Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Bảo tàng mỹ thuật Seoul – chuyến du lịch qua những bức tranh

2011-02-22

Bảo tàng mỹ thuật Seoul – chuyến du lịch qua những bức tranh

Nói đến du lịch thì không chỉ là tham quan và mua sắm. Tới thăm bảo tàng hay triển lãm mỹ thuật sẽ làm cho chuyến đi của bạn thêm phần đáng nhớ và mang nhiều ý nghĩa. Và nếu may mắn, bạn có thể có cơ hội gặp gỡ các họa sĩ nổi tiếng qua những tác phẩm của họ, như vậy sẽ giúp nâng cao chất lượng và phong cách cho chuyến du lịch của bạn. Hôm nay chúng ta cùng đến với Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul.

Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul nằm ở phường Jeongdong. Nếu bạn đi tàu điện ngầm tuyến số 2 và xuống ở ga Sicheong (Toà thị chính), hướng về phía đường Jeongdong ngay bên cạnh cung Deoksu (Đức Thọ) rồi đi bộ chừng 5 phút là sẽ tới. Ở vị trí giữa trung tâm thành phố nên bảo tàng rất dễ tiếp cận. Một điều đáng chú ý là trong 4 năm liên tiếp cho tới nay, nơi này luôn được du khách lựa chọn tới thăm quan nhất trong số các bảo tàng mỹ thuật tại Hàn Quốc.

[Khung cảnh và kiến trúc của Bảo tàng mỹ thuật]

Chúng ta bắt đầu chuyến tham quan bảo tàng Mỹ thuật thành phố Seoul từ khu vườn nên thơ trong khuôn viên nhé. Nhà nghiên cứu nghệ thuật Oh Hyun-mi giới thiệu: “Cửa vào bảo tàng rộng mở, không có tường rào khiến cho du khách không nhận ra là mình đang đứng trước Bảo tàng mỹ thuật rồi. Thiết kế theo hướng mở như vậy để du khách dễ vào hơn. Và nếu bạn đã đi vào cửa rồi, cứ từ từ đi theo con đường hình chữ S, thì Bảo tàng mỹ thuật sẽ hiện ra lúc nào không hay. Tới đây bạn sẽ thấy ngay một khu vườn rất đẹp và mang ý nghĩa lịch sử. Có rất nhiều loài cây độc đáo như cây bách xù cổ thụ. Vào mùa xuân hoặc mùa thu ở đây thường tổ chức các cuộc triển lãm ngoài trời, chúng tôi sẽ thông nối khu vườn với sân trước của con đường để sử dụng làm không gian triển lãm.”

Giờ vẫn còn là mùa đông nên bạn sẽ cảm thấy hơi trống trải nhưng vào ban đêm khi đèn trang trí được bật lên thì Bảo tàng mỹ thuật sẽ khoác trên mình chiếc áo vô cùng lãng mạn. Vào mùa xuân và mùa thu ở đây còn thực hiện các chương trình hòa nhạc ở giữa khu vườn. Nhiều du khách hình thành sở thích đi dạo ngắm những cây to cả một người ôm trong khu vườn trong lành đầy yên tĩnh. Sau đây là tâm sự của các du khách: “Tôi đến đây để thưởng thức không khí trong lành cùng với bạn mình. Ngay từ con đường dẫn vào bảo tàng đã cho tôi cảm giác ấm áp, khiến cho việc xem triển lãm rất nhẹ nhàng. Cây cối cũng đẹp mà con đường được thiết kế cũng rất tuyệt. Tôi thích nơi đây vì nó tạo cảm giác tao nhã không giống với một vị trí ở giữa trung tâm thành phố như thế này.”, “Đây là nơi tôi cảm thấy bầu không khí cổ xưa ấm áp. Có thể nói là vẻ đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.”

Toà nhà Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul được xây dựng bằng tường gạch màu đỏ với những chiếc cửa sổ hình vòm cung. Chỉ nhìn thoáng qua thôi bạn cũng sẽ cảm nhận được vết tích của thời gian toát ra từ công trình kiến trúc này. Ngay cả toà nhà cũng được coi là một hiện vật triển lãm bởi ý nghĩa về mặt lịch sử của nó. Nhà nghiên cứu Oh Hyun-mi chia sẻ: “Đây là toà nhà do người Nhật xây để làm Toà án Gyeongseong vào năm 1928, thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng. Ở vị trí này trước đây vốn là Bình lý viên (Pyeongriwon), toà án đầu tiên của Hàn Quốc. Sau giải phóng, được đổi tên thành Toà án tối cao, cho tới năm 1995 thì chuyển về phường Seocho quận Gangnam và nơi đây trở thành Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul.”

Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul được chuyển về toà nhà của Toà án tối cao cũ, nhưng kiến trúc hiện nay không giữ nguyên hoàn toàn như khi được xây dựng ban đầu vào năm 1928. Năm 2002, khi cho xây dựng lại bảo tàng, thành phố đã bảo tồn nguyên trạng mặt tiền của toà nhà cũ, còn mặt sau thì xây dựng mới theo kiến trúc hiện đại. Do đó, hiện nay du khách có thể cảm nhận được kiểu dáng kiến trúc phục hưng của bảo tàng với mặt trước có 3 cửa chính hình vòm cung. Logo của bảo tàng Mỹ thuật thành phố Seoul cũng được lấy theo hình cửa vòm cung này. Nhờ ý nghĩa về mặt kiến trúc, nên năm 2006, bảo tàng được chỉ định là kiến trúc văn hóa cận hiện đại số 237 của quốc gia.

Đi qua cửa chính hình vòm cung, bước vào sảnh đợi bên trong Bảo tàng mỹ thuật, bạn sẽ được chào đón bởi làn ánh nắng mặt trời lấp lánh chiếu xuống từ trần nhà làm bằng kính. Quả là một không gian không thể sáng hơn được nữa! Du khách sẽ băn khoăn tự hỏi làm thế nào mà lại có sự hài hòa về kiến trúc của thập niên 1920 và những năm 2000 đến vậy. Bạn sẽ thấy như thời gian đang chuyển dịch từ quá khứ tới tương lai. Đặc biệt, bầu không khí ở sảnh này lại biến hóa theo thời điểm mặt trời mọc hay lặn cũng như tùy theo sự thay đổi của mỗi mùa. Điều này đã trở thành sức hấp dẫn riêng chỉ có ở Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul. Nhà nghiên cứu Oh Hyun-mi bổ sung: “Sảnh đợi là một tác phẩm nghệ thuật về sử dụng ánh sáng tự nhiên. Toà nhà bảo tàng cũng đã nhận được nhiều giải thưởng kiến trúc, là nơi mà hầu hết các sinh viên kiến trúc đều tới tham quan như một chuyến đi thực tế cần thiết. Không gian này cho bạn cảm nhận đầy đủ về sự thay đổi và chuyển động của ánh sáng từ lúc mặt trời mọc tới khi mặt trời lặn. Bởi vậy mà du khách muốn thoát ra khỏi sự ồn ào náo nhiệt để lưu lại đây lâu hơn.”

Tòa nhà bảo tàng bao gồm 2 tầng ngầm và 3 tầng trên mặt đất với tất cả 6 gian triển lãm. Ngoài ra còn có cửa hàng lưu niệm, phòng chăm sóc trẻ, sân chơi trẻ em, phòng tài liệu chuyên ngành mỹ thuật, quán café… rất tiện lợi cho khách tới tham quan và nghỉ chân. Không những thế, các dịch vụ dành cho người nước ngoài cũng được lưu tâm. Nhà nghiên cứu Oh Hyun-mi giải thích: “Bước vào khu trưng bày, du khách nước ngoài sẽ được cung cấp tài liệu bằng tiếng Anh như tờ rơi hướng dẫn, video giới thiệu và cả hướng dẫn viên cũng nói tiếng Anh. Tất cả bảng hiệu chỉ dẫn và chú thích đều dùng cả hai ngôn ngữ là tiếng Hàn và tiếng Anh. Ngoài ra, để tạo cơ hội cho người nước ngoài có thể trải nghiệm mỹ thuật Hàn Quốc thì bảo tàng còn mở lớp học về nghệ thuật gốm sứ và hội họa thuỷ mặc.”

