Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Mặt trăng thứ hai, nhóm nhạc kết hợp âm nhạc Hàn Quốc và thế giới

2016-07-19

Các bạn đang lắng nghe trích đoạn công tử Lý Mộng Long năn nỉ người đầy tớ Bang-ja dẫn mình tới những nơi đáng xem ở vùng Namwon trong trường ca hát kể truyện Pansori mang tên “Chunghyangga” (Xuân Hương ca). Với các vở diễn Pansori thông thường, sau phần hội thoại, nghệ sĩ sẽ cất tiếng hát cùng tiếng đệm trống Buk. Tuy nhiên, bản nhạc tiếp nối lần này lại khác với hình dung của khán giả. Bản trường ca hát kể truyện hòa trộn giữa âm nhạc dân gian Hàn Quốc và nhạc truyền thống Ai-len đang vang lên trong khán phòng. Đó là buổi biểu diễn encore mang tên “Xuân Hương ca, dự án âm nhạc truyền thống Hàn Quốc” của ban nhạc Mặt trăng thứ hai, kết hợp lối hát kể truyện Pansori với nhạc hiện đại.

Buổi công diễn “Xuân Hương ca, dự án âm nhạc truyền thống Hàn Quốc”
Với hơn 10 năm theo đuổi dòng nhạc toàn cầu World music, kết hợp giữa nhạc dân tộc và các dòng nhạc thế giới khác nhau, nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai gần đây đã cho ra mắt album gồm 14 phân đoạn trong tổng số hơn 80 phân đoạn của bản trường ca hát kể truyện Pansori Chunhyangga (Xuân Hương ca), với âm hưởng mang bản sắc riêng của nhóm. Xuân Hương ca do nhóm Mặt trăng thứ hai biến tấu đã giúp phá vỡ thành kiến cho rằng Pansori là thể loại nhạc lỗi thời, không tiếp nhận cái mới, đồng thời thổi làn gió mới vào nền âm nhạc truyền thống Hàn Quốc, khi liên tiếp được đón nhận trên sân khấu sau buổi công diễn đầu tiên. Một khán giả chia sẻ: “Hôm nay tôi đến xem lại lần thứ hai vì tôi rất thích buổi biểu diễn. Nó khác với phong cách hát kể truyện thông thường và tạo cho tôi cảm giác rất thoải mái khi nghe.”. Một khán giả khác cho biết: “Thường thì ít người muốn đến xem biểu diễn Pansori, nhưng sự kết hợp với yếu tố âm nhạc đại chúng đã khiến buổi biểu diễn trở nên thật ấn tượng và khiến khán giả tò mò hơn về nội dung và ý nghĩa của lời bài hát.”. Một nữ khán giả khác bày tỏ: “Buổi biểu diễn vô cùng tuyệt vời. Sự kết hợp giữa nhạc truyền thống và các thể loại âm nhạc thế giới tạo nên sự mới mẻ, đặc biệt trong các khúc hợp tấu vui nhộn xuyên suốt tác phẩm.”



Sự kết hợp độc đáo này cũng là một thử thách thú vị đối với những danh ca theo đuổi lối hát kể truyện Pansori. Danh ca Go Young-yeol, một trong những nghệ sỹ tham gia buổi biểu diễn “Xuân Hương ca, dự án âm nhạc truyền thống Hàn Quốc”, cho biết: “Một buổi biểu diễn Pansori thường do một danh ca thể hiện và một người đánh trống Buk đệm nhạc. Trước hết, nếu như sân khấu truyền thống Pansori mang nét đẹp xa xưa thì nay sẽ được khoác lên bộ cánh đầy màu sắc khi kết hợp với thể loại âm nhạc hiện đại. Ví như khi ta tô màu cho bức tranh hoa lan thay vì vẽ bằng mực đen như trước đây. Nhạc truyền thống Pansori mang nét đơn điệu, nhưng khi được hòa âm với thể loại âm nhạc khác, sẽ giúp khán giả hiểu hơn về tác phẩm.”

