Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Im Soo-jin, người khoác bộ cánh mới cho Nhà hát kịch Sanwoollim

2016-11-01

Xuất hiện trong buổi công diễn độc đáo kết hợp nghệ thuật biểu diễn và thủ công mỹ nghệ mang tên “Chờ đợi” (Waiting For) của Nhà hát Sanwoollim diễn ra vào ngày 20/10 vừa qua, Giám đốc phòng trưng bày kiêm Giám đốc nhà hát Sanwoollim, Im Soo-jin, gửi lời chào tới khán giả. Ngày này đã chính thức đánh dấu sự khởi đầu mới của Nhà hát Sanwoollim, nơi vốn dĩ là một nhà hát kịch đơn thuần, nay đã trở thành không gian văn hóa tổng hợp. Giám đốc Im Soo-jin cho biết: “Khách tham quan đến đây được hòa mình vào không gian kết hợp mỹ thuật với âm nhạc, khi âm nhạc được biểu diễn ngay trong phòng triển lãm. Họa sĩ giới thiệu tác phẩm cùng những câu chuyện xoay quanh tác phẩm, và nghệ sĩ biểu diễn cùng trò chuyện với quan khách về âm nhạc. Chương trình của chúng tôi được thực hiện trong không khí thân mật, ấm cúng, với số lượng quan khách giới hạn là chỉ 50 người.”

Art and Craft (Nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ) là không gian trên tầng hai của Nhà hát Sanwoollim, nơi không chỉ là phòng trưng bày đơn thuần mà còn là địa điểm giao lưu, trò chuyện và chia sẻ giữa nghệ sĩ và khách tham quan. Việc kết hợp biểu diễn âm nhạc trong không gian bài trí các bức tranh, đồ gốm cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên tường và tủ trưng bày, đã mang lại cho khách tham quan cơ hội được thưởng thức nhiều nét văn hóa đa dạng cùng một lúc.

Tại buổi công diễn đầu tiên vào ngày 20/10 vừa qua, khán giả đã có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm trong tiếng nhạc dương cầm và vĩ cầm du dương. Đặc biệt, khoảng thời gian trò chuyện với nghệ sĩ xen kẽ trong buổi biểu diễn đã giúp khán giả tích lũy thêm những kiến thức văn hóa, nghệ thuật bổ ích.


Khánh thành vào năm 1985, Nhà hát Sanwoollim luôn dẫn đầu phong trào kịch thể nghiệm tại Hàn Quốc trong suốt 31 năm qua. Sanwoollim, nay được biến đổi thành không gian văn hóa phức hợp, đã nhận được sự ủng hộ từ đông đảo công chúng. Một số khán giả cho biết: “Tôi đã đến xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Sanwoollim từ thời sinh viên. Tôi nghĩ Sanwollim luôn đóng vai trò to lớn trong nền văn hóa Hàn Quốc và giờ đây, vai trò đó càng trở nên nổi bật với sự thay đổi này. Hôm nay đến đây, tôi vô cùng vui vì Sanwoollim không những vẫn trụ vững mà còn mang dáng vẻ mới đầy cuốn hút.” “Tôi đã có trải nghiệm thật mới mẻ. Âm nhạc, kịch, mỹ thuật…, tất cả các lĩnh vực của nghệ thuật cùng tồn tại trong một không gian, giúp khán giả đến xem kịch cũng có thể ghé tham quan phòng trưng bày và thông qua triển lãm, tiếp cận với những lĩnh vực nghệ thuật mới.”

Người mang đến sự thay đổi phù hợp với thời đại cho Nhà hát Sanwoollim là bà Im Soo-jin. Là con gái cả của nhà biên kịch Im Young-woong, người sáng lập ra Nhà hát Sanwoollim, bà Im Soo-jin bắt đầu đảm nhận trọng trách dẫn dắt nhà hát từ năm ngoái, và đã có những lựa chọn thay đổi táo bạo. Từ con gái của một nhà biên kịch trở thành một nghệ nhân thủ công, và nay là người có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật Hàn Quốc, từng bước đi của bà Im Soo-jin đều được giới chuyên môn dõi theo.

