Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Kim Mae-ja, nghệ sĩ tiên phong của dòng múa sáng tạo Hàn Quốc

2016-11-22

Buổi biểu diễn bắt đầu với một đoạn video xuất hiện trên nền nhạc buồn da diết. Khi giọng đọc bài thơ “Bán con gái lấy 100 won” của thi sĩ Jang Jin-sung, một người tị nạn miền Bắc, vang lên khắp khán phòng, vũ công Choi Ji-yeon xuất hiện với những động tác múa mềm mại, uyển chuyển, chất chứa nỗi đau về cuộc sống khổ hạnh của những thiếu nữ Bắc Triều Tiên phải sống lưu vong ở nước thứ ba sau khi bỏ trốn khỏi quê hương. Đây là một tác phẩm nằm trong chuỗi công diễn “Sàn múa lớn Changmu” nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hội múa sáng tạo Changmu. Kim Seo-ryung, người lên kế hoạch tổ chức chương trình, cho biết: “Sàn múa lớn Changmu” là chương trình giới thiệu những điệu múa của các biên đạo múa đã dẫn dắt Hội nghiên cứu nghệ thuật múa sáng tạo Changmu trên chặng đường 40 năm lịch sử, những người đã đặt nền móng cho nghệ thuật múa đương đại của Hàn Quốc. Đặc trưng nghệ thuật múa của Hội Changmu là mỗi biên đạo múa đều khám phá cho mình một thế giới nghệ thuật thể hiện được phong cách của riêng họ, và sân khấu tổ chức lần này được dàn dựng để thể hiện tất cả những nét đặc trưng đó.”

Được biết đến với cái tên ngắn gọn là Hội Changmu, Hội nghiên cứu nghệ thuật múa sáng tạo là đoàn nghệ thuật múa nhân dân lâu đời nhất tại Hàn Quốc, chuyên nghiên cứu về loại hình múa sáng tạo dựa trên nền tảng múa truyền thống. Để kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống, Hội Changmu đã tổ chức buổi biểu diễn “Sàn múa lớn Changmu” nhằm giới thiệu đến khán giả những điệu múa đánh dấu từng chặng đường trưởng thành của đoàn.

“Sàn múa lớn Changmu” khai mạc vào ngày 4/10 vừa qua tại Nhà hát Post, phường Changcheon, Seoul, với 24 buổi công diễn do 20 biên đạo của Hội Changmu thực hiện, và sẽ kéo dài đến cuối tháng 12. Những khán giả dường như đã quen thuộc với các buổi biểu diễn múa được tổ chức đều đặn từ bốn đến năm lần mỗi tháng tại “Sàn múa lớn Changmu”, dành tình cảm yêu mến và sự cổ vũ tích cực cho những nỗ lực suốt 40 năm qua của Hội Changmu. Họ chia sẻ: “Mỗi buổi biểu diễn của Changmu đều đem lại cho tôi cảm giác mới mẻ như lần đầu được xem. Đây chính là nét độc đáo, tạo nên sự khác biệt của Hội Changmu so với những sân khấu biểu diễn khác. Họ đem đến cho khán giả một sân khấu với đặc trưng rất riêng, không thể nhầm lẫn với bất cứ loại hình nghệ thuật nào khác.”, “Nghệ thuật thể hiện qua những chuyển động của cơ thể theo điệu nhạc để lại cho tôi ấn tượng rất khác so với các buổi biểu diễn mà tôi từng xem từ trước đến nay. Bằng những động tác vũ đạo uyển chuyển trên nền âm nhạc độc đáo, các nghệ sĩ múa truyền tải thông điệp đến khán giả qua sự cảm nhận của ánh mắt và đôi tai.”



