Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Shin Chun-soo, chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê của giới nhạc kịch với ước mơ bay ra thế giới

2016-11-15

Một buổi giới thiệu về chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của vở nhạc kịch kinh dị nhưng cũng đầy chất thơ “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” đã được tổ chức tại phường Cheongdam, thủ đô Seoul, hôm 8/11 vừa qua.

“Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” kể về bi kịch tình yêu của nhân vật nam chính mang trong mình hai nhân cách đối lập với hai người phụ nữ mà anh yêu thương.

Dù đã là tác phẩm nổi tiếng khắp thế giới, chuyến lưu diễn lần này của “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” vẫn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Anh Shin Chun-soo, giám đốc của công ty OD Company cho biết: “Các tác phẩm kịch nổi tiếng của nước ngoài khi công diễn tại Hàn Quốc còn được gọi là Replica production, được biên soạn lại thành phiên bản Hàn Quốc, do chính đội ngũ sáng tác của vở kịch gốc chịu trách nhiệm thực hiện. Tuy nhiên, vở kịch “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” lần này lại do đội ngũ Hàn Quốc biên soạn với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên nước ngoài. Đây là một hình thức tiếp cận mới, và tôi là người đảm nhận vai trò nhà sản xuất chính.”

Đây cũng là lần đầu tiên dàn diễn viên ban đầu (original team) của vở kịch “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” tham gia chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới với một phiên bản được thực hiện dưới sự chỉ đạo của nhà sản xuất người Hàn Quốc. Với bố cục và sân khấu mang diện mạo mới, vở diễn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ khán giả. Các khán giả bày tỏ cảm nhận: “Các nghệ sĩ từ Broadway đã mang đến cho khán giả một sân khấu hoàn toàn mới mẻ và thú vị. Đây là một thử nghiệm vô cùng độc đáo. Nhạc kịch vốn không phải là thể loại nghệ thuật có xuất xứ từ Hàn Quốc, song sự kết hợp giữa đội ngũ sản xuất của Hàn Quốc và dàn nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm của Broadway đã mang lại hiệu quả thật tuyệt vời. Sự kết hợp thành công này phần nào cho thấy nền nhạc kịch Hàn Quốc đã có bước trưởng thành hơn.” “Tôi đã mong đợi buổi giới thiệu này từ lâu, và đúng như lời đồn, các diễn viên đến từ Broadway đã có một buổi biểu diễn không thể tuyệt hơn.”



Giám đốc Shin Chun-soo của OD Company đã góp phần quan trọng trong quá trình chỉ đạo nhóm sản xuất Broadway thực hiện vở kịch này. Để có thể được công nhận về tài năng như hiện nay, Shin Chun-soo đã đấu tranh không ngừng nghỉ để trụ vững được ở sân khấu Broadway huy hoàng nhưng cũng vô cùng khốc liệt và tàn nhẫn. Giống như bàn tay của vua Midas có quyền năng biến mọi thứ mình chạm vào trở thành vàng, bàn tay của Shin Chun-soo cũng đã làm sống lại biết bao tác phẩm từng bị công chúng ghẻ lạnh. Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của vở kịch “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” thành công một phần cũng nhờ sự chỉ đạo của Shin Chun-soo. Giám đốc Choi Sun-chul của công ty Open Review, người chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho vở diễn, cho biết: “Shin Chun-soo giống như chàng hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê không ngừng tiến lên phía trước và giờ đã trở thành nhà sản xuất số một tại Hàn Quốc. Anh không ngừng mày mò thử nghiệm những ý tưởng mới, và vở kịch “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” là minh chứng cho điều đó. Vở kịch này ăn khách nhất tại Hàn Quốc, hơn cả ở Broadway hay Nhật Bản do phiên bản Hàn Quốc được dàn dựng xuất sắc nhất. Đây là một dự án mang tính toàn cầu và đầy ý nghĩa khi có sự tham gia của các diễn viên đến từ chính Broadway, quê hương của vở kịch.”

