Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Phường Buam và Chilgung- khu vườn bí mật giữa lòng thành phố Seoul

2011-04-05

Phường Buam và Chilgung- khu vườn bí mật giữa lòng thành phố Seoul

Mùa xuân đáng lẽ đã về từ cách đây cả tháng nhưng chỉ bây giờ chúng ta mới cảm nhận được không khí ấm áp trong làn gió nhẹ cùng ánh mặt trời tỏa sáng rực rỡ. Thời tiết dễ chịu thế này mà khoác chiếc ba lô nhỏ với trang phục nhẹ nhàng và đi tản bộ thì thật tuyệt.

[Khám phá trên con đường của tự nhiên, của văn hoá và lịch sử]

Có một khu vườn tĩnh mịch chứa đựng lịch sử và văn hóa, món quà mà thiên nhiên ban tặng cho con người giữa lòng thành phố Seoul nhộn nhịp của thế kỷ 21. Đó chính là phường Buam. Chuyên gia du lịch Lee Dong-mi giới thiệu: “Phường Buam (Phó nham) là một nơi vô cùng đáng mến. Cái tên Buam cũng rất thú vị, liên quan tới tảng đá rộng 2 mét từng có ở đây. Tương truyền rằng nếu bạn xoa lên mặt này của tảng đá số lần bằng đúng tuổi của bạn và nó chạm tới mặt bên kia, thì ước nguyện của bạn sẽ trở thành hiện thực. Chữ “bu” có nghĩa là “chạm” và “am” có nghĩa là “tảng đá” vì thế mà Buam có nghĩa là “chạm vào tảng đá”. Phường Buam là khu vực sinh hoạt khá bất tiện. Không có hiệu thuốc, siêu thị lớn, rạp chiếu phim, còn điểm đỗ xe ở ga tàu điện ngầm thì luôn thiếu. Nhưng con người vẫn gắn bó với mảnh đất này. Tuy giao thông và cơ sở hạ tầng sống chưa đầy đủ, nhưng niềm tự hào văn hóa thì rất cao. Bạn có thể thưởng thức ly café phin do các chuyên gia pha chế vào buổi chiều yên tĩnh, thưởng thức nghệ thuật tao nhã, ngắm nhìn những phiến đá bao quanh như tấm bình phong, hay mảnh trăng lưỡi liềm trên bầu trời đêm. Phường Buam có sức hấp dẫn đặc biệt về cả yếu tố nghệ thuật và tự nhiên.”

Mặc dù còn nhiều bất tiện nhưng phường Buam tràn ngập vẻ lãng mạn mà không hoa lệ, giản dị mà ấm áp, nằm êm đềm giữa vạt núi Bukhan và Inwang. Từ thời Joseon, hoàng tộc và quý tộc Lưỡng ban(Yangban) đã xây những khu nhà nghỉ dưỡng tận hưởng cuộc sống phong lưu ở nơi đây. 600 năm đã trôi qua, giờ đây vẻ ngoài của phường Buam cũng không thay đổi nhiều, giống như một ngôi làng còn giữ nguyên dấu tích xưa. Hôm nay chúng ta cùng tản bộ trên con đường nhỏ của phường Buam.

Để tới được phường Buam chúng ta phải đi cả tàu điện ngầm và xe buýt. Dừng ở ga cung Gyeongbok đường tàu điện ngầm Seoul tuyến số 3, ra cửa số 3, đi bộ chừng 150m, thì bạn sẽ thấy một bến xe buýt. Lên xe buýt ở đây rồi xuống ở bến đồi Jahamun bạn sẽ nhìn thấy cổng thành xưa có tên gọi Changeuimun (Chương nghĩa môn). Thông qua cửa này là bạn đã đặt chân tới phường Buam-khu vườn bí mật rồi đó. Chuyên gia Lee Dong-mi giải thích: “Mùa xuân ở đây thật đẹp. Changeuimun còn có một tên gọi khác là Jahamun (Tử hà môn) tức là không gian ánh lên màu tím. Màu tím vốn là màu của vua, tức đây là khu vực mang thanh khí của vua. Trước đây có rất nhiều loài hoa có màu ánh tím như hoa đào và anh đào nở tạo nên 1 biển màu tím. Vào mùa xuân hoa nở, chim hót thì nơi đây chẳng khác gì thiên đường. Thậm chí, hoàng tử Anpyeong (An Bình) con trai thứ 3 của vua Sejong thời Joseon đã nói rằng mơ thấy thiên đường giống như nơi này. Tản bộ trên phường Buam bạn sẽ cảm thấy như mình đang bước trên con đường mùa xuân đầy hoa, con đường trong mơ.”

