Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Yoon Yi-soo, tác giả tiểu thuyết trên mạng Mây họa ánh trăng

2016-12-20

Phát sóng trong suốt hai tháng, từ tháng 8 đến tháng 10, bộ phim “Mây họa ánh trăng” của Đài truyền hình KBS khắc họa mối tình lãng mạn giữa Hoàng thái tử Yi Yeong và cô nàng Hong Ra-on giả thành thái giám đã thu hút người xem ngay từ những ngày đầu phát sóng. Bộ phim luôn giành vị trí dẫn đầu với tỷ suất người xem áp đảo so với các bộ phim phát sóng cùng giờ, cùng một cái kết có hậu làm hài lòng khán giả.

Lấy bối cảnh đầu những năm 1800, “Mây họa ánh trăng” đưa khán giả đến với mối tình ngọt ngào chốn cung đình của nhân vật chính là thái tử Hyomyeong (Hiếu Minh), con trai vua Sunjo (Thuần Tổ), vua đời thứ 23 của triều đại Joseon, và nhân vật giả tưởng Hong Ra-on, con gái của kẻ nghịch tặc. Bộ phim càng thêm phần kịch tính với cuộc chiến quyền lực giữa hoàng thất và dòng họ Kim gốc Andong. Xen lẫn yếu tố lịch sử và lãng mạn, xuyên suốt 18 tập, bộ phim luôn mang đến những thú vị cho người xem. Nguyên tác của bộ phim, bộ tiểu thuyết mạng “Mây họa ánh trăng”, cũng đã gây ấn tượng mạnh cho đạo diễn cùng các diễn viên với bố cục chặt chẽ và cốt truyện đa tuyến.



Mây họa ánh trăng – bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết trên mạng]
“Mây họa ánh trăng” thuộc loại tiểu thuyết trên mạng, được đăng trên trang web Naver kể từ mùa thu năm 2013 và kéo dài đến mùa thu năm 2014 với số lượt người xem lên tới hơn 50 triệu lượt. Độc giả không thể nào rời mắt khỏi ba nhân vật chính của bộ truyện, chàng thế tử Yi Yeong bề ngoài thô lỗ, hay cáu bẳn nhưng bên trong đầy dịu dàng, ấm áp, một nàng Hong Ra-on giả trai hoạt bát, trong sáng, người duy nhất có thể làm cho thái tử Yi Yeong nhiều phen đứng ngồi không yên, và chàng công tử Kim Yoon-seong chỉ biết lặng lẽ nhìn hai người còn lại hạnh phúc. Từ tác phẩm ấy, bộ phim chuyển thể cùng tên đã ra đời, để lại những ký ức sâu sắc trong lòng khán giả với những cảnh quay, lời thoại ấn tượng.

Khi Yoon-seong toan lôi Ra-on đi, thái tử Yi Yeong níu tay kéo cô trở lại, thẳng thừng tuyên bố “Ta không cho phép, đây là người của ta”. Lời thoại ấy đã làm rung động biết bao trái tim. Nhà văn Yoon Yi-soo chính là tác giả đã viết nên câu chuyện tình lãng mạn chốn cung đình khiến bao con tim xao xuyến. Một cô bé mọt sách sống hơn 10 năm tại nước ngoài, nay đã trở thành nữ hoàng của những tác phẩm lịch sử tình cảm, lãng mạn.

