Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Fanta-stick, biểu diễn hài kịch không lời trên nền nhạc Hàn Quốc kết hợp nhạc phương Tây

2011-02-15

Fanta-stick, biểu diễn hài kịch không lời trên nền nhạc Hàn Quốc kết hợp nhạc phương Tây

Nanta là một loại hình hài kịch không lời dựa trên nhịp điệu của nhạc cụ 4 bộ gõ Samulnori truyền thống Hàn Quốc với bối cảnh là một khu nhà bếp mở. Nanta ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 1997, trải qua 14 năm thì nay vở diễn này đã có nhà hát riêng đầu tiên trong nước. Đây là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua đối với du khách nước ngoài, những người mua đến hơn 80% tổng lượng vé bán ra của Nanta.

Nếu nói rằng Nanta thể hiện nét tinh tuý của những nhịp gõ thì Jump lại là loại hình biểu diễn dựa trên nghệ thuật võ truyền thống Hàn Quốc Taekwondo. Jump năm nay đón sinh nhật lần thứ 9 tính từ lần công diễn đầu tiên vào năm 2003. Tại 1 lễ hội quốc tế về nghệ thuật mang tên Edinburg Fringe Festival ở Scotland năm 2005, Jump là vở diễn có vé bán chạy nhất năm thứ 2 liên tiếp. Tất cả vé cho các chương trình biểu diễn của Jump tại nhà hát West End, cái nôi của nhạc kịch, đều được bán hết. Đây cũng là vở diễn đầu tiên của Châu Á được lời mời biểu diễn ở hoàng gia vương quốc Anh.

Giống như Nanta, Jump cũng đã có nhà hát của riêng mình. Và nhà hát sáng đèn suốt 365 ngày trong năm tại Seoul, Busan và NewYork. Ngoài Nanta và Jump, một loại hình biểu diễn nghệ thuật nữa của Hàn Quốc là Fanta-stick cũng rất được khán giả trên khắp thế giới yêu mến. Fanta-stick, vở hài kịch không lời đang được công diễn tại Trung tâm nghệ thuật Art Hall của tòa nhà 63 tầng.

[Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Đông và Tây]

Fanta-stick là sự kết hợp của nhạc cụ gõ cùng với múa, hát, các động tác nhào lộn và võ thuật. Ở đây, nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc được chơi cùng với nhạc Tây. Tuy chỉ có cốt truyện thôi nhưng Fanta-stick lại là một loại hình biểu diễn không lời với nhiều yếu tố gây cười và rất sống động. Vở diễn được kết hợp bởi rất nhiều yếu tố phi ngôn ngữ như âm nhạc truyền thống, hài kịch, nhạc kịch, hay nhạc cổ điển pha hiện đại…Hôm nay chúng ta cùng đến với sân khấu của Fanta-stick để thưởng thức màn trình diễn vui nhộn tuyệt vời của các nghệ sĩ.

Fanta-stick ra mắt khán giả lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2009 và được công diễn vào các ngày trong tuần trừ thứ Hai. Mang đậm phong cách văn hóa Hàn Quốc với nhiều thông điệp, vở diễn đã tạo được sức hấp dẫn lớn đối với du khách quốc tế. Fanta-stick được coi là nghệ thuật biểu diễn tổng hợp, pha trộn giữa Nanta chú trọng vào các nhạc cụ gõ và Jump tập trung vào võ thuật. Trưởng phòng kế hoạch Maeng Jun-jae cho biết: “Nếu tới Trung Quốc thì xem Kinh kịch và tới Nhật Bản thì xem ca vũ kịch truyền thống Kabuki. Còn đến với Hàn Quốc, du khách có thể thưởng thức nhiều nét văn hoá đặc sắc như nhạc truyền thống, nhạc cụ 4 bộ gõ Samulnori và các điệu múa. Tuy nhiên du khách nước ngoài không dễ gì hiểu hết được những loại hình nghệ thuật này. Để việc giao lưu văn hóa trở nên thuận lợi hơn thì nội dung cần phải hấp dẫn và chứa đựng yếu tố gây cười. Fanta-stick đáp ứng được yêu cầu này, dựa trên sự pha trộn giữa nghệ thuật truyền thống như âm nhạc, múa, võ thuật, nông nhạc Samulnori và điệu nhảy của phương Tây như B-boy hay hip-hop. Fanta-stick giống như một món cơm trộn mà ở đó tất cả các yếu tố trên được kết hợp hài hòa với nhau.”

