Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Ryu Seong-hie, Đạo diễn nghệ thuật Hàn Quốc đầu tiên giành giải thưởng độc lập Vulcan tại Liên hoan phim Cannes”.

2016-06-21

Trong tháng 6 này, điện ảnh Hàn Quốc vừa chào đón một tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn nổi tiếng Park Chan-wook với tựa đề “Người hầu gái”. “Người hầu gái” (The Handmaiden) được xây dựng dựa trên bối cảnh thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng bán bảo Hàn Quốc trong những năm 1930. Bộ phim miêu tả mối quan hệ dựa trên sự dối trá và lừa lọc nhằm chiếm đoạt tình cảm lẫn tiền bạc của nhau của bốn nhân vật là tiểu thư quý tộc Hideko với khối tài sản thừa kế kếch sù, bá tước Fujiwara là một tay lừa đảo, người hầu gái Sook-hee, và quản gia Kouzuki.

Trở lại sau bảy năm vắng bóng kể từ sau khi bộ phim “Con dơi”, có tựa đề tiếng Anh là “Thirst” (Khát máu), được trình chiếu năm 2009, “Người hầu gái” của đạo diễn Park Chan-wook là tác phẩm duy nhất của Hàn Quốc được đề cử tranh giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim Cannes lần thứ 69 tại Pháp năm nay. Tuy để tuột mất giải thưởng danh giá này, bộ phim đã lập nên kỷ lục mới khi bán bản quyền phát hành cho 176 quốc gia trên thế giới tại Hội chợ phim Cannes. Một tin vui không kém khác là Đạo diễn nghệ thuật Ryu Seong-hie của bộ phim đã trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên được xướng tên tại hạng mục giải thưởng độc lập Vulcan dành cho nghệ sĩ kỹ thuật. Đạo diễn Park Chan-wook cho biết: “Giải thưởng mà Đạo diễn nghệ thuật Ryu Seong-hie nhận được là giải thưởng dành cho chuyên gia thuộc các lĩnh vực như mỹ thuật, quay phim, âm nhạc, âm thanh… Chính vì tính cạnh tranh cao mà việc một đạo diễn nghệ thuật được nhận giải là cơ hội rất hiếm có, và đây cũng là lần đầu tiên giải thưởng này được trao cho một nghệ sĩ Hàn Quốc. Giải thưởng không chỉ thể hiện sự đánh giá đối với một tác phẩm mà còn là món quà đền đáp cho sự cống hiến của một cá nhân. Tôi mừng cho thành công của Đạo diễn nghệ thuật Ryu Seong-hie và đồng thời cũng cảm thấy rất tự hào.”



Đi đầu trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật điện ảnh tại Hàn Quốc
Với vai trò là nhà thiết kế sản xuất phim trong suốt 16 năm qua, Ryu Seong-hie cuối cùng đã được Hội đồng giám khảo của Liên hoan phim Cannes công nhận là một chuyên gia kỹ thuật tầm cỡ thế giới. Hình ảnh tòa biệt thự mang nét giao thoa hài hòa giữa kiến trúc triều đại Joseon, Nhật Bản và Anh Quốc, màu sắc thể hiện cá tính riêng của từng nhân vật, các vật dụng bài trí trong nhà mang đầy vẻ huyền bí, tất cả đều hiện lên sống động qua từng thước phim và để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả. Họ nhận xét: “Thiết kế mỹ thuật có sức ảnh hưởng lớn đến thành công của bộ phim. Các đồ vật trang trí dù nhỏ nhất đều mang đậm nét đặc trưng của thời đại. Màu xanh lá cây chủ đạo của nhân vật chính tiểu thư, hay toàn bộ không gian ngôi nhà vừa mang vẻ kỳ quái, ảm đạm lại vừa cổ điển, là kiến trúc khó có thể tìm thấy ở Hàn Quốc.” “Bộ phim có thiết kế đẹp từ đồ vật, hình ảnh cho đến màu sắc. Những đồ cổ hay ngay cả con búp bê bài trí trong ngôi nhà theo phong cách Nhật Bản đều mang lại cho tôi cảm giác rất mới mẻ.”