Yoon Yi-soo và thế giới văn thơ của riêng mình
Yoon Yi-soo tuổi mới lớn là cô bé yêu văn học, hễ cầm đến sách là phải đọc ngấu nghiến cho hết mới hài lòng. Chị thích đọc sách đến mức đã đọc qua tất cả các sách ở trường cũng như thư viện địa phương. Sau khi lật đến trang sách cuối cùng, chị thường mường tượng về cuộc sống sau này của nhân vật chính, những diễn biến tiếp theo của câu chuyện, và lấy đó làm nguồn cảm hứng viết tiểu thuyết. Những câu chuyện do Yoon Yi-soo sáng tác ngay từ nhỏ cũng đã được nhiều bạn bè biết đến. Với niềm đam mê văn học, lên đại học, Yoon Yi-soo chọn khoa sáng tác văn học nghệ thuật, nhưng lại vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình với quan điểm cho rằng đây là một ngành học không có tương lai. Chị buộc phải lựa chọn một chuyên ngành khác không liên quan, nhưng vẫn không từ bỏ đam mê viết văn của mình. Chị cho biết: “Tôi từng muốn trở thành đạo diễn điện ảnh. Mà đạo diễn điện ảnh thì cần phải có kịch bản. Vậy là tôi bắt đầu viết kịch bản và gửi cho các nhà sản xuất ngay từ khi lên đại học. Tôi còn gửi kịch bản phim truyền hình đến các cuộc thi nữa. Ngoài ra, tôi cũng tham gia sản xuất phim độc lập. Trong khi tôi vẫn chưa định hướng được cho tương lai, mẹ tôi khuyên tôi nên thi công chức, và tôi đã làm theo ý mẹ. Tuy nhiên, cuộc sống công sở sau đấy khiến tôi luôn mệt mỏi, bế tắc, cứ như có một bàn tay vô hình nào đó bóp nghẹn lấy cổ tôi, khiến tôi không chút hài lòng về cuộc sống.”

Mọi thứ trở nên vô vị, và Yoon Yi-soo bắt đầu rơi vào trạng thái bế tắc, vô định. Chị nói tiếp: “Khi đó, tôi rất thích phim điện ảnh của Anh với nhân vật là những người đàn ông lịch lãm. Tôi đã nghĩ rằng mọi người Anh Quốc đều nhã nhặn và lịch thiệp. Do đó, tôi quyết định đến Anh để học về điện ảnh và cả tiếng Anh. Tôi ngồi cả ngày trên phố chỉ để ngắm người qua lại. Tôi để ý đến hành động và lời nói của họ. Mỗi ngày tôi chọn một người rồi đi theo họ, nên cũng có lúc tôi bị hiểu nhầm thích người ấy. Tôi phán đoán suy nghĩ của họ thông qua hành động, đồng thời cố gắng tìm ra đặc trưng của mỗi người. Nhìn ngắm những người xung quanh rất thú vị, và đặc biệt là lại không tốn tiền.”

Năm 1997, Yoon Yi-soo mang theo người vỏn vẹn khoảng 1.000 USD đến châu Âu, đi qua nước Anh, Pháp, Đức,… Chị đi học vào ban ngày, đi làm thêm vào ban đêm và tận hưởng thú vui ngắm nhìn những người xung quanh mình. Gặp gỡ nhiều người giúp trí tưởng tượng của chị trở nên phong phú hơn, nhưng cũng khiến nỗi nhớ nhà, cảm giác trống trải trong chị lớn dần theo thời gian. Chị chia sẻ: “Tôi bắt đầu nhớ nhà, và để khỏa lấp nỗi trống trải, tôi bắt đầu viết văn. Tôi viết bất cứ khi nào thấy cô đơn. Khi đó cũng không còn trẻ nên tôi mơ về những tình yêu đẹp rồi biến chúng thành những đề tài cho truyện của mình. Ở Hàn Quốc có trang web chuyên đăng truyện theo kỳ. Tôi đã đăng bài của mình trên đó. Truyện của tôi sau đó nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Từng lời khen, lời động viên đã khiến tôi vô cùng cảm động.”

Sự xuất hiện của máy vi tính và internet đã khiến việc đăng truyện trực tuyến dài kỳ trở nên dễ dàng hơn. Từ đó, Yoon Yi-soo trở thành nhà văn, theo đuổi ước mơ mà chị vẫn ấp ủ bấy lâu. Những phản hồi từ độc giả chắp cánh cho trí tưởng tượng của chị, khiến những câu chuyện lãng mạn do chị sáng tác trở nên phong phú và được đẽo gọt tinh tế hơn.
Ban ngày làm việc và viết tiểu thuyết lãng mạn mỗi khi rảnh rỗi, đặt mình vào nhân vật trong truyện, yêu rồi chia ly. Yoon Yi-soo trải qua 10 năm thanh xuân tại nơi đất khách quê người trước khi trở về Hàn Quốc.

