Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Các bảo tàng mỹ thuật tại phường Insa, thiên đường của văn hóa mỹ thuật

2010-12-14

Các bảo tàng mỹ thuật tại phường Insa, thiên đường của văn hóa mỹ thuật

[Đường tản bộ phường Insa, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại]

Xuống ga Jonggak tuyến số 1 hoặc ga Anguk tuyến số 3 của tàu điện ngầm thành phố Seoul, chúng ta sẽ gặp một con đường mệnh danh là đường của văn hóa truyền thống. Đó chính là đường tản bộ phường Insa với chiều rộng 12 mét, chiều dài 700 mét, nối phường Insa với phường Gwanhun thuộc quận Jongno. Cứ đến chủ nhật hàng tuần, nơi đây lại biến thành đường cấm ô-tô và nhờ thế, du khách có được sự ung dung thoải mái khi tản bộ.

Trước những cửa hàng mọc san sát bên đường của phường Insa là một loạt các quán bán hàng rong, bán đủ loại món ăn truyền thống như bánh Tteok bột gạo hay bánh bột mỳ tẩm mật Hangwa và các loại bánh kẹo khác của Hàn Quốc, lôi cuốn sự chú ý của khách qua đường. Hai bên đường có rất nhiều các cửa hàng về đồ mỹ thuật hay thủ công nghệ như tranh, gốm sứ, đồ cổ, thư họa... Đặc biệt, phường Insa còn được biết tới là nơi có nhiều phòng tranh. Kim Yun-seop, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh doanh mỹ thuật Hàn Quốc cho biết: “Phường Insa, dù sao cũng là nơi tập trung cả nét hiện đại và truyền thống. Nó được người ta gọi nhiều với cái tên là thiên đường của văn hóa mỹ thuật. Lý do vì ít nhất từ ba bốn chục năm trước, phường Insa đã là nơi giới thiệu các sản phẩm mỹ thuật mang vẻ đẹp truyền thống của Hàn Quốc. Từ sau ngày đất nước được giải phóng, rồi sau giai đoạn chiến tranh Hàn Quốc năm 1950, nơi đây trở thành con đường mỹ thuật với những phòng tranh đầu tiên của Hàn Quốc, nơi giới thiệu và giao dịch các sản phẩm mỹ thuật.”

Phường Insa là con đường của văn hóa có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nó được nhắc đến như là một thiên đường của văn hóa mỹ thuật Hàn Quốc.


[Các bảo tàng mỹ thuật và phòng tranh]

Đường Insa nằm ở vị trí nối đường Jongno-iga với ngã tư phường Anguk. Nơi đây có tới 70 địa điểm mở cửa dưới tên gọi của các bảo tàng mỹ thuật, gallery hay phòng tranh. Khắp nơi trên đường, người ta bán các sản phẩm liên quan đến mỹ thuật và ở mọi ngõ phố cũng đều thấy xuất hiện các bảo tàng mỹ thuật. Được biết, phường Insa đã trở thành con đường của nghệ thuật như thế này từ rất lâu. Yun Yong-cheol giám đốc một bảo tàng mỹ thuật tại đây cho biết: “Từ cuối thời triều đại Joseon, phường Insa là khu vực có nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu sinh sống. Thế rồi, giới nghệ sĩ, các nhà nghệ thuật đều đổ về đây. Sau đó, kể từ khi các vật dụng đồ gỗ hay đồ cổ trong nhà của các vị quan đại phu được đem ra bán ở đây, thì phường Insa đã trở thành nơi buôn bán, giao dịch các mặt hàng này. Nhiều họa sĩ hay những người làm về tranh vẽ cũng đổ về đây, rồi cả những người bán đồ bút nghiên, làm đồ giá khung tranh, bình phong cũng đều tập trung lại, biến nơi đây dần trở thành một trung tâm của văn hóa nghệ thuật và được công chúng biết tới.”

Triều Joseon được dựng nên và sau khi cung điện chính Gyeongbok (Cảnh Phúc) xây xong cũng là lúc phường Insa được hình thành cùng những xóm làng xung quanh cung điện. Từ giai đoạn đầu triều Joseon, phường Insa đã trở thành địa bàn chủ yếu của các hoạt động mỹ thuật, là nơi giao dịch các mặt hàng như tranh, đồ gốm, đồ trang phục, trang sức và có cả Đồ Họa Viện là cơ quan đảm nhận việc vẽ tranh thời Joseon tại đây. Nơi đây cũng chính là nơi các danh họa nổi tiếng thời Joseon thường tụ tập, vừa cạn chén vừa đàm đạo chuyện thế gian và vẽ nên những bức tranh của mình. Tiếp nối cho lịch sử lâu đời đó, vào những năm 1930, ở phường Insa dần dần đã xuất hiện các cửa hàng thư tịch và phòng tranh mỹ thuật cổ, để rồi trở thành con đường của văn hóa mỹ thuật như ngày hôm nay.

Phòng tranh ở phường Insa có ở khắp nơi. Du khách có thể lấy sách chỉ dẫn tham quan tại điểm hướng dẫn du lịch và dễ dàng tìm đến với các phòng tranh này. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh doanh mỹ thuật Hàn Quốc Kim Yun-seop giới thiệu: “Ở phường Insa có nhiều phòng tranh khác nhau, tùy theo tính chất hoặc thể loại của từng tác giả. Ví dụ như có phòng tranh giới thiệu về các tác giả đã qua đời, có phòng tranh chủ yếu giới thiệu về các tác giả gạo cội hay các tác giả hiện đang có nhiều hoạt động, có vị thế quan trọng trong ngành họa. Hoặc cũng có những địa điểm chỉ giới thiệu tác phẩm của nước ngoài hay chỉ ra mắt tác phẩm của tác giả trẻ. Tất cả đều khác nhau.”

Mỗi phòng tranh đều có nét độc đáo riêng và một ưu điểm của phường Insa là du khách có thể lựa chọn lấy tác phẩm mỹ thuật phù hợp với sở thích của mình. Nhiều du khách cảm nhận: “Bây giờ, tôi mới xem xong 1 tầng. Có vẻ là nhiều tác phẩm có phong cách rất khác nhau. Ở tầng 2 có nhiều tác phẩm mang màu sắc tôn giáo. Tôi xem thấy rất hay. Tôi nghĩ phường Insa là nơi tốt nhất để chúng tôi có thể thưởng thức thoải mái hàng loạt tác phẩm mỹ thuật đa dạng. Đây là địa điểm có thể thưởng thức nhiều tác phẩm khó thấy được ở nơi khác, đem lại cảm nhận đầy tính nghệ thuật. Thật là hay nếu có nhiều khách đến đây xem.”; “Như tôi, từ thủa học trung học tôi đã hay tìm đến phường Insa. Động cơ ban đầu khiến tôi thích việc sáng tác mỹ thuật cũng là nhờ đến phường Insa. Vì thế, cứ 1 tháng tôi lại đến đây 1 lần bằng tàu hỏa hoặc xe buýt. Phường Insa có bầu không khí đặc biệt chỉ nơi đây mới có. Khi đi dạo trên đường có thể ngắm các đồ cổ ngày xưa của Hàn Quốc, cảm nhận lấy nét xưa và tìm về với cái nguyên sơ ban đầu. Khi vào các khu triển lãm thì lại cảm nhận được phong cách nghệ thuật hiện đại. Vì thế, tôi nghĩ, đây là một địa điểm đặc biệt giống như một cỗ máy thời gian của Hàn Quốc vậy.”

Thực tế, ở Seoul, nơi nổi tiếng về những phòng tranh như vậy, ngoài phường Insa ra, còn có phường Samcheong của quận Jongno và phường Cheongdam của quận Gangnam. Vậy, phòng tranh ở phường Insa có gì khác so với hai địa điểm này, Giám đốc bảo tàng mỹ thuật Yun Yong-cheol giải thích: “Những người đang hoạt động phòng tranh ở phường Cheongdam hay các địa điểm khác vẫn nói là họ vốn ở phường Insa. Sau này, cùng với sự phát triển mở rộng của văn hóa mỹ thuật, họ mới chuyển đi các nơi như phường Cheongdam hay phường Samcheong. Tuy nhiên, ở những nơi này họ không quy tụ thành một khu chung mà có xu hướng phân bố cách nhau khoảng 100 mét một trên những con đường lớn. Trong khi đó phường Insa lại tập trung thành một quần thể, với những cửa hàng đồ cổ, phòng tranh, cửa hàng khung tranh, bình phong, đồ thủ công mỹ nghệ san sát cạnh nhau. Đây là đặc điểm mà cả Hàn Quốc chỉ có phường Insa mới có. Đây là con đường lịch sử, nơi chứa đựng hơi thở của văn hóa truyền thống, là địa chỉ số một của văn hóa, nơi truyền thống và hiện đại cùng song hành, vừa tái tạo lại những nét văn hóa truyền thống đồng thời sản sinh ra các yếu tố văn hóa mới.”