Đạo diễn nghệ thuật Ryu Seong-hie là người có công lớn cho nền điện ảnh nước nhà với vai trò là một nhà thiết kế sản xuất phim từ khi ngành sản xuất điện ảnh Hàn Quốc còn chưa định hình khái niệm về Đạo diễn nghệ thuật. Chị tham gia vào hầu hết các bộ phim nổi tiếng như “Hồi ức kẻ sát nhân” (Memories of Murder; 2003), “Báo thù” (Old boy; 2003), “Lời hứa với cha” (Ode to my father; 2014), “Sứ mệnh truy sát” (Assassination; 2015)...và thổi hồn vào từng thước phim.

Đến gần công chúng qua môn nghệ thuật thứ bảy
Trước khi trở thành đạo diễn nghệ thuật điện ảnh, Ryu Seong-hie là một nghệ nhân gốm với tài nghệ khéo léo. Cho đến khi tốt nghiệp cao học, chị vẫn nghĩ làm gốm là con đường đã định sẵn cho chị. Thế nhưng việc làm gốm, triển lãm rồi đem bán khiến chị thêm nhiều trăn trở. Chị cho biết: “Khi tổ chức triển lãm ở quận Gangnam, Seoul, tôi nhận thấy những rào cản và hạn chế trong giao lưu giữa người sáng tác và người xem. Đồ gốm chỉ bán được nếu chúng đẹp và phù hợp để trang trí trong nhà, và đối tượng khách hàng thường là những người có điều kiện. Phần lớn các đối tượng khác trong xã hội không thể thưởng thức những vẻ đẹp này do còn bận rộn với việc kiếm sống mưu sinh. Tôi muốn được tham gia vào lĩnh vực nghệ thuật có sự tiếp xúc và giao lưu với nhiều người hơn thế.”

Mong muốn có cơ hội tiếp xúc với công chúng nhiều hơn, đến năm 1995, Ryu Seong-hie quyết định đến Mỹ du học. Đúng vào thời điểm đó, chị quen với một người bạn chuẩn bị theo học tại Viện điện ảnh Mỹ (AFI), và từ đó, Ryu Seong-hie bắt đầu mối duyên với điện ảnh mà chị vốn quan tâm từ lâu. Ryu Seong-hie không chút do dự khi lựa chọn theo học chuyên ngành nghệ thuật điện ảnh. Chị nhớ lại: “Tôi đã trải qua những năm tháng tuyệt vời. Nó tựa như một giấc mơ khi tôi được làm những gì mình yêu thích. Viện điện ảnh Mỹ không quá chú trọng vào lý thuyết phim ảnh và định hướng sinh viên tập trung vào thực hành sản xuất. Điện ảnh là lĩnh vực nghệ thuật coi trọng sự hợp tác. Tại đây, chúng tôi được phân tích kịch bản phim, cùng nhau thảo luận về thế giới quan của đạo diễn, đồng thời tranh luận cùng đạo diễn quay phim và thực hành chuyên môn. Nhờ thế mà tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá, giúp tôi thích ứng với công việc nhanh hơn sau khi trở về Hàn Quốc.”

Thành công đầu tiên tại quê nhà
Ngay sau khi trở về quê nhà, Ryu Seong-hie lập tức mang hồ sơ năng lực cá nhân portfolio tìm đến các công ty sản xuất phim. Nhưng chính mác du học sinh lại trở thành bức tường cản trở chị tìm đến đam mê với lý do thiếu kinh nghiệm thực tế. Sau nhiều khó khăn, cuối cùng chị cũng có cơ hội tham gia vào dự án phim ngắn mang tên “Đảo hoa” của đạo diễn Song Il-gon.

Bộ phim “Đảo hoa” kể về cuộc gặp gỡ bất ngờ của ba cô gái ở độ tuổi 10, 20 và 30 ôm vết thương lòng quyết định rời xa chốn thành thị, cùng nhau sát cánh trên hành trình tìm kiếm “đảo hoa”, không gian có thể quên đi nỗi buồn cuộc sống. Đây là bộ phim từng được đề cử tại Liên hoan phim quốc tế Venice lần thứ 58 tại Ý và được giới điện ảnh nghệ thuật đánh giá cao về tính thẩm mỹ.

Bắt đầu sự nghiệp với tác phẩm đầu tay thuộc thể loại phim chú trọng vào nghệ thuật, Ryu Seong-hie càng thêm khao khát được giao lưu với công chúng. Năm 2002, chị chính thức tham gia hợp tác trong các dự án phim thương mại với bộ phim đầu tiên mang tên “Không máu, không nước mắt” (No Blood No Tears) của đạo diễn Ryoo Seung-wan.

Hợp tác với đạo diễn Ryoo Seung-wan, Ryu Seong-hie với cương vị nhà thiết kế sản xuất đã hợp nhất đội mỹ thuật, đạo cụ, hóa trang, dựng cảnh và thực hiện chỉ đạo tổng hợp. Thực hiện tốt vai trò của một nhà thiết kế sản xuất, Ryu Seong-hie tiến tới vị trí đạo diễn nghệ thuật và được giới điện ảnh Hàn Quốc tin tưởng giao phó nhiều dự án lớn.

Phản ánh tính cách nhân vật qua bối cảnh
Bộ phim “Người hầu gái” giành được giải Vulcan tại Liên hoan phim Cannes lần này là một trong số tác phẩm điện ảnh làm nổi bật sự hiện diện của Ryu Seong-hie. Là bộ phim với mọi diễn biến đều diễn ra trong tòa nhà biệt lập, việc tạo nên bối cảnh phù hợp với mạch truyện là điều hết sức quan trọng. Đạo diễn Park Chan-wook cho biết: “Ngôi nhà trong bộ phim có thể coi là nhân vật chính thứ năm của bộ phim. Làm thế nào để một không gian pha trộn giữa phong cách thời phong kiến của triều đại Joseon, Nhật Bản và phương Tây, vừa tạo cảm giác mới lạ mà vẫn hài hòa trong kiến trúc là một bài toán lớn khiến chúng tôi phải trăn trở rất nhiều. Phòng đọc sách là không gian tiêu biểu với kiến trúc bên ngoài mang phong cách Nhật Bản và không gian bên trong giống như một thư viện lớn theo phong cách phương Tây. Dưới hành lang là một căn phòng trải chiếu tatami truyền thống của Nhật Bản. Khi thiết kế không gian căn nhà, chúng tôi không muốn khán giả chỉ cảm thấy đẹp, hoành tráng, mà hơn thế nữa, chúng tôi muốn đưa khán giả đến với không gian của tầng lớp thượng lưu, tầng lớp tri thức thời Nhật Bản đô hộ bán đảo Hàn Quốc vào đầu thế kỷ XX.”

Điểm nhấn trong không gian phòng đọc sách chính là ngôi vườn nhân tạo theo phong cách Nhật. Với sắp xếp có dụng ý khi đặt khu vườn bên trong phòng đọc sách, bộ phim đã lột tả được thói háo danh và dục vọng của quản gia Kouzuki. Nhân vật Kouzuki vốn là người Hàn nhưng do muốn trở thành người Nhật nên đã kết hôn với một phụ nữ Nhật Bản và sống chung cùng hai bà vợ là người Hàn và người Nhật dưới một mái nhà. Đạo diễn nghệ thuật Ryu Seong-hie cho biết: “Những lời thoại trong vườn rất cứng, vì thế mà không gian khu vườn phải vừa mềm mại, mang vẻ thanh cao, quý phái, mà lại không tự nhiên. Dụng ý của chúng tôi là muốn nói đến sự đổ vỡ khi đặt mảnh vườn nhân tạo hoàn toàn không ăn khớp và hài hòa với không gian trong nhà. Yếu tố này ám chỉ nhân vật quản gia Kouzuki khi đã đạt đến tận cùng của tham vọng.”

