Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc

2010-05-18

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
Hẳn chúng ta đều biết tới bộ phim hài "Đêm kinh hoàng tại Bảo tàng" (Night at the Museum). Bộ phim đã gây được tiếng vang với ý tưởng kỳ lạ, để cho các vật trưng bày trong bảo tàng sống lại về đêm. Bộ phim được bắt đầu với việc nhân vật chính Larry Daley thất bại trong công việc và phải xin vào làm gác đêm cho một viện bảo tàng.
Phải chăng nơi trưng bày các hiện vật lịch sử đã kích thích tới trí tưởng tượng của con người, và đó chính là cái hay của việc thăm quan bảo tàng?
Hôm nay chúng ta sẽ cùng du lịch tới một viện bảo tàng lớn thứ 6 trên thế giới và lớn nhất ở châu Á. Đó chính là Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc.


[Lịch sử 100 năm của bảo tàng Hàn Quốc]

Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc nằm tại quận Yongsan thành phố Seoul, được mở cửa từ ngày 28 tháng 10 năm 2005. Tuy nhiên, lịch sử thực sự của nó bắt đầu từ 100 năm trước đây. Giám đốc bảo tàng Choi Gwang-sik giới thiệu: “Năm 1909 bảo tàng hoàng gia lần đầu tiên được mở cửa trong cung Changgyeong. Truyền thống của bảo tàng bắt đầu từ đây. Lịch sử đó tính đến nay đã được 101 năm và ai nấy đều ngạc nhiên về điều này. Ở châu Âu thì có nhiều, nhưng ở châu Á, ngoài bảo tàng Tokyo, bảo tàng của Trung Quốc cũng chưa được 100 năm tuổi. Có thể nói, trải qua thời kỳ đô hộ của thực dân Nhật và cuộc chiến tranh Triều Tiên, bảo tàng vẫn tồn tại và phát triển để gìn giữ di sản văn hoá và bản sắc dân tộc.”

Vua Sunjong (Thuần Tông), vị vua cuối cùng của triều đại Joseon vào ngày 1 tháng 11 năm 1909 đã cho xây dựng bảo tàng hoàng gia trong cung Changgyeong để trưng bày hơn 6.800 hiện vật như thư họa, đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ kim loại. Song, bảo tàng của Hàn Quốc cũng đã từng phải trải qua những biến cố thời thực dân Nhật thống trị và chiến tranh Triều Tiên. Giám đốc bảo tàng Choi Gwang-sik cho biết: “Bảo tàng chuyển về Yongsan vào năm 2005, nhưng trước đó cũng đã từng qua nhiều địa điểm khác. Ban đầu ở cung Changgyeong, qua cung Gyeongbok, đến cung Deoksu, rồi núi Namsan và sơ tán xuống cả Busan. Thời Nhật thuộc, thời chiến tranh, bảo tàng được chuyển đi nơi khác, rồi có lúc được đưa về tòa nhà của cơ quan hành chính trung ương nằm trong cung Gyeongbok. Nhưng do nơi này từng là phủ Tổng đốc và về sau nó được dỡ bỏ như một tàn tích của thời Nhật thuộc. Cứ thế, bảo tàng đã phải di chuyển tới khoảng 10 lần.”


[Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tại Yongsan, bảo tàng đứng đầu châu Á]

