Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nhà phê bình văn hóa Choi Gyoo-sung, người dẫn đường cho âm nhạc đại chúng Hàn Quốc

2016-10-25

Chiếc đĩa than xoay tròn trên mâm quay của máy hát đĩa than, khi cần đọc đĩa được hạ xuống, mũi kim đi theo đường rãnh của đĩa hát, âm nhạc sẽ bao trùm cả không gian. Nhìn những vòng quay đều của chiếc đĩa than, ta như không chỉ nghe thấy âm nhạc mà còn như được nhìn thấy, thậm chí chạm tay vào những giai điệu say đắm ấy. Ngay cả chút tạp âm phát ra cũng trở nên thật đáng yêu biết bao.

Đĩa than, sản phẩm âm nhạc đại diện cho thời đại âm thanh analog, tưởng như đã bị chìm vào quên lãng trước sự xuất hiện của nhạc số. Song, vẫn còn những người lưu giữ đĩa than như một bảo vật chứa đựng những ký ức đẹp, và những nhà sưu tầm vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội để được sở hữu chúng. Cũng nhờ thế, những ký ức âm thanh của một thời xưa cũ có cơ hội được hồi sinh.
Với chủ đề “Những ghi chép đầu tiên về âm nhạc đại chúng Hàn Quốc”, buổi trò chuyện với nhà phê bình âm nhạc đại chúng Choi Gyoo-sung diễn ra tại quận Bupyeong, thành phố Incheon, đã một lần nữa mang đến sự hồi sinh cho xu hướng thưởng thức âm nhạc trên chất liệu đĩa than. Ông Choi Gyoo-sung, tâm điểm của buổi trò chuyện tâm sự: “Buổi trò chuyện lần này nhằm giới thiệu về những ghi chép quan trọng đầu tiên về âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, đồng thời cùng khán giả thưởng thức và giao lưu về âm nhạc trên chất liệu đĩa than. Mỗi bài hát đều mang những câu chuyện xúc động, những tâm tư chưa được nhiều người biết đến. Ta sẽ cảm thấy âm nhạc thật gần khi hóa thân vào nhân vật và cảm nhận.”



Dù mang nhiều tạp âm, âm thanh analog phát ra từ những chiếc đĩa than đủ khiến những người từng gắn bó với phong cách thưởng thức âm nhạc này suốt năm thập kỷ qua, chìm trong những hoài niệm về một thời xa vắng. Một số người tham gia buổi trò chuyện chia sẻ: “Nghe lại bài “Thuyền lá”, giai điệu mà chúng tôi từng ngân nga mỗi khi chơi trò nhảy dây lúc còn bé, những ký ức thời thơ ấu chợt ùa về. Xúc động hơn cả, những giai điệu này chính là những âm thanh nguyên gốc mà chúng tôi từng được nghe thưở xưa.” “Lịch sử âm nhạc đại chúng Hàn Quốc không dài nên tài liệu lưu trữ chưa nhiều và chưa được chỉnh lý, sắp xếp một cách hệ thống. Buổi trò chuyện của ông Choi Gyoo-sung thực sự rất có ý nghĩa, giúp chúng tôi biết được rằng những nhà sưu tầm vẫn luôn không ngừng cố gắng sưu tập và ghi chép, làm phong phú thêm kho tàng tư liệu về âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc.”

Nhân chứng sống của nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc
Người thực hiện bài diễn thuyết đưa thính giả ngược dòng thời gian là ông Choi Gyoo-sung, nhà phê bình âm nhạc đại chúng. Đam mê dòng nhạc đại chúng từ những năm tiểu học, Choi Gyoo-sung là nhân chứng sống của nền âm nhạc đại chúng Hàn Quốc với kho tư liệu mà ông dày công sưu tập trong suốt 50 năm qua, bao gồm sách, băng đĩa, bản phổ nhạc của các tác phẩm nhạc đại chúng. Năm 2014, ông tập hợp tất cả những tài liệu đã thu thập được trong thời gian qua và làm thành cuốn sách đầu tiên của Hàn Quốc với độ dày 500 trang, giới thiệu về dòng nhạc đại chúng trên đĩa than.