Kim Mae-ja – niềm tự hào của Changmu
Chuỗi công diễn kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Changmu với sân khấu là sự kết hợp giữa mỹ thuật, văn thơ, kiến trúc, tiểu thuyết, tranh ảnh, video trên nền tảng múa truyền thống, giúp các thành viên đoàn múa nhìn lại quãng thời gian tràn trề sức sống của Hội Changmu trong suốt 40 năm qua, và để họ thêm vững tin rằng Changmu vẫn đang trưởng thành từng ngày. Với họ, Hội Changmu đã giúp họ được sống những ngày tháng cống hiến hết mình vì nghệ thuật, dưới sự dẫn dắt của cô Kim Mae-ja. Họ cho biết: “Đoàn múa Changmu đã đặt những viên gạch đầu tiên cho chặng đường phát triển của ngành biên đạo múa Hàn Quốc ngày nay. Không một diễn viên múa Hàn Quốc nào lại không biết đến cô Kim Mae-ja. Việc dẫn dắt và phát triển Hội Changmu trong suốt 40 năm qua là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.” “Không phải ai cũng có thể quản lý cả một đoàn múa trong 40 năm liền chỉ bằng nhiệt huyết. Là học trò của cô, tôi vô cùng ngưỡng mộ tinh thần vì nghệ thuật, khả năng thể hiện chiều sâu trong các điệu múa của cô. Dù có đi bất cứ nơi đâu trên thế giới, nghệ sĩ Kim Mae-ja vẫn luôn là niềm tự hào của thế hệ học trò chúng tôi.” “Cô vẫn luôn giữ nguyên vẹn hình ảnh một Kim Mae-ja đầy nhiệt huyết khi biểu diễn của 20, 30 năm về trước. Thật đáng ngưỡng mộ khi cô vẫn đam mê hoạt động nghệ thuật không ngừng nghỉ dù tuổi đã cao.”

Nghệ sĩ Kim Mae-ja được coi là người sản sinh ra loại hình nghệ thuật múa sáng tạo của Hàn Quốc. Những năm 1970, bà là nghệ sĩ tiên phong biểu diễn múa trên sân khấu với đôi chân trần, và đến năm 1985 trở thành người châu Á đầu tiên xuất hiện trên trang bìa của tạp chí múa lớn nhất của Mỹ mang tên “Dance Magazine”. Trước khi Hàn Quốc và Nga thiết lập mối quan hệ ngoại giao, bà đã từng có cơ hội đứng trên sân khấu múa St. Petersburg Mariinsky của Nga. Năm 2006, nghệ sĩ Kim Mae-ja nhận được lời mời biểu diễn tại Nhà hát Maison de la Danse, thành phố Lyon, Pháp, sân khấu mơ ước của biết bao diễn viên múa. Đặc biệt, vào năm 2011, một hội thảo nghiên cứu chuyên đề về Kim Mae-ja đã được tổ chức tại trường Đại học thiết kế và nghệ thuật Tokyo, Nhật Bản.

Sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, Kim Mae-ja đã phải rời xa quê hương xuống Yeongwol, tỉnh Gangwon, để sinh sống với người bác ruột khi chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc nổ ra. Vượt qua mưa bom, bão đạn và có những lúc tưởng chừng phải bỏ mạng bởi dịch bệnh thương hàn, thiếu nữ Kim Mae-ja coi múa là niềm an ủi để vượt qua bao sợ hãi, thử thách. Dù không được học bài bản về múa, Kim Mae-ja cảm thấy vô cùng phấn khích trước những chuyển động của cơ thể. Bà kể lại: “Khi còn học tiểu học, tôi thường biểu diễn ở các buổi văn nghệ của trường và được khen là múa giỏi. Thời điểm ấy tôi vẫn chưa biết múa là gì. Thế rồi lên đến cấp hai, tôi đã học kịch hát Changgeuk trong vòng ba năm. Vì quá yêu thích Changgeuk, tôi đã bỏ cả giờ học để xem màn biểu diễn Changgeuk và đã rất thích thú khi thấy các bạn gái giả trai biểu diễn. Sau đó tôi đã học múa và cả diễn xuất tại Viện nghiên cứu múa dân tộc.”