Tháng 5 năm 2009, 3 năm rưỡi sau khi được mở cửa lại, bảo tàng đã đạt con số 10 triệu khách tham quan. Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đứng đầu ở châu Á và đứng thứ 10 trên thế giới về số khách tham quan. Giám đốc Choi Gwang-sik giải thích: “Năm 2009, The Art Newspaper, một tạp chí chuyên về bảo tàng và mỹ thuật của Anh, thường ra thống kê hàng năm về lượng khách tham quan tại một số bảo tàng nổi tiếng trên thế giới. Năm ngoái, Hàn Quốc đứng đầu ở châu Á và đứng thứ 10 trên thế giới với 2 triệu 730 nghìn khách. Việc được xếp đứng đầu châu Á rất có ý nghĩa. Nếu tính diện tích kiến trúc thì bảo tàng Hàn Quốc đứng thứ 6, song tiêu chí đánh giá chất lượng của bảo tàng còn là số khách tham quan. Nhờ đó, Hàn Quốc đứng thứ 10, trong khi các bảo tàng có điều kiện sưu tầm tốt hơn như bảo tàng Cố cung của Đài Loan đứng thứ 12 hay bảo tàng Quốc gia Tokyo đứng thứ 14. Điều này cho thấy Hàn Quốc đã có nhiều cố gắng và giá trị thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc đã được nâng cao.”

Với tổng diện tích mặt bằng hơn 137 nghìn m2, bảo tàng dài 404 mét, bề rộng lớn nhất là 150 mét, chỗ cao nhất là 43 mét. Bảo tàng gồm có 1 tầng hầm, 6 tầng trên mặt đất với tổng cộng hơn 27 nghìn m2 diện tích trưng bày đồ vật và 33 nghìn m2 cho các dịch vụ như sân khấu diễn, giảng đường, khu ẩm thực và cửa hàng lưu niệm. Khách nước ngoài tìm tới đây không khỏi ngạc nhiên trước kiến trúc đồ sộ của bảo tang: “Khó có thể xem hết được mọi thứ trong bảo tàng, tôi phải xem những nơi tôi quan tâm trước rồi quay lại xem sau.”; “Điều gây cảm hứng nhất chính là bản thân kiến trúc của bảo tàng. Tất nhiên các di sản bên trong cũng ấn tượng. Thứ sáu này, tôi phải rủ các bạn tôi đi bảo tàng mới được.”

Có hai cách để tham quan bảo tàng có hiệu quả. Một là theo hướng dẫn viên tại khu trưng bày, hai là sử dụng dịch vụ hướng dẫn Mobile. Hướng dẫn tham quan dành cho khách trong nước hoạt động tại tất cả các khu trưng bày vào mỗi giờ, còn việc hướng dẫn cho khách nước ngoài bằng tiếng Anh, Nhật và Trung, thì có từ 1 đến 2 lần 1 ngày, thời gian hướng dẫn cũng khác nhau tùy theo từng thứ tiếng.

Nếu thời gian không cho phép đi theo chương trình này, bạn có thể lựa chọn phương pháp sử dụng Mobile. Thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân PDA cho thấy diện mạo của một cường quốc phát triển IT. Trưởng nhóm Im Seok-hyun nói: “Đây là thiết bị nghe nhìn giải thích về các hiện vật. Ở các bảo tàng nước ngoài khác, người ta bấm vào số và chọn hiện vật muốn được nghe hướng dẫn, còn ở đây, thiết bị này và các hiện vật có kết nối sóng thông tin với nhau. Chỉ cần đứng trước hiện vật là các lời giải thích sẽ tự động phát ra. Hiện có hỗ trợ 4 thứ tiếng là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Bạn cũng có thể nghe bằng một thứ tiếng rồi, đổi sang chọn bằng thứ tiếng khác. Tất cả đều gói gọn ở 1 thiết bị.”


[Khu Khảo cổ và Lịch sử]

Không gian trưng bày cố định của bảo tàng gồm có tất cả 6 khu. Đó là các khu Lịch sử, Khảo cổ, Mỹ thuật 1, Mỹ thuật 2, khu trưng bày hiện vật được tặng, khu trưng bày về châu Á. Để tham quan được hết các khu này phải đi bộ tới 4 km, trong khoảng 11 tiếng và du khách thường phải đến bảo tàng làm mấy lần mới tham quan hết được.

