụng chúng vào đời sống. Phải áp dụng như thế nào để thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn. Nếu như hình thành được thói quen đó, cá nhân mỗi người sẽ thay đổi, và công việc của họ cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực.”



Giống như cảm giác đói bụng khi đã tiêu hóa hết thức ăn, đọc sách cũng vậy. Khi đã hoàn toàn cảm thụ hết một cuốn sách, chúng ta lại muốn đọc tiếp một cuốn khác. Quá trình đọc, hiểu, áp dụng giúp hình thành thói quen đọc sách tích cực. Một thành viên khác của nhóm Yangjae Nabi, chị Park Jin-hee đến từ thành phố Ulsan, cho biết: “Ban đầu tôi đặt ra mục tiêu mỗi ngày đọc ba trang sách trước khi đi ngủ. Dần dần số lượng trang sách tăng lên. Đặc biệt sau khi tham gia nhóm đọc sách, tôi bắt đầu hình thành thói quen dậy sớm. Tôi dậy sớm vào cả ngày thường và dành một chút thời gian vào buổi sáng và tối cho việc đọc sách. Số lượng sách tôi đọc trong vài tháng trở lại đây nhiều hơn rất nhiều số sách tôi đọc trước khi gia nhập nhóm. Một tuần tôi đọc được hai cuốn. Chỉ riêng sách tôi mua trong vài tháng gần đây đã lên đến hơn 500 cuốn.”

Cảm nhận sự thay đổi của bản thân và cuộc sống, số lượng thành viên đến cùng gia đình Yangjae Nabi cũng ngày một tăng. Những người ban đầu có thái độ thờ ơ, sau khi đọc sách và cảm thấy rõ sự thay đổi của bản thân, đã nhanh chóng trở thành những thành viên nhiệt tình nhất của Yangjae Nabi. Hai hội viên trẻ của Yangjae Nabi chia sẻ: “Sau khi có được thói quen trao đổi với mọi người trong nhóm đọc sách, em bắt đầu tâm sự nhiều hơn với các thành viên trong gia đình. Những người bạn của em đều nói rằng cảm thấy bức bối không thể nói chuyện với gia đình, nhưng may mắn là em có thể trò chuyện với gia đình, ngay cả những điều khó nói nhất.” “Em đã bắt đầu nhận ra mỗi người có những suy nghĩ khác nhau về cùng một cuốn sách. Đọc sách cùng mọi người trong gia đình giúp các thành viên trao đổi cảm nghĩ của mỗi người về nội dung sách, từ đó mỗi người có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa mà sách muốn truyền tải.”

Ngoài cuộc gặp hàng tuần, hàng năm, Yangjae Nabi cũng tổ chức buổi dã ngoại ba ngày hai đêm cho các thành viên gia nhập nhóm. Trong thời gian dã ngoại, các thành viên mang đến những cuốn sách mà mình muốn đọc. Buổi dã ngoại của nhóm được tổ chức vào tháng 8 sắp tới đây dự kiến sẽ có sự tham gia của hàng nghìn thành viên.

Khát vọng vươn ra thế giới
Mọi người đều nói rằng các hiệu sách cũng như số người đọc sách đang giảm dần. Điều đó không đúng đối với Yangjae Nabi. Mỗi tuần, hàng chục người vẫn miệt mài đọc sách trong phòng thảo luận nhóm, và có đến khoảng 500 người tham dự vào những ngày nhóm có buổi giảng về sách. Nhóm đọc sách bắt đầu với hai người là Kang Gyu-hyung và Park Sang-bae vào bảy năm trước, nay đang âm thầm nỗ lực khôi phục lại văn hóa đọc sách tại Hàn Quốc. Người thợ làm kính mắt Park Sang-bae ngày nào, nay đang rất hài lòng với cương vị một người tư vấn đọc sách. Ông cho rằng đọc sách sẽ trở nên thú vị hơn nếu chúng ta biết cách đọc. Ông Park giải thích: “Khi đọc sách, hãy đặt mình vào suy nghĩ của tác giả thay vì độc giả. Cần nắm được trọng tâm quan điểm của tác giả quyển sách đó. Sau đó, hãy hiểu và cảm nhận theo cách của riêng mình và áp dụng những ý tưởng, bí quyết đó vào đời sống thực tế. Dù chỉ là những ý tưởng nhỏ, nhưng hãy áp dụng vào cuộc sống ngay hôm nay. Khi đã áp dụng hiệu quả cho bản thân, chúng ta cần chia sẻ nó với những người xung quanh.”

Chứng kiến các thành viên trong nhóm thay đổi từng ngày, Giám đốc Kang Gyu-hyung lại nung nấu ước mơ mới, mong muốn mở rộng mô hình nhóm Yangjae Nabi ra toàn thế giới. Thông qua đó, hàng chục triệu người trên thế giới sẽ cùng nhau đọc sách, thấu hiểu nhau hơn, và rồi từ đó có thể ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Giám đốc Kang Gyu-hyung bày tỏ: “Tôi muốn thành lập nhóm Nabi tại Paris (Pháp), Luân đôn (Anh), hay Bắc Kinh (Trung Quốc). Nếu như 100.000 nhóm được thành lập tại Hàn Quốc và mỗi nhóm có khoảng 100 thành viên, tổng số thành viên đã lên tới 10 triệu người. Nếu như 10 triệu người cùng đọc, cảm nhận một cuốn sách, và áp dụng những điều tốt đẹp vào cuộc sống thì đất nước Hàn Quốc sẽ có một diện mạo mới. Tôi mong sẽ được chứng kiến điều đó trong tương lai.”

Lựa chọn của ban biên tập