Trong vòng ba năm, nghệ sĩ Kim Mae-ja đã học múa và diễn xuất tại “Viện nghiên cứu múa dân tộc”, môi trường đào tạo nhạc truyền thống Gukak đầu tiên tại thành phố Busan. Với tài năng thiên phú, bà đã thực hiện màn biểu diễn đầu tiên tại một nhà hát thuộc thành phố Busan khi mới chỉ là học sinh lớp 12. Để trau dồi kỹ năng, bà còn học cả múa ba-lê dưới sự chỉ bảo của diễn viên múa hiện đại Hwang Mu-bong. Múa cũng là chuyên ngành bà lựa chọn khi lên đại học. Năm 1972, nghệ sĩ Kim Mae-ja được bổ nhiệm làm giáo sư khoa múa của trường Đại học nữ Ewha nơi bà từng theo học. Bà tâm sự: “Tôi đã trăn trở làm thế nào để thể hiện bối cảnh thời đại hay truyền tải các thông điệp về các vấn đề xã hội qua môn nghệ thuật múa. Tôi và bốn, năm học trò của mình đã quyết định cùng nhau nghiên cứu và tìm ra những chủ đề mang tính thời đại có thể được thể hiện thông qua múa. Khi đó, chúng tôi đã cùng thảo luận với thầy Kim Chun-heung, người bảo tồn nghệ thuật múa cung đình, di sản văn hóa phi vật thể số 1 của Hàn Quốc. Thay vì thành lập đoàn múa, chúng tôi quyết định hoạt động theo mô hình của một hội nghiên cứu. Từ đó, Hội nghiên cứu múa sáng tạo, gọi tắt là Hội Changmu, được ra đời vào năm 1976. Chúng tôi không chỉ là một nhóm sáng tạo các điệu múa mà còn kết hợp nghiên cứu về môn nghệ thuật này trên phương diện lý luận.”

Changmu – nơi hội tụ những nghệ sĩ tài năng
Mục tiêu của Hội Changmu là phá vỡ những nét cứng nhắc, bảo thủ trong múa truyền thống của Hàn Quốc, sáng tạo nền nghệ thuật múa Hàn Quốc theo phong cách mới, song song với bảo tồn và phát triển múa Hàn Quốc. Để có thể thực hiện những thử nghiệm táo bạo khi đó, Kim Mae-ja bắt đầu tìm kiếm và tuyển chọn các nghệ sĩ tài năng tham gia Hội Changmu. Nghệ sĩ Kim Mae-ja cho biết: “Những điều kiện để có thể gia nhập hội Changmu giai đoạn mới thành lập rất khắt khe. Các thành viên tối thiểu phải có học vị thạc sĩ và có luận văn về múa truyền thống. Ngoài ra, họ còn phải từng được nhận giải thưởng tại các cuộc thi múa truyền thống, phải đạt được đến trình độ có thể tự sáng tác ra những sản phẩm của riêng mình. Tôi quan niệm rằng sẽ không thể tạo ra ngôn ngữ thời đại của riêng mình nếu không có cơ sở lý luận truyền thống. Nghệ thuật mới sẽ không thể hiện được cái tôi hay phản ánh được thời đại nếu không hiểu rõ về tinh thần của truyền thống, lịch sử.”

Các thành viên với tài năng xuất chúng đã tạo nên một Changmu khác biệt hoàn toàn so với bất cứ đoàn nghệ thuật múa nào, với những màn biểu diễn vô cùng đa dạng. Bà Kim Mae-ja không phớt lờ ý kiến của bất cứ ai, hết mực tôn trọng tự do và nét cá tính trong sáng tác của mỗi thành viên. Diễn viên múa Kim Sun-mi, người đã gắn bó với Hội Changmu trong 35 năm, chia sẻ: “Ở Hội Changmu, mọi người cùng trò chuyện, chia sẻ ý kiến. Dù có cãi vã hay cả những giọt nước mắt trong quá trình tranh luận do bất đồng ý kiến, tất cả những tranh luận đó đều rất ý nghĩa với tôi. Cô Kim Mae-ja không ép buộc hay định hướng chúng tôi phải thực hiện bài múa theo cách này hay cách khác mà luôn tạo điều kiện để chúng tôi tự do thể hiện suy nghĩ của mình. Với sự động viên của cô, mỗi thành viên đều thể hiện trọn vẹn những nét cá tính nghệ thuật mạnh mẽ và khác biệt.”

