Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Nhà phê bình mỹ thuật Son Chul-ju, người giải mã những bức tranh xưa

2016-11-08

Trên nền giai điệu thơ cổ Sijo phổ nhạc có tên “Sương sớm”, bức tranh thủy mặc “Inwangjesaekdo” (Nhân Vương tế sắc đồ) của cố họa sĩ Jung Seon (hiệu Khiêm Trai) xuất hiện ngay chính giữa sân khấu. Bức tranh tả cảnh mưa rơi trên núi Inwang được họa sĩ Jung Seon triều đại Joseon vẽ vào tháng 5 năm 1751, khi ông 76 tuổi. Ngắm nhìn bức tranh trong khi thưởng thức tác phẩm thơ phổ nhạc Sijo, khung cảnh hùng vĩ của núi Inwang như hiện ra ngay trước mắt.

Quý thính giả vừa đến với không gian nghệ thuật mang tên “Họa thông”, diễn ra trong hai ngày 28 và 29/10 vừa qua. Trong tiếng Hán, “họa” là “bức tranh”, và “thông” có nghĩa là “thông suốt, thấu hiểu”. “Họa thông” là sân khấu mà qua đó, khán giả được nhìn ngắm các bức họa cổ trong tiếng nhạc xưa, và như được gặp gỡ những con người của hàng trăm, hàng nghìn năm trước, qua những câu chuyện xoay quanh các bức tranh đó. Người dẫn dắt chương trình, nhà phê bình mỹ thuật Son Chul-ju, cho biết: “Họa thông” chỉ sự đồng điệu, thấu hiểu về hội họa của người xem. Hội họa là nghệ thuật không lời. Các bức tranh cổ khi được thưởng thức cùng với âm nhạc đã tự mình bước ra khỏi khung hình, mang những câu chuyện đến với khán giả, và tôi chỉ là người giúp thể hiện những lời mà bức tranh muốn nói.”

Khi danh ca hát kể chuyện Pansori Lee Shin-ye thể hiện trích đoạn “Bức chân dung của chú thỏ”, tả cảnh người họa sĩ vẽ tranh hình chú thỏ trong bản trường ca “Sungguga” (Thủy cung ca), bỗng từ chính giữa sân khấu, tác phẩm “Thỏ rừng” vẽ chú thỏ dưới ánh trăng của cố họa sĩ Ma Gun-hu hoạt động trong thế kỷ XIX, liền xuất hiện. Qua lời dẫn dắt của ông Son Chul-ju, khán giả có thể biết được rằng ngay từ thời xa xưa, màu mắt đỏ của thỏ tượng trưng cho sự tươi sáng, và hình ảnh thỏ dưới ánh trăng thể hiện cho sự khỏe mạnh và trường thọ. Nhìn ngắm từng bức tranh ẩn chứa những ý nghĩa khác nhau trên nền âm nhạc truyền thống, khán giả cảm nhận được đủ đầy hơn những nét đẹp của hội họa xưa. Một số khán giả cho biết: “Ông Son Chul-ju từng nói trong tranh có thơ, và tranh cũng hiện ra qua những dòng thơ. Chương trình “Họa thông” là sự kết hợp không thể tách rời giữa hội họa, lời ca và âm nhạc. Tôi có thể cảm nhận được những giai điệu đẹp ẩn chứa trong các bức họa cổ.” “Ý đồ người họa sĩ gửi gắm trong các bức tranh được giải mã bằng âm nhạc khiến tôi cảm thấy vô cùng thích thú.” “Chương trình thật thú vị. Từng nút thắt được tháo gỡ, giúp tôi hiểu hơn về ý nghĩa của các tác phẩm hội họa xưa. Trước đây, tôi không hề biết đến ý nghĩa của những loài động vật và hoa lá trong các bức tranh cổ, nhưng giờ đây, tôi đã hiểu tranh dân gian không chỉ thuộc về quá khứ mà còn có sự liên kết với thực tại.”

