Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Lee Chan-woo, nghệ nhân thế hệ đầu tiên làm đồ chơi mô hình tại Hàn Quốc

2016-06-14

Lớp học nghệ thuật làm đồ chơi diễn ra tại KT&G Sangsangmadang ở phường Seogyo, Seoul vào thứ Bảy hàng tuần. Tại đây, bạn sẽ được gặp những nghệ nhân tương lai đang say sưa tạo ra những đồ chơi mô hình (Figure) của riêng mình. Những mô hình bé nhỏ, đa dạng như chiếc giày, hình người hay mô hình động vật, tất cả đều được mài dũa, đẽo gọt tinh tế, tỉ mỉ và khoác lên mình chiếc áo đầy màu sắc rực rỡ. Figure, tạm dịch là đồ chơi mô hình, giúp ta liên tưởng đến các nhân vật hoạt hình dưới dạng mô hình thu nhỏ. Tại sao họ lại say mê chúng đến vậy? Hãy cùng nghe ý kiến của một số học viên: “Ngay từ nhỏ tôi đã thích làm đồ chơi lắp ráp robot như mô hình nhựa Gundam, và đó là lý do tôi muốn thử sức với lĩnh vực này. Công việc này khiến ta có cảm giác giống như một vị đạo diễn điện ảnh, biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực.” “Tôi muốn tạo nên câu chuyện của riêng mình. Nhân vật mô hình tôi làm được lấy cảm hứng từ chính bản thân tôi, mang thông điệp của riêng tôi gửi tới mọi người.” “Tôi thích búp bê và đồ chơi mô hình nhưng không có nơi nào có thể làm mô hình theo ý muốn của tôi và chi phí lại rất đắt đỏ. Vì thế mà tôi muốn tự làm ra những mô hình theo ý mình. Dù khó nhưng đây là công việc rất thú vị.” “Tôi muốn trực tiếp tạo ra nhân vật của riêng mình. Với thiết kế tinh xảo, những bức vẽ trên mặt giấy được biến hóa thành những mô hình ba chiều khiến chúng trông giống như một sinh vật có sức sống. Đó là điểm hấp dẫn của đồ chơi mô hình.”

Giống như bác thợ mộc Zepetto tạo nên chú rối gỗ Pinocchio, biến chú thành người bằng xương bằng thịt và coi như cháu ruột của mình trong truyện “Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio”, những nghệ nhân tạo nên mô hình đồ chơi chắc hẳn cũng có cảm giác đang làm một công việc thần kỳ, thổi hồn vào những món đồ chơi do chính mình tạo ra. Chính điểm hấp dẫn này là động lực để họ thiết kế nên những đồ chơi mô hình có một không hai.



Coolrain với những thiết kế figure tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết
Với lực lượng fan hùng hậu, đa phần là đối tượng người lớn vẫn giữ tâm hồn trẻ thơ (kidult), Figure hay “đồ chơi mô hình” có sức phát triển mạnh mẽ, thậm chí xuất hiện trên cả thị trường đấu giá. Tuy nhiên, để thiết kế một mô hình với độ tinh xảo cao là điều không hề dễ dàng. Vì thế mà số người thiết kế Figure trên thế giới chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn. Một trong số đó là nghệ nhân Lee Chan-woo với biệt danh Coolrain, người sở hữu tài nghệ mà ai cũng phải thán phục. Các học viên của lớp học nghệ thuật làm đồ chơi nhận xét: “Những mô hình thầy làm ra khiến tôi kinh ngạc đến mức không tin nổi nó là do con người làm ra. Thầy Lee Chan-woo tỉ mỉ trong từng bước như dùng dây giày thật, áo thật cho nhân vật, đến cả khóa áo cũng được may tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ. Trong khi người khác chỉ dùng đất nặn sculpey đơn thuần.” “Thật ngạc nhiên khi một người có bàn tay khá to lớn lại có thể tạo ra những thứ nhỏ bé mà tinh xảo đến từng chi tiết như vậy.”

Lee Chan-woo có chiều cao hơn một mét tám, bàn tay to lớn với những đốt ngón tay dày và thô ráp. Với ngoại hình tưởng chừng không phù hợp với những công việc đòi hỏi độ tỉ mỉ, ông đã làm ra cả những đôi giày thể thao có dây thắt với chiều dài 5,5cm, giúp những nhân vật mô hình hiện ra rõ nét và sống động hơn dưới con mắt người thưởng thức.
Bắt đầu sự nghiệp 13 năm trước, khi Figure là khái niệm còn khá lạ lẫm ở trong nước và ngay cả trên thế giới, Lee Chan-woo trở thành người đầu tiên khai phá lĩnh vực nghệ thuật mới lạ này tại Hàn Quốc. Sau hơn 10 năm nỗ lực, tâm huyết với nghề, Lee Chan-woo hiện nay là nhà thiết kế mô hình chủ đạo cho Giải đấu bóng rổ chuyên nghiệp NBA của Mỹ và đang hợp tác với các hãng thể thao nổi tiếng thế giới như Nike. Ông đã tạo được chỗ đứng cho riêng mình trên thị trường nước ngoài trước khi được biết đến tại Hàn Quốc. Trong căn phòng làm việc ở phường Sungsan, quận Mapo, Seoul, tác giả Coolrain chia sẻ: “Đây là phòng làm việc của tôi. Nó khá là bừa bộn nhưng tôi thường tự biện minh cho sự bừa bộn của mình là phải như vậy thì mới tạo ra được những sản phẩm tốt. Tôi thường ở đây hơn 12 đến 15 tiếng mỗi ngày để tìm kiếm ý tưởng và biến chúng thành mô hình các nhân vật. Đây là nơi tôi cảm thấy căng thẳng nhất, nhưng đồng thời cũng là không gian khiến tôi thấy thoải mái nhất.”


Từ chàng sinh viên khoa hóa đến nghệ nhân làm đồ chơi mô hình
Cứ ba, bốn ngày Lee Chan-woo lại cho ra đời một tác phẩm Figure với kích thước khoảng 10 inch (tương đương 25,4 cm). Sự tinh tế và tỉ mỉ trong các tác phẩm của ông khiến thế giới phải kinh ngạc. Ít ai ngờ công việc này vốn dĩ không hề nằm trong kế hoạch cuộc đời của ông. Bộ phim hoạt hình Nhật Bản “Chúa tể Akira” đã tạo nguồn cảm hứng và là động lực khiến cậu sinh viên khoa học kỹ thuật Lee Chan-woo quyết định rẽ hướng sự nghiệp. Ông chia sẻ: “Tôi vào đại học năm 1990 và phim hoạt hình “Chúa tể Akira” khiến tôi mê mẩn. Thời đó tôi còn ở quê nên không thể gặp ê-kíp sản xuất phim hoạt hình hay đọc sách về lĩnh vực này. Vào thời điểm đó tôi chưa từng có ý định sẽ làm phim hoạt hình, chỉ đơn giản thấy chúng thật quá tuyệt vời.”

Với mong muốn làm được phim hoạt hình giống như bộ phim “Chúa tể Akira”, chàng thanh niên 28 tuổi của vùng quê Andong (tỉnh Bắc Gyeongsang) Lee Chan-woo đã khăn gói lên thành phố Seoul và đăng ký học tại một trung tâm sản xuất phim hoạt hình 2D. Thế nhưng với cậu sinh viên chuyên ngành hoá, vẽ tranh là một thử thách đầy gian nan. Nhận thức được khó khăn này, Lee Chan-woo quyết định làm việc ở công ty sản xuất phim hoạt hình. Suốt ba, bốn năm học về kỹ thuật 3D tại công ty, Lee Chan-woo đạt đến trình độ có thể làm được những bộ phim hoạt hình ngắn. Một thử thách khác lại đến với Lee Chan-woo khi công ty của ông phải đóng cửa trong bối cảnh công nghệ phim 3D còn quá ít người biết đến. Lee Chan-woo lại quay trở về điểm xuất phát và niềm vui duy nhất của ông là ngồi thưởng thức các bộ phim hoạt hình đất sét. Ông kể lại: “Sau khi xem bộ phim “Đêm kinh hoàng trước Giáng sinh” của đạo diễn Mỹ Tim Burton, tôi đã rất cảm động. Nó làm tôi ngạc nhiên hơn cả bộ phim hoạt hình “Chúa tể Akira”. Tôi đã xem đi xem lại rất nhiều lần mỗi khi có thời gian rảnh. Tôi mua cả bộ sưu tập ảnh của bộ phim và tò mò không biết những tạo hình trong phim được làm từ nguyên liệu gì. Khi đó ngay cả đất sét sculpey - nguyên liệu cơ bản để làm mô hình figure là gì tôi cũng không biết. Chỉ nhìn các bức ảnh các cảnh quay trong phim thôi là tôi đã mong muốn được làm ra bộ phim giống như vậy.”

Cháy bỏng nhiệt huyết và khao khát được sẻ
Từ những bức ảnh trong cuốn sưu tập ảnh hoạt hình, Lee Chan-woo đã lần mò tìm hiểu về nguyên liệu, cách thiết kế đến cách sơn màu làm Figure. Sau khi đã phần nào nắm được các nguyên liệu làm mô hình đồ chơi, ông bắt đầu làm thử từng nhân vật xuất hiện trong phim. Ông còn làm thử lại các tác phẩm của những tác giả Figure nổi tiếng. Thế rồi trong suốt ba năm kể từ năm 2004, số lượng Figure ông làm đã lên đến con số hơn 100. Đó là quãng thời gian mà Lee Chan-woo đặt cược cả cuộc đời để theo đuổi ngành thiết kế figure. Ông cho biết: “Khi đó, tôi gần như chỉ ngủ từ ba đến bốn tiếng mỗi ngày. Tôi thức đêm đến khi có thể làm mô hình thật giống với các nhân vật trong phim. Bây giờ, chỉ cần khoảng ba ngày là tôi có thể làm ra một mô hình, nhưng khi đó tôi đã mất đến ba tháng. Mặc dù vậy tôi vẫn cảm thấy rất thích thú. Nhiều lúc tôi đã không thể hoàn thành tác phẩm, nhưng cũng qua đó mà tôi rút ra nhiều kinh nghiệm mới cho bản thân.”

Quá trình làm việc hàng ngày đều được Lee Chan-woo chia sẻ trên blog cá nhân của mình với mong muốn sẽ giúp ích cho ai đó có cùng đam mê thiết kế Figure giống như ông. Sự chân thành ấy càng khiến ông được nhiều người thán phục. Chị Kim Hyun-young, một người tham gia lớp học nghệ thuật làm đồ chơi bằng sét, cho biết: “Chia sẻ bí quyết của bản thân cho người khác là điều tối kị đối với người làm nghệ thuật. Nhưng thầy Lee Chan-woo lại không như vậy. Thầy không hề giấu giếm và luôn sẵn sàng chia sẻ bí quyết với mọi người, khiến người khác khi tiếp nhận nó cũng muốn tiếp tục chia sẻ cho nhiều người khác nữa. Tôi đã rất ấn tượng với thầy Coolrain.”

Nhờ việc chia sẻ bí quyết trên trang blog cá nhân, Lee Chan-woo được nhiều người đam mê Figure trong nước cũng như trên toàn thế giới biết đến. Và cũng nhờ công khai thông tin trên blog mà sau thời gian dài thiết kế Figure không một nguồn lợi nhuận, cuối cùng cũng đã có khách hàng ngỏ ý muốn mua Figure do ông thiết kế. Thế nhưng Lee Chan-woo lại quyết không bán chúng, bởi ông coi những mô hình phỏng theo nhân vật của các nhà thiết kế khác không phải là tác phẩm của mình. Lee Chan-woo đã đề nghị vị khách đó chờ cho đến khi ông làm ra tác phẩm của riêng ông. Nghệ nhân Lee Chan-woo bày tỏ: “Những mô hình mang thương hiệu của riêng tôi ra đời vào năm 2007, và vị khách đó đã mua tất cả các mô hình tôi làm ra. Ban đầu tôi phân vân không biết nên làm mô hình gì. Khi đó, các vũ công breakdance nam, hay còn gọi là b-boy của Hàn Quốc giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi nước ngoài, vì thế tôi quyết định làm mô hình về các b-boy Hàn Quốc. Tôi mô phỏng hình dáng, cách thức di chuyển của các b-boy như xoay người, hay đội mũ kiểu hiphop. Tôi còn đặt tên Phoenix cho b-boy và gắn cả tuổi cho chúng.”



Sau tác phẩm đầu tay là chuỗi mô hình b-boy Hàn Quốc, Lee Chan-woo được hãng thể thao Nike liên lạc và đề nghị trưng bày các mô hình Figure đi sản phẩm giày thể thao mới ra mắt của hãng. Ông Lee Chan-woo kể lại: “Tôi đã thiết kế Figure gồm đầy đủ trang phục cùng 100 mẫu giày thể thao ra mắt vào mùa xuân và mùa hè năm 2008 của hãng Nike. Tôi thiết kế nhiều nhân vật khác nhau như những thanh niên chơi bóng rổ, người chơi nhạc, rocker, học sinh cấp ba…, cho chúng mặc trang phục và đi giày của Nike rồi đem ra trưng bày. Cứ thế trong suốt bốn tháng, hầu như ngày nào tôi cũng làm thâu đêm và chỉ ngủ được từ một đến hai tiếng mỗi ngày.”

Xuất phát từ sự tỉ mỉ, tâm huyết với nghề, Lee Chan-woo luôn tốn nhiều thời gian chuẩn bị hơn người khác khi làm mô hình. Nhưng chính tâm huyết ấy đã giúp ông được nhiều người biết đến hơn. Mô hình Figure mang thương hiệu Nike do ông làm ra đã nằm trên kệ trưng bày trong suốt sáu tháng liên tục tại Trung tâm hội nghị triển lãm COEX, quận Gangnam. Mỗi ngày, triển lãm đón số lượng lớn khách tham quan đến chiêm ngưỡng những tác phẩm của nghệ nhân Coolrain - Lee Chan-woo. Ông nói: “Vào ngày kết thúc cuộc triển lãm mà tôi đã mất công chuẩn bị trong suốt bốn tháng, tôi đã thức suốt đêm trước đó. Tôi đến triển lãm vào lúc 7 giờ sáng khi chưa có một bóng người và cứ ngồi ở đó suốt một tiếng đồng hồ. Đó là lúc tôi thấy hạnh phúc nhất. Vấn đề tiền nong không còn trở nên quan trọng nữa. Tôi cảm thấy không có gì hạnh phúc hơn khi có người đến xem những Figure tôi làm ra.”

Hợp tác thành công với hãng Nike, Lee Chan-woo tiếp tục được giao phụ trách triển lãm ra mắt dòng sản phẩm mùa hè của hãng. Đến năm 2010, ông nhận được liên lạc từ Hiệp hội bóng rổ chuyên nghiệp NBA của Mỹ ngỏ ý muốn hợp tác sản xuất Figure các vận động viên của giải đấu. Nhờ cơ duyên đó mà Coolrain Lee Chan-woo bắt tay vào thiết kế dòng mô hình Figure đầu tiên trên thế giới mô phỏng các vận động viên nổi tiếng của giải đấu NBA. Đó cũng là lúc ông được công nhận là nghệ sĩ thiết kế Figure nổi tiếng thế giới. Dưới vai trò là một nghệ sĩ mô hình đồ chơi, Lee Chan-woo đang có những trải nghiệm trong mơ của cuộc đời. Ông chia sẻ: “Được làm công việc thiết kế đồ chơi là một điều vô cùng may mắn. Tôi đã có cơ hội được gặp ngôi sao bóng rổ Mỹ Kobe Bryant và trao cho anh món quà là mô hình của chính anh ấy với kích cỡ lớn. Trước đó, tôi đã thiết kế mô hình dòng xe đạp của hãng xe đạp Ý Cinelli vì thấy chúng quá đẹp. Và rồi tôi nhận được liên lạc qua thư điện tử của nhà thiết kế của hãng ngỏ ý muốn mua mô hình tôi làm. Nhà thiết kế đó lại chính là vợ của Chủ tịch công ty Cinelli và cô ấy muốn mua chúng làm món quà sinh nhật cho chồng mình. Đó là những mối nhân duyên đáng quý mà tôi sẽ không thể có được nếu như không làm công việc này.”

Không ngừng phấn đấu vì ước mơ, hoài bão
Với Coolrain Lee Chan-woo, không có điều gì hạnh phúc hơn khi được phát huy trí tưởng tượng và làm ra mô hình những đồ vật, con người mà ông yêu mến bằng chính đôi bàn tay của mình, và thậm chí hạnh phúc hơn nữa khi chúng nhận được tình cảm yêu mến từ mọi người. Lee Chan-woo tràn đầy mãn nguyện và không ngừng mong chờ đến một ngày, những mô hình Figure ông tạo ra sẽ trở thành nhân vật chính trong các bộ phim hoạt hình do chính ông làm đạo diễn.

Lựa chọn của ban biên tập