Phá vỡ bức tường định kiến về dòng kịch phi lý
Nhà hát Sanwoollim là không gian riêng của đoàn kịch Sanwoollim, được thành lập vào năm 1969 bởi nhà biên kịch kỳ cựu Im Young-woong. Năm 1985, ông đã cho xây một nhà hát khang trang của riêng đoàn kịch ngay trên khu đất mà trước kia ông từng sống. Con gái ông, bà Im Soo-jin chia sẻ: “Với tôi, nhà hát Sanwoollim chính là nhà. Ngay cả khi chưa có nhà hát, các diễn viên và nhà biên đạo kịch thường xuyên đến nhà chúng tôi, vì mỗi lần vở kịch thất bại là văn phòng tạm thời lại biến mất. Tại đây, các diễn viên cũng như những khán giả đam mê diễn xuất đã nuôi dưỡng ước mơ nghệ thuật của mình.”

Tác phẩm biểu diễn đầu tiên sau khi Nhà hát Sanwoollim được khánh thành mang tên “Đợi chờ Godot” của nhà soạn kịch người Pháp Samuel Beckett.

“Đợi chờ Godot” kéo dài trong hai tiếng rưỡi với cuộc trò chuyện giữa hai kẻ lang thang là Vladimir và Estragon trong lúc cùng chờ đợi Godot, một người không quen biết và cũng chẳng ai biết có tồn tại hay không. Vở kịch được biểu diễn lần đầu tiên vào năm 1969 khi đoàn kịch Sanwoollim được thành lập. Đến nay, khi đoàn kịch bước sang năm thứ 46, và ông Im Young-woong cũng đã chạm ngưỡng tuổi 80, vở kịch “Đợi chờ Godot” đã được tái công diễn 30 lần cả ở trong và ngoài nước, tạo nên dấu ấn lớn trên chặng đường 31 năm lịch sử của Nhà hát Sanwoollim. Nhà bình luận kịch Lee Eun-kyung cho biết: “Có thể nói, vở kịch “Đợi chờ Godot” dưới sự dàn dựng của nhà biên kịch Im Young-woong đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử kịch nghệ Hàn Quốc. Trước hết, vở kịch là một minh chứng cho thấy dòng kịch phi lý (Absurdes Theater) cũng có thể thu hút được công chúng. Vào những năm 1960, giới kịch nghệ Hàn Quốc đã dành mối quan tâm lớn cho nghệ thuật kịch phi lý. Tuy nhiên, do khán giả đã quen thuộc với dòng kịch phản ánh hiện thực nên kịch phi lý còn khá lạ lẫm. Vở diễn “Đợi chờ Godot” do ông Im Young-woong dàn dựng đã giúp xóa tan mọi định kiến tiêu cực về thể loại kịch phi lý. Tác phẩm một lần nữa khẳng định kịch phi lý không hề khó hiểu và nhàm chán, mà ngược lại, là thể loại thú vị, dễ hiểu, và thậm chí có thể thể hiện tâm tư tình cảm đậm nét Hàn Quốc.”