Nhà phê bình mỹ thuật Son Chul-ju tập trung thể hiện những lời nhắn nhủ mà mỗi bức tranh muốn truyền tải đến người xem, khám phá những câu chuyện ẩn chứa trong các tác phẩm hơn là kỹ thuật vẽ. Son Chul-ju, người chia sẻ rằng mình chưa từng được đào tạo qua trường lớp về mỹ thuật, đã giải mã một cách tài tình những nét bí ẩn của hội họa cổ xưa.



Đam mê dẫn lối số phận
Từ khi còn nhỏ, thay vì chạy nhảy, nô đùa trong những khoảng không gian rộng lớn như ruộng vườn hay sân vân động, Son Chul-ju yêu thích những con ngõ nhỏ và dành phần lớn thời gian vui chơi trong những căn phòng yên tĩnh. Tuổi dậy thì của Son Chul-ju đầy ắp ký ức về quãng thời gian nằm lì trong phòng đọc sách. Ông kể lại: “Tôi còn nhớ vào kỳ nghỉ hè và nghỉ đông năm lớp 6 và lớp 7, tôi nằm lì trong phòng cả ngày để đọc sách và chỉ ra ngoài vào giờ ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Tôi thức thâu đêm đọc sách và chỉ ngủ vì quá mệt vào buổi sáng. Tôi không bỏ qua bất cứ thể loại sách nào, từ văn học Hàn Quốc, văn học thế giới, cho đến văn học cổ điển và hiện đại. Thói quen đó của tôi kéo dài trong suốt khoảng một, hai năm.”

Có lẽ, trí tưởng tượng phong phú cùng khả năng viết lách đầy lôi cuốn của Son Chul-ju đã bắt đầu hình thành từ đó. Sau khi đã ngấu nghiến hết những cuốn sách có trong nhà, ông bắt đầu tìm đến các cửa hàng sách cũ và ngay lập tức bị lôi cuốn bởi những cuốn sách in các bức họa nổi tiếng với màu sắc nguyên bản. Nhà phê bình mỹ thuật Son Chul-ju cho biết: “Mỗi khi có tiền tiêu vặt là tôi lại tìm đến các cửa hàng sách cũ. Trong số các cuốn sách xuất bản tại Nhật Bản, có một cuốn sách in hình những bức họa nổi tiếng với màu sắc nguyên bản. Tuy là sách cũ, nhưng cuốn sách đó có giá rất đắt vì là sách tranh in màu. Tôi đã dốc hết tiền tiêu vặt để mua nó. Qua cuốn sách, tôi được gặp Picasso, Van Gogh, Gauguin, và khám phá nguồn cảm hứng khác biệt so với khi tôi đọc tác phẩm văn học. Văn học và mỹ thuật đã bổ trợ cho nhau, giúp tôi lấp đầy những kiến thức còn thiếu, khiến tôi trưởng thành hơn.”

Vào những năm 1970, khi đất nước còn nghèo đói, Son-chul-ju đã đến với thế giới mỹ thuật rộng lớn qua cuốn sách in những bức tranh của nền hội họa phương tây với màu sắc nguyên bản mà ông phải chắt chiu từng đồng tiền tiêu vặt để có được. Lúc đó, bản thân ông cũng không ngờ thế giới ấy đã khiến cuộc đời ông hoàn toàn đổi khác sau này.

Đảm trách sứ mệnh quảng bá hội họa phương Đông
Dành tình yêu cho văn học và hội họa, Son Chul-ju trở thành nhà báo chuyên viết về hội họa cho một tòa soạn. Được làm điều mình thích khiến mỗi ngày của ông đều tràn ngập niềm vui. Ông đến nhiều nơi để thu thập thông tin và viết báo. Nhờ đó, ông có con mắt thẩm mỹ tốt hơn khi đánh giá một tác phẩm, và đặc biệt cho xuất bản cuốn sách của riêng mình về mỹ thuật. Trong các tác phẩm mỹ thuật, thứ lôi cuốn ông hơn cả là các bức tranh cổ. Mong muốn phổ biến hội họa Hàn Quốc vốn xa lạ với công chúng ngày càng lớn dần trong Son Chul-ju. Ông nói: “Mọi người đều dành sự ưu ái đặc biệt cho hội họa phương Tây khiến nền mỹ thuật Hàn Quốc trở nên yếu thế. Dần dần, sức hấp dẫn, nét độc đáo, cá tính của mỹ thuật Hàn Quốc không còn là đối tượng thưởng thức của công chúng. Đó là điều tôi thấy đáng tiếc. Truyền thống và nét đẹp của Hàn Quốc phải không ngừng được thưởng thức và sáng tạo trong chính cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta.”

So với hội họa phương Tây, hội họa phương Đông không có tính kích thích thị giác mạnh mẽ, dẫn đến bị đánh giá là nhạt nhẽo và nhàm chán. Son Chul-ju đã quyết định tự trao cho mình sứ mệnh quảng bá nét đẹp của hội họa phương Đông. Ông muốn cho mọi người biết rằng thay vì sự mạnh mẽ, hội họa phương Đông toát lên nét đẹp thanh cao qua những khoảng trống trong bức tranh, và từng loài cây cỏ, hoa lá, hay con vật đều thể hiện những ý nghĩa sâu sắc. Ông cho biết: “Hwahoechochungdo (Hoa hủy thảo trung đồ) là bức tranh vẽ hoa, lá, cây cỏ, côn trùng. Các loài động vật xuất hiện trong tranh thường là một phần của thiên nhiên sống trong không gian, thời đại tương ứng. Mỗi loài vật trong tranh đều có ý nghĩa đặc biệt. Tại sao một bức tranh lại vẽ loài chuột nhím xấu xí với rất nhiều gai trên lưng? Đó là do chuột là loài đẻ nhiều, sinh sôi phát triển rất nhanh. Ngoài ra, các bức tranh cổ của Hàn Quốc còn xuất hiện nhiều hình ảnh các loại cây leo như dưa hấu, dưa chuột hay nho không ngừng đâm hoa kết trái. Cả chuột nhím và các loại cây leo đều tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, thịnh vượng của nhân gian.”

Giải mã những bức họa cổ
Son Chul-ju như một thám tử cầm trên tay chiếc kính lúp, đi khám phá ý nghĩa của từng sự vật bên trong những bức tranh. Ông không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào, để ý tỉ mỉ đến mọi biểu cảm của từng nhân vật, từng loài thú, và hình dáng của từng nhành cây, chiếc lá hay bông hoa. Mỗi điểm mới lạ, bất thường đều trở thành đề tài cho một câu chuyện mới và qua đó cho ta thấy nét đẹp trong tranh cổ là vô tận. Nhà bình luận mỹ thuật Son Chul-ju chia sẻ: “Càng nhìn tôi lại càng khám phá ra những lớp ý nghĩa khác nhau của bức tranh. Ngay cả một chuyên gia mỹ thuật cũng không thể giải thích ý nghĩa bức tranh “Hòa đồng” của họa sĩ Kim Hong-do ở thế kỷ XVIII trong cả 20 lần như một. Mỗi lần ngắm tranh, ta lại phát hiện ra nhiều điểm mới có mối liên hệ với hiện thực đang thay đổi từng ngày. Tôi nghĩ tranh cổ hàm chứa sự vô tận.”

Tùy theo đề tài, tranh cổ Hàn Quốc được chia thành dòng tranh sơn thủy, tranh hoa điểu, tranh chân dung, tranh phong tục tập quán (mô tả sinh hoạt đời thường) và tranh mỹ nghệ. Trong số này, tranh hoa điểu (vẽ hoa lá, chim muông) của tầng lớp học giả xưa trở nên vô cùng quý giá khi hiện nay chỉ sót lại vài bức. Tầng lớp học giả kiệm lời khi xưa đã trải lòng qua những bức vẽ. Nhà phê bình mỹ thuật Son Chul-ju giải thích: “Trong bức tự họa do Gang Se-hwang vẽ, người đàn ông đội mũ ô sa dành cho các vị quan đáng lẽ phải mặc cả quan phục, nhưng lại chỉ mặc áo thường. Đó là điểm bất thường và không cân xứng của bức tranh.”

