Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Im Dae-sik, Giám đốc Salon Artertain, người chắp cánh cho những nghệ sĩ không tên tuổi

2016-10-18

Vào lúc 9 giờ tối các Chủ nhật hàng tuần, chương trình “Art Radio” (Phát thanh mỹ thuật) được phát sóng trên kênh truyền hình trực tuyến Afreeca TV của Hàn Quốc với thời lượng kéo dài một giờ đồng hồ. “Art Radio” tự xưng là chương trình truyền hình chuyên bán đấu giá các tác phẩm hội họa trên mạng đầu tiên trên thế giới, cho phép người tham gia đấu giá chỉ với những bình luận trực tuyến. Quản lý phụ trách tổ chức buổi đấu giá Hwang Hui-seung cho biết: “Chúng tôi bắt đầu chương trình bán đấu giá thông qua bình luận trên mạng đầu tiên trên thế giới cho các nghệ sĩ chuyên về mảng nghệ thuật thị giác, và đây là lần thứ ba chúng tôi tổ chức chương trình này. Chương trình đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ khán giả ngay từ lần ra mắt đầu tiên, và đến nay, đã bán được bảy tác phẩm. Trong tình hình thị trường mỹ thuật đang gặp khó khăn như hiện nay, đây quả là số lượng không nhỏ các tác phẩm đã bán được.”

Chương trình phát sóng ngày 9/10 vừa qua là cuộc bán đấu giá dành cho tác phẩm “Yellow water in the house” của họa sĩ Park I-won, người đã từng hoạt động hơn 10 năm tại Úc.



Art Radio – không gian kết nối họa sĩ với khán giả
Với giá khởi điểm là 300.000 won (khoảng 300 USD), tác phẩm của họa sĩ Park I-won đã được bán với giá 410.000 won (khoảng 400 USD). Tuy giá bán trên mạng chỉ tương đương một phần ba so với giá bán trên thị trường là 1,5 triệu won, họa sĩ Park I-won đã vô cùng hạnh phúc khi được giao lưu trực tuyến và chứng kiến những phản ứng của người xem đối với tác phẩm được cập nhật từng giây từng phút thông qua phần bình luận trực tuyến. Họa sĩ Park I-won cho biết: “Chương trình diễn ra rất thú vị, khiến tôi cười mãi không thôi. Bản thân là một nghệ sĩ chuyên về mảng nghệ thuật thị giác, tôi luôn ý thức được rằng một tác phẩm nghệ thuật sẽ trở nên vô nghĩa nếu nó không đến được tay người thưởng thức. Chương trình đấu giá này vô cùng ý nghĩa, không chỉ giúp đưa các tác phẩm hội họa đến gần hơn với công chúng, kể cả với những người còn xa lạ với các tác phẩm mỹ thuật, mà còn giúp họ hiểu được ý nghĩa của việc sở hữu một tác phẩm, nhận ra được giá trị của nghệ thuật, để từ đó có mong muốn được sở hữu chúng.”

Người xây dựng ý tưởng chương trình “Art Radio” và có nhiều đóng góp trong nỗ lực kết nối các tác giả mỹ thuật với công chúng chính là ông Im Dae-sik, họa sĩ, người tổ chức, quản lý triển lãm kiêm Giám đốc của phòng trưng bày Salon Artertain.

Salo Artertain – khái niệm mới về phòng trưng bày mỹ thuật
Với mối quan tâm duy nhất là phổ biến mỹ thuật, ông là người luôn xông pha trong bất cứ hoàn cảnh nào, miễn là có thể mang hội họa đến gần hơn với công chúng, tạo ra không gian không chỉ của riêng nghệ sĩ mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm đến, và chắp cánh cho các nhà mỹ thuật có thể thỏa sức sáng tạo.

Phòng trưng bày của Giám đốc Im Dae-sik nằm trên một con ngõ nhỏ của phường Yeonhui, xen lẫn giữa những nhà hàng, tiệm cà phê, quán rượu mọc san sát. Không sử dụng tên gọi Gallery giống như những phòng trưng bày khác, ông quyết định đặt tên cho không gian nghệ thuật của mình là Salon Artertain. Giám đốc Im Dae-sik chia sẻ: “Trước đây, người ta xây dựng phòng trưng bày Gallery nhằm tạo không gian thoải mái hơn so với Salon. Tuy nhiên, không biết từ lúc nào đó, phòng trưng bày lại kén chọn người xem hơn. Do sử dụng với mục đích chính là bán tranh, nên phòng tranh trở thành không gian cao cấp, chỉ dành cho những người có đủ khả năng kinh tế để mua tranh chứ không phải là nơi để những người bình thường hay lui tới. Vì lẽ đó, tôi tạo nên một không gian phòng tranh có sự kết nối với bên ngoài nhiều hơn, và sử dụng tên Salon thay cho Gallery để người đến xem có cảm giác thoải mái, có thể ngồi nhâm nhi một tách cà phê, hay tự do thưởng thức một cốc bia mát lạnh.”