Theo đuổi tuyến nhân vật lịch sử
Chuyện tình lãng mạn đầu tiên của chị Yoon Yi-soo mang tên “Sulhwa” (Hoa tuyết) được phát hành năm 2006, kể về câu chuyện của công chúa Euisoon (Nghĩa Thuận), con gái vua Hyojong (Hiếu Tông), vị vua đời thứ 17 triều đại Joseon, được gả cho Cửu Vương dòng dõi hoàng tộc nhà Thanh, Trung Quốc. Đến năm 2011, câu chuyện về thái tử Yi Yeong và Hong Ra-on của truyện “Mây họa ánh trăng” được chấp bút. Nhà văn Yoon Yi-soo cho biết: “Ban đầu tôi chọn vua Heonjong (Hiến Tông) làm nhân vật chính cho truyện vì được biết đây là vị vua có tướng mạo đẹp nhất trong triều đại Joseon. Mỗi lúc buồn chán, tôi thường đến cung Changdeok (Xương Đức), lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về di sản. Khi đi đến khu Nakseonjae (Lạc Thiện Trai), hướng dẫn viên có nói đây là nơi do vua Heonjong (Hiến Tông), vị vua đẹp nhất triều đại Joseon, cho xây để dành tặng hoàng phi của mình. Sau một thời gian tìm hiểu, thay vì vua Hiến Tông, tôi lại thấy bố của ông là thái tử Hyomyeong (Hiếu Minh) có sức lôi cuốn hơn. Dù qua đời khi tuổi còn trẻ nhưng tôi nghĩ nếu ông còn sống, không biết lịch sử Joseon liệu đã thay đổi ra sao, và vị vua này có sức ảnh hưởng đến lịch sử Hàn Quốc như thế nào. Một mặt, tôi cũng thấy tiếc nuối khi hoàng tử Hyomyeong đã qua đời khi còn trẻ mà chưa kịp thực hiện những giấc mơ của đời mình. Vì vậy tôi đã viết truyện để phần nào an ủi vong hồn ông.”

Thái tử Hyomyeong (Hiếu Minh) sinh ngày 9/8/1809 là con trai cả của vua Thuần Tổ, đã thay cha phụ trách việc triều chính từ năm 18 tuổi do sức khoẻ của vua cha suy yếu. Thái tử Hiếu Minh có tài văn thơ xuất chúng, trong thời gian thay cha nhiếp chính đã luôn tìm cách khống chế các thế lực chính trị nhà ngoại, vốn đang lộng hành, khôi phục lại uy quyền của hoàng thất. Tuy nhiên, thái tử đã qua đời sau khi ho ra máu ở tuổi 21. Các học giả cho rằng thái tử Hyomyeong có tướng mạo và khí chất giống với bậc thánh quân Jeongjo (Chính Tổ), vị vua thứ 22 (1776-1800) của triều đại Joseon, và nếu không mất sớm, chắc hẳn đã làm thay đổi lịch sử của triều đại lúc bấy giờ. Tiếc nuối cho cuộc đời ngắn ngủi, nhà văn Yoon Yi-soo muốn trao cho ông một cuộc đời đầy đủ, dù chỉ là qua những trang sách chị vẽ. Chị cho biết: “Tôi không chỉ muốn mang đến cho khán giả câu chuyện tình lãng mạn của thái tử Hyomyeong mà còn muốn cho mọi người thấy tài năng giải quyết các vấn đề chính sự của thái tử như trấn áp thế lực nhà ngoại, gây sức ép với dòng họ Kim gốc Andong, đặt ra những quy định nghiêm ngặt. Một trong những cảnh tiêu biểu của bộ phim là cảnh ép lãnh tướng họ Kim thề một lòng trung thành với vua trong buổi yến tiệc được tổ chức khi thái tử thay vua cha phụ trách việc triều chính.”