Đi qua Changeuimun, bạn sẽ nhìn thấy một con đường đồi dốc phía bên phải. Đây chính là điểm xuất phát của chuyến du lịch tản bộ phường Buam. Hít thở thật sâu và khởi hành, chưa được mấy bước bạn sẽ gặp ngay quán café nhỏ được dựng bằng gỗ. Ở đây bạn có thể thưởng thức một ly café phin do các chuyên gia lành nghề pha chế.

Cầm trên tay cốc café tỏa hương ngào ngạt, bước thêm vài bước nữa bạn sẽ ngửi thấy một mùi khác rất hấp dẫn tỏa ra từ một ngôi nhà 2 tầng. Trông như một ngôi nhà ở bình thường, nhưng đây chính là quán bánh bao (Mandu) làm thủ công rất nổi tiếng khó có thể bỏ qua. Chuyên gia Lee Dong-mi bổ sung: “Ngôi nhà rất đẹp, giống như một quán trà truyền thống ấm cúng. Các đồ nội thất cũng rất cổ. Bánh bao ở đây có vị rất thanh do được làm từ những nguyên liệu tươi mới, trực tiếp chế biến và không hề có phụ gia. Lúc đầu ăn bạn sẽ thấy vị bánh có phần thiêu thiếu nhàn nhạt, khác với những hương vị cay mà bạn vẫn thường ăn ở các quán khác trong phố. Điểm khác biệt là khi ăn bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề tiêu hóa vì bánh bao ở đây được làm từ nguyên liệu tự nhiên. Và đó cũng chính là lý do quán hàng này luôn hấp dẫn du khách.”

Đi qua quán bánh bao, con đường đã trở nên dốc hơn. Bạn bắt đầu thở hổn hển, nhưng cây cối hai bên đường tỏa ra 1 hợp chất hữu cơ trong quá trình quang hợp, sẽ trở thành nguồn năng lượng tiếp sức cho bạn. Thi thoảng cũng có một vài chiếc ô tô chạy qua nhưng không ảnh hưởng gì lắm. Đường không quá rộng, những người đi lên hay đi xuống còn nhìn nhau tránh đường. Thỏa sức thưởng thức nắng xuân và đi bộ được chừng 5 phút bạn sẽ đến một ngã ba mà ở giữa đó có một ngôi nhà cũ tường gạch đỏ. Đây chính là nhà xay sát Dongyang chuyên làm bánh từ bột gạo hay còn gọi là bánh Tteok lâu đời ở phường Buam. Chuyên gia Lee Song-mi nói: “Ngôi nhà hình tam giác với tường gạch đỏ, là cơ sở làm bánh Tteok của bà cụ Cha Ok-sun, đã được duy trì suốt hơn 40 năm nay. Bầu không khí đầy vẻ nông thôn. Bánh Tteok ngải cứu (Suktteok) không phải làm từ bột rau ngải mà lá rau ngải tươi. Bánh rất to, một khay giá 2000 won nhưng chắc chỉ ăn 2 cái thôi cũng no rồi. Suktteok được làm từ bột gạo nếp trộn với lá rau ngải nghiền nát, đem hấp chín rồi lăn bột. Bạn phải mua ngay nếu không sẽ hết. Quán mở từ 4 giờ sáng để phục vụ những người đi leo núi sớm. Nhiều khi đến quá giờ trưa thôi đã hết bánh.”

Quán bánh Tteok của bà cụ Cha Ok-sun hàng ngày hoạt động từ lúc 3 giờ sáng để phục vụ những người đi dạo sớm. Ở ngôi nhà cũ kỹ này không hề có lấy một tấm bảng hiệu, cũng không bày bánh Tteok ra ngoài, nhưng người ta vẫn xếp hàng dài trước cửa tiệm để mua bánh: “Tôi thấy mọi người đồn nếu đã đến đây thì nhất định phải ghé qua ăn bánh Tteok.”, “Nếu thường xuyên tới phường Buam thì ai cũng biết quán này. Đến 2 giờ chiều là bánh đã hết sạch nên tôi phải đến sớm. Bà cụ ở đây cũng không làm nhiều đâu. Bánh ngon lắm mà nguyên liệu lại đảm bảo nữa. Bạn ăn thử sẽ biết ngay.”, “Bánh Tteok lăn bột ngon tuyệt. Tôi đã mua 1 khay ăn thử và thấy ngon quá nên quay lại mua thêm 3 khay nữa cho bọn trẻ. Chà, vị vừng đen mới ngon làm sao chứ.”, “Đây giống như là quán bánh Tteok của bà tôi ấy. Bánh Tteok ngải cứu thật sự rất tuyệt. Mùi hương của lá ngải mới hấp dẫn làm sao.”