Trong số hàng chục nghìn đĩa nhạc mà Choi Gyoo-sung sở hữu, từ những sản phẩm đĩa than xuất hiện đầu tiên tại Hàn Quốc cho đến album “Hello” của ca sĩ Cho Yong-pil ra mắt vào năm ngoái, ông đã lựa chọn và tập hợp câu chuyện của 500 album có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, và làm thành một cuốn sách. Ông thu lượm từng chiếc đĩa than, trực tiếp chụp ảnh, phỏng vấn ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc, và sắp xếp thông tin về album. Không hổ danh là chuyên gia về âm nhạc đại chúng, từng bức tranh ông chụp, từng lời văn ông viết đã khiến người đọc như được cầm trên tay một album âm nhạc hoàn chỉnh thực sự. Từ khi dòng nhạc K-pop vực dậy làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, giúp nâng cao vị thế của dòng nhạc đại chúng, người tìm đến ông Choi Gyoo-sung để tìm hiểu về dòng nhạc này cũng ngày càng đông. Giám đốc Quỹ văn hóa quận Bupyeong, bà Park Ok-jin, cho biết: “Nhà phê bình âm nhạc đại chúng Choi Gyoo-sung đã có những đóng góp to lớn trong nỗ lực thành lập Bảo tàng âm nhạc đại chúng tại thành phố Gyeongju (tỉnh Bắc Gyeongsang), bảo tàng âm nhạc đại chúng đầu tiên của Hàn Quốc. Ông Choi Gyoo-sung đã nhận được rất nhiều sự chú ý của giới chuyên môn và đông đảo công chúng. Quận Bupyeong (thành phố Incheon) từ năm nay cũng bắt đầu triển khai dự án thành phố âm nhạc tổng hợp, một dự án của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Chúng tôi đã ngay lập tức nghĩ đến ông Choi, người đóng góp nhiều tài liệu, văn kiện và ý kiến tư vấn hơn bất cứ ai vào các dự án liên quan đến âm nhạc đại chúng.”

Ông Choi Gyoo-sung hiện đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Giám đốc Viện nghiên cứu âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, chuyên gia tư vấn của Bảo tàng âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, và là thành viên Hội đồng ban giám khảo Giải thưởng âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thành phố Gangneung, tỉnh Gangwon, ông Choi Gyoo-sung lần đầu tiếp xúc với đĩa than nhạc vào mùa đông năm 1973. Vốn chỉ nghe nhạc qua chiếc đài cũ, đĩa than đối với Choi Gyoo-sung khi đó là cả một thế giới âm nhạc đầy mới mẻ. Ông chia sẻ: “Một lần đến chơi nhà bạn, tôi chợt nghe thấy bài hát phát ra từ chiếc đĩa than mà anh của người bạn đang chơi. Ngay lúc đó, tôi cảm thấy như có dòng điện chạy qua toàn thân và người tôi như hóa đá. Lần đầu tiên tôi thấy mình có cảm xúc mạnh như vậy. Đó là bài hát “Highway star” của ban nhạc Anh Deep Purple. Được nghe âm nhạc phát ra từ một chiếc đĩa than màu đen quay tròn trên máy hát là điều thần kỳ với tôi khi đó.”

Khoảng trời âm nhạc riêng trên căn gác xép
Kể từ đó, Choi Gyoo-sung bắt đầu sưu tầm đĩa than và chọn phòng gác xép trong nhà làm nơi thưởng thức âm nhạc từ những chiếc đĩa than mà ông thu lượm được. Ông nói tiếp: “Căn phòng gác xép là không gian của riêng tôi, là nơi lưu giữ kho báu đĩa than mà tôi sưu tầm được. Khi đó không có hệ thống loa nghe nhạc hiện đại như bây giờ và tôi chỉ có thể nghe trực tiếp âm thanh phát ra từ chiếc máy nghe đĩa than kích cỡ nhỏ. Trên căn gác xép của mình, tôi trùm chiếc chăn được dùng khi còn trong quân ngũ để cách âm và say sưa thưởng thức âm nhạc phát ra từ chiếc máy nghe đĩa.”