Đưa kịch nghệ đến gần hơn với công chúng
Đoàn kịch Sanwoollim cũng có nhiều đóng góp cho lịch sử kịch hiện đại. Họ không chỉ mang những tác phẩm nước ngoài lần đầu tiên giới thiệu đến khán giả Hàn Quốc dưới góc nhìn mới mẻ, mà còn biểu diễn các vở kịch tự sáng tác có chất lượng nghệ thuật cao. Ngay cả khi các nhà hát tại Hàn Quốc lâm vào tình trạng ế khách và gặp khó khăn về tài chính, Nhà hát Sanwoollim vẫn hiên ngang và tự hào là nơi kịch nghệ thỏa sức thử nghiệm. Sanwoollim đã thu hút cả những phụ nữ trung và cao niên, vốn không phải là tầng lớp khán giả chủ yếu của văn hóa nghệ thuật, khi tập trung công diễn các vở kịch xoay quanh cuộc đời người phụ nữ như “Người phụ nữ bên bờ vực” của Simone de Beauvoir (Pháp), “Mẹ tôi đã tìm thấy biển ở tuổi 50” của Denise Chalem (Pháp), “Thư gửi mẹ” của Arnold Wesker (Anh), “Tạm biệt mẹ” của Marsha Norman (Mỹ). Ngoài ra, bằng loạt kịch sân khấu thử nghiệm và cổ điển, nhà hát cũng thể hiện sự táo báo khi đưa lên sân khấu các tác phẩm được cho là khó tiếp cận. Nhà phê bình sân khấu Lee Eun-kyung nói: “Một điều quan trọng của Sanwoollim, nơi đây chính là cái nôi của nhiều tác giả và biên đạo kịch mới tài năng. Các tác giả bắt kịp hơi hướng thời đại đã giới thiệu nghệ thuật kịch mới trên sân khấu của Nhà hát Sanwoollim, và đã nhận được sự chú ý lớn từ giới phê bình cũng như công chúng. Ở phương Tây, rất nhiều nhà hát quy mô nhỏ có thể tự hào về truyền thống lâu đời của họ, nhưng trường hợp như thế lại là rất hiếm ở Hàn Quốc. Chỉ riêng ở khu phố Daehakno thôi cũng đã có đến hơn 200 nhà hát nhỏ, nhưng hầu hết đều lặng lẽ biến mất vào một ngày nào đó. Cách đây không lâu, nhà hát Samillo có lịch sử hơn 40 năm cũng đã phải đóng cửa. Tôi đề cập đến điều này để thấy rằng việc nhà hát Sanwoollim, dù chỉ trung thành với kịch chính thống, nhưng vẫn tồn tại trong suốt 30 năm, là một kì tích.”

Theo năm tháng, nhà hát Sanwoollim từng tràn đầy nhiệt huyết và hoài bão ngày nào cũng đã trở nên già nua và yếu ớt. Trải qua cuộc khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng tài chính, Nhà hát Sanwoollim cũng lâm vào cảnh khó khăn, rất khó đảm bảo hoạt động của đoàn kịch và duy trì sự tồn tại của nhà hát. Trong giai đoạn này, bà Im Soo-jin, một nghệ nhân mỹ thuật thủ công ở Mỹ, đã trở về nước. Em trai bà là Im Soo-hyun khi đó đảm nhận vai trò đạo diễn nghệ thuật tại nhà hát, nhưng dường như vị trí đó đã vượt quá khả năng của ông. Bà Im Soo-jin chia sẻ: “Tôi trở về Hàn Quốc năm 2011 sau 20 năm học tập vào hoạt động ở Mỹ. Ban đầu tôi không muốn nhận vị trí Giám đốc nhà hát vì vai trò này không thuộc lĩnh vực chuyên môn của tôi. Trước đây, tôi chỉ đến nhà hát trong vai trò khán giả và thưởng thức nghệ thuật chứ hoàn toàn mù tịt về công việc phía sau sân khấu. Tôi cũng biết nhiều diễn viên của Nhà hát và hay cùng ăn cơm với họ, nhưng không biết họ đã phải đổ bao mồ hôi, công sức để hoàn thành một buổi biểu diễn. Nhưng vì đây là sự nghiệp mà bố mẹ tôi gây dựng, công việc này vừa là trọng trách mà tôi phải gánh vác, vừa là sứ mệnh của một người dân Hàn Quốc có tình yêu đối với văn hóa nước nhà.”