Từ quán bán bánh Tteok, rẽ về phía tay trái bạn sẽ thấy Bảo tàng mỹ thuật Whanki. Đây chính là nơi vinh danh họa sĩ Kim Whan-ki, người đã vẽ những giọt nước đáng yêu nhất trên thế gian này. Thuộc thế hệ đầu của hội họa trừu tượng Hàn Quốc, Kim Whan-ki nổi tiếng cả ở Paris và New York. Quản lý bảo tàng Seong Mi-na giải thích: “Bảo tàng mỹ thuật Whanki mở cửa vào năm 1992, sang năm sẽ tròn 20 tuổi. Ở đây hiện đang trưng bày những tác phẩm của hoạ sĩ Kim Whan-ki cùng những nghiên cứu của ông. Để đáp ứng mong mỏi của họa sĩ và vợ ông, bảo tàng còn nhằm mục đích nuôi dưỡng thế hệ họa sĩ trẻ kế tiếp và trưng bày tác phẩm của các họa sĩ đương đại.”

Nằm trên đường dạo bộ quanh co, cô tịch, Bảo tàng mỹ thuật Whan-ki mang dáng vẻ khác với những bảo tàng mỹ thuật trong thành phố. Không gian này giống như trạm nghỉ chân thoải mái, mời gọi du khách: “Bảo tàng nằm tách biệt với trung tâm đô thị nên tôi tới đây để có thời gian cho riêng mình. Ở đây tôi có thể tập trung chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật được trưng bày trong không gian yên tĩnh. Đường đến đây tuy hơi bất tiện nhưng tôi nghĩ điều đó cũng đem lại sức hấp dẫn riêng. Quanh cảnh khác xa với cuộc sống đô thị ồn ĩ khiến tôi tự hỏi tại sao giữa thành phố mà lại có một bảo tàng như thế này được. Không gian yên tĩnh, xung quanh toàn núi đã đem lại cho tôi cảm giác thật dễ chịu, khoan khoái.”

Đặc biệt, khu vườn trong khuôn viên Bảo tàng mỹ thuật Whanki còn được chăm sóc rất đẹp với khung cảnh hoa mai nở vào mùa xuân. Ra khỏi Bảo tàng, nếu đi lên về bên phải khoảng 700m bạn sẽ thấy một quán café nổi tiếng từng xuất hiện trên phim truyền hình. Nhâm nhi ly café và ngắm nhìn cảnh trí nơi đây, trái tim bạn sẽ đập rộn ràng. Chuyên gia Lee Dong-mi cho biết: “Nơi đây từng là biệt thự tư nhân nhưng đã trở thành quán café sau khi xuất hiện trên phim truyền hình. Chủ nhân ban đầu của ngôi nhà này đã hiến tặng Giám đốc bảo tàng Mokin nhiều hình nhân búp bê bằng gỗ từ các bộ sưu tập được trưng bày ở đây. Ngồi ở ngoài quán café này, bạn còn có thể ngắm toàn cảnh phường Buam, núi Bukak, và pháo đài Seoul .”

Cầm ly đồ uống đã gọi và đi hết góc này đến góc kia, ngắm nghía những đồ vật đang trưng bày trong quán cũng thật thú vị. Nhưng tuyệt hơn cả vẫn là ngồi trên sân hiên nhà, trầm ngâm thưởng ngoạn cảnh trí vừa hùng vĩ vừa nên thơ quanh đây: “Pháo đài nhìn từ vị trí này trông thật hùng vĩ. Tôi không nghĩ ở Seoul lại có những nơi như thế. Giá mà có một ngôi nhà ở đây thì hay biết mấy. Mùa xuân cũng đã về, tâm hồn tôi bay bổng khoáng đạt và tôi muốn hét lên thật to. Cảm giác như nhìn thấy cả bầu trời mới tuyệt làm sao. Vừa nhâm nhi ly café vừa ngắm cảnh, không gì thú hơn!” , “Phong cảnh nơi đây thật đặc biệt. Ở giữa lòng núi mà lại nhìn thấy những ngọn núi khác và cả thành quách cùng những ngôi nhà ẩn hiện phía xa kia…Tôi thích vẻ hòa hợp ấy.”, “Tôi đã thấy quán này nhiều lần qua phim truyền hình rồi nhưng đến nơi thì thú vị hơn nhiều. Khác hẳn với quán café thông thường. Không khí ở đây tốt nên dường như café cũng thơm ngon hơn.”

