Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Woongsan, diva nhạc jazz Hàn Quốc

2016-11-29

Cả khán phòng như nổ tung với những tràng pháo tay và tiếng cổ vũ vang lên không ngớt khi nữ ca sĩ với mái tóc bồng bềnh buông xõa cùng chiếc váy dài màu đen lấp lánh xuất hiện trên sân khấu.

Giọng hát đầy nội lực vang lên từ trong sâu thẳm trái tim, len lỏi qua từng hàng ghế chật kín khán giả ở cả ba tầng của nhà hát. Khán giả bị lôi cuốn ngay từ những phút đầu tiên theo từng ánh mắt, cử chỉ của nữ ca sĩ Woongsan, diva của dòng nhạc jazz tại Hàn Quốc.



Vào ngày 19/11 vừa qua, chương trình ca nhạc kỷ niệm 20 năm ra mắt làng nhạc jazz của nữ ca sĩ Woongsan được tổ chức nhân dịp phát hành album thứ 12 của chị mang tên “Jazz is my life” (Jazz là cuộc sống của tôi). Được mệnh danh là ca sĩ nhạc jazz xuất chúng của Hàn Quốc, có khả năng kết hợp hoàn hảo những đặc trưng nghệ thuật và tính đại chúng của dòng nhạc này, Woongsan đã có công lớn đưa nhạc jazz đến gần hơn với khán giả Hàn Quốc trong suốt 20 năm qua. Những buổi biểu diễn của chị luôn là cơ hội để những khán giả đam mê nhạc jazz được tề tựu đông đủ. Các khán giả cho biết: ““Tôi là thành viên của Câu lạc bộ những người yêu thích ca sĩ Woongsan, Woongsamo, đã được 10 năm nay. Mọi người thường nghĩ jazz là thể loại âm nhạc kén người nghe, nhưng ca sĩ Woongsan luôn khiến khán giả thấy dễ chịu bằng phong cách tiếp cận gần gũi với đại chúng. Giọng hát của chị ngày càng chín muồi theo năm tháng. Chị quả thực là ca sĩ hàng đầu của không chỉ Hàn Quốc mà cả châu Á.” “Bản thân nhạc jazz có sức hút không thể cưỡng lại. Mỗi lần nghe nhạc của ca sĩ Woongsan tôi lại cảm nhận được điều đó, và đây chính là lý do tôi thường xuyên đến xem chị biểu diễn.” “Tôi thật hạnh phúc vì được nghe nhạc của Woongsan. Âm nhạc của chị khiến cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn, kéo tôi lên khỏi đáy vực tuyệt vọng, và xua tan bao vướng bận của cuộc đời. Woongsan quả thực không hổ danh là diva số một của Hàn Quốc.”

Ra mắt làng nhạc năm 1996, nữ ca sĩ Woongsan đã hợp tác với nhạc sĩ nhạc jazz hàng đầu thế giới trong album đầu tiên phát hành vào năm 2003. Năm 2008, chị nhận được giải album nhạc jazz và giải bài hát nhạc jazz xuất sắc nhất tại Lễ trao giải âm nhạc đại chúng Hàn Quốc. Woongsan cũng là ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên được mời đến phòng nhạc “Billboard Live” của Nhật Bản và câu lạc bộ nhạc jazz số một của Mỹ là “Blue Note” để giao lưu với khán giả thông qua buổi biểu diễn cá nhân. Năm 2010, chị trở thành ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên được tờ tạp chí Jazz hàng đầu Nhật Bản mang tên “Swing Journal” bình chọn danh hiệu đĩa vàng cho album “Close Your Eyes” (Nhắm mắt). Đến năm 2011, album “Once I Loved” (Tôi từng yêu..) đã mang về cho chị giải Giọng ca và Album xuất sắc nhất do Tạp chí Bình luận jazz của Nhật Bản bình chọn.