Việc đầu tiên Giám đốc Im Soo-jin bắt tay thực hiện là tu sửa lại toàn bộ nhà hát. Bà cho thay toàn bộ những ghế ngồi đã cũ, tu sửa lại sân khấu và phòng hóa trang. Bà mở cửa nhà kho và tìm thấy kho tài liệu quý giá gồm những kịch bản, vé, áp phích cũ về những ngày tháng hoạt động của đoàn kịch Sanwoollim trong quá khứ. Bà cho biết: “Trong khi sắp xếp lại nhà kho, tôi phát hiện ra nhiều tài liệu có ích. Bố tôi vốn là người cẩn thận và ông đã ghi chép lại tất cả mọi chi tiết của quá trình chuẩn bị biểu diễn để các biên đạo kịch khác có thể dùng làm tài liệu tham khảo. Có những kịch bản miêu tả rất tỉ mỉ, rằng ở cảnh này diễn viên phải đi mấy bước rồi quay lại, sau đó nhìn vào đâu. Ngay từ năm đầu tiên hoạt động, nhà hát Sanwoollim cũng đã có những tờ áp phích quảng cáo. Vào năm ngoái, khi nhà hát vừa tròn 30 năm tuổi, tôi đã quyên góp tất cả tư liệu cho Trung tâm tài liệu nghệ thuật.”



Khởi xướng những thay đổi táo bạo
Chính thức đảm nhận vai trò người đứng đầu, bà Im Soo-jin là người khởi xướng cho những thay đổi của Nhà hát Sanwoollim. Một trong những thử nghiệm bà tiến hành chính là chương trình “sân khấu cổ điển Sanwoollim”. Bà Im Soo-jin bày tỏ: “Công chúng thường cho rằng các tác phẩm văn học cổ điển là thể loại nhàm chán và không thú vị. Chúng tôi bắt đầu dự án với mong muốn mang đến làn gió mới cho dòng văn học này, phổ biến rộng rãi đến công chúng thông qua thể loại kịch. Chúng tôi tạo ra sân khấu dành cho các đạo diễn và đoàn kịch trẻ tài năng. Mỗi năm, chúng tôi cố gắng tổ chức bốn đến năm tác phẩm, với mục tiêu hoàn thành 100 vở diễn, giống như quá trình gài từng cuốn sách vào cuốn tuyển tập văn học. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 20 vở diễn.”

“Sân khấu cổ điển Sanwoollim” khởi đầu một năm với một vở kịch cổ điển và kết thúc một năm với một tác phẩm âm nhạc cổ điển. Đó chính là buổi biểu diễn mang tên “Bức thư”, kể về cuộc sống của các nghệ sĩ bằng âm nhạc, kết hợp với tiếng đọc thơ truyền cảm. Giám đốc Nhà hát Im Soo-jin cho biết: “Chúng tôi tổ chức chương trình này vào tháng 12 hàng năm. Lấy cảm hứng từ các nhà soạn nhạc, năm đầu tiên là Ludwig van Beethoven, sau đó đến Robert Alexander Schumann, Franz Peter Schubert, và năm nay là nhà soạn nhạc Wolfgang Amadeus Mozart, buổi biểu diễn xoay quanh bức thư của các nhà soạn nhạc được chuyển thể thành kịch, kết hợp với phần biểu diễn âm nhạc cổ điển. Vì Sanwoollim là nhà hát quy mô nhỏ nên khán giả có thể nghe thấy cả tiếng thở của người nghệ sĩ biểu diễn.”

Giám đốc Im Soo-jin còn thành lập Học viện Sanwoollim chuyên đào tạo về nghệ thuật, biến ước mơ của những người đam mê kịch nghệ thành hiện thực. Bà Im Soo-jin chia sẻ: “Tháng 6 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức tuyển sinh lần thứ nhất cho Học viện Sanwoolim. Rất nhiều học viên tham gia đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc dành cho kịch nghệ. Chủ đề đầu tiên nói về tác phẩm “Đồng hành” của tác giả Yoon Dae-sung với đề tài được nhiều người lớn tuổi yêu thích nên chúng tôi chiêu mộ học viên từ 55 tuổi trở lên, và 15 người đã đăng ký tham gia. Buổi học diễn ra trong không khí vui vẻ, thú vị. Chúng tôi còn tổ chức biểu diễn vào cuối buổi học. Đó là trải nghiệm thú vị không chỉ với riêng các học viên mà đối với cả chúng tôi.”