Thử nghiệm táo bạo thể hiện tinh thần múa truyền thống Hàn Quốc
Màn biểu diễn đầu tiên thể hiện tinh thần của Hội Changmu được nghệ sĩ Kim Mae-ja thể hiện vào năm 1977. Trong màn biểu diễn này, bà đã tháo bỏ tất truyền thống beoseon và áo khoác ngoài jeogori của hanbok trên sân khấu để biểu diễn với đôi chân trần và trên người chỉ mặc chiếc váy bó sát ngực. Bà Kim Mae-ja giải thích: “Đó chính là tinh thần vốn có của múa Hàn Quốc. Mọi người hỏi tại sao tôi lại cởi tất. Bởi vì dân ta là dân đồng ruộng, có được mấy ai thường xuyên đi tất? Chỉ có tầng lớp quý tộc, thượng lưu mới dùng tất. Đa phần người dân thường đều đi giày rơm mà không đi tất và bước chân trần xuống đồng ruộng. Các bà mẹ địu con làm đồng sẽ phải cởi áo ngoài cho con bú mỗi khi con quấy khóc. Không chỉ là những động tác truyền thống trên sân khấu, múa phải nghệ thuật hóa cả những động tác tưởng như đơn giản trong cuộc sống thường ngày.”

Năm 1985, Hội Changmu đã cải tạo lại không gian cũ nát trên khu phố Sinchon thành một nhà hát nhỏ chuyên biểu diễn múa đầu tiên của hội. Không chỉ là múa, nghệ sĩ Kim Mae-ja và các học trò đã đem đến cho khán giả những màn biểu diễn múa kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật đa dạng như mỹ thuật, văn thơ, âm nhạc và kiến trúc. Bà Kim Mae-ja bày tỏ: “Chúng tôi mạnh dạn thực hiện những thử nghiệm mới. Từ trước đến nay, mọi người vẫn coi âm nhạc và múa là hai phạm trù tách biệt. Múa vốn là nghệ thuật tổng hợp không lời. Tôi muốn tạo nên sự giao thoa giữa múa và thơ, hay hội họa. Các môn nghệ thuật không thể mãi chỉ sống trong không gian của riêng chúng mà cần được thể hiện trong sự tổng hòa. Chúng tôi phối hợp cùng nhà văn Ku Sang, Sung Chang-gyung, Jo Jung-rae để tạo nên các buổi biểu diễn múa hòa cùng với giai điệu ngâm thơ, hoặc xen lẫn với hội họa khi kết hợp với Han Man-young.”

Lưu giữ tinh hoa nghệ thuật múa qua những trang tạp chí
Năm 1993, Kim Mae-ja đã có những lựa chọn táo bạo hơn. Bà biến ngôi nhà mình đang sống thành tòa nhà bảy tầng làm không gian nghệ thuật của Hội Changmu, với studio phục vụ cho công tác biên đạo múa và sáng tác kịch một vai (monodrama), không gian đào tạo chuyên ngành múa, phòng luyện tập, nhà hát. Bà cũng phát hành tạp chí mang tên “Mom” (thân thể) chuyên về múa. Bà cho biết: “Múa là nghệ thuật khoảnh khắc, sẽ biến mất ngay sau khi thể hiện. Đây có thể coi là một điều bất lợi của múa. Nghệ thuật múa cần một phương tiện để được lưu giữ và tạp chí “Mom” ra đời như một phương tiện lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt vời của các nghệ sĩ múa.”

Nghệ sĩ Kim Mae-ja muốn lưu giữ lại câu chuyện của những điệu múa qua những trang tạp chí, để chúng không bị mãi rơi vào quên lãng sau mỗi buổi biểu diễn. Tạp chí “Mom” đã được duy trì trong suốt 23 năm qua với bao nỗ lực cố gắng của bà Kim Mae-ja.

