Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Đường bờ tường đá và điện Jungmyeong của cung Deoksu

2010-11-23

Đường bờ tường đá và điện Jungmyeong của cung Deoksu

Nói đến Gwanghwamun (Quang Hóa Môn) ở Seoul, chúng ta thường liên tưởng tới một địa điểm tập trung các cơ quan hành chính như Phủ tổng thống hay trụ sở các bộ ngành, tạo cảm giác nghiêm trang, cứng nhắc. Thế nhưng, xung quanh nơi này lại có rất nhiều con đường tản bộ thơ mộng. Đặc biệt, có một địa danh từ trước đến nay không mấy đổi thay, là nơi chứa đựng kỷ niệm của nhiều người, qua nhiều thời đại. Đó chính là đường Doldam nghĩa là đường bờ tường đá ở cung Deoksu (Đức Thọ).

[Đường Doldam ở cung Deoksu]

Vào mùa thu, con đường dọc bờ tường đá của cung Deoksu phủ đầy lá cây Ngân hạnh vàng óng, thật đẹp và tao nhã. Lúc này ta mới hiểu, tại sao mọi người ở đây đều thong dong tản bộ, tại sao sánh bước bên người yêu lại mới thấy được cảnh đẹp.
Chuyến tản bộ bắt đầu từ Daehanmun (Đại Hán Môn) nằm đối diện với quảng trường Tòa thị chính Seoul. Xuống ga tàu điện ngầm có tên gọi Tòa thị chính, điểm giao cắt giữa tuyến tàu số 1 và số 2, lần theo lối ra hướng cung Deoksu, chúng ta sẽ gặp Daehanmun, cửa chính của cung Deoksu. Đường dọc bờ tường đá của cung Deoksu dài khoảng 1,5km, mất chừng 30 phút đi bộ, thế nhưng khi đã qua thì dư âm sẽ còn đọng lại mãi. Điểm nhấn của con đường này chính là hàng cây Ngân hạnh được trồng đều đặn cách nhau hơn một sải tay. Tản bộ dưới những tán lá vàng ươm rực rỡ, ta như cảm nhận được hết vẻ đẹp của tiết trời thu.
Đi bộ theo con đường từ cửa Daehanmun, chúng ta sẽ thấy bên tay trái là Bảo tàng Mỹ thuật Seoul, qua bảo tàng này sẽ là nhà thờ Jeongdong với những bức tường gạch đỏ cổ kính. Nhà thờ được xây theo kiến trúc kiểu Gothic vào năm 1897 là nhà thờ Tin lành đầu tiên của Hàn Quốc. Chúng ta như đang đứng trước một bức tranh có nhà thờ cổ kính lâu năm nằm tĩnh lặng bên những cánh lá vàng, lá đỏ của mùa thu.
Xung quanh cung Deoksu đều có những địa danh mang dấu ấn lịch sử cận đại của Hàn Quốc. Nơi đây tập trung các cơ quan, công sở nước ngoài từ cuối thế kỷ 19 và cũng là nơi các nhà truyền đạo tới xây dựng nhà thờ và trường học. Nhờ đó, mà khu Jeongdong này được biết đến với một loạt kiến trúc như trường học Baejae, cơ sở giáo dục hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc được xây năm 1885, trường học Ehwa xây năm 1886, khách sạn kiểu phương Tây đầu tiên của Hàn Quốc do một phụ nữ người Nga tên là Antoinette Sontag dựng nên vào năm 1902. Hiện tại chỉ còn lại khu đất của khách sạn Sontag này. Trong rất nhiều các công trình kiến trúc lịch sử, có một địa điểm đặc biệt không thể bỏ qua. Đó chính là điện Jungmyeong (Trùng Minh Điện) nằm cạnh rạp hát Jeongdong. Mùa hè năm ngoái, điện đã mở cửa cho dân chúng thăm quan sau khi được khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.

[Điện Jungmyeong]