Bước vào trong bảo tàng, đứng giữa hành lang ta có thể nhìn xuyên suốt từ tầng 1 lên tầng 3. Cuối hành lang có tòa tháp mười tầng của chùa Kính Thiên (Gyeongcheon) từ thời Goryeo cao tới 13,5 mét. Trục đường chính giữa của bảo tàng được gọi là "Con đường lịch sử", hai bên là các phòng trưng bày hiện vật ở mỗi tầng.

Địa điểm đầu tiên có thể ghé xem là khu trưng bày Khảo cổ. Khu khảo cổ gồm 10 gian trưng bày các hiện vật có từ thời kì đồ đá cũ đến thời kỳ của nhà nước Balhae (698∼926). Khu Lịch sử lưu giữ hiện vật từ thời kì của các quốc gia Silla thống nhất, Balhae, Goryeo và Joseon. Với 2 khu trưng bày này, tầng 1 nhấn mạnh đến văn hóa và lịch sử của Hàn Quốc. Giám đốc bảo tàng Choi Gwang-sik giảng giải: “Tầng 1 có khu Khảo cổ và Lịch sử, nơi chúng ta có thể tìm hiểu bao quát về lịch sử của Hàn Quốc. Nếu đến các bảo tàng như của Anh và Mỹ, các bạn sẽ thấy đó không phải là lịch sử của nước sở tại, mà là nơi tập trung hiện vật của nhiều nước. Đây là nơi tốt nhất để khám phá lịch sử của Hàn Quốc. Ở bảo tàng Tokyo chủ yếu lưu giữ các tác phẩm mỹ thuật, còn ở Hàn Quốc, chúng ta có thể tự hào vì có được tất cả, từ khảo cổ, mỹ thuật, tới lịch sử.”

Tham quan khu Khảo cổ và Lịch sử, du khách gặp gỡ được với văn hóa và lịch sử 5 nghìn năm của Hàn Quốc, còn người Hàn thì ai cũng đều trỗi dậy niềm tự hào. Đối với các Hàn kiều ở Mỹ thì đây lại như một cơ hội để họ tìm về với quê hương, cội nguồn, một kiều bào tại Mỹ cảm nhận: “Tôi đến từ Mỹ đễ dự kỷ niệm 45 thành lập hội đồng môn của trường trung học. Mọi thứ ở đây đều trưng bày rất tốt. Có những thứ mà ngày xưa, khi còn học trung học cấp 2, cấp 3 tôi đã từng thấy. Lịch sử của Mỹ thì ngắn, trong khi Hàn Quốc có lịch sử lâu dài. Họ xây dựng như thế này khiến tôi luôn cảm thấy tự hào là người Hàn.”


[Khu Mỹ thuật số 1 và số 2]

Tầng 2 và 3 của bảo tàng trưng bày các tác phẩm mỹ thuật truyền thống tiêu biểu của Hàn Quốc. Khu Mỹ thuật số 1 giúp du khách có được cảm nhận về đường nét và màu sắc của nghệ thuật Hàn Quốc thông qua các bức tranh Phật cỡ lớn tới hơn 10 mét hay đồ gỗ mỹ nghệ tinh xảo. Khu Mỹ thuật số 2 là nơi mọi người chiêm ngưỡng được các tác phẩm chủ đạo về mỹ nghệ và điêu khắc của Hàn Quốc. Chẳng hạn như bức tượng Phật bắt chân ngồi suy tư, bảo vật quốc gia số 83 có tên gọi là "Nụ cười của người Hàn Quốc" hay các đố sứ xanh thời Goryeo, sứ trắng thời Joseon, và các loại đồ mỹ nghệ kim loại... Khách tham quan nước ngoài trầm trồ khen ngợi: “Các sản phẩm bằng kim loại rất hoàn hảo và ấn tượng. Lúc bấy giờ chưa có các công cụ như bây giờ, thế nhưng sản phẩm được làm ra lại rất tinh xảo, tỉ mỉ và chi tiết, rất là đẹp.”; “Tôi thấy ngạc nhiên vì nhiều di vật cổ, đặc biệt là các tác phẩm nghệ thuật về Phật giáo có quy mô rất lớn. Rất ấn tượng vì chúng thật tinh xảo.”