Ước mơ trở thành đạo diễn điện ảnh
Shin Chun-soo từng là một cậu bé mới lớn giàu cảm xúc, luôn bị ám ảnh bởi những cảnh ấn tượng trong mỗi bộ phim sau khi xem. Bộ phim “Kẻ cắp xe đạp” (The Bicycle Thief) của đạo diễn người Ý Vittorio De Sica đã khiến chàng trai nuôi giấc mộng trở thành đạo diễn điện ảnh. Shin Chun-soo luôn tưởng tượng về hình ảnh của mình trong vai trò đạo diễn với chiếc loa trong tay, chỉ đạo diễn xuất. Anh cho biết: “Tôi thích điện ảnh và nghệ thuật biển diễn từ khi còn nhỏ. Rạp chiếu phim hay nhà hát là nơi tôi chìm vào thế giới của riêng mình. Mỗi một bộ phim tôi xem đều để lại cho tôi những ấn tượng khó phai. Bộ phim “Kẻ cắp xe đạp” đã khiến tôi muốn theo đuổi dòng phim hiện thực. Tôi đã mơ đến một ngày mình được phát biểu cảm nghĩ tại một liên hoan phim nào đó.”

Vào năm 1988, khi Shin Chun-soo giải ngũ ở tuổi 21, giấc mơ trở thành đạo diễn điện ảnh càng trở nên mãnh liệt hơn trong anh khi anh được làm trợ lý đạo diễn cho đạo diễn Gwak Jae-young trong phim điện ảnh “Tranh màu nước ngày mưa”.

Khi ánh đèn bật sáng, máy quay bắt đầu hoạt động cũng là lúc các diễn viên thực hiện diễn xuất của mình. Từng cảnh quay được ghi lại trong những cuộn phim. Với sự kết hợp của âm thanh, hiệu ứng, một tác phẩm điện ảnh đẹp như bức tranh màu nước được ra đời. Dù phải làm việc không kể ngày đêm, Shin Chun-soo đã vỡ òa trong hạnh phúc khi thấy tên mình hiện trên màn hình trong vai trò đội ngũ sản xuất. Anh chia sẻ: “Tất cả đều rất hạnh phúc dù phải quay phim đến tận đêm khuya. Với kinh nghiệm còn non nớt, tham vọng muốn nhanh chóng trở thành đạo diễn đã khiến tôi giày vò bản thân. Vị trí tôi muốn với tới quá cao khiến tôi trở nên hoang mang và mâu thuẫn.”

Đi tìm chân trời mới
Để đi tìm lời giải đáp, Shin Chun-soo đã rời địa bàn hoạt động là Chungmuro, thánh địa của làng điện ảnh Hàn Quốc. Đúng lúc đó, anh nhận được đề xuất hợp tác từ một đoàn nhạc kịch cho tác phẩm tự sáng tác mang tên “Tình yêu đến cùng cơn mưa” của nhà sản xuất Seol Do-yoon, người sau này trở thành bậc thầy trong lĩnh vực nhạc kịch Hàn Quốc.

Sân khấu nhạc kịch mà Shin Chun-soo tham gia trong thời gian tạm gác lại công việc làm phim có sức hấp dẫn mới đối với anh. Anh chia sẻ: “Mỗi buổi công diễn nhạc kịch lại mang màu sắc khác nhau tùy thuộc vào sự phối hợp và giao lưu với khán giả. Tôi chợt rùng mình khi nhận ra điều đó. Nguồn năng lượng phát ra từ hàng ghế khán giả trong suốt buổi diễn là nguồn động lực lớn lao cổ vũ cho đội ngũ biểu diễn và sản xuất.”

Từ mục tiêu tham gia Liên hoan phim quốc tế Cannes (Pháp), Shin Chun-soo đã chuyển hướng mục tiêu sang Broadway của Mỹ và West End của Anh, cái nôi của nhạc kịch thế giới. Với mong muốn sản xuất nhạc kịch mang thương hiệu của riêng mình, Shin Chun-soo tách ra hoạt động độc lập khi anh vừa tròn 30 tuổi. Anh thành lập công ty riêng mang tên OD Company lấy từ hai chữ cái đầu tiên của từ “Open the Door” với ý nghĩa mở rộng cửa và bước ra thế giới. Tác phẩm đầu tiên anh thực hiện chính là tác phẩm “Tình yêu đến cùng cơn mưa”, tác phẩm đã đưa anh đến với thế giới nhạc kịch.