Vở kịch vô cùng sống động khiến khán giả cảm giác như đang được trực tiếp tham gia vào sân khấu biểu diễn ngoài trời với tiếng cười sảng khoái. Âm nhạc xen giữa các phân đoạn được biến tấu, mang phong cách âm nhạc dân gian đương đại, khiến khán giả hoàn toàn đắm chìm trong điệu nhạc. Nhà bình luận âm nhạc Yoon Joong-gang cho biết: “Ban nhạc Mặt trăng thứ hai không hề từ bỏ dòng nhạc World music mà nhóm theo đuổi. Họ vẫn giữ được bản sắc riêng trong sự kết hợp hài hòa với lối hát kể truyện Pansori. Pansori là thể loại mang đậm nét kể chuyện theo giai điệu. Nhóm đã tạo ra được dòng nhạc vẫn phát huy những điểm mạnh trên của Pansori nhưng lại mang màu sắc rất riêng, không lẫn vào đâu được. Mặt trăng thứ hai không phải là nhóm nhạc dân gian đương đại, cũng không đơn thuần là nhóm nhạc truyền thống, mà là ban nhạc tạo nên xu thế âm nhạc mới không đi theo những lối mòn định sẵn.”

Nhóm mặt trăng thứ hai, sự gặp gỡ của những người yêu âm nhạc

Nhóm Mặt trăng thứ hai được thành lập xuất phát từ ước mơ được thử sức với âm nhạc của hai thành viên ban đầu là Kim Hyun-bo và Park Jin-woo, đều là nhà sản xuất quảng cáo, âm nhạc cho phim điện ảnh trước đây. Nghệ sĩ chơi ghi-ta bass Park Jin-woo chia sẻ: “Chúng tôi gặp nhau khi cùng làm việc cho một công ty sản xuất âm nhạc cho quảng cáo và phim truyền hình, điện ảnh. Chúng tôi từng bảo nhau rằng chúng mình không theo đuổi âm nhạc để làm những công việc thế này. Thế nên chúng tôi quyết định thử sức với lĩnh vực mình yêu thích, dù là không kiếm ra tiền. Anh Hyun-bo biết chơi đàn ghi-ta, còn tôi trước đây cũng từng chơi ghi-ta bass. Thời gian ban đầu, chúng tôi chơi nhạc như một nhóm nhạc công sở chứ không phải chuyên nghiệp.”

Dù không đề ra tiêu chí thu nạp thành viên hay phong cách biểu diễn cụ thể cho nhóm, Mặt trăng thứ hai đã trở thành bức tranh với đầy đủ mảnh ghép như ngày nay với các thành viên có cùng đam mê. Trong số sáu thành viên, hai người duy nhất theo học chuyên ngành âm nhạc là tay trống Baek Sun-yeol và nghệ sĩ violông Jo Yoon-jung, số còn lại chỉ dừng ở mức chơi tốt ghi-ta hoặc có thể gõ tốt phím đàn. Tuy khả năng âm nhạc không đồng đều, giữa họ luôn có điểm chung đó là sự ham học hỏi và không ngại đương đầu với thử thách mới. Để có thể phối hợp đa dạng nhiều loại nhạc cụ, nhóm đã mua nhạc cụ truyền thống của nhiều nước trên thế giới, tham khảo các đoạn video trên trang Youtube và trực tiếp soạn nhạc.

Mặt trăng thứ hai ban đầu chủ yếu hoạt động tại các quán bar nhạc sống tại khu phố trường Đại học Hongik. Song, do không được công chúng biết đến, có những ngày nhóm đã biểu diễn với số lượng khán giả ít hơn cả số lượng thành viên nhóm. Tuy nhiên, những hàng ghế trống chưa không bao giờ khiến họ nhụt chí. Chị Choi Jin-gyung, thành viên chơi đàn organ điện tử và phong cầm, cho biết: “Mục tiêu theo đuổi âm nhạc không phải vì sự nổi tiếng cuối cùng lại trở thành sức mạnh để chúng tôi cố gắng duy trì nhóm lâu dài. Nếu mục đích là muốn nổi tiếng và kiếm thật nhiều tiền, tất yếu lòng tham sẽ nổi lên và gây ra bất đồng nội bộ. Chúng tôi đơn giản chỉ mong muốn một ngày được biểu diễn ở những sân khấu lớn hơn với nhiều khán giả hơn.”