[Triển lãm tranh của các danh họa trong và ngoài nước]

Hiện đang diễn ra ‘Triển lãm tranh của Marc Chagall’. Từ ngày 3 tháng 12 năm ngoái, nơi đây đang trưng bày 160 bức họa được thuê từ 30 bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng thế giới. Marc Chagall (1887-1985) người Nga gốc Do Thái từng hoạt động tại Pháp và Mỹ là họa sĩ xuất sắc của thế kỷ 20. Từ năm 2002 sau khi mở cửa trở lại, Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul liên tục triển lãm tác phẩm của nhiều danh họa lớn trên thế giới. Nhà nghiên cứu Oh Hyun-mi cho biết thêm. Bảo tàng mở cửa trở lại vào năm 2002 và đã có chương trình triển lãm đặc biệt dành cho các tác phẩm của danh họa người Pháp Jean-Francois Millet (1814-1875). Triển lãm khi ấy dường như đã góp phần đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng. Sau đó vào năm 2004 đã diễn ra triển lãm tranh của Marc Chagall, sau 6 năm giờ lại tổ chức triển lãm tranh của họa sỹ này. Lần này có quy mô lớn hơn và phong phú hơn nhiều. Ngoài ra, ở đây còn triển lãm các tác phẩm của những họa sỹ nổi tiếng thế giới khác như Vincent van Gogh, Pablo Picasso, Andy Warhol, Henri Matisse và Rene Magritte.

Người dân Seoul không cần phải đến tận những nơi xa xôi mà vẫn có thể thưởng thức được các tuyệt tác của thế giới. Du khách nước ngoài cũng gặp được cơ hội may mắn khi đến Seoul đúng dịp diễn ra triển lãm. Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul đóng vai trò rất quan trọng trong việc thỏa mãn cơn khát nghệ thuật của công chúng: “Được nhìn những tác phẩm đã thấy trong sách mỹ thuật mà tôi thấy dâng trào cảm xúc. Ảo tưởng, lãng mạn và kỳ quái nhưng ấm áp… tất cả đều rất đẹp. Triển lãm tại Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul quy củ hơn ở các nơi khác. Tôi đã tới đây mấy lần rồi vì không muốn bỏ lỡ cơ hội được xem triển lãm ở đây.”, “Không gian này rất thích hợp cho vợ chồng chúng tôi hẹn hò dạo chơi, là một yếu tố quan trọng để yêu mến thành phố Seoul này hơn. Không gian văn hóa thế này giữa thành phố mang màu xám ngắt là cơ hội không gì tốt hơn nữa với tôi.”

Ngoài các cuộc triển lãm tranh, món quà thú vị khác mà Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul dành tặng cho mọi người, đó chính là chương trình ca nhạc ấm cúng. Mỗi khi diễn ra triển lãm đặc biệt thì sẽ có chương trình hòa nhạc quy mô nhỏ. Đó sẽ là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn cảm thụ âm nhạc và nghe giải thích về các họa phẩm.

Nhà phê bình mỹ thuật Yoon Un-jung chủ trì buổi hòa nhạc, trong đó du khách cảm thụ tranh của Chagall qua màn hình chiếu và nghe chuyện kể về cuộc đời ông cũng như thưởng thức nhạc phẩm liên quan đến họa sỹ tài danh này. Nghe chú giải về các họa phẩm trên nền nhạc, cảm nhận nghệ thuật của du khách sẽ trở nên sâu sắc, phong phú hơn. Các du khách chia sẻ: “Vừa nghe giải thích về các họa phẩm của Chagall vừa thưởng thức âm nhạc nên tôi thấy rất hữu ích. Tuyệt thật đấy. Tôi cứ nghĩ tranh thì phải xem ở bảo tàng, âm nhạc thì phải thưởng thức ở nhà hát, nhưng ở đây cùng lúc được tận hưởng cả hai dòng nghệ thuật nên cảm giác thật thú vị.” “Tôi thích vì ở đây có thể hấp thụ những tác phẩm nghệ thuật theo cách khác. Các nghệ sĩ trực tiếp thể hiện những bản nhạc cổ điển và bài hát nhạc pop gắn liền với các câu chuyện về cuộc đời Chagall nên tôi rất thích.”, “Trước tiên, được nghe giải thích về mỹ thuật rồi sau đó có sự gắn kết giữa âm nhạc và mỹ thuật khiến cho trí tưởng tượng của tôi như được bay bổng. Âm nhạc ở đây đã rất hữu ích để hiểu biết thêm về mỹ thuật, tôi đã cảm thụ mỹ thuật bằng cả thị giác và thính giác. Hai yếu tố này được hòa quyện với nhau nên rất thú vị.”