Open the door – mở rộng cánh cửa ra thế giới
“Tình yêu đến cùng cơn mưa” là tác phẩm anh am hiểu nhất và tự tin nhất. Vở kịch công diễn lần đầu vào năm 1995 đã được Shin Chun-soo dàn dựng lại vào năm 2001 và công diễn trong suốt một năm tại các rạp hát nhỏ nằm trên đường Daehak. Thành công của tác phẩm đầu tay đã giúp anh thêm tự tin để ra mắt tác phẩm thứ hai sau một năm đó - vở kịch mang tên “Buổi tổng duyệt”. Nhà sản xuất Shin Chun-soo cho biết: “Sau thành công vang dội của tác phẩm đầu tay, tôi đã dàn dựng một vở nhạc kịch sáng tác theo phong cách mới và thất bại thảm hại. Tác phẩm “Buổi tổng duyệt” kể lại câu chuyện về những buổi tổng duyệt trước khi lên sân khấu với sự tham gia của đông đảo diễn viên. Đây cũng là khi tôi nhận ra sự thất bại của một vở diễn đáng sợ đến mức nào.”

Trong vòng hai năm ngắn ngủi, Shin Chun-soo đã được nếm cả vị ngọt của thành công lẫn vị đắng của thất bại. Thế nhưng Shin Chun-soo không hề sợ hãi hay gục ngã. Anh vẫn tiếp tục đưa lên sân khấu tác phẩm tiếp theo. Anh nói: “Nhà sản xuất thường chịu trách nhiệm thu hút đầu tư chi phí sản xuất và đề ra phương hướng sản xuất. Còn tôi khi đó coi mình là một nghệ sĩ tổ chức biểu diễn hơn là một nhà sản xuất. Tôi không quá coi trọng khái niệm về tiền bạc, vì thế cũng ít khi sợ hãi điều gì. Tôi làm chỉ bởi vì tôi thích. Tôi không thể trì hoãn việc thực hiện những ý tưởng mà tôi đã mất bao công trăn trở, suy nghĩ. Mọi người thường ngạc nhiên với cách tôi lao đầu thực hiện mọi ý tưởng mà tôi ấp ủ.”

Vở nhạc kịch “Grease” (Chinh phục người đẹp), cũng là tác phẩm thứ ba của Shin Chun-soo, sau buổi công diễn đầu tiên vào năm 2003 đã lập kỉ lục hơn 2.000 buổi công diễn và trở thành vở nhạc kịch luôn giữ vững phong độ với doanh thu khủng. Sự táo bạo và mạo hiểm của Shin Chun-soo được tiếp tục với tác phẩm “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” vào năm 2004.

Sáng tạo theo cách riêng
Thay vì giữ nguyên nội dung, ý tưởng của nguyên tác nước ngoài của vở nhạc kịch, Shin Chun-soo chỉ mua quyền công diễn, giữ nguyên nhạc của bản gốc, và phóng tác vở kịch theo phong cách mới. Shin Chun-soo đã mang đến cho khán giả vở nhạc kịch “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” phong cách Hàn Quốc vào năm 2004. Chỉ trong năm đầu ra mắt, vở kịch đã thu hút 900.000 khán giả trong khi nhạc kịch là thể loại còn chưa được biết đến rộng rãi tại Hàn Quốc và ngay cả bản gốc tại Broadway cũng không được khán giả yêu thích. Shin Chun-soo đã dàn dựng vở kịch phù hợp với thị hiếu của khán giả Hàn Quốc và trao vai diễn cho diễn viên điện ảnh Jo Seung-woo bên cạnh diễn viên nhạc kịch Ryu Jung-han. Có lẽ nhờ thế, vở diễn “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” đã hồi sinh ngoạn mục.