[Khu trưng bày Châu Á]

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc không chỉ là nơi lưu giữ tài sản văn hóa của mỗi Hàn Quốc. Tại khu trưng bày Châu Á, còn có các di vật xưa của Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Á, Trung Quốc, Nhật Bản, và các vương quốc cổ khác của phương Đông. Ngoài ra, nơi đây còn có các chương trình triển lãm đặc biệt và triển lãm theo chủ đề. Triển lãm gần đây nhất mang tên "Con người và các vị thần của Hy Lạp"... Trưởng ban phụ trách Lee Gi-jeong cho biết: “Triển lãm đặc biệt đang được tổ chức hiện nay là triển lãm trưng bày các di vật của Hy Lạp mượn từ các bảo tàng lớn của Anh. Chúng tôi đang tiến hành một chuỗi các triển lãm về văn minh của thế giới. Năm 2008 chúng tôi đã bắt đầu mở triển lãm về Ba Tư, năm 2009 triển lãm về Ai Cập, từ cuối năm ngoái cho đến tháng 3 năm nay trưng bày về văn minh Inca ở Nam Mỹ và lần này là về Hy Lạp. Cuối năm nay chúng tôi dự định sẽ mở sự kiện đặc biệt về Con đường tơ lụa. Tiêu biểu trong triển lãm Hy Lạp cổ đại là tượng người ném đĩa, tượng của thần Zeus và các vị thần khác. Còn như ở triển lãm hoa mẫu đơn vốn được nhiều người biết đến nhất, lần đầu tiên sau 80 năm chúng tôi đã cho ra mắt trở lại 10 bức bình phong hoa mẫu đơn cỡ lớn và xây dựng hơn 10 điểm trưng bày các bức họa mẫu đơn của triều đại Joseon của Hàn Quốc. Đối với triển lãm kiến trúc đồ gỗ, chúng tôi sản xuất và trưng bày các mô hình thu nhỏ về làng nông nghiệp Hàn Quốc thủa sơ khai, về kiến trúc đồ gỗ thời Joseon... Trong số đó có cả mô hình của cửa Nam Sungnyemun bị đốt cháy và Gwanghwamun, cửa chính Nam của cung Gyeongbok nơi đang được trùng tu.”

Đặc biệt 10 tấm bình phong hoa mẫu đơn cỡ lớn được tạo ra vào thời kỳ Joseon từ nửa cuối thế kỷ 18 đã thu hút được sự quan tâm của du khách. Khi được trải ra, bình phong có tổng chiều dài là 580 cm và chiều cao là 194 cm. Cả 10 tấm bình phong xếp thành một hình ảnh tuyệt đẹp với những bông hoa mẫu đơn đua nhau nở trên một quả đồi.


[Khu vườn quanh bảo tàng và công viên tượng đá]

Rời khỏi phòng trưng bày, quay bước trở về mà ai nấy đều cảm thấy tiếc nuối! Một điểm nhấn khác của Bảo tàng Quốc gia chính là khu vườn mang đậm đặc điểm phong cảnh của Hàn Quốc và một công viên tượng đá với những tòa tháp, ngọn đèn hay bia đá là những bảo vật của quốc gia. Trưởng ban phụ trách Lee Gi-jeong tiếp tục giải thích: “Bảo tàng của chúng tôi khác với các bảo tàng nước ngoài ở chỗ có vườn ở xung quanh. Công viên tượng đá gồm những di vật là niềm tự hào của Hàn Quốc. Trong công viên cũng trồng đa dạng nhiều loại hoa rừng mà chúng tôi có chương trình giới thiệu vào mùa hè. Trong vườn có ao Gương, có thác nước. Có quán ăn bên bờ ao và tới đây vào buổi tối, vừa có thể thưởng thức những món ăn ngon vừa ngắm được nhiều phong cảnh đẹp. Trước ao Gương có đình Cheongja (Thanh Từ) nghĩa là đình sứ xanh. Gốm sứ xanh là một trong những niềm tự hào nhất về di vật truyền thống của chúng tôi và Tòa đình này có lợp mái sứ xanh.”