Thông qua mỗi chương trình triển lãm đặc biệt, du khách có thể hiểu thêm về những danh họa nổi tiếng thế giới. Còn tại triển lãm thường xuyên thì bạn luôn có thể thưởng thức tranh của những họa sỹ lớn của Hàn Quốc. Hiện nay bảo tàng đang trưng bày những tác phẩm của họa sĩ Chun Kyung-ja. Nhà nghiên cứu Oh Hyun-mi bổ sung: “Chun Kyung-ja là nữ họa sĩ tiêu biểu của thời đại chúng ta ngày nay. Tranh của bà mô tả thế giới nội tâm của con người, sự thần bí của sinh mệnh, vẻ đẹp của tự nhiên và bao hàm cả những cảm xúc đời thường. Bà còn được ví với Frida Kahlo của Mê-hi-cô. Nỗi buồn do cuộc ly hôn thời trẻ, nỗi đau về cái chết của em gái khiến bà luôn phải sống cuộc đời đầy tâm trạng. Sự buồn chán, oán hờn mang tính số phận không thể tránh khỏi lan tỏa trong mỗi ngóc ngách của con người nữ họa sỹ này.”

Năm 1998, họa sĩ Chun Kyung-ja đã hiến tặng 98 tác phẩm mà bà đã sáng tác từ năm 1940 đến cuối những năm 1990. Tại gian triển lãm thường xuyên ở tầng 2 của Bảo tàng mỹ thuật Seoul đang trưng bày những tác phẩm của bà với chủ đề “Tâm hồn của Chun Kyung-ja”. Nhà nghiên cứu Oh Hyun-mi giải thích: “Triển lãm có chủ đề là “Tâm hồn của Chun Kyung-ja” bởi những tác phẩm biểu hiện khuynh hướng tự sự, ẩn dụ mang tính tượng trưng cho nội tâm con người cũng như cuộc sống của tác giả. Trên thực tế thì Phụ nữ, Hoa và Rắn là 3 yếu tố chủ đạo đã đi vào tác phẩm của Chun Kyung-ja. Hoa và phụ nữ là cái đẹp nhưng mặt khác cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa tượng trưng. Giống như hoa và phụ nữ thì rắn cũng là một hình ảnh tượng trưng khác cho chính Chun Kyung-ja. Nếm trải sự thất bại và suy sụp của cuộc sống nên Rắn là yếu tố được bà chọn lựa để chống chọi với cuộc sống nhưng đồng thời cũng là cái nghiệp, là nỗi đau mà họa sĩ gồng gánh trên lưng. Hoa cũng là hình ảnh của nỗi dày vò ẩn náu.”

Từ quán café ở Bảo tàng mỹ thuật thành phố Seoul, bạn hãy nhìn xuống ngắm toàn cảnh bảo tàng và cả cung Deoksu, một quang cảnh tuyệt đẹp khó quên. Đây là nơi hiện thân của đặc điểm kiến trúc nổi tiếng của bảo tàng mỹ thuật. Vị trí này rất gần với sảnh, đón nhận đầy đủ ánh sáng tự nhiên và tạo một phong cảnh đầy màu sắc. Nếu đưa tầm mắt xuống phía dưới thì sẽ thấy ngay khu vườn trước sân bảo tàng, ngước lên phía trên sẽ nhìn thấy cung Deoksu và con đường lịch sử Jeongdong, ngẩng cao lên nữa sẽ thấy toàn bộ đường chân trời ở Seoul. Chính vì thế quán café này rất nổi tiếng là nơi ngắm cảnh đẹp.

Kiến trúc của bảo tàng mỹ thuật Seoul phảng phất kiểu dáng phục hưng thập niên 1920. Các phòng triển lãm lại theo phong cách hiện đại với ánh sáng trời tự nhiên sống động, đưa bạn đến gần hơn với những danh họa nổi tiếng của Hàn Quốc và thế giới. Nếu may mắn, bạn còn được thưởng thức chương trình hòa nhạc ấm cúng nữa. Khi bạn muốn chuyến du lịch của mình thêm đáng giá, mong có được khoảng thời gian tĩnh lặng và nhàn tản, thì Bảo tàng mỹ thuật Seoul sẽ luôn là sự lựa chọn số 1.

Lựa chọn của ban biên tập