Các bảo tàng mỹ thuật tập trung ở phường Insa không quá lớn hay cầu kỳ mà ngược lại, trông nhỏ nhắn và giàu chất trữ tình. Có lẽ nhờ đó mà phường Insa được coi là thiên đường của văn hóa nghệ thuật, là không gian đặc biệt dành cho các tác giả mỹ thuật. An Jung-mo, một tác giả có kinh nghiệm 20 năm hoạt động trong ngành mỹ thuật cho biết: “Các phòng tranh nằm rải rác ở quận Gangnam hoặc phường Sageun. Ngày xưa nhiều họa sỹ bắt đầu hoạt động tại phường Insa nên nơi đây có ý nghĩa rất đặc biệt và đem lại cảm giác thân thiện. Vì thế, công tác chuẩn bị cũng càng phải được chú tâm hơn vì được kỳ vọng sẽ có nhiều người đến thăm. Khi tổ chức triển lãm ở phường Insa thì mọi công việc sẽ được tiến hành theo một cách hoàn toàn mới mẻ.”


[Lễ hội mỹ thuật Insa]

Cuối năm, cứ đến tháng 12, phường Insa lại tổ chức lễ hội mỹ thuật Insa. Đây là lễ hội được thực hiện để kế tục, lưu giữ lại hình ảnh của phường Insa, khởi đầu của một con đường mỹ thuật. Giám đốc bảo tàng mỹ thuật Yun Yong-cheol tâm sự: “Một địa điểm nhỏ bé nhưng đẹp đẽ, đó là phường Insa. Ở những nơi khác có nhiều nhà cao tầng. Nhưng ở phường Insa thì các tòa nhà bị giới hạn về độ cao để bảo tồn nguyên vẹn cho con đường. Vì thế, ở đây có sức hấp dẫn từ những ngõ phố với những phòng tranh hay những cửa hàng đồ cổ, cửa hàng đồ ăn truyền thống và của hàng đồ thủ công mỹ nghệ. Lễ hội mỹ thuật này có ý nghĩa khiến cho phường Insa có sức sống, trở thành trung tâm văn hóa mỹ thuật dành cho những người yêu thích nghệ thuật đến từ khắp nơi trên cả nước, là nơi tập trung những người làm văn hóa nghệ thuật yêu thích nơi đây.”

Lễ hội mỹ thuật Insa được bắt đầu từ năm 2007, đến nay đã là lần thứ 4 được tổ chức. Chủ đề của lễ hội năm nay là "Giấc mơ hạnh phúc của phường Insa". Giám đốc viện nghiên cứu kinh doanh mỹ thuật Hàn Quốc Kim Yun-seop giới thiệu: “Đến phường Insa có một điều gì đó gây cảm giác hưng phấn. Mọi người trông đợi vào một cái gì đó khiến rung động lòng người. Vì thế, phường Insa đã lấy mỹ thuật làm chủ đề, chọn tên của lễ hội năm nay là "Giấc mơ hạnh phúc của phường Insa" với ý nghĩa là nhân dịp kết thúc năm cũ, bước sang năm mới, nó sẽ trở thành không gian lấy mỹ thuật làm trung tâm, đem lại hy vọng và giấc mơ hạnh phúc cho mọi người.”

Vào thời điểm tháng 12, thời điểm cuối năm, với các bức tranh đầy tình cảm ấm áp, phường Insa hứa hẹn sẽ đem lại giấc mơ và niềm hạnh phúc cho những ai tới đây. Và như đền đáp lại cố gắng của lễ hội, tại khắp các phòng tranh chúng ta đều có thể gặp những vị khách đang rất hạnh phúc vì được ngắm tranh: “Tôi thấy rất ưng các bức tranh ở đây. Các bức tranh mang tính hiện đại hay các bức tranh như thế này. Ở Hàn Quốc, nếu nói tới hổ thì thường có cảm nhận quen thuộc mang tính truyền thống. Ở đây có nhiều bước tranh về hổ như tranh hổ tắm, hổ ngụp lặn, hổ chơi vi-ô-lông… Những bức tranh cũng phù hợp với giai điệu âm nhạc, tạo nên rất nhiều tình cảm. Xem tranh và nở được những nụ cười, con người ta cảm thấy thật hạnh phúc. Có cả tranh chim ác là, tranh hổ, và tranh chim cú... thật là thú vị. Nội dung tranh có cảm giác rất gần gũi. Lễ hội mỹ thuật Insa được tổ chức với đặc thù riêng của mỗi phòng tranh, giới thiệu nhiều tác phẩm cho chúng tôi xem hơn là những gì vốn bày bán hàng ngày. Tôi thấy rất thích vì được thưởng thức tính nghệ thuật thuần túy.”

