Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Seo Hee, vũ công chính của Nhà hát ba-lê Mỹ

2016-07-26

Vũ công ba-lê Hàn Quốc đầu tiên tại vũ đoàn ABT
Cùng với Vũ đoàn Ballet của Nhà hát quốc gia Paris (Pháp) và Đoàn Ballet Hoàng gia Anh, ABT là một trong ba đoàn ba-lê danh giá nhất trên thế giới. Đây là nơi hội tụ của hơn 100 vũ công có kinh nghiệm và năng lực xuất sắc nhất và trong đó chỉ có hơn chục người được trao trọng trách là vũ công chính trên sân khấu. Trong dàn vũ công ưu tú này có một vũ công ba-lê Hàn Quốc là Seo Hee. Ta có thể gặp gỡ Seo Hee trong video clip quảng bá về ABT. Seo Hee đã phải chờ đợi và nỗ lực trong suốt tám năm để có được vị trí vinh quang này. Cô đã mở ra trang sử mới cho lịch sử ba-lê của Hàn Quốc. Nhà bình luận ba-lê Jang Kwang-yeol cho biết: “Những vũ công của Hàn Quốc đang hoạt động ở nước ngoài ngày một nhiều hơn. Trong số này, vũ công Seo Hee đã vinh dự được hoạt động trong top ba vũ đoàn lớn nhất thế giới là Nhà hát ba-lê Mỹ. Trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt của những vũ công giỏi nhất đó, cô được lựa chọn là vũ công chính của đoàn. Đây là niềm tự hào lớn đối với nền nghệ thuật múa của Hàn Quốc, cho phép chúng ta có quyền hy vọng vào những ngôi sao ba-lê của nước nhà tỏa sáng trên sân khấu quốc tế.”



Hành trình đến với ba-lê
Vũ công chính Seo Hee tiếp xúc với môn nghệ thuật ba-lê khá muộn. Năm 12 tuổi, cô được bố mẹ cho đi học piano và bơi để bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc và thể thao. Nhưng do không thích bơi nên Seo Hee đã đăng ký học ba-lê tại một trung tâm gần nhà. Cô kể lại: “Ban đầu bố mẹ tôi và cả bản thân tôi chỉ coi ba-lê như một sở thích. Những ngày mưa hay lạnh mẹ còn bảo tôi không cần đến trung tâm luyện tập cho đỡ nguy hiểm. Có lần Trường nghệ thuật Seonhwa gửi công văn cho thầy hiệu trưởng trường tôi, mời học sinh tham gia thi múa ba-lê. Thầy nghe nói tôi đang học ba-lê, bèn cử ngay tôi đi. Tôi đi thi mà chẳng hề ôn luyện gì, vậy mà cũng được giải.”

Tình cờ đi thi lại đoạt giải, mối nhân duyên này sau đó đã dẫn dắt Seo Hee vào học tại Trường nghệ thuật Seonhwa. Tuy nhiên, vì mới chỉ có vỏn vẹn một năm kinh nghiệm học ba-lê, Seo Hee lúc đó đã không thể bắt kịp với các bạn trong trường. Seo Hee đã tự nhủ chỉ có luyện tập thật nhiều mới có thể khắc phục tình trạng hiện tại của mình. Cô đến lớp sớm nhất và cũng là người nghỉ tập muộn nhất, và cũng thật may mắn là cơ thể cô thích nghi với các động tác ba-lê rất nhanh. Cô tâm sự: “Cha tôi thường đi làm lúc 7 giờ sáng nên ông cũng tiện đưa tôi đến trường vào giờ đó. Tôi tập vào buổi sáng sớm một mình, hết buổi học lại tập riêng với cô giáo. Lúc bấy giờ, dường như với tôi chỉ có mỗi cách đó để tồn tại, để lấp đầy khoảng cách giữa tôi và các bạn khác.”