Hoàn thành bố cục truyện “Mây họa ánh trăng” sau hơn hai năm lục tìm tài liệu, đến năm 2013, nhà văn Yoon Yi-soo gửi bản thảo đề xuất cộng tác với trang truyện trên mạng của Naver và nhận được sự đồng ý tuyệt đối. Chị Park So-ee, trưởng nhóm tiểu thuyết mạng Naver cho biết: “Sau khi nhận được bản thảo từ tác giả, chúng tôi tiến hành thảo luận nội bộ, và bộ truyện “Mây họa ánh trăng” của nhà văn Yoon Yi-soo đã nhận được sự đồng thuận của tất cả mọi người. Vì đây là dịch vụ chủ yếu dành cho điện thoại di động, chúng tôi đòi hỏi truyện phải có câu cú ngắn gọn, dễ đọc. Truyện của chị Yoon Yi-soo vừa đạt yêu cầu của một bộ truyện mạng nhưng vẫn mang giá trị văn học sâu sắc, giúp mở ra tương lai mới cho lĩnh vực truyện trên mạng.”

“Mây họa ánh trăng” ngay từ tháng đầu đăng đàn đã nằm trong số những bộ truyện có lượt người đọc cao nhất, và đến tháng thứ tư vươn lên vị trí dẫn đầu và chưa một lần để tuột vị trí cao nhất. Bằng sự kết hợp tài tình giữa những tuyến nhân vật có thật và giả tưởng, bộ truyện đã hoàn toàn chiếm được cảm tình của độc giả. Trưởng nhóm tiểu thuyết mạng, chị Park So-ee, nói: “Điểm mạnh của tác giả Yoon Yi-soo là sự tinh tế. Những câu chuyện tình cổ trang khó ở chỗ phải đem nhân vật lịch sử lồng ghép vào câu chuyện tình cảm lãng mạn. Tác giả Yoon Yi-soo là người nghiên cứu, phân tích tài liệu lịch sử rất kỹ lưỡng, đã khéo léo đưa các nhân vật lịch sử hóa thân thành nhân vật trong truyện có mối liên hệ với nhau qua những tình tiết, cảm xúc đan xen phức tạp. Đặc biệt, việc lồng ghép nhân vật hư cấu có tính cách hấp dẫn, lôi cuốn, giúp câu chuyện về nhân vật có thật trở nên nhẹ nhàng hơn. Các tình tiết, sự việc, cảm xúc trong truyện rất phong phú. Chị Yoon Yi-soo đã hoàn toàn nắm bắt được tâm lý của độc giả.”

Sau bộ truyện “Mây họa ánh trăng”, tác giả Yoon Yi-soo tiếp tục cho ra đời bộ truyện “Thần lâu giờ Hợi” vào mùa xuân năm 2015. Tên của bộ truyện được ghép từ hai từ: giờ Hợi, chỉ khoảng thời gian từ chín giờ đến 11 giờ đêm, và “Thần lâu”, cơ quan nghiên cứu hư cấu thuộc Jiphyeonjeon (Điện Tập Hiền), bộ phận phụ trách nghiên cứu trong cung đình.
“Thần lâu giờ Hợi” là câu chuyện xoay quanh nhân vật chính Yi Hyang, tức vua Munjong (Văn Tông), đời vua thứ năm triều đại Joseon, con trai cả của vua Sejong (Thế Tông: 1397-1450). Vua Munjong trong lịch sử được biết đến là một vị vua nhu nhược, nhưng lại có công lớn đối với sự nghiệp của cha mình là Thế Tông. Không được đánh giá cao trong lịch sử, nhân vật Văn Tông lại được nhà văn Yoon Yi-soo chú ý đến. Chị nói: “Trong ghi chép và những cuốn sách tôi đọc được có đoạn miêu tả về ngoại hình vua Munjong. Ông có bộ râu dài như Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa, cùng tướng mạo đầy uy quyền, khiến ngay cả em trai là vua Sejo (Thế tổ) về sau phản bội vương triều để chiếm đoạt ngai vàng cũng không dám ngẩng cao đầu. Tôi ngạc nhiên thắc mắc vì đoạn miêu tả không giống với những gì tôi biết về một vị vua hèn nhát, nhu nhược. Từ đó, tôi bắt đầu tò mò về vua Munjong. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết ông là người dốc sức củng cố binh lực, cải cách đất nước, đồng thời cùng cha mình là vua Sejong làm nhiều việc có ích cho đất nước. Chỉ vì thời gian trị vì quá ngắn ngủi mà mọi công lao của ông đã bị chôn vùi cùng thời gian, không được ai biết đến.”