Các thành viên ban nhạc Mặt trăng thứ hai tìm niềm vui qua việc học chơi những nhạc cụ độc đáo, tự viết nhạc và biểu diễn, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mình. Anh Park Jin-woo bày tỏ: “Chúng tôi không cố gắng để giành được điều gì đó. Trước kia không có ai theo đuổi dòng nhạc giống với chúng tôi. Vì phải tự lần mò con đường chưa ai từng đi nên ngay bản thân chúng tôi cũng không chắc chắn rằng mình có đang làm tốt hay không. Chúng tôi chỉ theo đuổi vì sở thích và dần dần trưởng thành dựa trên niềm đam mê đó.”

Bước ngoặt trong sự nghiệp hoạt động
Việc tham gia thu âm nhạc nền cho bộ phim truyền hình “Ký ức Ireland” phát sóng vào cuối mùa hè năm 2004 đã tạo nên bước ngoạt mới trong sự nghiệp hoạt động của nhóm Mặt trăng thứ hai. Giai điệu du dương như đưa người nghe lạc vào thế giới bí ẩn đã chinh phục được khán giả và khiến nhóm nhận được nhiều lời mời biểu diễn hơn. Trên đà thành công, đến năm 2005, nhóm nhạc Mặt trăng thứ hai cho ra mắt album đầu tay mang tên nhóm với các bản nhạc trữ tình độc đáo. Giai điệu phát ra từ các nhạc cụ mới lạ như sáo dọc (tin whistle) của Ai-len hay đàn tám dây mandolin của Ý, đã nhận được sự khen ngợi từ giới phê bình.

Năm 2006, tại Lễ trao giải âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, nhóm Mặt trăng thứ hai đã giành giải ở các hạng mục như “Album của năm”, “Nhóm nhạc mới của năm” và “Album nhạc jazz tổng hợp xuất sắc nhất”. Những thành tích này đã giúp nhóm nhanh chóng được chú ý đến và có lịch trình biểu diễn dày đặc. Sau đó, khi nhận được lời mời thu nhạc nền cho nhiều bộ phim truyền hình và tác phẩm điện ảnh, nhóm đã phải tách ra thành hai nhóm nhỏ và hoạt động riêng rẽ. Thế rồi sau 10 năm hoạt động, vào năm 2015, họ cho ra đời album thứ hai và ra mắt khán giả với đầy đủ các thành viên.
Trong suốt hơn 10 năm hoạt động âm nhạc, các thành viên không giây phút nào lung lay ý chí và luôn sát cánh bên nhau. Đây là điều đáng tự hào đối với Mặt trăng thứ hai. Anh Park Jin-woo cho biết: “Mỗi lần nhóm tụ họp là chúng tôi đều thấy rất vui và tôi tin chắc rằng cả về sau này cũng sẽ thế, giống như vợ chồng lâu năm vậy. Dù từng hoạt động riêng lẻ vì một số lý do nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn trở về là một khối.”

Hợp nhất bức tranh hoàn chỉnh với năng lượng căng tràn, nhóm Mặt trăng thứ hai trở nên sung sức hơn bao giờ hết. Và sản phẩm ra đời chính là dự án nhạc truyền thống mang tên “Xuân Hương ca, dự án âm nhạc truyền thống Hàn Quốc”.

Dự án kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại
Tuy là lời bài hát Pansori truyền thống, nhưng nếu như nhắm mắt lắng tai nghe giai điệu, khán giả sẽ có thể tưởng tượng ra bức tranh đầy màu sắc. Cố gắng giữ lại nét độc đáo vốn có của lối hát kể truyền Pansori và truyền tải câu chuyện khi bằng lời thoại, khi bằng bài hát, nhóm đã thành công trong việc tạo ra màu sắc riêng của mình. Ban nhạc Mặt trăng thứ hai cũng đã khôi phục nguyên vẹn được giai điệu truyền thống của Hàn Quốc dựa trên những cung bậc cảm xúc cao trào và những nỗi “uất ức” ẩn sâu trong tâm hồn dân tộc Hàn, khiến những cảnh vui thêm phần đáng yêu và những cuộc chia ly thêm đau lòng.

