Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Đạo diễn Koh Hee-young và tác phẩm ghi dấu cuộc đời nữ thợ lặn Haenyeo đảo Jeju

2016-12-06

Trong trang phục bộ áo lặn màu đen, những người nữ thợ lặn Haenyeo hướng về phía mặt sóng rì rào, tiến ra ngoài biển khơi. Chỉ với chiếc kính bơi và dụng cụ cào bới hải sản nhỏ bé, họ đặt toàn bộ niềm tin vào chính hơi thở của mình, hít một hơi thật sâu, trước khi chìm dần xuống biển khơi.

Rẽ sóng lặn sâu xuống đáy biển, những nữ thợ lặn đảo Jeju bắt đầu thu lượm những sản vật của mẹ biển cả trong niềm biết ơn.



Haenyeo – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Ngày 30/11 vừa qua, nghề lặn truyền thống của phụ nữ đảo Jeju đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lịch sử nghề nữ thợ lặn, hay còn gọi là Haenyeo (hải nữ) đảo Jeju bắt đầu từ thế kỷ VI, dựa theo ghi chép trong cuốn Samguksagi (Tam quốc sử ký) về việc tìm thấy ngọc trai dưới biển của nữ thợ lặn. Haenyeo đã hình thành nên một cộng đồng mang bản sắc riêng, thiết lập quy tắc phân chia hải phận dựa vào khả năng nín thở, khả năng thu lượm hải sản, và tuyệt đối không xâm phạm ranh giới hoạt động của nhau. Những người mẹ già truyền kinh nghiệm lặn biển cho con gái, con dâu, và cứ thế, họ trở thành những người con gái của biển cả.

Thay vì oán trách trời đất về vùng đất quá khô cằn của đảo Jeju, những nữ thợ lặn đảo Jeju chọn cách lao mình xuống biển khơi đầy sóng dữ, thu lượm hải sản để nuôi sống gia đình. Những đợt lặn biển đầy hiểm nguy với niềm tin đặt trọn trong từng hơi thở được đổi lại bằng miếng cơm manh áo cho người thân và những cuốn vở, chiếc bút cho con cái của những người nữ thợ lặn. Trước khi nghề lặn biển của phụ nữ đảo Jeju được bình chọn là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, sức sống kiên cường và tình mẫu tử cảm động của các Haenyeo đã thu hút sự chú ý của đạo diễn điện ảnh Koh Hee-young. Trong suốt bảy năm liền, bà Koh lưu lại đảo Udo, khu vực hoạt động chính của các nữ thợ lặn, để quan sát và ghi lại những hình ảnh về cuộc sống của họ qua những thước phim, để đến nay, năm 2016, giới thiệu đến khán giả qua bộ phim tài liệu mang tên “Nín thở dưới nước” (tên tiếng Anh là “Breathing Underwater”).

Được ra đời sau bảy năm quay phim và một năm thực hiện hậu kỳ, phim tài liệu “Nín thở dưới nước” đã nhận được “Giải đặc biệt do hội đồng giám khảo bình chọn” tại Liên hoan phim quốc tế Jeonju lần thứ 17, diễn ra vào tháng 5 vừa qua. Bộ phim tiếp tục nhận được lời mời trình chiếu tại Liên hoan phim châu Á lần thứ nhất tại Luân Đôn và Liên hoan phim Hàn Quốc lần thứ 11 tại Luân Đôn, đồng thời được đài truyền hình quốc gia Thụy Điển và Ý giới thiệu. Trong dịp công chiếu tại Hàn Quốc vào tháng 9 vừa qua, hình ảnh nữ thợ lặn đảo Jeju được khắc họa trong bộ phim “Nín thở dưới nước” đã để lại cho khán giả những cảm xúc nghẹn ngào. Họ bày tỏ: “Câu nói “Dù được sinh ra lần nữa, tôi nguyện vẫn sẽ làm thợ lặn” trong phim để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc nhất. Các Haenyeo không bao giờ hối hận về nghề nghiệp vất vả mình đã lựa chọn, mà ngược lại, còn rất tự hào về công việc của mình.” “Bộ phim giúp tôi hiểu thêm về những nữ thợ lặn đảo Jeju. “Biển không quay lưng với chúng tôi. Cho dù tuổi già có khiến con người trở nên chậm chạp trên mặt đất, nhưng khi xuống biển, dù già hay trẻ, biển vẫn dịu hiền bao bọc lấy con người” là câu tôi tâm đắc nhất. Đạo diễn Koh Hee-young dường như đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức, để có thể lột tả trọn vẹn đời sống của những hải nữ Jeju, và tôi muốn dành một tràng pháo tay nồng nhiệt cho sự cống hiến của đạo diễn.

Ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết
Đạo diễn Koh Hee-young có 20 năm kinh nghiệm làm biên tập chương trình thời sự của đài truyền hình và là đạo diễn của hơn 100 tác phẩm phim tài liệu. Sinh ra tại vùng đảo Jeju, những biến cố cuộc đời cùng những ký ức đau buồn khiến bà quyết tâm quay trở lại Jeju và ở đây suốt bảy năm chỉ để thực hiện một bộ phim tài liệu. Bà cho biết: “Khi làm ở đài truyền hình, tôi đã làm việc chăm chỉ thâu đêm suốt sáng đến mức được đồng nghiệp gọi là người đàn bà thép. Đến năm 40 tuổi, tôi bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Cảm giác của tôi lúc đó giống như đang lái xe trên đường cao tốc bỗng phải tấp vào lề đường do sự cố. Thế rồi đột nhiên tối thấy nhớ biển vô cùng. Dù sinh ra ở đảo Jeju nhưng tôi lại rất ghét quê tôi. Mọi người thường thốt lên sung sướng khi thấy biển, còn với tôi, biển Jeju như một sợi dây định mệnh mà tôi không thể nào vượt qua, trong khi núi Halla như một khối đá đè nặng lên vai tôi. Chính vì vậy, tôi đã luôn muốn rời xa vùng quê nơi tôi sinh ra. Vậy mà tôi lại thấy nhớ vùng biển ấy vô cùng sau khi được tiêm phòng ung thư và bước ra khỏi bệnh viện.”

Về với biển, khi đứng ngắm nhìn những con sóng rì rào tung bọt trắng xóa, bà bị thu hút bởi hình ảnh các nữ thợ lặn. Bà nói thêm: “Những nữ thợ lặn của đảo Jeju đã làm công việc lặn biển từ khi tôi còn bé, vậy mà đến tận lúc đó, tôi mới thực sự biết đến sự tồn tại của họ. Tiếng thở của họ nghe như tiếng huýt sáo vui tai. Lúc bấy giờ, tôi thấy sợ cái chết vì đang trong quá trình trị liệu và theo dõi căn bệnh ung thư. Vậy mà những người phụ nữ đảo Jeju ngày ngày vẫn lặn sâu xuống vùng biển có thể cướp đi mạng sống và trở thành nấm mồ chôn của họ bất cứ lúc nào. Chứng kiến hình ảnh đó, tôi tự hỏi điều gì đã xóa tan nỗi sợ hãi trong họ. Tôi thấy khâm phục họ vô cùng. Đến khi chạm ngưỡng tuổi 40, tôi mới lần đầu tiên được nhìn thấy những hải nữ quê hương tôi.”

Tiếng huýt sáo ấy chính là Sumbi sori, tiếng thở của Haenyeo lúc trồi lên mặt biển mỗi khi cần lấy hơi sau thời gian dài nín thở. Đây là cách phục hồi chức năng hô hấp nhanh nhất được các Haenyeo tích lũy từ chính kinh nghiệm của bản thân. Âm thanh trong trẻo như tiếng chim sáo vọng đến tai của Koh Hee-young, người đang chiến đấu với bệnh ung thư trong sợ hãi, khiến bà quyết định thực hiện sứ mệnh đưa hình ảnh về những nữ thợ lặn đảo Jeju đến gần hơn với công chúng.