Điện Jungmyeong là một tòa nhà 2 tầng xây gạch đỏ theo kiểu dáng thời phục hưng, là công trình kiến trúc cận đại theo kiểu phương Tây đầu tiên trong cung điện. Tuy nhiên, một bờ tường ngăn cách giữa điện Jungmyeong và cung Gyeongun (Khánh Vận Cung), tên gọi trước của cung Deoksu đã đẩy điện Jungmyeong ra phía ngoài. Dù mang dáng vẻ tinh túy thời cận đại, nhưng kiến trúc nơi đây lại có cảm giác đơn độc bởi nó bị coi là khởi đầu cho một thời kỳ lịch sử khuất nhục. Khách tham quan cảm nhận: “Tầm nhìn ra xung quanh đều bị chặn lại. Chỉ có đơn độc một tòa nhà, nên cảm thấy thật cô đơn, lẻ loi.”; “Đây là kiến trúc cận đại mà nhìn vào không ai có thể bảo là có từ thời Joseon. Nghe nói vua Gojong (Cao Tông) rất yêu thích nơi này. Được biết gạch đỏ xây ở đây là nguyên vật liệu thịnh hành lúc bấy giờ. Tòa nhà có hành lang thông ra ngoài không cần cửa sổ, là nơi để hóng gió. Tôi thấy có lẽ đó là điểm hấp dẫn nhất.”; “Trông không giống một tòa nhà của ngày xưa. Không biết có phải do mới khôi phục lại hay không, mà tôi thấy rất giống nhà hiện đại. Dù sao vì đã biết được lịch sử địa điểm này nên tôi cũng cảm thấy có chút cay đắng trong lòng.”
Điện Jungmyeong, tên tiếng Hán là "Trùng Minh Điện" có ý nghĩa chỉ vào tòa điện luôn có sự quang minh tiếp nối. Được kiến trúc sư người Nga Aleksey Seredin-Sabatin thiết kế vào năm 1897, nghe nói điện vốn được xây làm thư viện cho hoàng thất trong cung nên ban đầu có tên là Suokheon (Thấu Ngọc Hiên). Về sau, đến năm 1904, khi cung Doeksu bị hỏa hoạn, vua Gojong đã chuyển chỗ ở về đây và đổi tên là điện Jungmyeong. Tòa nhà này mang ý nghĩa lịch sử chính là vì 100 năm trước, số phận nhà nước Đại Hàn Đế Quốc của triều Joseon đã được định đoạt tại đây. Hướng dẫn viên Im Mee-hyun giải thích: “Đây là địa điểm lịch sử nơi xảy ra sự kiện triều Joseon bị tước đoạt quyền ngoại giao, thông qua Điều ước Ất Tị năm 1905. Ngoài ra, đây cũng là nơi hoàng đế Gojong đưa ra nước cờ cuối cùng, bí mật cử đại sứ tới La Hay, Hà Lan để thông báo cho phương Tây biết về những sai trái của điều ước này.”

[Nơi in dấu lịch sử đáng buồn của Đại Hàn Đế Quốc]