Không giống như những phòng trưng bày mà mọi người thường biết đến, Salon Artertain không trang trí nội thất sang trọng, và thậm chí không có cả biển hiệu. Bên trong phòng trưng bày đặt một chiếc bàn lớn, khiến Salon Artertain trông giống như một quán cà phê nếu nhìn từ bên ngoài. Khách đến phòng tranh có thể vừa thưởng thức hội họa, vừa nhâm nhi một tách trà hoặc cà phê. Với phương châm đặt tác giả lên hàng đầu, Salon Artertain tuân thủ nguyên tắc chia lợi nhuận 70% cho tác giả, 30% cho phòng trưng bày đối với những bức tranh được bán. Ông Im Dae-sik nói: “Tôi luôn cố gắng hết sức để đảm bảo lợi nhuận xứng đáng cho các nghệ sĩ. Để có thể tiếp tục làm ra các tác phẩm nghệ thuật, công sức của người nghệ sĩ nên được ghi nhận và đánh giá xứng đáng, thể hiện ở một mức giá thỏa đáng đối với tác phẩm của họ. Salon Artertain của chúng tôi tuân thủ đúng theo nguyên tắc đó. Ví dụ, một bức tranh được bán với giá 1 triệu won thì phòng tranh phải đảm bảo mức giá cho tác giả là 500.000 won. Phòng tranh của chúng tôi, dù bán tác phẩm được 800.000 won hay 700.000 won, vẫn luôn cố gắng đảm bảo mức giá 500.000 won cho tác giả.”



Chắp cánh cho những tài năng trẻ
Tình cảm và sự quan tâm của Giám đốc Im Dae-sik đối với các tác giả được nhiều nghệ sĩ mỹ thuật biết đến. Đặc biệt, ông dành rất nhiều nhiệt huyết để hỗ trợ các tác giả mới, những người có tài năng thực sự nhưng chưa được biết đến nhiều trong giới hội họa. Ngày 30/9 vừa qua, Im Dae-sik mở phòng trưng bày “Stage” (Sân khấu), không gian dành riêng cho các tác giả mỹ thuật mới. Ông nói: “Stage” là không gian khai thác những tác phẩm của các tác giả mới chập chững những bước đi đầu tiên của người nghệ sĩ mỹ thuật. Vì là triển lãm đầu tiên trong đời của những người nghệ sĩ này nên triển lãm tại đây còn có tên gọi là “Xuất trận”.

Trong màn triển lãm đầu tiên, “Stage” đã giới thiệu tác giả Yoo Yong-sun đến người xem. Học chuyên ngành hoạt hình và từng học hội họa tại Mỹ, Yoo Yong-sun vẫn còn gặp nhiều bế tắc trong cuộc sống của một nghệ sĩ mỹ thuật chuyên nghiệp. Cuộc gặp gỡ bất ngờ với Giám đốc Im Dae-sik đúng vào lúc anh quyết định buông bút vẽ, từ bỏ sự nghiệp, đã khiến anh quyết định tiếp tục con đường mỹ thuật hội họa của mình. Ông Im Dae-sik chia sẻ: “Trở về Hàn Quốc và sáng tác mỹ thuật trong khoảng ba năm, khi cảm thấy mình không thể tiếp tục được nữa, Yoo Yong-sun đã mời những người bạn của mình tham gia bữa tối, nướng thịt bằng việc đốt tác phẩm của mình để đánh dấu kết thúc sự nghiệp. Một người bạn của Yong-sun có mặt ngày hôm đó biết chúng tôi đang tuyển chọn tác giả để trưng bày tác phẩm cho triển lãm “Xuất trận” và đề xuất đăng ký tác phẩm của anh. Những tác phẩm của anh ấy đều rất xuất sắc. Vì thế, chúng tôi đã lựa chọn Yoo Yong-sun và trưng bày các tác phẩm của anh. Ngay đến tác giả cũng bất ngờ khi tác phẩm của mình được những người hoàn toàn không quen biết hỏi mua. Từ đó, Yoo Yong-sun có thêm sự tự tin vào tài năng của bản thân. Hiện tại, anh đang tập trung các hoạt động quay trở lại sự nghiệp hội họa của mình.”