Hành trình gian nan đưa hình ảnh Haenyeo vào tác phẩm điện ảnh
Với kinh nghiệm làm việc hơn 20 năm trong lĩnh vực sản xuất phim tài liệu, cộng thêm khả năng nói lưu loát tiếng địa phương trên đảo Jeju, đạo diễn Koh Hee-young tràn đầy tự tin về dự án của mình mà không lường tới những khó khăn phía trước. Đạo diễn kể lại: “Khi đến nơi, mọi dự định của tôi đều sụp đổ. Ở đảo Udo có khoảng 360 nữ thợ lặn và tôi đã đến gõ cửa từng nhà, nhưng không một ai đồng ý thực hiện phỏng vấn. Có người còn ném đá về phía tôi và dọa sẽ ném máy quay xuống biển khiến tôi vô cùng sợ hãi.”

Phải đến sau này đạo diễn Koh mới biết, các nữ thợ lặn Haenyeo đảo Jeju sống dựa vào biển không muốn cho cả thế giới thấy hình ảnh hàng ngày họ phải đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, không muốn cho những người họ không quen biết nhìn thấy sự sợ hãi của họ trước biển cả. Đạo diễn Koh Hee-young cảm thấy xấu hổ về bản thân khi chỉ cố gắng đạt được mục đích mà không màng đến cảm nhận của người trong cuộc. Bà tạm ngừng việc quay phim và quyết định làm thân với họ trước. Đạo diễn nói: “Các cô thợ lặn ở đảo Udo rất thích bánh mỳ lúa mạch và bánh ngải cứu. Người dân đảo Jeju còn bày bánh trên mâm cúng vào ngày lễ tết, và từ lâu, bánh luôn được coi là thực phẩm quý. Tôi bắt đầu mua bánh đem đến tặng họ. Tôi chở một lượng lớn bánh trên xe đạp, để máy quay và trang thiết bị phía trước xe rồi đến từng nhà biếu. Ban đầu thì tôi vào đến sân, về sau tiến sâu vào hiên nhà, dần dần xin ngủ nhờ. Tôi cũng phát hiện được một điều quan trọng rằng văn hóa thợ lặn đảo Jeju là văn hóa cộng đồng. Ngay cả việc quyết định đi đánh bắt vào ngày nào cũng cần sự nhất trí của tất cả mọi người. Do đó, việc quay phim cũng phải nhận được sự đồng ý của tất cả mọi người. Tôi không muốn quay phim từng người mà muốn có cái nhìn tổng thể về cuộc sống của các nữ thợ lặn. Văn hóa cộng đồng cũng là một trong những giá trị quan trọng để đưa nghề lặn biển của phụ nữ đảo Jeju trở thành di sản văn hóa thế giới. Để được họ nhất trí cho phép quay phim, tôi đã phải mất đến hai năm thuyết phục.”

Mỗi khi rảnh rỗi, đạo diễn Koh Hee-young lại mang bánh đến từng nhà và theo chân những người phụ nữ ra biển, trông giữ giúp họ những chiến lợi phẩm thu được. Đến mùa đông hai năm sau... Đạo diễn Koh nhớ lại: “Đông đến, thời tiết lạnh nên các cụ bà thợ lặn thường đốt củi trong khi chờ thời điểm thích hợp để xuống biển. Tôi vác máy quay lẽo đẽo theo sau và đứng riêng một góc. Một ngày, Hội trưởng hội phụ nữ thuyết phục mọi người giúp đỡ tôi. Họ công nhận tấm lòng và sự vất vả của tôi khi muốn giới thiệu Haenyeo với công chúng. Các cụ bà bảo tôi “Cháu hãy quay phim mà cháu muốn”, khiến tôi cảm động rơi nước mắt. Thế rồi một người trong số họ kéo tôi lại gần đống lửa. Hơi ấm của đống lửa hay của những tấm lòng mà trong suốt hai năm qua tôi chưa từng được cảm nhận. Lúc cô ấy kéo tôi lại để sưởi ấm, tôi đã cảm động không nói nên lời.”

Mảng tối phía sau sự bình yên của biển khơi
Ngay sau khi thức dậy, những người phụ nữ chuẩn bị tư trang ra biển chờ thủy triều xuống. Lựa chọn thời điểm thích hợp, đoàn thợ lặn, dựa theo khả năng nín thở của từng người, chia thành nhóm thượng, trung và hạ. Cùng làm một công việc giống nhau mỗi ngày, mỗi người lại có những câu chuyện buồn khác nhau đem cất giấu trong lòng biển cả.