Cái kết hạnh phúc cho những nhân vật lịch sử có số phận bất hạnh
Phần lớn các tác phẩm của Yoon Yi-soo đều lấy bối cảnh lịch sử, tiêu biểu như “Mây họa ánh trăng”, “Thần lâu giờ Hợi”, “Sulhwa”, cho đến “Hương tỳ bà” kể về tình yêu mãnh liệt trong hoàng tộc triều đại Silla, “Cung điệp” xoay quanh tình yêu của nàng công chúa có hình hài xấu xí do dịch bệnh. Đa số nguyên mẫu của các nhân vật chính đều là những nhân vật lịch sử có số phận bất hạnh, đã có thể mỉm cười trong tiểu thuyết của Yoon Yi-soo với kết thúc viên mãn. Nhà văn Yoon Yi-soo chia sẻ: “Tôi rất quan tâm, chú ý đến các nhân vật phải trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của cuộc đời, những nhân vật có cuộc đời ngắn ngủi hoặc gặp bất hạnh trong lịch sử. Tôi muốn họ được hạnh phúc, ít nhất là trong những câu chuyện do tôi viết, và mong muốn những độc giả khi đọc được câu chuyện của họ cũng sẽ mỉm cười. Tôi sống một mình đã lâu nên hiểu cảm giác cô đơn, trống trải. Vì thế, tôi muốn những người cùng cảnh ngộ có một chỗ dựa về tinh thần. Tôi muốn truyền hơi ấm cho họ qua những dòng văn, để độc giả luôn cảm thấy ấm áp mỗi khi đọc truyện của tôi.”

Lịch sử đã ghi lại những cuộc đời bất hạnh, nhưng trong tiểu thuyết, không gian lịch sử giả tưởng của Yoon Yi-soo, cuộc đời của các nhân vật được viết lại bằng niềm hạnh phúc. Qua truyện của Yoon Yi-soo, độc giả có dịp lật lại lịch sử trong mộng tưởng, cảm thương cho những nhân vật bất hạnh trong quá khứ. Đó cũng chính là lý do nhà văn Yoon Yi-soo trung thành với thể loại cổ trang lãng mạn. Chị chia sẻ: “Tôi muốn thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử theo cách thú vị hơn. Qua “Mây họa ánh trăng”, họ biết đến thái tử Hyomyeong và tò mò về cuộc nổi dậy của Hong Gyeong-nae. Hay khi đọc “Thần lâu giờ Hợi”, nhiều độc giả nói rằng họ đã có cái nhìn khác về vua Munjong. Vua Sejong vốn viết chữ rất xấu đến mức mỗi khi ban chiếu chỉ, các quan đại thần không thể đọc ra. Do vậy, Munjong, khi đó còn là thế tử, đã viết thay cha với nét chữ đẹp của mình. Chỉ với những chi tiết nhỏ, tôi muốn mang đến cho độc giả những câu chuyện thú vị về lịch sử nước nhà.”

Bằng việc lồng ghép những yếu tố giả tưởng, nhà văn Yoon Yi-soo luôn đem đến một kết thúc có hậu cho những bi kịch trong lịch sử. Nhờ có những câu chuyện lãng mạn của chị, độc giả có thể ngược dòng lịch sử qua những câu chuyện tình ngọt ngào với cái kết viên mãn.

Lựa chọn của ban biên tập