Sáng sớm ngày 18/11/1905, thực dân Nhật đã cho quân đội đột kích vào điện Jungmyeong, đe dọa vua Gojong cùng quần thần, tước đoạt đi quyền ngoại giao của nhà nước Đại Hàn Đế Quốc, đồng thời cũng lập ra Phủ Thống giám, biến Joseon thành nước dưới quyền bảo hộ của mình. Bản báo cáo của Tòa công sứ Mỹ vào ngày 20/11/1905 mô tả rõ bối cảnh lúc bấy giờ: “Cung nằm cách Tòa công sứ chưa đầy 23 mét, như chỉ ngăn nhau bởi một bức tường thấp. Hôm đó trời trong xanh, trăng rọi sáng trên cao. Chúng tôi thấy hiến binh và cảnh sát Nhật ập vào chiếm giữ khu hành lang nơi hội họp và cửa ra vào duy nhất ở phía sau cung.” Và theo báo cáo của Tòa công sứ Đức tại Hàn Quốc ngày 18/11/1905 thì lịch sử đáng buồn của Đại Hàn Đế Quốc đã được định đoạt như vậy: “2 giờ sáng ngày hôm kia, trừ quan Tổng lý ra, toàn bộ quan lại đại thần đều bị cưỡng ép và đe dọa phải đóng dấu vào giấy tờ do người Nhật chuẩn bị.” Ở tầng 1, hướng dẫn viên Im Mee-hyun giải thích: “Tầng 1 có 4 phòng triển lãm. Trong số đó, phòng triển lãm số 2 được cho là nơi diễn ra việc ký kết điều ước Ất Tị. Vì thế, chúng ta nên qua đó xem. Tại đây có các vật trưng bày về nội dung điều ước, bối cảnh ký kết, về quá trình tiến hành ký kết điều ước, những nhân chứng hay các hình thức thể hiện văn bản điều ước này không theo một quy cách nào cả.”
4 phòng nằm ở tầng 1 của điện Jungmyeong giữ nguyên cách sử dụng từ 100 năm trước đây. Đó là 4 phòng được sắp xếp làm phòng triển lãm. Ở mỗi phòng đều thấy có dấu vết của các lò sưởi xây úp vào tường. Phòng triển lãm số 2 ở bên tay trái của lối vào được cho là nơi diễn ra việc ký kết Điều ước Ất Tị, ở giữa có đặt 1 chiếc bàn hình chữ nhật và có tấm bảng giới thiệu về quá trình ký kết điều ước này.
Phòng triển lãm số 3 là nơi trưng bày các nội dung mà Hàn Quốc muốn thông báo cho cơ quan ngôn luận nước ngoài biết về sự phi lý của điều ước Ất Tị. Phòng triển lãm số 4 là nơi giới thiệu về quá trình vua Gojong cử đại sứ tới La Hay. Và trên đường lên tầng 2, du khách chú ý tới những phiến đá lát hành lang lạ mắt. Hướng dẫn viên Im Mee-hyun giới thiệu: “Đá lát ở hành lang tầng 1 là đá men rạn Mosaic theo kiểu Nga từ 100 năm trước đây. Để bảo tồn lớp đá này, một lớp kính được trải lên trên. Qua đây, có thể thấy được hình ảnh Hàn Quốc hiện đại hóa như thế nào từ 1 thế kỷ trước.”
Tầng 2 là nơi vua Gojong tiếp kiến, gặp gỡ sứ thần nước ngoài. Bước vào cửa, chúng ta sẽ thấy có bức tranh vua Gojong ở ngay chính diện. Vị hoàng đế đang xuất hiện trong chiếc áo bào màu vàng: “Đây là tranh vẽ hoàng đế Gojong. Hoàng đế Gojong qua đời vào tháng 1 năm 1919, nhưng bức tranh này được cho là vẽ vào khoảng từ sau đó đến trước năm 1920. Trường hợp tranh vẽ vua sau khi đã qua đời thì có tấm hiệu bài cạnh nhà vua như thế này.”
Phía trên địa điểm đặt lò sưởi có treo một chiếc quốc kỳ của Hàn Quốc trông rất cũ. Đây là cờ Taegeukgi (Thái Cực kỳ) lâu đời nhất trong số những lá cờ còn lại hiện nay: “Cờ Taegeukgi chúng ta thấy ở đằng kia từng được vua ban cho một người làm cố vấn ngoại giao có tên là Owen Denny vào năm 1880. Cố vấn ngoại giao này quay về Mỹ vào năm 1890 và đã mang theo cả lá cờ. Đây chính là lá cờ trong bức ảnh này. Nó được làm to ra và màu sắc rõ ràng hơn. Đây là lá cờ lâu đời nhất trong số Taegeukgi còn lại hiện nay.”
Trên bục có tấm bình phong thêu những cành mai, và ở đây có hộp kính trưng bày ngọc tỉ, và con triện vàng hình rùa, những thứ vua Gojong từng sử dụng trước đây. Ở một góc của gian trưng bày, những giai điệu nhạc đang vang lên: “Ở đây có âm nhạc. Có lẽ các bạn chưa bao giờ được nghe loại nhạc này phải không? Nó được sáng tác bởi nhà soạn nhạc người Đức Franz Eckert và từng là quốc ca của Đại Hàn Đế Quốc. Bài hát này được chỉ định là quốc ca vào năm 1902 nhưng đến năm 1910, khi Hàn Quốc bị sát nhập vào Nhật Bản thì đã được thay bằng Kimigayo, quốc ca của Nhật Bản. Điều thú vị là người sáng tác ra Kimigayo không ai khác chính là Franz Eckert, tác giả của quốc ca Đại Hàn Đế Quốc.”
Tham quan xong tầng 2, khi quay bước trở ra, bỗng dưng du khách có cảm giác trĩu nặng trong lòng: “Để cho người Nhật tới đây, trực tiếp xem những hình ảnh này, rồi quay về kể cho mọi người ở xung quanh họ biết rằng khi đó nước Nhật đã sai trái như thế nào và sự thật lịch sử đã được sáng tỏ ra sao.”; “Nơi đây có ý nghĩa thật sâu sắc. Dù bây giờ mới mở cửa công khai, nhưng tôi thấy may vì rốt cuộc mọi người có thể tham quan tìm hiểu về lịch sử của Hàn Quốc.”
Rời khỏi điện Jungmyeong, du khách tiếp tục tham quan trên con đường dọc bờ tường đá trang nhã và tĩnh lặng. Trước mặt mọi người là một quả đồi thấp với đường lên xuống, giống với những bước thăng trầm của đời người. Ai nấy đều vừa cất bước vừa chìm vào suy nghĩ: “Bây giờ tiếp tục đi dạo, và suy ngẫm lại những lời giải thích của hướng dẫn viên mới thấy cố cung này có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Sẽ hay hơn nếu chúng ta tới đây không chỉ đơn thuần để xem một công trình kiến trúc, mà còn để biết rõ hơn là công trình đó được xây thế nào và xây với ý nghĩa gì.”

Qua Gallery Jeongdong và Bảo tàng Lịch sử Đội quân Cứu tế cũng như trường tiểu học Deoksu, những địa danh in dấu thời cận đại của Hàn Quốc, từ lúc nào không hay con đường đã thông ra khu quảng trường Gwanghwamun. Đi dạo theo con đường bờ tường đá của cung Deoksu, bạn sẽ có được những kỷ niệm đẹp và những giây phút lãng mạn. Bạn cũng được đi ngược thời gian, trở về với lịch sử của 100 năm trước, thời Đại Hàn Đế Quốc. Hãy cất bước trên con đường của ngày hôm nay, của thế kỷ 21 để nghe lại những câu chuyện xưa và chìm vào suy ngẫm.

Lựa chọn của ban biên tập