Giờ là lúc bạn hoàn toàn chìm đắm vào thiên nhiên. Nếu đi bộ chừng 500m ta sẽ đến 1 địa điểm được gọi là “Suối Baeksasil”. Nơi này đã khá nổi tiếng, đặc biệt vào mùa hè có rất nhiều người tìm tới. Nhưng vài năm trước, đây là khu vườn của riêng người dân phường Buam. Chuyên gia Lee Dong-mi giải thích: “Suối Baeksasil còn được gọi là Baekseokdong-cheon (Bạch thạch động thiên). Dạo bộ trên con đường này bạn sẽ thấy cảnh trí đẹp tới mức khó tin rằng mình đang ở giữa Seoul. Có những tấm biển ghi rõ đấy là khu vực bảo tồn một số loài động vật như ếch, kỳ giông, cóc… Nếu ai bắt chúng thì có thể sẽ bị nộp phạt tới 20 triệu won tương đương hơn 18 nghìn USD. Vốn dĩ kỳ giông chỉ sống ở nguồn nước cực sạch không bị ô nhiễm. Nơi này có kỳ giông sống chứng tỏ nguồn nước và sinh thái tự nhiên ở đây sạch đến mức nào. Nếu kỳ giông biến mất khỏi suối Baeksasil thì tin này chắc sẽ được đưa lên bản tin thời sự. Con suối lãng mạn với tuyết rơi vào mùa đông, cánh hoa rụng vào mùa xuân, và tuyệt đẹp với hình ảnh lá cây rụng trên mặt nước vào mùa hè.”

[Miếu thờ Chilgung, một điểm nhấn khác của chuyến du lịch tản bộ]

Giờ là lúc chúng ta quay trở về. Khi xuống dốc bước chân có phần nhẹ nhõm và tâm hồn cũng thảnh thơi. Chúng ta đã tới Changeuimun bằng xe buýt nhưng giờ sẽ đi bộ về vì có một nơi nhất định phải ghé xem. Từ Changeuimun, đi bộ xuống khoảng 10 phút bạn sẽ thấy vườn hoa Dâm bụt với tên tiếng Hàn là Mugunghwa, bên cạnh đó là Phủ Tổng thống Cheong Wa Dae, ở giữa đó là Chilgung. Chuyên gia văn hóa Park Gyeong-suk giới thiệu: “Chilgung (Thất cung) được ghép bởi từ “Chil” có nghĩa là “bảy” và chữ “Gung” được viết từ chữ “cung”, nếu ghép lại thì có nghĩa là có 7 cung điện nhưng không phải vậy, mà là có 7 bài vị. Vâng, đấy chính là nơi cúng tế hay còn được gọi là miếu thờ. Miếu thờ hoàng thất Joseon quy mô lớn nhất là Jongmyo (Tông miếu), năm 1997 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Còn đây là miếu thờ không được nổi tiếng bằng, thờ những người thuộc hoàng thất nhưng không xếp ngang hang với những người ở Jongmyo. Ban đầu họ được thờ ở những nơi riêng biệt thuộc các vùng khác nhau và hiện nay đã được quy tụ về một nơi gọi là Chilgung. Nơi đây được biết đến là miếu thờ bài vị của 7 cung nữ trở thành mẹ của các vua thời Joseon.”

Chilgung chỉ mở cửa rất hạn chế cho những người đã đăng ký thăm Phủ Tổng thống. Vì không dễ tiếp cận nên Chilgung ít được mọi người biết đến. Nhà văn hóa Park Gyeong-suk cho biết tiếp: “Jongmyo và Chilgung là hai địa điểm mang đậm chất Nho giáo nhất ở Hàn Quốc. Trên thực tế, Jongmyo rất nổi tiếng còn Chilgung thì không được như vậy. Lễ cúng tế theo nghi thức Nho giáo được thực hiện ở nơi đây còn được gọi là tế Chilgung, diễn ra vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 10 hàng năm trong không gian yên tĩnh. Các tế quan sẽ thực hiện nghi thức giống với tế lễ của hoàng thất.”

Kết thúc chuyến thăm quan phường Buam và Chilgung, du khách có cảm giác như vừa đi dạo trong khu vườn bí mật cách đây 600 năm. Bạn nghĩ sao khi lên đường đến một thế giới khác để tìm kiếm những câu chuyện thú vị về thời đại đã qua trong không khí ấm áp của mùa xuân này.

Lựa chọn của ban biên tập