Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Seoul Namsan Gukakdang, Cung biểu diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc

2011-04-19

Seoul Namsan Gukakdang, Cung biểu diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc

Cứ mỗi độ tháng 4 về là cả đất nước Hàn Quốc như biến thành một vườn hoa. Lễ hội hoa anh đào ở Jinhae tỉnh Nam Gyeongsang, hoa cải dầu vàng ở đảo Jeju, hoa trà ở Busan và khắp các nẻo đường đâu đâu cũng thấy hoa đầu xuân Gaenari, hoa đỗ quyên Jindallae nở rực rỡ. Đưa tầm mắt nhìn về 4 hướng Đông Tây Nam Bắc, chỗ nào cũng như chỉ thấy một trời hoa. Hoa xuân như xà xuống phủ khắp những ngôi nhà thuộc khu làng nhà truyền thống Hanok bên chân núi Namsan ở trung tâm thành phố Seoul. Đặc biệt, tại đây còn có Seoul Namsan Gukakdang, Cung biểu diễn nhạc truyền thống, một địa điểm rất nổi tiếng với du khách nước ngoài mỗi khi tới Hàn Quốc.

[Kiến trúc độc đáo của Cung biểu diễn nhạc truyền thống]

Có nhiều cách để đi tới Seoul Namsan Gukakdang. Bạn có thể chọn cách đi bộ theo con đường quanh núi Namsan rồi rẽ vào khu làng nhà truyền thống Hanok. Hoặc có thể đi tàu điện ngầm tuyến số 3 hay số 4 xuống ở bến Chungmuro, rồi theo biển chỉ dẫn đi bộ khoảng 200m thì cũng tới nơi. Tản bộ theo con đường mùa xuân, chẳng mấy chốc bạn sẽ nhìn thấy tòa nhà Gukakdang với phong cách kiến trúc nhà Hanok. Choi Chan-ho, Trưởng phòng nhạc truyền thống của Seoul Namsan Gukakdang giới thiệu: “Tòa nhà Cung biểu diễn nhạc truyền thống Gukakdang đã được nhận giải thưởng cao nhất của Tổng thống trao cho công trình văn hóa kiến trúc Hàn Quốc vào năm 2009. Tuy được xây dựng theo phương pháp hiện đại, nhưng tòa nhà lại bộc lộ những nét đẹp của kiến trúc truyền thống Hàn Quốc. Tòa nhà được thiết kế tập trung vào tiêu chí giúp khán giả có thể cảm thụ âm nhạc truyền thống. Bước vào cổng chính của Gukakdang, bạn sẽ thấy một tòa nhà hình vuông, thoạt nhìn từ bên ngoài như chỉ có 1 tầng nhưng trên thực tế tòa nhà hiện đại này còn có thêm 2 tầng ngầm nữa. Sân khấu biểu diễn ở tầng ngầm 1, nếu bước vào bên trong thì còn có khu vườn chìm mang đậm nét Hàn Quốc có tên gọi Chimsangwon (Trầm sàng viên). Ở đây du khách còn có thể ngắm hoa hay tháp Seoul. Mặc dù có một số nét hiện đại, nhưng tòa nhà vẫn thể hiện đặc trưng của kiến trúc truyền thống Hàn Quốc.”

Thành phố Seoul đã đầu tư 12 tỷ won tương đương với hơn 10 triệu USD để xây dựng trung tâm biểu diễn âm nhạc truyền thống tiêu biểu cho Hàn Quốc Seoul Namsan Gukakdang. Cung có tổng diện tích 2.359m2 với 1 tầng trên mặt đất và 2 tầng ngầm được thiết kế theo phong cách nhà truyền thống Hanok. Ở Seoul, ngoài Seoul Namsan Gukakdang ra còn có 2 địa điểm khác dành cho nhạc truyền thống. Đó là Nhà hát quốc gia Hàn Quốc và Trung tâm nghệ thuật biểu diễn truyền thống quốc gia. Nhưng Gukakdang mang đặc trưng riêng khác với 2 nơi trên ở chỗ Cung được xây theo phong cách nhà Hanok và có địa thế vốn từ xưa đã được khách phong lưu tìm tới thưởng ngoạn. Thiết kế bên trong tòa nhà cũng mang dáng dấp mềm mại của một ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc. Trưởng phòng Choi Chan-ho bổ sung: “Nội thất bên trong tòa nhà cho bạn cảm giác như đang ở phòng Thư trai. Gukakdang cũng được thiết kế với cửa sổ làm bằng giấy gió Changhoji và chấn song hình mắt cáo kiểu ngôi nhà truyền thống Hanok. Sân khấu ngoài trời được thiết kế tạo cảm giác gần gũi hòa hợp giữa nghệ sỹ với khán giả. Hệ thống âm thanh tuy không sử dụng hiệu ứng sân khấu hiện đại như thường thấy ở các nơi khác, nhưng vẫn đảm bảo cảm thụ tốt nhất âm thanh tự nhiên của âm nhạc truyền thống Hàn Quốc.”

Hiện tại trên sân khấu đang công diễn vở nhạc kịch dân gian mang tên “Sư tử Bukcheong à, cùng chơi nào (Let’s play, Bukcheong Lion)”, một tác phẩm mới nhất của nhà soạn kịch kiêm đạo diễn kịch nổi tiếng Hàn Quốc Oh Tae-seok.