Nhờ vai diễn trong “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde”, Jo Seung-woo sau đó đã vươn lên vị trí của ngôi sao hạng A. Một trong những bài hát chính của vở diễn mang tên “Ngay giây phút này” đã trở thành bài hát được nhiều người yêu thích, một thành tích đáng nể mà chưa vở kịch nào làm được trước đó. Mọi buổi công diễn vở kịch đều hết vé nhanh chóng và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả. Cho đến tận bây giờ, cơn sốt của vở kịch vẫn còn chưa kết thúc.

Một trong những yếu tố mang lại thành công vang dội liên tiếp cho những vở kịch mang thương hiệu Shin Chun-soo trước hết là nhờ vào khả năng chuyển thể táo bạo vở kịch nhưng vẫn phù hợp với tập quán của Hàn Quốc của chính nhà sản xuất. Một yếu tố vô cùng quan trọng khác chính là sự phá cách trong khâu tuyển chọn diễn viên của Shin Chun-soo. Anh đã không ngần ngại mời lớp diễn viên mới nhiều tiềm năng đứng trên sân khấu, khuấy động sân khấu bằng sức sống và tuổi trẻ của họ.

Liên tiếp thành công tại Hàn Quốc, Shin Chun-soo tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ lớn lao hơn, quyết tâm chinh phục thị trường Broadway nổi tiếng toàn thế giới. Sau khi mang lại thành công cho vở nhạc kịch Hàn-Mỹ “Dream Girls” vào năm 2009, anh chính thức tiến sang thánh địa nhạc kịch Mỹ. Anh tận dụng những kinh nghiệm tích lũy trong thời gian qua làm bước đệm để hoạt động tại Broadway trong vai trò là nhà sản xuất. Các tác phẩm như “Jesus Christ Superstar”, “Chaplin” (Sác-lơ), “Rocky”, “Bác sĩ Zhivago”, “Holler If Ya Hear Me” đã được giới thiệu trên sân khấu của Broadway dưới sự chỉ đạo sản xuất của Shin Chun-soo. Anh cho biết: “Tôi không dừng ở việc làm nhà đồng sản xuất mà tham gia dẫn dắt trực tiếp chỉ đạo sản xuất. Tôi là người Hàn Quốc đầu tiên trở thành thành viên chính thức của Broadway và được trao tư cách hoạt động như nhà sản xuất chính. Thành viên chính thức của liên đoàn Broadway còn có tư cách bầu chọn để trao giải Tony cho những tác phẩm nhạc kịch xuất sắc nhất cũng như thảo luận ý kiến với các liên đoàn khác. Phương thức tiếp cận tác phẩm của tôi khiến nhiều người nghĩ tôi là tác giả của tác phẩm hơn là nhà sản xuất. Điểm mạnh của tôi là thống nhất với đạo diễn, nhạc sĩ, và nắm quyền đề ra phương án tối ưu cho tác phẩm. Tôi tiếp cận tác phẩm trên phương diện nghệ thuật chứ không chú trọng mặt thương mại, và điều này giúp tôi tạo ấn tượng riêng với giới chuyên môn.”

Tận hưởng trọn vẹn từng phút giây
Bắt đầu từ tháng 12 tới đây, vở kịch “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde” mà Shin Chun-soo dồn tâm huyết suốt 12 năm qua, sẽ chính thức bắt đầu hành trình chinh phục thế giới.

Giống như bài hát “Ngay giây phút này” tạo được cú hit lớn nhờ vở nhạc kịch “Tiến sĩ Jekyll và ngài Hyde”, Shin Chun-soo đang tận hưởng những giây phút hào hứng ban đầu của một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Với biệt danh Đôn Ki-hô-tê, Shin Chun-soo không ngừng mơ những giấc mơ mới và sống trọn vẹn từng giây phút cùng những đam mê. Anh chia sẻ: “Tôi luôn mong khán giả sẽ nở nụ cười mãn nguyện sau khi xem mỗi vở diễn. Tôi mong muốn có thể tạo ra những tác phẩm giúp họ tạm quên đi cuộc sống thực tại trong ba giờ đồng hồ, để rồi khi vở diễn kết thúc, họ sẽ ra về mang theo niềm vui và hạnh phúc. Tôi muốn những tác phẩm của OD Company luôn nhận được sự yêu mến của khán giả.”

Lựa chọn của ban biên tập