Căn phòng của tiểu thư Hideko nói lên chính tính cách và vận mệnh của cô khi toát lên vẻ huyền bí, ảm đạm, chứa đầy nỗi niềm. Màu xanh mang nét u sầu cũng là một yếu tố giúp nhân vật Hideko hiện lên rõ nét hơn. Đạo diễn nghệ thuật Ryu Seong-hie giải thích thêm: “Hideko sống cách biệt với bên ngoài và gắn bó với ngôi nhà từ lúc năm tuổi. Cũng chính tại đây cô gặp được mối duyên định mệnh là người hầu gái Sook-hee. Tôi sử dụng màu xanh da trời mát làm màu chủ đạo cho căn phòng giống như chính tính cách lạnh lùng của chủ nhân, thể hiện sự cô đơn, lạnh lẽo. Thêm vào đó là giấy dán tường họa tiết cây lá nhằm tô điểm nét nữ tính cho căn phòng. Trên thực tế, nếu nhìn kỹ, có thể thấy hoạt tiết cây, lá lại mang tính chất gợi dục hơn là chỉ mang tính thẩm mỹ.”

Nghệ thuật phán ảnh tính cách nhân vật qua không gian của bộ phim “Người hầu gái” chính là yếu tố quan trọng giúp bộ phim ghi điểm trong mắt hội đồng giám khảo của Liên hoan phim Cannes. Nhà phê bình điện ảnh Choi Kwang-hee cho biết: “Sau khi được ra mắt tại Liên hoan phim Cannes, bộ phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi về mặt thẩm mỹ hơn là cốt truyện hay đạo diễn. Báo chí nước ngoài đã dành những lời có cánh cho phần thiết kế sản xuất với tòa nhà mang kiến trúc đan xen giữa phong cách phương Tây và Nhật Bản, vừa mới lạ, vừa kỳ quái mà vẫn truyền tải được ý đồ của bộ phim.”

Tâm huyết với những đứa con tinh thần
Với Ryu Seong-hie, bối cảnh trường quay hay đạo cụ chính là những nhân vật trong phim vì chúng giúp các diễn viên nhập vai hơn và khiến bộ phim trở nên cuốn hút hơn trong mắt người xem. Chị chia sẻ: “Dù nhận được lời khen ngợi về tính thẩm mỹ, trong bộ phim“Người hầu gái” có nhiều không gian thiết kế không mang tính thẩm mỹ chút nào. Nhiệm vụ của tôi là tạo nên không gian có thể phản ánh tính cách nhân vật, truyền tải tâm tư tình cảm của nhân vật đến khán giả.”

Sự tính toán của Ryu Seong-hie đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía khán giả. Một số người nhận xét như sau: “Không gian bối cảnh thật sự đã diễn tả được mạch cảm xúc của bộ phim.” “Ở đoạn giữa bộ phim có cảnh Hideko đọc sách, và lúc này nhân vật được quay ở góc nghiêng. Điều này giúp khán giả cảm thấy như đang được cùng ngồi đọc sách với nhân vật trong phim vậy. Trước đây tôi không hề để ý đến những chi tiết này. Sau khi xem xong “Người hầu gái”, tôi nhận thấy rằng bối cảnh trong phim là yếu tố rất quan trọng đem lại sức cuốn hút cho tác phẩm.”

Mỗi khi các diễn viên tìm được nguồn cảm hứng và nhập vai tốt trong các bối cảnh do chính mình dàn dựng, đạo diễn nghệ thuật Ryu Seong-hie lại cảm thấy vô cùng hài lòng. Và chị không ngừng đối đầu với thử thách mới. Chị chia sẻ: “Phương châm làm việc của tôi là táo bạo và thanh cao. Ví dụ khi dựng cảnh cho bộ phim “Người hầu gái” hay “Hồi ức kẻ sát nhân”, tính chân thực của bối cảnh là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn, bối cảnh phải thể hiện được phẩm chất, tính cách của nhân vật, của vai diễn, và cả tình huống xảy ra trong phim. Nhưng bên cạnh đó, tác phẩm cũng cần có điểm mới lạ. Để công việc trở nên ý nghĩa hơn, tôi luôn cố gắng tạo nên sự thay đổi có ý đồ trong từng tác phẩm.”

Cho đến nay, những tác phẩm Ryu Seong-hie tham gia đều xuất phát từ những quyết định táo bạo mà không ai ngờ tới. Và chị muốn chia sẻ những trải nghiệm táo bạo này với các lớp thế hệ trẻ cùng chung hoài bão, tiếp thêm cho họ sức mạnh để không từ bỏ ước mơ và dũng cảm bước tiếp trên con đường nghệ thuật nhiều chông gai.

Lựa chọn của ban biên tập