Học tập và rèn luyện nơi xứ người
Theo học Trường nghệ thuật Seonhwa được một năm, Seo Hee khi đó mới 14 tuổi lại có thêm một quyết định khác. Cô đỗ kỳ thi tuyển sinh nhận học bổng toàn phần tại Trường ba-lê Kirov Washington và quyết định sang Mỹ du học. Và thế là Seo Hee trở thành một du học sinh học ba-lê chỉ hai năm sau khi tiếp xúc với môn nghệ thuật này. Dường như không phải Seo Hee chọn ba-lê, mà chính ba-lê đã lựa chọn cô.

Vào năm 2003, Seo Hee giành giải trong cuộc thi ba-lê quốc tế tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Sau giải thưởng này, cô nhận được cơ hội nhập học tại Trường ba-lê John Cranko, cơ sở trực thuộc đoàn ba-lê danh giá nhất nước Đức, đoàn ba-lê Stuttgart. Không lâu sau đó cô thiếu nữ 16 tuổi Seo Hee tiếp tục tham gia cuộc thi múa dành cho những gương mặt trẻ tổ chức tại Mỹ năm 2003 mang tên Youth America Grand Prix (gọi tắt là YAGP). Cuộc thi tranh tài múa ba-lê này lần đầu tổ chức vào năm 2000, và người chiến thắng trong cuộc thi sẽ có cơ hội biểu diễn tại trường trực thuộc Nhà hát ba-lê Mỹ. Đây chính là ước mơ và niềm khát khao của mọi vũ công ba-lê trẻ. Trường ba-lê John Cranko đã tiến cử Seo Hee tham dự cuộc thi.

Xuất hiện trong tiếng piano trầm bổng, dặt dìu, Seo Hee đội một vương miện nhỏ lấp lánh, mặc trang phục ba-lê được tô điểm bởi những sợi lông mềm mại của thiên nga trắng. Cô nâng mũi chân nhẹ nhàng, không gây một tiếng động dù nhỏ, và tiếng vỗ tay cứ đồng loạt vang lên trước mỗi động tác hay chuyển động cơ thể của Seo Hee. Sức biểu đạt và tài năng của thí sinh 16 tuổi người Hàn Quốc đã chinh phục ban giám khảo, cô nhận giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Đúng hai năm sau, Seo Hee chính thức trở thành vũ công của Nhà hát ba-lê Mỹ, tiếp tục ấp ủ ước mơ được làm chủ sân khấu ba-lê trong tương lai mà không biết rằng rất nhiều khó khăn đang chờ cô ở phía trước. Cô chia sẻ: “Tôi đã rất muốn cố gắng, nhưng thậm chí chẳng thể có cơ hội để thực hiện điều đó. Cứ mỗi lần định luyện tập thì lại bị yêu cầu “đừng chạy qua chạy lại nhìn ngứa mắt, hãy đứng vào một góc”. Cứ vậy, tôi đứng cả ngày mà không được múa dù chỉ một lần. Lúc đó tôi đã thấy rất lạc lõng và tuyệt vọng. Cứ tưởng rằng sẽ được chào đón, được nhận những lời khen khi vào đoàn nhưng hóa ra thế giới ba-lê chuyên nghiệp lại không đơn giản và dễ dàng như thế.”

Đoàn ba-lê ở quốc gia nào cũng chia thành nhiều cấp bậc, với cấp thấp nhất là múa phụ, tiếp theo là múa độc diễn soloist và cấp cao nhất là vũ công chính principal dancer. Tuy nhiên, đến ngay cả vị trí vũ công múa phụ cũng không dành cho vũ công mới vào. Seo Hee chỉ có vẻn vẹn hai tiếng, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa được tập luyện chuẩn bị, giải phóng cơ thể cùng các vũ công khác trong nhà hát. Một ngày cô phải đứng trên sàn tập hơn 10 tiếng, nhưng cơ hội để thỏa thích luyện tập thì hầu như không có. Cứ thế, cô kiên nhẫn chờ đợi, quan sát và học hỏi các động tác từ các vũ công chính trong đoàn. Và sau bốn năm khổ luyện và chờ đợi, Seo Hee đã chính thức được đảm nhiệm vai Juliet. Cô nhớ lại kỉ niệm: “Hôm đó có danh sách phân vai, mà tôi thì chưa bao giờ tìm tên mình phía trên, bởi đó là chỗ dành cho các vũ công chính. Tôi cứ tìm mãi ở phía dưới mà không thấy tên mình, tự nhủ là chắc là vở này mình cũng chẳng được đảm nhiệm vai múa phụ. Thế nhưng khi xem lịch tập thì tôi lại thấy mình có lịch khớp vở riêng, và tôi tự nhủ: “Hay là họ định giao việc gì đó cho mình?”. Tôi đã không nhìn thấy phần phân vai của mình và tủi thân gọi điện về cho mẹ. Sau này khoảng vài năm, khi đang ngồi ở ghế sô pha tầng sảnh, tôi cũng thấy có một bạn vũ công mới vào đang đứng khóc trước bảng danh sách thử vai. Đó chính là hình ảnh của tôi ngày xưa, khi tôi xem danh sách và gọi điện về cho mẹ…”