Bà cụ Kim Jung-ja năm nay 86 tuổi đã bị biển cướp mất người con gái. Con gái bà vốn lặn giỏi nhưng đã mãi mãi chìm dưới lòng biển sâu. Bà chia sẻ: “Theo lời bạn bè kể lại, hôm đó con gái tôi lượm được rất nhiều rong biển. Đến khi tất cả đám bạn đã lên bờ rồi mà vẫn không thấy nó đâu. Chúng ngó tứ phía, tìm xem con gái tôi có lên bờ theo hướng khác không. Hôm đó gió thổi rất mạnh. Về sau, cái cuốc và giỏ của con gái tôi được tìm thấy ở bên kia bờ.”

Con gái của bà Kim Jung-ja chỉ vì muốn lượm thêm chút hải sản đã phải bỏ mạng giữa biển khơi do nín thở quá lâu, dẫn đến thiếu oxy. Mỗi người thợ lặn đều biết giới hạn nín thở của mình, và họ phải ngoi lên mặt nước để thở trước khi vượt quá giới hạn sức chịu đựng. Thế nhưng, việc phát hiện một con bào ngư cũng đủ để ai đó nổi lòng tham mà quên đi khả năng giới hạn của bản thân và không kịp ngoi lên mặt nước. Bà Kim Jung-ja nói tiếp: “Dù đau lòng vì mất đi con gái, tôi không thể sống nếu không tiếp tục đi lặn vì vẫn phải nuôi con. Nếu vì đau buồn mà tôi tạm thời không xuống biển thì có thể mãi mãi tôi sẽ không thể tiếp tục công việc được nữa. Không lâu sau khi con gái mất, tôi lại tiếp tục đi lặn. Nhưng dù xuống biển, tôi cũng không lượm được thứ gì cả và thường tay không lên bờ.”

Yêu biển như hơi thở
Cả đời gắn bó với biển, những người phụ nữ đi lặn đảo Jeju đã trải qua biết bao câu chuyện đau lòng. Dù vậy, tình cảm họ dành cho biển vẫn luôn tràn đầy và vẹn nguyên. Các cụ bà Haenyeo tâm sự: “Biển là miếng cơm manh áo, là nhà, là ruộng đồng của tôi.” “Gia đình tôi đều sống nhờ vào biển. Nếu được sinh ra một lần nữa, tôi vẫn muốn là một người thợ lặn.” “Bây giờ tôi vẫn muốn lặn xuống biển. Tôi thấy hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy biển.”

Trải qua bảy năm bên cạnh những nữ thợ lặn đảo Jeju, đạo diễn Koh Hee-young nhận ra rằng hình phạt của biển cả đối với những người có lòng tham chính là mạng sống của họ. Bà tâm sự: “Tôi luôn nhớ đến lời nói của một bà cụ gắn bó cả đời với nghề lặn biển. Đó là hãy tìm khu vực biển phù hợp với hơi thở của mình và khi không còn chịu được, hãy lên bờ. Mọi việc chỉ thuận lợi nếu ở trong giới hạn, nếu lòng tham vượt quá giới hạn sức chịu đựng của con người, hậu quả sẽ là khôn lường. Lời dạy này cũng đúng với bệnh của tôi. Tôi bị bệnh có lẽ là do quá tham lam. Tôi cũng có nhiệt huyết, luôn muốn làm việc chăm chỉ, nhưng có lẽ tôi hợp với vùng biển nông nhưng vẫn cố gắng vùng vẫy ở vùng biển sâu.”

Đạo diễn Koh Hee-young không ngừng tự đặt câu hỏi cho chính mình, rằng mình có đang bơi ở vùng biển phù hợp với khả năng hay không. Cái giá của sự tham lam có thể là chính mạng sống. Lời dạy ấy của nữ thợ lặn đảo Jeju có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với đạo diễn Koh Hee-young, thôi thúc bà hoàn thành tác phẩm ghi dấu cuộc đời nữ thợ lặn Haenyeo đảo Jeju, để chia sẻ với công chúng về nét di sản văn hóa đáng quý này của Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập