Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Bảo tàng trà ở phường Insa

2010-12-07

Bảo tàng trà ở phường Insa

Ngày 7 tháng 12 này là ngày Đại tuyết, tiết khí thứ 21 trong 24 tiết khí của 1 năm. Đây được cho là ngày có nhiều tuyết rơi và rét nhất trong năm, nên cứ đến dịp này nhiều người lại muốn được ngắm những bông tuyết bay lất phất bên những khung cửa sổ. Bưng chiếc cốc có những lá trà được đổ ngập nước sôi tỏa khói nghi ngút mà thấy hương thơm của trà cùng hơi ấm đang tỏa ra khắp cơ thể, xua tan đi mọi nỗi mệt nhọc trong ngày. Chuyến du lịch bước vào mùa đông, mùa khiến con người ta liên tưởng tới những tách trà ấm áp của ngày hôm nay chính là một bảo tàng trà.

[Bảo tàng trà ở phường Insa]

Xuống ga Anguk tuyến tàu điện ngầm số 3 của thành phố Seoul, ra cửa số 6, ta sẽ gặp lối vào khu phố của phường Insa. Từ đây, mất chừng 5 phút đi bộ, đến ngã tư Insa, rẽ sang ngõ bên phải, chúng ta sẽ thấy có một bảng hiệu với hàng chữ màu trắng "Bảo tàng trà Đẹp". Bề ngoài của bảo tàng được cải tạo theo kiểu dáng nhà truyền thống của Hàn Quốc. Ở lối vào có một tấm bảng ngay ngắn với hàng chữ "Bảo tàng, Gallery, Gian hàng bán trà, Quán trà - cà phê. An Song-I, nhân viên phụ trách của Bảo tàng trà giới thiệu: “Đây là không gian phức hợp về văn hóa trà. Tại cửa hàng của chúng tôi có trưng bày hơn 100 loại trà và có đủ các loại dụng cụ để pha trà. Phòng Gallery có chương trình triển lãm của các nghệ nhân trà đạo. Ở giữa là không gian quán trà-cà phê, nơi mọi người có thể nghỉ ngơi, uống trà.”
Qua 5 bậc cầu thang bằng đá hoa cương, du khách đã bước vào không gian bên trong của bảo tàng trà.
Những giai điệu nhạc truyền thống du dương cùng hương thơm của trà đang lan tỏa khắp không gian của bảo tàng. Ấn tượng đầu tiên đến với du khách là hình ảnh rất đỗi cổ kính của bảo tàng qua cánh cổng và mái hiên theo kiến trúc kiểu truyền thống. Chị An Song-I tiếp tục cho biết: “Tòa nhà này được xây lại theo kiểu Hanok, nhà truyền thống của Hàn Quốc. Trước tiên, khi vào bảo tàng trà của chúng tôi, mọi người sẽ thấy một cánh cổng rất là cổ kính. Bước qua cổng này là nhà Hanok. Tất cả cột nhà đều bằng gỗ, đem lại cảm giác ấm cúng cho du khách khi uống trà. Ở chính giữa có cả những cây trà.”
Ở một bên tường là giá trưng bày màu chàm, cao tới đầu người, bày các bình, các hộp đựng nhiều loại lá trà. Qua khu giá trưng bày, du khách sẽ đến với gallery, nơi triển lãm các loại dụng cụ pha trà truyền thống. Chị An Song-I giải thích: “Nếu nói về lịch sử đồ uống trà của Hàn Quốc thì phải tính từ thời Silla. Trong tài liệu lịch sử "Tam Quốc sử ký" của Hàn Quốc đã có ghi chép như vậy. Nó được bắt đầu với những bát uống loại trà bằng bột chứ không phải hình thức trà lá như chúng ta uống hiện nay. Loại trà lá với dụng cụ pha trà chúng tôi sử dụng ở đây có từ khoảng thế kỷ 17. Như mọi người thấy, đây là bát uống trà thuộc loại đồ gốm sứ xanh thời Goryo (thế kỷ 10 - thế kỷ 14). Thời Goryo, gốm sứ xanh rất nổi tiếng. Người ta giã trà thành bột vào đó, rồi đổ nước sôi lên. Hiện có rất nhiều loại di vật còn lại. Trong đó có cả các di vật của Trung Quốc, Tibet. Di vật của Hàn Quốc gồm có đa dạng nhiều loại, như bát uống trà, chén uống trà từ thời Goryo.”

[Trà đạo và các loại trà truyền thống]

Tại bảo tàng trà, nhân viên phục vụ đang hướng dẫn cách uống trà cho du khách. Đặc biệt, một phần thưởng dành cho du khách là họ có thể uống trà bằng những bộ ấm chén pha trà mà họ ưng ý trong số các đồ uống trà trưng bày tại Gallery.
Boseong của tỉnh Nam Jeolla và Hadong của tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc là 2 vùng có những vườn trà nổi tiếng, thế nhưng món trà được chuẩn bị để phục vụ du khách hôm nay lại là Hwang-cha, đặc sản của đảo Jeju. Hwang-cha có nghĩa là "Hoàng trà" hay “Trà vàng”, do lá của nó được đem phơi nắng, làm chuyển sang thành màu vàng. Đây là loại trà nổi tiếng của Hàn Quốc, được biết là có tác dụng đẩy khí lạnh ra khỏi cơ thể, tốt cho người đang bị cảm cúm.
Khi thưởng thức trà, dụng cụ uống trà cơ bản gồm có ấm đun nước, bình, ấm pha trà, chén trà, khay đựng chén trà, giá đỡ nắp ấm trà, bát đổ bã và nước trà, bát để sẻ hay làm nguội bớt nước pha trà, mạng lọc trà v.v... Nước sôi được đổ vào ấm pha trà gọi là Dagwan. Trà được pha và ngâm cho ngấm tại đây. Chỉ để trà ngấm khoảng 1 phút, và trong thời gian đó, người ta làm ấm lại các chén trà. Sở dĩ vì nước trà nóng mà đổ vào chén lạnh thì sẽ mất đi vị ngon vốn có của trà. Bây giờ đã đến lúc du khách có thể thưởng thức hương vị độc đáo của Hwangcha tới từ đảo Jeju rồi. Nhân viên phục vụ tại đây giới thiệu: “Mọi người thấy màu nước trà đẹp không. Nước trà có màu vàng đậm giống như màu vàng được kết hợp với màu vàng nâu của mù tạc vậy. Vì thế người ta mới gọi trà này là Hwang-cha. Màu của chén trà là màu gốm sứ trắng Baekja. Khi rót trà vào đồ gốm sứ trắng thì màu sắc của trà sẽ càng nổi bật. Để uống trà, thì dụng cụ bằng gốm sứ trắng là thích hợp nhất.”
Trà đã được rót ra chén, song không phải cứ thế đưa lên miệng mà uống là được. Nếu là người thực sự muốn thưởng thức trà, bạn hãy tận hưởng bằng tất cả các giác quan của mình: “Trước hết, khi uống trà, hai tay ta bưng lấy chén trà, quan sát màu sắc và ngửi lấy hương thơm của trà, rồi sau đó mới thưởng thức hương vị của nó.”
Đưa một hớp trà lên miệng, nhấm nháp và tận hưởng. Lúc này mới thấy quả đúng mùa đông đã được chinh phục bởi những chén trà. Chỉ một chén trà đã khiến cho người ta thấy toàn thân trở nên ấm áp, mọi sự mệt mỏi đều tan biến hết. Du khách uống trà phát biểu cảm tưởng: “Hương vị không đậm lắm. Tôi cảm thấy rất trong sạch và tinh khiết. Thoạt đầu nó có vị như của trà xanh, nhưng cái vị sau đó thì lại nhẹ nhàng hơn trà xanh nhiều. Trà xanh có vị hơi chát, còn trà này không chát, rất dễ uống. Ngoài trời gió thổi thật lạnh... Mà tâm trạng tôi bây giờ thật thoải mái, ấm áp.”

[Gallery và quán trà – cà phê]

Trà được trưng bày tại bảo tàng gồm có hơn 100 loại, từ các loại trà truyền thống của Hàn Quốc như trà lá dâu, trà lá hồng, lá sen cho đến các loại trà của Trung Quốc, Tibet, và trà thảo dược... Du khách có thể tham quan và mua sắm. Đặc biệt đến với Quán trà - cà phê ở đây, mọi người có thể trực tiếp ngồi thưởng thức loại trà mình muốn. Được biết, các loại trà du khách ưa chuộng ở đây rất đa dạng, khác nhau tùy theo từng mùa. Chị An Song-I kể: “Vì mùa đông trời lạnh nên nhiều người tìm đến uống trà. Nó có hiệu quả làm cho thân thể người uống ấm lên. Trà táo tàu Daechu-cha cũng được nhiều người uống. Mùa xuân thường là mùa có nhiều trà xanh Nokcha, nên mọi người uống để cảm nhận lấy hương thơm mới của trà trong năm. Mùa hè, người ta thường dùng các loại đồ uống giải khát cải tiến có sử dụng trà hơn là uống riêng một loại trà đặc biệt nào đó. Đó là các loại như chè trà xanh, chè trà đen, trà sữa Malcha latte v.v...”
Loại trà mọi người thường tìm đến vào mùa đông lạnh giá này không gì khác chính là các loại trà giúp phòng cảm cúm như trà gừng Saenggang-cha, trà quất Yuja-cha, trà táo tàu Daechu-cha hay các loại trà bằng rau ngải giúp làm ấm cơ thể.