Hành trình từ ni cô đến ca sĩ nhạc jazz
Được công nhận là ca sĩ nhạc jazz hàng đầu châu Á, Woongsan, tên thật là Kim Eun-young, luôn đau đáu hai ước mơ lớn từ thuở nhỏ: trở thành nghệ sĩ âm nhạc hoặc trở thành ni cô. Hai ước mơ hoàn toàn trái ngược nhau là do sự ảnh hưởng lớn từ gia đình. Chị cho biết: “Từ hồi còn học tiểu học, tôi từng muốn trở thành nghệ sĩ âm nhạc và ni cô. Lý do muốn trở thành người của nhà chùa bắt nguồn từ việc bố tôi là học giả nghiên cứu và viết sách về Phật giáo. Trên thực tế, gia đình và họ hàng của tôi có nhiều người là nhà sư. Tôi cũng nuôi mộng trở thành nghệ sĩ âm nhạc từ hồi lớp ba và biểu diễn kèn trumpet trong nhóm kèn đồng của dàn hợp xướng ở trường nhưng chưa từng được ai khen là hát hay hoặc có năng khiếu âm nhạc. Tôi tham gia câu lạc bộ âm nhạc đơn giản chỉ vì yêu thích.”

Vào một ngày cuối thu năm 17 tuổi, Woongsan bất ngờ thu dọn hành lý, rời khỏi nhà để thực hiện ước mơ trở thành ni cô của mình. Chị nói: “Năm 17 tuổi, tôi nhận thấy mình không thuộc về nơi đang sống. Quyết định bỏ học để đi tu, tôi bắt chuyến tàu đêm đến chùa Guin (Cứu Nhân) ở huyện Danyang, tỉnh Bắc Chungcheong, nơi tôi từng đến một lần khi còn bé. Tôi đến chùa lúc 12 giờ đêm và bắt đầu cuộc sống nơi cửa Phật từ đó.”

Từ bỏ việc học và quy y cửa Phật, cô bé Kim Eun-young được ban pháp danh Woongsan (Hùng Sơn) và bắt đầu cuộc sống tu hành khổ hạnh. Thế rồi hai năm sau chị trải qua bước ngoặt mới trong cuộc đời. Chị kể lại: “Một ngày, tôi ngủ gật trong khi ngồi thiền, sư thầy đã dùng thanh tre gõ vào vai tôi. Tôi giật nảy mình và bất giác cất tiếng hát. Cả tôi và sư thầy đều hết sức ngạc nhiên. Tôi đã hát bài “Có ai đó không” của nữ ca sĩ Han Yeong-ae. Từ đó, tôi nhận ra sâu thẳm trong tôi vẫn còn nhiều quyến luyến với âm nhạc.”



Tiếng hát bất giác tự bật ra mà bản thân không hề hay biết khiến Woongsan quyết định thu dọn đồ đạc quay trở về và đăng ký dự thi đại học. Ngay sau khi nhập học, nơi chị tìm đến đầu tiên là câu lạc bộ nhạc rock metal của trường. Ca sĩ Woongsan chia sẻ: “Tôi gia nhập câu lạc bộ nổi tiếng nhất của trường và đảm nhiệm vai trò ca sĩ hát rock. Nhóm nhạc rock của chúng tôi có tên là “Những chú cá heo” của trường đại học Sangji. Tôi là ca sĩ thứ 13, đồng thời là giọng ca nữ đầu tiên của nhóm. Trước buổi biểu diễn đầu tiên, ai cũng nghĩ tôi sẽ là một giọng ca nam. Trong hai năm sống ở chùa, niệm Phật và thói quen thở bằng bụng là phương pháp hiệu quả giúp tôi luyện giọng, và nhờ thế mà tôi có chất giọng to và khỏe. Tất cả khán giả đã vô cùng ngạc nhiên khi nghe tôi hát trong buổi công diễn đầu tiên.”

Vì là ca sĩ nhạc rock nữ hiếm hoi nên Woongsan trở nên nổi tiếng trong phút chốc. Chị tràn đầy tự tin rằng mình sẽ trở thành ca sĩ thực thụ. Thế nhưng, giấc mơ không đến với chị một cách dễ dàng. Chị tâm sự: “Vì nổi tiếng trong thời đại học nên tôi chắc chắn rằng các công ty giải trí sẽ liên lạc với tôi. Tuy nhiên, cho đến lúc sắp tốt nghiệp, tôi vẫn không nhận được bất cứ một cuộc gọi nào. Để an ủi, bạn tôi đã đưa cho tôi một chiếc băng cát-sét nhạc jazz và khuyên nên nghe thử. Bài đầu tiên tôi nghe là bài “I’m a fool to want you” (Kẻ khờ yêu anh) của ca sĩ người Mỹ Billie Holiday. Tôi nhận ra nhạc jazz có rất nhiều điểm khác với nhạc rock, và những giai điệu jazz buồn khiến trái tim day dứt như bị cào xé ra từng mảnh vậy. Kể từ đó, tôi bắt đầu hành trình khám phá nhạc jazz.”