Tiếp nối truyền thống của Nanta và Jump, Fanta-stick mong ước trở thành chương trình biểu diễn tiêu biểu của Hàn Quốc khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Trong nhà hát Fanta-stick được trang trí bằng vải nhung đỏ với 450 chỗ ngồi, thật nổi bật với màn hình lớn 25m tương đương độ cao của tòa nhà 8 tầng, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp. Trưởng phòng Maeng Jun-jae chia sẻ: “Trung tâm nghệ thuật của tòa nhà 63 tầng không chỉ là một rạp chiếu phim mà ở đây còn diễn ra các buổi biểu diễn nghệ thuật. Điểm nổi bật nhất là màn hình cực lớn IMAX. Tại các rạp hát khác, những khán giả ngồi ở hàng ghế xa sân khấu chỉ nhìn thấy hình ảnh nhỏ bé của các nghệ sĩ, nhưng tại đây họ có thể nhìn thấy rất rõ.”

Dù ngồi ở bất kỳ vị trí nào trong rạp bạn cũng có thể thưởng thức trọn vẹn buổi biểu diễn. Bây giờ chúng ta cùng ngồi vào chỗ và thưởng thức loại hình biểu diễn không lời của Hàn Quốc này nhé.

[Truyền thuyết “Tự Minh Cổ” và những ấn tượng khó quên của Fanta-stick]

Fanta-stick dựa trên câu chuyện về bi kịch tình yêu giữa hoàng tử Ho-dong và công chúa Naklang vào thời kỳ vương quốc Goguryeo cổ đại. Truyền thuyết “Tự Minh Cổ” có nghĩa là chiếc trống tự kêu, đó là tiếng trống báo động để người dân Naklang đề phòng trước sự xâm lược của nước láng giềng Goguryeo. Nhưng thật trớ trêu, hoàng tử Ho-dong của Goguryeo và công chúa của Naklang lại đem lòng yêu mến nhau. Mối tình bi thương của họ giống như chuyện tình Romeo và Juliet của phương Tây. Tuy đã rất đau khổ khi phải lựa chọn giữa tình yêu và đất nước, nhưng cuối cùng hoàng tử Ho-dong đã quyết định từ bỏ tình yêu của mình. Còn công chúa Naklang lại lựa chọn tình yêu nên xé rách “Tự Minh Cổ” để giúp quân Goguryeo chinh phục nước Naklang. Cũng chính vì vậy mà công chúa Nak-lang đã bị người cha mình nổi giận giết chết.

Dựa trên truyền thuyết “Tự Minh Cổ”, Fanta-stick đã tái hiện lại cuộc chiến giữa một chàng trai đến từ gia đình nhạc cụ gõ và một cô gái đến từ gia đình nhạc cụ dây. Để giúp khán giả có thể nắm được cốt truyện, ngay trước khi mở đầu buổi biểu diễn, nội dung bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc đã được chiếu trên một màn hình TV lớn ở phía trước sân khấu. Sau đó, các nghệ sĩ diễn tả câu chuyện bằng những điệu múa và lời ca.