Kỷ niệm 100 năm mở cửa bảo tàng của Hàn Quốc, đình Thanh Từ có nghĩa là đình sứ xanh được tái hiện bằng các sản phẩm ngói bằng sứ của đình Dưỡng Di, một tòa đình trong biệt cung của thời Goryeo. Qua một chiếc cầu uốn lượn để bước lên đình Thanh Từ, tại đây ta sẽ được chiêm ngưỡng một phong cảnh hoàn toàn khác với lúc đi dạo quanh ao Gương. Mái đình có độ cao vừa phải, khoảng cách giữa các cột đình rất đều đặn, phía dưới có nước chảy như quấn lấy quanh đình còn ở giữa đình là một không gian nhỏ, đủ để 2, 3 người có thể quây quần ăn uống. Trong không gian này, chúng ta sẽ có được cảm giác thanh tao sảng khoái giữa thiên nhiên.


[Khu bán đồ lưu niệm của bảo tàng]

Kết thúc một ngày ở Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, ai cũng muốn có cho mình một vật kỷ niệm. Chúng ta hãy đến với cửa hàng bán đồ lưu niệm nằm ở tầng 1 của bảo tàng.
Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc có tất cả 4 cửa hàng bán sản phẩm tượng trưng cho bảo vật của Hàn Quốc như các đồ trang sức, văn phòng phẩm, đồ dùng sinh hoạt v.v... Một chiếc ô có bức họa của Kim Hong-do, họa sĩ tranh phong tục nổi tiếng giai đoạn cuối thời Joseon hay một chiếc túi vẽ hoa cỏ côn trùng của Sin Saimdang, một nữ họa sĩ, một người vợ đảm, mẹ hiền của giai đoạn giữa thời Joseon... Tất cả đều đem lại cho du khách những kỷ niệm đáng nhớ. Chúng ta hãy cùng nghe cảm nhận của du khách về chuyến thăm bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc: “Tôi thấy hay vì ở đây các hiện vật được chia theo từng thời đại, và theo địa điểm, giúp tôi có thể so sánh được các vùng miền và đặc trưng của chúng. Có lẽ đó chính là ưu điểm của bảo tàng.”; “Tôi đang cùng các cháu xem nhạc kịch. Mỗi lần tới đây đều có biểu diễn, hôm nào thời tiết đẹp có cả biểu diễn ở sân khấu ngoài trời, hay các lễ hội âm nhạc. Tôi rất vui vì có thể thưởng thức văn hóa ở nhiều phương diện khác nhau.”; “Đương nhiên là tôi muốn giới thiệu nơi đây cho các bạn của tôi. Nơi đây đẹp và có nhiều thứ đáng xem, có nhiều thứ để học tập. Ở đây có tour theo các thứ tiếng, đặc biệt là có tiếng Anh, nên dễ hiểu hơn là phải tự đi tìm để đọc. Tôi vui vì có thể đến gần hơn với Hàn Quốc hơn thông qua tiếp xúc với lịch sử Hàn Quốc. Bảo tàng này rất có ích cho tôi.”

Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc là nơi làm sống lại 5000 năm lịch sử và văn hóa rực rỡ của quốc gia. Bảo tàng đang chờ đón các bạn với các hiện vật trưng bày đa dạng và quý báu cùng những dịch vụ hiện đại, tiện lợi để bạn có 1 khoảng thời gian đầy bổ ích và thú vị.

Lựa chọn của ban biên tập