Ca sĩ Woongsan đã dành trọn mỗi ngày nghe nhạc tại cửa hàng băng đĩa, rồi tối tối lại tìm đến các phòng trà xem biểu diễn. Thế rồi đến một ngày, Woongsan gặp được Shin Kwan-woong, nghệ sĩ đàn piano thế hệ đầu tiên của làng nhạc jazz Hàn Quốc. Ca sĩ Woongsan chia sẻ: “Thầy Shin Gwan-woong là nghệ sĩ piano nhạc jazz từng biểu diễn tại phòng trà “Sân nhà âm nhạc”. Tôi đã gây được ấn tượng với thầy vì thường vỗ tay rất nhiệt tình mỗi khi thầy kết thúc phần biểu diễn. Thầy đã hỏi chủ quán tôi là ai và đoán rằng tôi cũng từng chơi nhạc ở trường và yêu thích thể loại nhạc jazz. Chủ quán gọi tôi đến chào thầy. Tôi nói rằng mặc dù không hiểu về nhạc jazz nhưng tôi rất muốn được hát thử. Thật bất ngờ là thầy đã đề nghị tôi hát ngay tại sân khấu của phòng trà. Tôi đã hát bài “Có ai đó không” và sau khi hát xong, thầy đề nghị tôi cùng biểu diễn, bắt đầu từ một tháng sau đó.”

Một Woongsan chỉ đơn thuần hát rock trong câu lạc bộ của trường đại học đã hân hoan đón nhận cơ hội biểu diễn trên sân khấu với tư cách là một ca sĩ nhạc jazz. Được giao bài hát, chị lao vào luyện tập hăng say. Đến tháng 1 năm 1996, chị đã lần đầu tiên đứng trên sân khấu nhạc jazz. Ca sĩ Woongsan cho biết: “Ngày nào tôi cũng thức thâu đêm để luyện tập. Khi đó không có bản phổ nhạc nên tôi phải nghe bằng cát-sét rồi trực tiếp sao chép ra giấy. Tôi sao chép lời và giai điệu bài hát rồi tự làm thành một bản phổ nhạc mới. Đó là quãng thời gian luyện tập vất vả nhất trong sự nghiệp âm nhạc của tôi.”

Nỗ lực và thói quen luyện tập chăm chỉ đã giúp Woongsan luôn duy trì được nhiệt huyết ca hát cháy bỏng.

Chinh phục làng nhạc jazz Nhật Bản
Sau hai năm lao động âm nhạc hăng say, Woongsan tình cờ được biểu diễn tại buổi biểu diễn của các nhóm nhạc jazz tại Nhật Bản với tư cách khách mời. Đây cũng là bước đệm giúp chị tiến sâu hơn vào thị trường âm nhạc Nhật Bản. Song, hoạt động âm nhạc tại xứ sở hoa anh đào đã mang lại cho chị khá nhiều khó khăn ngay từ những ngày đầu tiên. Chị nói: “Buổi biểu diễn đầu tiên đã hoàn toàn đổ bể. Trên sân khấu lúc đó không có đàn piano và ghi-ta mà chỉ có ba nhạc cụ là đàn ghi-ta bass, kèn Saxophone và trống. Ở Hàn Quốc, ca sĩ thường chỉ hát từ hai đến ba bài ở giữa chương trình làm điểm nhấn. Nhưng ở Nhật Bản, do buổi concert đứng tên mình, tôi phải hát liên tục trong một tiếng đồng hồ. Vấn đề là tôi chưa bao giờ biểu diễn với phần hòa âm chỉ có ba nhạc cụ như vậy nên đã thật sự tuyệt vọng.”

Hoạt động âm nhạc ở Nhật Bản đã đưa chị trở lại với vòng quay luyện tập khắc khổ. Mỗi buổi công diễn đều có dàn nhạc cụ khác nhau khiến ca sĩ Woongsan lúng túng. Nhưng đồng thời, đó cũng là động lực thúc đẩy chị chăm chỉ học tập hơn nữa. Tinh thần hăng say luyện tập và không ngừng khám phá những điều mới mẻ đã giúp Woongsan trưởng thành hơn trong sự nghiệp ca hát. Chị cho biết: “Khoảng năm 2000, một ông bầu đã bày tỏ ý định sản xuất album cho tôi nhưng không phải ngay thời điểm lúc bấy giờ mà sau đó hai năm, khi tôi đã trưởng thành hơn. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là lời nói bâng quơ, nhưng đúng hai năm sau, người đó đã liên lạc với tôi và tôi đã đến New York để thực hiện album của mình. Những ngày tháng ấy tựa như một giấc mơ.”

Nhờ cơ duyên đó, album đầu tay của ca sĩ Woongsan được phát hành vào năm 2003 với sự hợp tác cùng nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới Benny Green. Được sự giới thiệu của Benny Green, Woongsan đã được đứng trên sân khấu nhạc jazz Blue Note lừng danh tại New York. Album đầu tiên sau tám năm ra mắt với tên gọi “Love Letters” (Những lá thư tình) bao gồm những bản tình ca say đắm kể về ký ức của một thời xuân xanh.

Không ngừng khám phá những giá trị tiềm ẩn của nhạc jazz
Sau album đầu tiên năm 2003, ca sĩ Woongsan tiếp tục cho ra đời những đứa con tinh thần đều đặn mỗi năm. Với một giọng ca nhạc jazz, dòng nhạc vốn không thịnh hành như các thể loại âm nhạc khác, đây là điều không phải ai cũng làm được. Ca sĩ Woongsan cho biết: “Tôi đã không ngừng tìm kiếm nguồn cảm hứng. Có rất nhiều điều tôi muốn làm ở độ tuổi 30, độ tuổi nhiệt huyết nhất để cống hiến cho âm nhạc. Ở thời kỳ này, các ca khúc cứ tự tuôn trào ra không ngừng nghỉ. Nhạc jazz không cho phép người nghệ sĩ lười biếng, chỉ ngồi một chỗ, mà khiến họ luôn tò mò, tìm tòi và khám phá để thỏa mãn khát vọng tự do trong âm nhạc. Những giác ngộ trong Phật giáo cũng nhằm mục đích hướng đến tự do, và nhạc jazz cũng vậy.”

Sự chân thành giúp Woongsan luôn chuyên tâm vào sự nghiệp của bản thân, khả năng sáng tác giúp chị thể hiện trọn vẹn những cảm xúc với khán giả, và sự tập trung giúp chị chinh phục các sân khấu âm nhạc lớn. Mọi nỗ lực trong suốt 20 năm qua đã tạo nên một con người Woongsan như ngày hôm nay. Từ nhạc jazz thuần túy cho đến nhạc blues, funky, nhạc La tinh cổ điển, tất cả đều không làm chị lung lay. Nhà bình luận âm nhạc Lee Heon-suk cho biết: “Lợi thế của ca sĩ Woongsan là khả năng ca hát xuất sắc. Chị có thể dễ dàng thực hiện được mọi kỹ thuật thanh nhạc, bất kể là khó đến đâu. Kiến thức âm nhạc của chị trải dài trên nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, không chỉ ở nhạc rock mà còn ở cả nhạc pop, nhạc blues, nhạc phim, nhạc Pháp, nhạc tango, hay nhạc trot Hàn Quốc mang âm hưởng nhạc truyền thống. Chị còn có tài phân tích âm nhạc rất tài tình. Ngoài ra, tôi đánh giá cao ca sĩ Woongsan ở sự nhiệt tình, khả năng tập trung và chủ nghĩa hoàn hảo trong âm nhạc. Với những cống hiến âm nhạc của mình, tôi tin rằng Woongsan xứng đáng là diva của làng nhạc Hàn Quốc, với những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực nhạc jazz nói riêng và âm nhạc nói chung.”

Với 12 album mang nhiều âm sắc đa dạng, diva nhạc jazz Woongsan tâm sự rằng 20 năm qua là quãng thời gian chị tu hành cùng nhạc jazz. Chị mong muốn sẽ mãi được cống hiến và chia sẻ những vẻ đẹp tiềm ẩn của nhạc jazz với đại chúng trong hình ảnh của một nghệ sĩ âm nhạc tài năng, tận tâm, chân thành và hạnh phúc.

Lựa chọn của ban biên tập