Thủa xa xưa, thượng đế đã ban “Trống trời” cho chàng trai gia đình nhạc cụ gõ và ban “Sáo trời” cho cô gái gia đình nhạc cụ dây. Nhưng cô gái đem lòng yêu chàng trai và đã xé toạc “Trống trời”. Trong phút chốc, chiếc “Sáo trời” biến mất và cô gái gia đình nhạc cụ dây đã bị trừng phạt vì xé rách “Trống trời” và biến thành ma quỷ. Chỉ còn một con đường duy nhất giúp cô trở lại thành người, đó chính là việc tạo nên một thứ âm nhạc hoàn hảo nhưng tiếc thay “Sáo trời” đã không còn nữa.

Ngôi nhà mà chàng trai gia đình nhạc cụ gõ từng sống giờ đây đã trở thành xưởng sửa chữa ô tô. Một ngày nọ, chiếc “Sáo trời” vàng thần bí đã được tìm thấy trong nhà của chàng trai. Và sau khi cảm nhận được thanh khí của “Sáo trời”, ma quỷ của gia đình nhạc cụ dây đã tìm đến xưởng sữa chữa. Từ đó cuộc chiến tranh giành “Sáo trời” đã xảy ra giữa gia đình nhạc cụ gõ và gia đình nhạc cụ dây.

Cảnh đấu tranh và hòa giải giữa hai gia đình đã được diễn tả cùng với sự phối hợp của nhạc cụ, điệu nhảy truyền thống Hàn Quốc và phương Tây như break dance của nhóm B-boy. Xen lẫn trong cảnh diễn vui nhộn này còn có cả những bài ca truyền thống của Hàn Quốc như hát bài chòi Pansori và hát nhạc pop của phương Tây. Ngoài ra, còn phải kể đến các động tác võ thuật, nhào lộn điêu luyện đòi hỏi trình độ siêu đẳng của các nghệ sĩ. Diễn viên Park Ji-hun hào hứng nói về sức hấp dẫn của Fanta-stick: “Không giống như các buổi biểu diễn khác, ở đây tôi có thể cảm nhận âm nhạc và giai điệu sống động bằng toàn bộ cơ thể. Điều tuyệt vời nhất của vở diễn này là nhịp điệu từ nhạc cụ gõ được cảm nhận qua toàn bộ cơ thể. Ngoài ra, còn có cả những màn nhào lộn với những động tác xoay tròn trên không trung, đá cao chân, nhảy break dance và những yếu tố thị giác khác. Tôi còn cho rằng âm thanh từ những chiếc sáo lớn Daegeum của Hàn Quốc có khả năng chạm tới trái tim của mọi người, cảm động tới mức có thể làm cho bạn khóc. Tôi tin rằng du khách nước ngoài cũng có thể cảm nhận trọn vẹn như thế này.”

Đặc biệt, một trong những cảnh đáng nhớ nhất là màn biểu diễn của gia đình nhạc cụ gõ tại xưởng sửa chữa ô tô. Trưởng phòng Maeng Jun-jae giải thích thêm: “Bối cảnh chính của vở kịch là một xưởng sửa chữa ô tô hiện đại với những chiếc ô tô được dùng làm nhạc cụ. Ô tô được gắn trống điện tử và đèn đi-ốt phát quang LED phản ứng với tiếng rung đã góp phần tạo nên một sân khấu tráng lệ hơn. Đây là màn diễn được khán giả yêu thích nhất. Nó thật sự rất hay.”

8 nhạc cụ gõ được gắn trên một chiếc ô tô đỏ và đèn LED hiện đại được lắp đặt quanh xe. Bên trong ô tô được trang trí giống như bục DJ. Đây là nơi các nghệ sĩ phô diễn động tác gõ trống điệu nghệ của mình để giành lấy những tiếng hò reo tán thưởng từ khán giả. Đến cuối vở kịch, mọi người sẽ có cơ hội được lên sân khấu để học cách đánh trống. Hầu hết khán giả được chọn là du khách nước ngoài và đương nhiên họ rất hào hứng với một trải nghiệm thú vị như thế.