Đặc biệt, không thể bỏ qua tại lễ hội mỹ thuật Insa lần này là sự hòa nhập giữa thế hệ cũ và thế hệ mới. Lễ hội mỹ thuật Insa nhất thiết phải có triển lãm giới thiệu tác phẩm của các tác giả tương lai, để thực hiện vai trò chắp cánh cho thế hệ lớp sau phát triển, tiếp nối cho hoạt động của phường Insa, thiên đường của văn hóa mỹ thuật. Giám đốc Viện nghiên cứu kinh doanh mỹ thuật Hàn Quốc Kim Yun-seop nói: “Phường Insa là cánh cửa giúp cho mọi tác giả đều có thể đăng đàn, có cơ hội để có cuộc sống mới. Nhờ địa điểm này mà các họa sĩ được khẳng định, thế hệ lớp trước và lớp sau của giới mỹ thuật được giao lưu, và đây cũng giống như một vùng giải phóng, làm thỏa mãn những khát vọng, giúp cho tác giả gặp gỡ với công chúng, đem lại sự giao cảm giữa họ với nhau. Không chỉ họa sĩ, với dân chúng đây cũng là địa điểm để họ tiếp cận với những xu hướng mới. Với tính chất như vậy, thì điều quan trọng ở đây là nguồn năng lượng có thể sản xuất liên tục các yếu tố văn hóa mới. Và nhân vật chính để có thể tạo ra nguồn năng lượng này chính là các tác giả mới của tương lai. Vì thế, với việc giới thiệu các tác giả ưu tú của tương lai, từ sinh viên năm thứ tư cho đến học viên cao học của đại học mỹ thuật, những người sau này sẽ duy trì cho hoạt động của phường Insa, có thể nói lễ hội mỹ thuật lần thứ tư này có thêm một hiệu quả nữa là gắn kết hiện tại với tương lai.”

Lễ hội mỹ thuật Insa năm nay kết thúc, song không phải các phòng tranh ở đây sẽ hết mọi thứ để tham quan. Bất cứ lúc nào, phòng tranh của phường Insa cũng luôn rộng cửa đón khách thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật. Giám đốc Kim tiếp tục giải thích: “Phường Insa luôn mở cửa. Ở một phương diện nào đó, có thể xem phường Insa là không gian nghỉ ngơi thư giãn văn hóa dành cho tất cả khách tham quan. Sở dĩ, trong các thể loại văn hóa để thư giãn, mỹ thuật là nơi duy nhất không cần vé vào cửa. Trừ những triển lãm rất đặc biệt ra, tất cả các gallery hay không gian triển lãm mỹ thuật đều không thu phí vào cửa. Vì thế, bất kỳ ai đến đây cũng không phải lo về mặt kinh tế. Hơn nữa những bức tranh, từ lúc được treo lên để triển lãm, chúng đã không còn là của tác giả nữa mà là thứ được cảm nhận tự do thoải mái, tùy theo sở thích và hứng thú của người xem. Do không có một khung gò bó nhất định nào cả, nên mọi người đến với tác phẩm một cách thoải mái. Và vì không liên quan đến túi tiền, nên cảm nhận khi cởi mở tấm lòng và đứng trước tác phẩm của người xem mới chính là cách thường thức đúng đắn và phù hợp nhất. Nhìn ra xung quanh phường Insa, bạn sẽ thấy có rất nhiều địa điểm để tham quan, thưởng thức.”

Không cần phải e dè vì minh là dân ngoại đạo của mỹ thuật. Các gallery tại phường Insa đều luôn có những người phụ trách, túc trực thường xuyên để giúp đỡ bạn một cách tận tình, lịch sự. Park So-min, nhân viên phụ trách gallery Gong art space kể lại: “Có người vẫn e ngại khi đến với mỹ thuật. Khi được giải thích, họ hiểu nhanh hơn. Nhiều người đến phường Insa vì yêu nghệ thuật nên họ dễ dàng hiểu những gì chúng tôi giải thích. Họ ngạc nhiên, và nhận ra rằng mỹ thuật Hàn Quốc cũng rất đa dạng. Khi đó, là người phụ trách giúp đỡ, chúng tôi cũng thấy rất vui. Phường Insa luôn mở cửa chào đón mọi người. Mọi người đừng nghĩ phòng tranh là chỗ cao sang, khó vào. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là nơi công chúng có thể tìm đến bất cứ khi nào có thời gian.”

Một năm, 365 ngày, phường Insa luôn giới thiệu tới công chúng những nét văn hóa mới lạ, những triển lãm mới lạ. Đây chính là địa điểm có muôn vàn mọi thứ để tham quan trên con đường tản bộ của bạn. Ở từng ngõ lối có nét truyền thống và hiện đại song hành của phường Insa, chúng ta đều thấy những bảo tàng hay phòng tranh mỹ thuật nằm kề bên nhau. Trong chuyến du lịch Hàn Quốc vào mùa đông này, để tránh bớt những làn gió lạnh, hãy ghé thăm các phòng tranh của nơi đây. Bạn sẽ gặp được hình ảnh của mỹ thuật Hàn Quốc ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lựa chọn của ban biên tập