Vũ công chính Seo Hee trên sân khấu nước Mỹ
Cứ mỗi lần nhận được những tràng pháo tay tán thưởng kể cả sau khi hạ màn vở Romeo và Juliet, Seo Hee nhớ lại năm 2009, thời điểm cô đã nỗ lực cố gắng và hết mình cho vai diễn Juliet. Seo Hee trong hình ảnh nàng Juliet vừa đau khổ lại vừa dũng cảm đi theo tiếng gọi của tình yêu đã chinh phục trái tim của khán giả tìm đến Nhà hát Opera Metropolitan. Thành công của Seo Hee được đánh dấu với việc cô trở thành người mẫu ảnh trang bìa cho tạp chí ba-lê chuyên ngành nổi tiếng nhất nước Mỹ là Point, và một năm sau đó chính thức trở thành vũ công độc diễn soloist của ABT.

Được đứng trên sân khấu ước mơ với vai trò là một soloist, lần này Seo Hee nhập vai một chú thiên nga trắng trong hồ. Cô hóa thân vào vai diễn qua từng chuyển động nhỏ nhất, từ ngón tay, cánh tay, cổ cho đến lưng, ngực. Toàn bộ cơ thể của Seo Hee hóa thân thành cô nàng Odet khi trở thành chú thiên nga, vừa trong sáng lại vừa mang nỗi buồn thương da diết. Sau hai năm miệt mài nỗ lực với vai trò là một soloist, đến mùa hè năm 2012, Seo Hee vinh dự được ABT chỉ định là vũ công chính trên sân khấu của nhà hát. Đối với cô, đây là một kỉ niệm vừa hạnh phúc lại vừa bất ngờ tới khó tin. Cô kể:
“Đoàn ba-lê thường tổ chức họp sau khi kết thúc một mùa công diễn. Trưởng đoàn khen ngợi và động viên mọi người, sau đó chợt nói rằng có tin vui, đó chính là việc tôi trở thành vũ công chính. Không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều ngạc nhiên theo kiểu “Đó chính là tôi thật sao?””.

Bắt đầu với vị trí vũ công phụ khi mới gia nhập đoàn, Seo Hee mất vỏn vẹn bốn năm để bước lên cấp bậc vũ công chính, vị trí danh giá nhất mà mọi nghệ sĩ ba-lê ao ước. Bí quyết và thế mạnh của cô là gì? Nhà bình luận Jang Jwang-yeol phân tích: “Cơ thể của Seo Hee hội tụ rất nhiều yếu tố một vũ công chính cần có, cô không hề thua kém bất kỳ một vũ công chính phương Tây nào khi đứng trên sân khấu. Cô còn có khuôn mặt rất sắc nét, biểu cảm và hóa thân tốt vào nhân vật. Thêm vào đó, với lợi thế được sinh ra và lớn lên trong nền văn hóa phương Đông, Seo Hee sở hữu và rất biết phát huy sự uyển chuyển và bí ẩn riêng của mình trên sân khấu.”