Mang niềm vui đến với người yêu nghệ thuật
Năm 2015, để kỷ niệm 30 năm khánh thành nhà hát, Giám đốc nhà hát Im Soo-jin đã mạnh dạn tiếp tục tạo nên sự thay đổi mới cho nhà hát. Trong giai đoạn đỉnh cao, nhà hát khoác lên mình bộ áo mới, trở thành không gian văn hóa tổng hợp khi không chỉ riêng với kịch nghệ, mang đến cho khán giả những buổi biểu diễn đa dạng như múa hiện đại, nhạc cổ điển, nhạc truyền thống Gukak. Đúng lúc đó, văn phòng thiết kế thuê trên tầng hai của nhà hát được di dời và bà Im Soo-jin đã mở không gian Art and Craft tại đây, kết hợp trưng bày nghệ thuật thủ công mỹ nghệ. Bà nói: “Tầng hai của nhà hát là không gian trưng bày và kinh doanh các tác phẩm nghệ thuật và mỹ nghệ thủ công. Đằng sau khu vực trưng bày còn có cả xưởng sáng tác đồ mỹ nghệ. Khách đến tham quan sẽ có thể tìm hiểu về quá trình làm ra một tác phẩm nghệ thuật và cảm nhận được nỗ lực của các họa sĩ và nghệ nhân. Uống nước đựng trong chiếc cốc hay đeo đồ trang sức do người nghệ nhân tự tay làm ra khiến khán giả như được chạm đến giá trị của nghệ thuật. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất vui. Tôi muốn khách đến tham quan tìm được sự thanh thản trong tâm hồn trong cuộc sống hiện đại còn nhiều khó khăn. Đó là thông điệp chính mà không gian văn hóa ở tầng hai nhà hát Sanwoollim muốn truyền tải đến người xem, để nghệ thuật trở thành một niềm vui trong cuộc sống của mỗi người.”

Dù là buổi công diễn kịch nghệ, âm nhạc hay triển lãm mỹ thuật thì tác giả, diễn viên và khán giả phải có sự liên kết với nhau thì nghệ thuật mới mang đến niềm vui, và khán giả cũng như người nghệ sĩ mới được tiếp thêm nguồn năng lượng mới. Với quan điểm này cùng sự cống hiến hết mình, Giám đốc Im Soo-jin đã mang lại niềm vui cho cả nghệ sĩ và khán giả. Tác giả Bae Se-jin, nghệ nhân gần đây đã tham gia triển lãm nghệ thuật đồ gốm với chủ đề “Đợi chờ Godot” tại không gian Art and Craft, chia sẻ: “Tôi cũng được gặp gỡ khán giả tại các triển lãm hoặc hội chợ thông thường, nhưng hầu như không có cơ hội được giải thích cụ thể với họ về công việc tôi đang làm. Tại Sanwollim, tôi có cơ hội giải thích về lĩnh vực nghệ thuật của mình trong tiếng nhạc biểu diễn ngay tại triển lãm cho hơn 50 khách tham quan. Sau khi buổi trò chuyện kết thúc, tôi vẫn có thể tiếp tục giải đáp thắc mắc cho khách tham quan. Đây là cơ hội không phải người nghệ sĩ nào cũng có được.”

Dám nghĩ, dám làm, Giám đốc Im Soo-jin từng bước đổi mới Nhà hát Sanwoollim, biến nơi đây thành một điểm hẹn thường xuyên của những nghệ sĩ và khán giả yêu nghệ thuật, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống, cổ điển.

Lựa chọn của ban biên tập