Son Chul-ju đã giải đáp những gợi ý mà họa sĩ Gang Se-hwang để lại trong bức tự họa trong cuốn “Nhìn tranh cổ ngẫm chuyện xưa” của mình như sau: “Họa sĩ Gang Se-hwang sau khi vẽ chính mình đã để lại những dòng giải thích như sau trong bức tranh: “Người này là ai? Người đàn ông với bộ râu và hàng lông mày trắng muốt, đội trên đầu chiếc mũ ô sa, khoác trên mình bộ dã phục. Giờ thì ta đã biết. Hồn ta gửi nơi núi rừng, nhưng tên ta lại được ghi danh chốn triều đình. Dù ngập đầu trong sách vở, có dùng bút lay chuyển núi đá cũng nào ai thấu? Ta sẽ tận hưởng theo cách của riêng ta.” Những dòng chữ này là lời bộc bạch của tác giả, rằng dù có đi theo con đường danh vọng, thì lòng ông vẫn hướng về thiên nhiên, nơi núi rừng hoang sơ.”

Nhà phê bình mỹ thuật Son Chul-ju đã thu thập hàng nghìn, hàng vạn câu chuyện của những bức tranh xưa trong hàng chục cuốn sách. Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Họa thông” mà ông đang thực hiện cũng là cơ hội để ông trực tiếp chia sẻ những câu chuyện này với công chúng.

Bức tranh Hwangmyonongjeop (Hoàng miêu lộng điệp) của họa sĩ Kim Hong-do (hiệu Đàn Viên) hiện lên vô cùng sống động trên màn hình trước mắt khán giả.

Vẻ đẹp của “Hoàng miêu lộng điệp” được miêu tả qua những bông hoa cẩm chướng gấm màu tím và đỏ tía thi nhau đua nở trong khi hoa violet còn chúm chím nụ. Đâu đó, một chú bướm đen với đuôi cánh dài đang bay lượn lần theo hương hoa. Dưới mặt đất, một chú mèo lông vàng óng ngước lên dõi theo cánh bướm. Tại sao bức tranh này lại mang nghĩa tượng trưng cho sự trường thọ? Ông Son Chul-ju giải thích: “Mèo” âm Hán là “miêu”. “Miêu” phát âm tiếng Hán giống với “mao”, đồng âm với từ chỉ người già 70 tuổi. Mèo trong bức tranh tượng trưng cho người già ở độ tuổi 70. Còn “bướm” âm Hán là “điệp”, phát âm giống với từ “điệt”, chỉ những người già ở độ tuổi 80. Do đó, ta có thể hiểu bức tranh “Hoàng miêu lộng điệp” của họa sĩ Kim Hong-do tượng trưng cho sự trường thọ.”

Những giá trị bất biến của hội họa cổ xưa
Ông Son Chul-ju luôn cho rằng trong bối cảnh thời đại kỹ thuật số, khi thế giới đang phát triển từng giây từng phút, đây chính là lúc con người cần sự tĩnh lặng, chậm lại để hòa mình vào các tác phẩm hội họa cổ xưa. Đây chính là cách để bảo vệ chính mình, giữ cho tâm hồn luôn vững vàng trước những thay đổi lớn. Ông nói: “Cuộc sống hiện đại ngày nay đang thay đổi từng giây từng phút. Cách duy nhất để giữ một tâm thế vững vàng trước sự thay đổi chóng mặt ấy là nghĩ đến những giá trị bất biến. Những tác phẩm hội họa xưa là một minh chứng cho sự trường tồn với thời gian. Chúng không mang giá trị của một năm hay 10 năm, mà có tuổi thọ hàng nghìn năm, vẫn tồn tại đến ngày nay. Nghĩ đến giá trị bất biến sẽ giúp chúng ta trả lời được câu hỏi làm thế nào để bảo vệ chính mình trước sự thay đổi của thời đại.”

Khám phá ý nghĩa các bức tranh cổ cũng giống như tìm cách giải mật mã. Dù không hề dễ dàng, giây phút Son Chul-ju giải được mật mã cũng là lúc ông nhìn được toàn cảnh thời đại, thấu hiểu những lời nhắn gửi của người họa sĩ, khám phá những bài học về nhân sinh. Qua những mật mã được Son Chul-ju hóa giải, chúng ta học được những điều hay, lẽ phải từ những bậc cha ông sống trong nhiều thế kỷ trước.

Lựa chọn của ban biên tập