Tạo cơ hội cho những tài năng ba-lê trẻ Hàn Quốc
Gần đây, Seo Hee đã thu xếp lịch trình bận rộn để về thăm Hàn Quốc. Mục đích chuyến thăm của cô lần này là tổ chức vòng sơ tuyển cuộc thi tìm kiếm tài năng ba-lê trẻ mang tên Youth America Grand Prix (YAGP) tại Hàn Quốc. Người chiến thắng vòng sơ tuyển của cuộc thi sẽ được hỗ trợ vé máy bay, phí ăn ở, phiên dịch và có cơ hội được học hỏi về kỹ thuật ba-lê từ những chuyên gia hàng đầu thế giới. Đây quả là một cơ hội lớn cho các vũ công trẻ Hàn Quốc. Vòng thi sơ tuyển của khóa đào tạo ba-lê chuyên sâu (Master class) được tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 7, thu hút sự tham gia của 80 tài năng ba-lê trẻ Hàn Quốc. Tại sao Seo Hee lại dành nhiều tâm huyết và công sức để đưa cuộc thi này về Hàn Quốc như vậy? Cô giải thích: “Năm 2012, YAGP đã thực hiện một bộ phim tài liệu điện ảnh mang tên First Position (Vị trí đầu tiên) và tôi làm đại diện phát biểu trong cuộc họp báo giới thiệu về bộ phim. Trong quá trình chuẩn bị phát biểu về những nội dung như giới thiệu bản thân, giới thiệu về cuộc thi và về bộ phim, tôi nhận ra rằng đây chính là một cơ hội thật tuyệt với, là bàn đạp giúp ước mơ của tôi trở thành hiện thực. Vừa xem phim vừa phát biểu, tôi rất cảm động và từ đó nung nấu ý định mang thêm nhiều cơ hội quý giá như thế này đến với những học sinh ba-lê của Hàn Quốc. Và tôi đã nỗ lực suốt bốn năm để có thể biến ước nguyện này thành hiện thực.”

Để tổ chức vòng sơ tuyển tại YAGP Hàn Quốc, Seo Hee đã vô cùng vất vả khi đứng ra đảm nhiệm mọi việc, từ thuyết phục ban tổ chức cuộc thi đến quyên góp tiền tài trợ, mời ban giám khảo. Tuy bận rộn, cô cảm thấy vô cùng phấn khởi và hạnh phúc. Cô bày tỏ: “Đây là việc tôi đã muốn làm từ lâu. Có nhiều người hỏi tôi tại sao tập ba-lê đã bận rộn rồi lại còn bắt đầu những việc như thế này tại thời điểm bận rộn nhất? Nhưng nỗ lực mang cơ hội học hỏi và biểu diễn ba-lê cho những tài năng trẻ khác cũng là cách để tôi tri ân, cảm ơn về những cơ hội may mắn tôi đã từng được nhận. Việc mình muốn làm tại sao lại phải chờ đến khi giải nghệ? Tôi muốn tận dụng cơ hội giúp đỡ được các học sinh tốt nhất khi còn đang làm nghề và có nhiều mối quan hệ. Đối với tôi, đây là việc rất có ý nghĩa, khiến tôi vô cùng hạnh phúc.”

Vũ công ba-lê Hàn Quốc Seo Hee đã đứng trên bục vinh quang sau hành trình 18 năm gian nan, nỗ lực. Seo Hee vẫn tiếp tục nỗ lực luyện tập chăm chỉ, cô không chỉ muốn trở thành một vũ công ba-lê có kỹ thuật tốt mà còn là một vũ công biết chạm vào lòng người, lấy được sự đồng cảm của khán giả và tạo cảm hứng, năng lượng cho những người xung quanh. Seo Hee chia sẻ: “Biểu đạt bằng cơ thể là một trong những loại hình diễn đạt cảm xúc đẹp nhất của con người. Từ nhỏ, khi quan sát biểu diễn ba-lê, tôi chỉ chú ý tới kỹ thuật sai hay đúng, động tác có chính xác hay không. Nhưng giờ đây, tôi đã biết nhìn vào sự uyển chuyển, giao hòa tổng thể, cách thức để truyền tải vẻ đẹp cũng như sự cảm động tới người xem. Tôi muốn và sẽ cố gắng để trở thành một vũ công ba-lê có thể truyền tải được những rung động trước cái đẹp, những phút giây nghẹn ngào cảm động của ba-lê tới khán giả.”

Lựa chọn của ban biên tập