Kể từ khi còn học cấp hai cho đến khi nhập ngũ, ông Choi Gyoo-sung đã sưu tầm được tổng cộng hơn 4.000 chiếc đĩa than, và chúng trở thành những bảo vật vô giá đối với ông. Sau khi Choi Gyoo-sung xuất ngũ, bộ sưu tập đĩa than của ông đã được đưa ra khỏi căn gác xép. Ông Choi Gyoo-sung nói: “Bố tôi đã mở một nhà hàng ăn món Âu có cả không gian cho DJ chơi nhạc. Tất cả đĩa than của tôi được mang ra trưng bày và bật cho khách nghe ở đó. Các DJ đều tỏ ra thích thú với những album nhạc đĩa than của tôi khiến tôi vô cùng tự hào. Sau khoảng ba tháng hoạt động, bố tôi chuyển nhượng nhà hàng cho người khác và những đĩa than tôi nâng niu bấy lâu cũng bị coi như món hàng bán sỉ. Tôi như bị sét đánh ngang tai, chân tay tôi đột nhiên rã rời và khi đó tôi đã khóc ầm lên.”

Âm nhạc - Mối nhân duyên trời định
Sau sự kiện đó, Choi Gyoo-sung không quan tâm đến âm nhạc và đĩa than trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, giống như số phận không thể tách rời, sau khi tìm được công việc làm nhà báo, ông được giao phụ trách mảng văn hóa và đảm nhận việc phỏng vấn các nhân vật và tìm kiếm tài liệu liên quan đến văn hóa đại chúng. Thời gian này, Choi Gyoo-sung vừa hoạt động tại câu lạc bộ máy tính, vừa thu thập thông tin và chăm chỉ viết báo. Ông nói: “Trong một buổi họp mặt của câu lạc bộ, tôi có gặp một thành viên hay nghe đĩa than hoặc đĩa CD bằng dàn âm thanh Hi-end có chất lượng âm thanh trung thực cao. Tôi đã đến thăm nhà anh ấy và thấy hệ thống âm thanh Hi-end Audio có giá rơi vào khoảng 100 triệu won (khoảng 90.000USD). Anh ấy bật cho tôi nghe bài hát “Em chỉ biết tình yêu” của ca sĩ Sim Soo-bong. Vốn chưa từng được nghe đĩa than với dàn âm thanh chuẩn mà chỉ từng trùm chăn và nghe qua máy hát đĩa than loại nhỏ nên khi được nghe qua hệ thống âm thanh đắt tiền đó, toàn thân tôi nổi da gà vì lần đầu tiên được thưởng thức âm thanh thực sự từ đĩa than.”

Coi mối nhân duyên với đĩa than như định mệnh, Choi Gyoo-sung tiếp tục công việc sưu tầm mà ông bỏ bê bấy lâu. Ngay cả những bản đĩa than đã ngừng sản xuất, ông cũng phải cố tìm cho bằng được, đến mức các thành viên trong Câu lạc bộ máy tính gọi ông với biệt danh là “kho tàng của những phiên bản cuối”. Ông Choi tâm sự: “Khi đó tôi nghe tin những người mê sưu tầm băng đĩa Nhật Bản đến Hàn Quốc lục tìm những sản phẩm đĩa nhạc nổi tiếng của dòng nhạc đại chúng Hàn Quốc, đặc biệt là đĩa than của nghệ sĩ đàn ghi-ta Shin Jung-hyeon. Lòng yêu nước trong tôi trỗi dậy, và thế là tôi cũng lao vào cuộc chiến lục tìm, đấu giá những chiếc đĩa than quý giá ấy cùng các nhà sưu tầm Nhật Bản, và rồi bắt đầu sưu tầm đĩa than trở lại kể từ đó. Tôi đi khắp các cửa hàng bán sách cũ, cửa hàng đồ cổ và cửa hàng bán băng đĩa cũ, thậm chí còn lần theo tin đồn về những chiếc đĩa than quý giá trôi nổi trên thị trường và tìm đến tận nhà những chủ cửa hàng bán băng đĩa nhạc.”

Kho tàng âm nhạc đại chúng vô giá
Không chỉ sưu tập đĩa than, nhà phê bình âm nhạc Choi Gyoo-sung còn sưu tầm cả những tài liệu âm nhạc như tạp chí, tranh ảnh, áp phích. Để tìm hiểu những câu chuyện về các đĩa nhạc, ông đã tìm đến phỏng vấn nhiều ca sĩ, nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc. Tài sản sưu tầm của ông hiện đã lên đến 20.000 đĩa than và 10.000 tài liệu liên quan. Hãy cùng lắng nghe một đoạn nhạc ngắn có ý nghĩa thời đại của một trong những album mà ông Choi Gyoo-sung nâng niu, gìn giữ. Nhà bình luận âm nhạc đại chúng Choi Gyoou-sung cho biết: “Trước đây, có ba luồng ý kiến cho rằng đĩa than đầu tiên của Hàn Quốc ra đời vào những năm 1956, 1957 và 1958. Tôi đã tìm ra năm chính xác khi phỏng vấn cố Giám đốc Bong Chul, người sáng lập ra hãng thu âm Oasis. Đĩa than đầu tiên tại Hàn Quốc là bản thu âm của đài KBS, được sản xuất vào năm 1958 với kích thước 12 inch, do dàn hợp xướng thiếu nhi thể hiện các bài hát dân ca và nhạc thiếu nhi.”