Âm nhạc của ban nhạc Mặt trăng thứ hai thể hiện trung thực các cung bậc cảm xúc yêu, ghét, buồn, vui, dễ đi vào lòng người. Thành viên chơi ghi-ta của nhóm Lee Young-hoon chia sẻ: “Thưởng thức âm nhạc không hề khó. Người nghe chỉ cần thả hồn theo điệu nhạc và cảm nhận theo cách riêng của mình. Thưởng thức âm nhạc không cần phải quá tập trung, đào sâu. Âm nhạc là thứ dễ dàng tiếp cận bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang làm việc nhà hay trước khi đi ngủ.”

Sau khi biến tấu bản Xuân Hương ca, nhóm Mặt trăng thứ hai đã thay đổi cái nhìn đối với dòng nhạc Pansori truyền thống nước nhà. Trưởng nhóm Mặt trăng thứ hai, anh Kim Hyun-bo nói: “Pansori có nhiều nội dung thú vị, sự tươi mới, và vẻ đẹp mà chúng tôi chưa từng khám phá. Tôi đã từng thành kiến cho rằng nhạc truyền thống thường mang nét buồn thảm, u sầu. Nhưng từ khi bắt đầu biến tấu Pansori, tôi nhận ra được nhiều điều. Dù là giai điệu vui tươi nhưng bên trong nó vẫn chứa đựng sự nghẹn ngào. Khi kết hợp Pansori với dòng nhạc thế giới, tôi mới khám phá ra được nhiều nét rất riêng của âm nhạc nước nhà. Dù kết hợp với âm nhạc phương Tây thì tôi vẫn có thể cảm nhận được tâm tư tình cảm của những giai điệu Pansori đó và tôi tin rằng khán giả cũng có chung cảm xúc như tôi.”

Một điều đặc biệt nữa của buổi biểu diễn này là không khí háo hức tràn ngập không gian khán phòng, khó có thể tìm thấy ở những buổi biểu diễn khác của nhóm. Những câu cảm thán như "Đúng rồi!” “Hay lắm!” “Tuyệt vời!" đệm giữa các nhịp phách của vở diễn, hòa nhịp vào phần biểu diễn của ban nhạc. Chị Choi Jin-kyung chơi phong cầm và nhạc cụ phím chia sẻ: “Những khán giả đến nghe nhạc của chúng tôi thường tỏ ra khá trầm nhưng tôi đã ngạc nhiên về phản ứng của họ trong buổi biểu diễn lần trước. Họ cùng đồng thanh tấu Chuimsae như “hay lắm”, và vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến nên tôi cảm thấy rất thú vị, mới mẻ. Đây là khung cảnh hiếm thấy trong các phần biểu diễn nhạc phương Tây. Một điều hay hơn nữa là chúng tôi có cơ hội đi biểu diễn ở nhiều nơi trên các vùng miền Hàn Quốc và được nghe tấu Chuimsae bằng những giọng địa phương khác nhau. Đây là một trải nghiệm vô cùng thú vị.”

Có người gọi nhóm Mặt trăng thứ hai là nhóm nhạc tổng hợp. Không chỉ theo đuổi dòng nhạc lai hay nhạc truyền thống, hay dòng nhạc thời đại mới (New age), họ là nhóm tạo nên dòng nhạc mới bằng những thể loại âm nhạc truyền thống đa dạng trên thế giới và đang từng ngày trưởng thành. Không ai có thể đoán trước về sản phẩm âm nhạc sắp tới của họ. Vì thế, âm nhạc của họ càng đáng được khán giả kỳ vọng hơn.

Lựa chọn của ban biên tập