Mải mê cùng bài tập đánh trống, buổi biểu diễn đã đến hồi kết từ lúc nào không hay…Màn biểu diễn ô tô ấn tượng, hình ảnh các nghệ sĩ quay tròn những chiếc mũ thắt dải dây trên đầu cùng những điệu múa bài ca truyền thống, rồi cảnh tượng các nghệ sĩ bay trên không trung vừa biểu diễn vừa phát kẹo cho khán giả…tất cả đều khiến du khách không thể rời mắt. 90 phút biểu diễn Fanta-stick thật là hào hứng và cuốn hút. Các khan giả nước ngoài thích thú: “Tôi đã theo dõi rất chăm chú. Không có lời thoại bằng tiếng Hàn. Nếu không biết câu chuyện về hoàng tử Ho-dong và công chúa Naklang, thì phần đầu vở kịch có thể hơi khó hiểu nhưng phần cuối khá dễ hiểu và cốt truyện lại chặt chẽ nên tôi cũng không gặp khó khăn gì cả.”, “Tôi thích nhất là tiếng sáo Daegeum và đàn nhị Haegeum. Tôi nghĩ người nước ngoài có lẽ sẽ thích sáo và đàn 7 dây Ajaeng. Các nhạc cụ khác như trống và chiêng Kwaenggwari cũng rất tuyệt. Trong suốt buổi diễn, tôi đã vỗ tay và hò hét cùng với các nghệ sĩ. Tôi thật sự cảm thấy phấn khích.”

Vở diễn có cốt truyện khá dễ hiểu và những màn biểu diễn sống động từ đầu đến cuối. Fanta-stick đã làm mê hoặc khán giả và thể hiện được những nét tinh tuý của du lịch văn hóa. Chúng ta cùng lắng nghe chia sẻ của hai vị khách đến từ Nhật Bản nhé: “Tôi đến từ Kobe, Nhật Bản. Thật tuyệt vời. Lúc đầu tôi thật sự lo lắng vì không biết tiếng Hàn nhưng thật may là buổi diễn chủ yếu dựa trên âm nhạc và các động tác. Tiếng sáo cũng rất hay. Tôi chưa từng được xem buổi biểu diễn như thế này ở Nhật Bản. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội xem lại chương trình này.”, “Tôi từ Osaka đến đây. Trong chương trình, nét văn hóa hiện đại kết hợp rất hài hòa với những nhạc cụ và bài hát truyền thống. Tôi rất mong được xem lại và hy vọng họ cũng sẽ biểu diễn tại Nhật Bản.”

Câu chuyện tình ngang trái của đôi nam nữ sinh ra giữa hai gia đình có mối hận thù luôn là một chủ đề hấp dẫn. Fanta-stick cũng là một vở nhạc kịch pha trộn tính hài hước được xây dựng với cốt truyện như vậy. Đến đây, du khách có thể cảm nhận được chương trình biểu diễn văn hóa của Hàn Quốc vui nhộn và thú vị như thế nào. Giờ đây, Fanta-stick đã, đang và sẽ mang đến những cảm giác phấn khích, sảng khoái cho du khách đến thăm Hàn Quốc: “Tôi từ Đài Loan đến đây cùng với đoàn du khách. Tất cả mọi âm thanh đều được kết hợp với nhau rất hoàn hảo. Tôi thích nhất là phần đánh trống của tất cả các nghệ sĩ. Nó đem đến cảm giác thật mạnh mẽ và phấn khích.”, “Tôi là người Đài Loan. Tôi rất ấn tượng với cảnh đánh trống hùng tráng trên sân khấu. Lúc đầu, tôi không hiểu lắm nhưng sau khi được xem phụ đề, tôi cũng đã hiểu ra. Phần sau của buổi diễn thì dễ hiểu nhờ phần trình diễn ấn tượng của các nghệ sĩ.”

Lựa chọn của ban biên tập