Được mời triển lãm tại một phòng trưng bày đầy ý nghĩa, bản thân tác giả Yoo cũng cảm thấy rất vinh hạnh. Anh cho biết: “Thật vinh dự và hạnh phúc khi tôi là tác giả có triển lãm đầu tiên với tên “Xuất trận” tại phòng trưng bày chuyên dành cho những tác giả mới. Không lời nào có thể diễn tả hết sự biết ơn của tôi đối với Giám đốc Im Dae-sik. Anh ấy đã thay đổi cả cuộc đời tôi, giúp tôi có thể tiếp tục vẽ và thể hiện bản thân qua những bức tranh. Tôi thực sự hạnh phúc. Cuộc đời tôi đã thay đổi sau khi tôi biết đến Artertain.”

Theo học tại một trường đại học mỹ thuật và với tài năng hội họa xuất sắc, Im Dae-sik đã được nhận giải xuất sắc hạng mục hội họa phương Tây tại một cuộc thi mỹ thuật nổi tiếng vào năm thứ ba đại học. Song, do thất vọng về cơ chế hoạt động mỹ thuật bất công, Im Dae-sik đã từ bỏ nghiệp vẽ. Im Dae-sik sang Mỹ làm việc với vai trò người quản lý, nhà tổ chức triển lãm trong suốt 10 năm liền. Những kinh nghiệm tích lũy được từ hành trình ấy thôi thúc ông xây dựng nên một phòng trưng bày luôn đặt tác giả lên hàng đầu. Ông cho biết: “Chế độ đảm bảo người nghệ sĩ nhận được phần giá trị xứng đáng của tác phẩm được xây dựng chặt chẽ tại Mỹ. Theo chế độ này, phòng tranh sẽ bán tác phẩm với giá gốc. Người sở hữu bức tranh sẽ đem đấu giá tác phẩm với giá gốc ban đầu. Cuộc đấu giá một tác phẩm phải bắt đầu từ giá thấp. Khác với Hàn Quốc, triển lãm ở California không phải là nơi các nhà sưu tập tranh lui tới mà là nơi dành cho những người buôn tranh.”

Tác giả toàn tâm toàn ý vào tác phẩm, người quản lý triển lãm khai quật những tác giả tài năng và tập trung vào công tác tổ chức, lên kế hoạch triển lãm, còn người buôn tranh tìm mua những bức tranh giúp họ kiếm lời trên thị trường. Tại thị trường mỹ thuật Mỹ, các hoạt động được tiến hành độc lập và chuyên nghiệp, và mỗi người đều chuyên tâm thực hiện vai trò của riêng mình. Nhờ sự chuyên nghiệp này mà cuộc sống của người nghệ sĩ được đảm bảo, và người quản lý triển lãm cũng không còn phải đặt nặng nhiệm vụ bán tranh, mà có thể tập trung vào việc sắp xếp, trưng bày tác phẩm trong triển lãm. Giám đốc Im Dae-sik muốn xây dựng nên một hệ thống như thế tại Hàn Quốc.

Hoàn thành giấc mơ mở phòng tranh của riêng mình
Trong quá trình hiện thực hóa ước mơ được điều hành một phòng tranh theo cách của riêng mình, Im Dae-sik đã gặp một sự cố khiến ông đối mặt với thử thách vô cùng khó khăn, nhưng cũng đồng thời mang đến cho ông một món quà quý giá. Cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản năm 2007 khiến Mỹ rơi vào khủng hoảng tài chính, và Im Dae-sik cũng lâm vào cảnh phá sản. Ông trở về Hàn Quốc vào năm 2011, trắng tay sau cú sốc phá sản, với sức khỏe dần đi xuống. Nhưng cũng nhờ cú sốc đó mà ông có cơ hội thực hiện được giấc mơ xây dựng phòng tranh của riêng mình tại Hàn Quốc. Ông Im Dae-sik cho biết: “Trong khi đang trăn trở rằng bản thân có thể làm được gì và nhận thấy cần có thời gian tìm hiểu về thị trường mỹ thuật Hàn Quốc, tôi nhận được liên lạc từ phòng trưng bày ngày xưa tôi từng làm việc. May mắn thay, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều tác giả tốt khi làm việc tại đây, và được tìm hiểu về thị trường mỹ thuật. Tôi đã học hỏi cách thức tranh được bán như thế nào, thị trường tranh được hệ thống hóa ra sao và các nhà quản lý triển lãm phải có lượng kiến thức ở mức độ nào.”

Sau khi chăm chỉ tìm hiểu về thị trường mỹ thuật Hàn Quốc trong suốt ba năm, đến năm 2014, ông Im Dae-sik ra khởi nghiệp độc lập. Ban đầu, do không có đủ năng lực để bắt đầu hoạt động phòng trưng bày, Im Dae-sik khởi nghiệp trong lĩnh vực đào tạo mỹ thuật. Dần dần, văn phòng nơi ông làm việc trở thành điểm đến của các tác giả mỹ thuật, và các tác phẩm hội họa được treo ngày càng nhiều tại đây khiến văn phòng đã trở thành phòng trưng bày từ lúc nào không hay.