Quảng bá tinh thần múa của Hội múa sáng tạo Changmu thông qua các hoạt động giao lưu quốc tế cũng là một sứ mệnh quan trọng của nghệ sĩ Kim Mae-ja. Giáo sư Go Hong-ryeo thuộc khoa múa của trường Đại học dân tộc trung ương Trung Quốc, khi mới là sinh viên năm thứ hai đại học, đã bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn trong những điệu múa của Kim Mae-ja khi bà thực hiện chuyến lưu diễn tại Trung Quốc. Bà Go đã xin tá túc tại nhà của bà Kim Mae-ja để xin theo học về múa. Giáo sư Go cho biết: “Ở Trung Quốc, tôi học những cách biểu hiện thông qua múa tại trường lớp và theo giáo trình nhất định. Tôi nhận thấy nghệ sĩ Kim Mae-ja múa theo sự mách bảo của trái tim, của nhịp điệu cơ thể của mình. Cơ thể của cô chuyển động rất tự nhiên, không cần dùng sức, nhưng vẫn toát lên nguồn năng lượng đầy mạnh mẽ. Khi đứng trên sân khấu, cô như trở thành một người khác. Mỗi giây phút đứng trên sân khấu đều là giây phút hạnh phúc, đầy lắng đọng, để cô Kim Mae-ja được bộc lộ những tâm tư, tình cảm của mình.”

Nghệ thuật múa mang hơi thở thời đại
Chưa bao giờ biết đến hai chữ “từ bỏ”, nghệ sĩ Kim Mae-ja luôn muốn đem nhiệt huyết của bản thân truyền lửa cho thế hệ sau, cho bất cứ ai muốn lĩnh hội những nét đẹp nghệ thuật chỉ có ở Changmu. Cứ đến 9 giờ sáng mỗi ngày, bà lại có mặt tại phòng tập, thư giãn cơ thể để bắt đầu một ngày luyện tập mới. Diễn viên múa Kim Sun-mi chia sẻ: “Cô Kim Mae-ja hầu như không nghỉ lấy một ngày. Luyện tập cùng cô khiến tôi cũng không cho phép bản thân mình nghỉ ngơi. Nhiệt huyết với nghề múa của cô không ai có thể theo kịp được. Đó là điều mà tôi vô cùng ngưỡng mộ ở cô.”

Tại buổi công diễn vào ngày 27/12 sắp tới, nghệ sĩ Kim Mae-ja 73 tuổi sẽ trực tiếp lên sân khấu biểu diễn. Với chủ đề “Vũ điệu của trời, đất và con người”, Kim Mae-ja sẽ đem đến cho khán giả những màn biểu diễn là gốc rễ và nền tảng của những điệu múa mà bà đã dày công nghiên cứu trong suốt 40 năm qua, một kho tàng tập hợp các động tác múa phù hợp nhất với âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Sân khấu biểu diễn tới đây sẽ là điểm nhấn của chuỗi công diễn “Sàn múa lớn Changmu” kỷ niệm 40 năm thành lập Hội múa sáng tạo Changmu, khẳng định tinh thần của Changmu rằng múa không chỉ cần đẹp mà còn phải thể hiện được hơi thở của cuộc sống và thời đại. Bà nói: “Là nghệ sĩ, ai cũng muốn thể hiện được trọn vẹn tâm tư của mình qua nghệ thuật. Với tôi, múa là phương tiện để tôi thổ lộ hết những điều giấu kín trong lòng hay những nỗi niềm ấm ức với thời thế. Cứ mỗi hai đến ba năm, tôi lại cho ra đời một tác phẩm múa với mong muốn kể cho khán giả nghe những tâm sự cất giấu trong lòng, những câu chuyện về cuộc sống xã hội quanh tôi. Tôi luôn quan niệm nghệ thuật phải mang hơi thở của xã hội và thời đại.”

Lựa chọn của ban biên tập