Một trong những thành quả lớn nhất của ông Choi Gyoo-sung đó là tìm ra album nhạc dân gian folk đầu tiên của Hàn Quốc. Nói đến nhạc folk, người ta thường nghĩ đến cái tên được nhắc tới nhiều nhất là nhóm Twin Folio, ra mắt vào năm 1969. Thật ra, nhóm nhạc dân gian đồng quê country folk đầu tiên của Hàn Quốc là nhóm Arirang Brothers với bốn thành viên nam. Arirang Brothers với trưởng nhóm là Suh Soo-nam đã cho ra mắt album nhạc folk đầu tiên tại Hàn Quốc vào năm 1964. Ông Choi Gyoo-sung cho biết: “Tôi đã có buổi phỏng vấn với ca sĩ Suh Soo-nam và được nghe câu chuyện về nhóm Ariang Brothers. Người sản xuất album đầu tiên cho nhóm là Lee Cheong, chuyên gia thu âm của hãng thu âm Daedo, và thông qua cuộc trò chuyện với ông, tôi được biết về lịch sử ra đời của album.”

Năm 1974, ca sĩ gạo cội của dòng nhạc dân gian Hàn Quốc Hahn Dae-soo đã cho ra mắt album đầu tay của mình. Khác với nhóm Twin Folio trẻ trung với giai điệu đẹp, âm nhạc của Hahn Dae-soo mang phong cách văn hóa hippie với các thành viên trong mái tóc dài lê thê cùng chiếc đàn ghi-ta acoustic. Văn hóa Hippie đã lần đầu tiên du nhập tại Hàn Quốc qua bài hát “Cho tôi nước” trong album đầu tay của ca sĩ Hahn Dae-soo.

Nhắc đến nhạc rock phong cách Hàn Quốc, không thể bỏ qua Shin Joong-hyun, người thành lập ban nhạc rock Add4 và cho ra mắt album đầu tay năm 1964 với ca khúc chủ đề mang tên “Giai nhân trong mưa”.

Choi Gyoo-sung cũng sở hữu album của ca sĩ nhí đầu tiên là Ha Chun-hwa. Ra mắt từ năm 1962 khi mới bảy tuổi, ca sĩ Ha Chun-hwa vẫn hoạt động cho đến nay.

Âm nhạc là sự sẻ chia
Với Choi Gyoo-sung, âm nhạc đại chúng luôn sát cánh bên ông mỗi khi ông gặp trở ngại trong cuộc sống. Biết ơn âm nhạc, Choi Gyoo-sung muốn đem âm nhạc đại chúng đến gần hơn nhiều đối tượng người nghe, muốn kể cho họ những câu chuyện ẩn chứa trong những tác phẩm âm nhạc. Với mong muốn này, Choi Gyoo-sung đã tặng các đĩa nhạc và tài liệu âm nhạc quý cho Bảo tàng âm nhạc đại chúng Hàn Quốc được mở cửa từ năm 2015. Ông cũng đều đặn viết sách và hỗ trợ lưu trữ kho nhạc cho một cổng thông tin điện tử chia sẻ âm nhạc. Nhà phê bình âm nhạc đại chúng Choi Gyoo-sung chia sẻ: “Nếu chỉ giữ khư khư âm nhạc để nghe trong căn phòng của riêng mình, chính tôi sẽ tự giết chết âm nhạc. Nghiên cứu, quảng bá và chia sẻ âm nhạc với công chúng là một việc làm có ý nghĩa để chứng tỏ rằng, văn hóa âm nhạc đại chúng Hàn Quốc không phải bỗng nhiên được yêu mến và trở thành thương hiệu K-pop như ngày hôm nay, mà là nhờ vào những khởi nguồn vĩ đại trong lịch sử từ nhiều năm trước.”

Lựa chọn của ban biên tập