[Các loại bánh kẹo và không gian thưởng thức trà ngoài trời]

Khi mua trà, khách không chỉ nhận được sản phẩm trà. Họ được tặng kèm theo các loại bánh kẹo và bánh Tteok Hàn Quốc, những thứ đồ ăn phù hợp với loại trà họ mua. Khách hàng nhận xét: “Bánh ở đây là loại đã được nướng nên có vị rất thơm ngon. Khi ăn bánh gạo Garaetteok, chúng ta thường chấm vào mật ong để ăn. Nhưng khi ăn với trà xanh thì không cần làm vậy vẫn có vị ngon hấp dẫn. Rất ngon và dẻo.”
Tất cả trà, bánh Garaetteok và các loại bánh kẹo khác đều trực tiếp được làm ra tại bảo tàng trà. Kim Hyun-hee, người đảm nhận công việc đầu bếp chính ở đây cho biết: “Chúng tôi trực tiếp làm ra các loại bánh quy ở đây. Bây giờ chúng tôi đang làm nên những chiếc bánh quy màu xanh có hình dáng đẹp như thế này. Vì chúng tôi cho bột trà vào nên bánh rất tốt cho sức khỏe. Chúng tôi cũng trực tiếp làm bánh bột gạo Garaetteok và đem nướng chúng lên để phục vụ du khách. Dù sao, nếu chỉ uống trà, mọi người sẽ thấy buồn mồm, cần phải có gì đi kèm cho họ ăn và bánh quy hay bánh Tteok chính là loại thức ăn thích hợp nhất.”
Nếu tới bảo tàng khi đang cảm thấy đói bụng, bạn có thể thưởng thức một cốc trà tổng hợp sữa, bí đỏ, và bột trà. Đây là loại đồ uống rất hiệu nghiệm, giúp bạn đã đỡ đói. Nhân viên của bảo tàng trà cho biết: “Bí đỏ là nguyên liệu sử dụng làm trà tổng hợp sữa bí đỏ và bột trà trong menu của chúng tôi. Chúng tôi luộc bí đỏ, đánh nhuyễn rồi trộn với sữa, bột trà để làm nên loại trà này. Vì có bí đỏ nên loại trà này có thể giúp chống đói. Màu sắc của nó đẹp, pha giữa màu xanh của trà và màu vàng của bí tạo nên màu xanh tươi, vừa đẹp lại vừa có vị ngon, giúp qua cơn đói mà lại tốt cho sức khỏe. Vào mùa đông có rất nhiều khách thích uống trà này. So với trà pha thường, thì trà này có độ dính hơn, nên giữ nhiệt lâu hơn, vừa no vừa ấm.”
Một trong những đặc điểm của bảo tàng trà là vào mùa đông vẫn có thể thưởng thức trà ngoài trời. Sở dĩ do không gian ngoài trời của bảo tàng đã được bao quanh bằng kính và có hệ thống sưởi ấm. Ghế ngồi của khách được xếp thành hình chữ U, ngồi ở phía dưới có thể ngắm lên cả bầu trời qua lớp kính trong suốt bên trên. Tuy gọi là ngoài trời, nhưng không gian nơi đây vẫn ấm áp và những tia nắng của mùa đông vẫn tràn vào bên trong. Nhiều người uống trà tại đây nhận xét: “Đi ngang qua đây, thấy tấm bảng của bảo tàng chúng tôi mới vào trong. Uống một chén trà mà thấy thật là thích... Ở đây có mái làm bằng kính nên ánh nắng vẫn chiếu vào được, thật là ấm áp...”; “Ở ngoài thì rất lạnh mà trong này thật là ấm. Bên trong này đem lại cho tôi nhiều cảm hứng. Rất là thích. Hôm nay tôi đã không uổng công tới đây.”; “Đây là lần đầu chúng tôi tới đây. Phải nói là ở đây trông rất cổ kính. Bên trong cũng vậy, rất ấm cúng, thật thích vì có ánh nắng chiếu vào khắp nơi.”; “Dạo này nhà truyền thống Hanok đang thịnh hành. Đến phường Insa, có thể cảm nhận được tất cả phong cách vốn có của nhà Hanok. Như nhà ở đây chẳng hạn, thoải mái như ở nhà mình, có cảnh, có tình, thật là ấm áp.”
Bảo tàng trà không chỉ đơn thuần là không gian uống trà, đây còn là nơi du khách có thể trải nghiệm về văn hóa uống trà của phương Đông dưới mái nhà truyền thống của Hàn Quốc. Có lẽ vì thế, mà nhiều khách nước ngoài đã tìm đến đây. Một du khách Nhật Bản cảm nhận: “Không khí ở đây thật tuyệt. Đó là không gian tĩnh lặng của nhà truyền thống xưa. Thật tinh tế. Trà mộc qua ngọt và ngon. Hương vị rất thơm. Có lẽ sẽ rất tốt với ai bị viêm họng.”

Bạn nghĩ sao khi thu xếp cho mình những giây phút dừng chân trên chặng đường du lịch, thư giãn bên những chén trà dưới mái nhà truyền thống Hanok của Hàn Quốc. Có lẽ đó cũng sẽ là một kỷ niệm khó quên.

Lựa chọn của ban biên tập