Các tác giả tự đến trưng bày tác phẩm của mình khiến văn phòng của ông Im Dae-sik biến thành phòng tranh với tên gọi Salon Artertain như bây giờ. Nơi đây không chỉ trưng bày các tác phẩm hội họa mà còn tổ chức các chương trình giáo dục nghệ thuật mang tên “Những người yêu nghệ thuật” (Art Lover). Ông cho biết: “Khi đã tập trung được khoảng 10 đến 20 người sưu tầm tranh trẻ, những người có mối quan tâm đến sưu tầm tranh, hoặc những người đang học quản lý triển lãm như tôi, tôi mời tác giả mỹ thuật đến giảng về thị trường mỹ thuật. Tôi đang tổ chức chương trình chia sẻ kiến thức về việc tại sao các tác giả đam mê vẽ tranh và họ gặp những khó khăn nào trong quá trình vẽ tranh. Trong chương trình này, các nhà sưu tầm tranh còn thực hành vẽ tranh và tìm hiểu về tính cần thiết của việc mua tranh.”

Vì tương lai mỹ thuật Hàn Quốc
Càng nhiều nhà sưu tầm với sở thích khác nhau càng làm thị trường mỹ thuật thêm phong phú, và các tác giả sẽ cho ra đời thêm nhiều tác phẩm đẹp. Đó chính là vòng tuần hoàn của thị trường mỹ thuật mà Giám đốc Im Dae-sik hằng mơ ước. Chương trình đấu giá “Art Radio” được truyền hình trực tiếp vào tối Chủ Nhật hàng tuần cũng là một trong những điểm hẹn ông tạo ra để kết nối mỹ thuật với công chúng. Nghệ sĩ mỹ thuật Lee Sang-won chia sẻ: “Giám đốc Im Dae-sik rất nhạy bén trong việc hiện thực hóa bất kỳ ý tưởng nào nảy ra trong suy nghĩ của ông hay từ những đề xuất của mọi người. Ông ấy cố gắng dồn mọi nguồn sức lực để vận hành mọi thứ với chi phí thấp nhất, với quyết tâm cao nhất.”

Sau khi đặt phòng trưng bày Salon Artertain tại phường Yeonhui, Giám đốc Im Dae-sik ngày càng tìm thấy nhiều hơn các tác giả mỹ thuật, nhà quản lý triển lãm và các nhà sưu tầm tranh có cùng chí hướng. Từ đó, ông thành lập “Hợp tác xã tác giả phường Yeonhui”, kết nối họ và trở thành người đứng đầu. Luôn coi trọng tác giả cũng như đời sống tác giả, Giám đốc Im Dae-sik nhận lại được nhiều hơn so với những gì ông cho đi. Đó là sự ra đời của những tác phẩm đẹp. Nhà quản lý triển lãm Hwang Hee-seung cho biết: “Giám đốc Im Dae-sik là người có tinh thần trách nhiệm rất cao trong mọi công việc và nhờ thế, những điều tốt đẹp luôn đến với chúng tôi. Cụ thể là triển lãm ở Artertain bán được sáu tác phẩm, còn triển lãm ở phòng tranh Stage đã bán được ba bức tranh vẽ trên vải bố và sáu tác phẩm phác thảo. Chúng tôi giới thiệu tranh thông qua mối quan hệ quen biết và chương trình giáo dục nghệ thuật Art Lover mà không tốn thêm chi phí quảng bá.”

Giám đốc Im Dae-sik tin tưởng rằng 100 bước đi của một người không bằng một bước đi của 100 người. Sự đồng lòng của mọi người sẽ tạo nên sự thay đổi tốt đẹp cho thị trường mỹ thuật Hàn Quốc. Ông bày tỏ: “100 nhà sưu tầm tranh có thể cứu sống được 100 tác giả, 100 nhà sưu tầm có thể tạo nên một trào lưu. 100 người cùng hành động đủ để giới thiệu, quảng bá tác phẩm hội họa của Hàn Quốc ra nước ngoài. Khi đó, nền mỹ thuật Hàn Quốc có thể bay xa, tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn. Họ không chỉ đóng góp cho công cuộc phổ biến mỹ thuật, mà còn góp phần đa dạng hóa nền mỹ thuật nước nhà. Nếu 100 nhà sưu tầm có những xu hướng, sở thích khác nhau, thì tác giả có thể hoạt động ở nhiều lĩnh vực hội họa đa dạng và từ đó, nhiều nhà sưu tầm nước ngoài sẽ tìm đến với hội họa của Hàn Quốc.”

Lựa chọn của ban biên tập