Vở diễn kể câu chuyện một con hổ cái đem lòng yêu thương con người đã cứu vớt loài người khỏi dịch bệnh hiểm nghèo. Các điệu múa mặt nạ truyền thống của Hàn Quốc như Múa sư tử Bukcheong, Múa mặt nạ ở Bongsan, Múa mặt nạ Byeolsandae ở Yangju kết hợp hài hòa với nhau nên người nước ngoài cũng có thể dễ dàng hiểu được. Không những thế, khoảng cách giữa sân khấu và ghế khán giả chỉ khoảng 2 sải chân nên khán giả có thể cảm nhận được nét biểu cảm của nghệ sĩ biểu diễn cũng như âm thanh một cách hoàn hảo. Nhà soạn kịch Oh Tae-seok giải thích: “Ở rạp hát cỡ vừa có sức chứa khoảng 300 khách như thế này thì dù ngồi ở vị trí nào khán giả cũng nhìn được sân khấu rất rõ nét, nghe được âm thanh sống động và chân thực. Cấu trúc theo kiểu phòng Thư trai Sarangchae nên cự ly đảm bảo cho khán giả thưởng thức đầy đủ màn múa mặt nạ hay hát bài chòi Pansori.”

Một vị khách nước ngoài hào hứng chia sẻ cảm xúc sau khi xem công diễn: “Những buổi công diễn nhạc truyền thống mà tôi đã từng xem đại đa số là ở sân khấu mở, âm thanh bị tản mạn. Không gian ở đây thì khác. Tôi thích vì sân khấu có khả năng thu hút được khán giả tới từng chi tiết nhỏ nhất. Và tôi cũng rất thích âm nhạc truyền thống được biểu diễn hào hứng trên nền nhạc sống. Ở sân khấu thông thường thì khán giả phải ngước lên nhìn, nhưng ở đây được thiết kế để nhìn xuống nên khán giả có thể dễ dàng bao quát. Không gian thoải mái như khoảng sân nhà mình. Thậm chí tôi còn có thể vừa di chuyển vừa thưởng thức.”

[Trải nghiệm cùng chương trình Misuda]

Đến với Seoul Namsan Gukakdang bạn không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn tham gia chương trình trải nghiệm văn hóa truyền thống mang tên Misuda. Trưởng phòng Choi Chan-ho cho biết thêm: “Chương trình “Misuda” giúp du khách trải nghiệm về việc pha trà, mặc trang phục Hanbok và thưởng thức âm nhạc truyền thống. Misuda được kết bởi chữ “Mi” âm Hán Việt là “mỹ” có nghĩa “đẹp” vì thưởng thức âm nhạc thì tâm hồn sẽ trở nên đẹp hơn, chữ “su”, Hán âm là “tú” có nghĩa là “tuyệt” vì nếu mặc trang phục truyền thống Hanbok trông bạn sẽ trở nên thanh tao tuyệt sắc. Và chữ “da” nói về nghi thức pha và uống trà truyền thống. Vì vậy Misuda-Mỹ tú trà có nghĩa là sẽ làm cho ngoại hình và tâm hồn bạn trở nên đẹp hơn.”

Chương trình Misuda bao gồm 3 trải nghiệm truyền thống Hàn Quốc, bắt đầu từ việc mặc trang phục Hanbok, rồi pha trà và uống trà theo nghi thức dân gian, và cuối cùng là cảm thụ âm nhạc sau khi đã học về nhạc cụ truyền thống. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong vòng 100 phút có hướng dẫn bằng tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung. Lệ phí tham gia là 50.000won chưa đầy 50USD cho một người. Chỉ tính riêng năm ngoái, chương trình đã thu hút khoảng 2.500 du khách nước ngoài.

Trước tiên, bạn sẽ được học nghi lễ cơ bản của Hàn Quốc từ cách thức bước chân nào trước khi đi lên đi xuống bậc thang, rồi cách cởi giày dép, cách chào hỏi nhau... Du khách nước ngoài đang hào hứng với trang phục truyền thống Hanbok: “Tôi tên là Victoria Philip, từ Ukraina. Hiện tại tôi đang mặc chiếc áo cánh màu tím đậm với chiếc váy màu vàng cam. Tay áo có hình con bướm trên nền màu trắng. Trông chúng rất đẹp và tinh tế.”, “Đẹp thật đấy, tôi thấy như mình bước ra từ phim truyền hình vậy. Ở Nhật Bản có trình chiếu nhiều phim cổ trang Hàn Quốc nên hôm nay tôi thấy rất vui.”

Tiếp theo là trải nghiệm trà đạo. Bạn mặc trang phục truyền thống, ngồi đúng tư thế, học cách pha trà và uống trà theo kiểu cổ xưa. Văn hóa trà của Hàn Quốc có từ cách đây 2000 năm và những nghi thức truyền thống vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Hôm nay chúng ta sẽ học cách pha chế trà xanh. Sau khi nghe giải thích về tính năng của trà xanh và cách thức pha trà, thì bạn sẽ được trực tiếp làm thử.

Pha trà theo phong cách truyền thống rồi nhấp từng ngụm và cảm nhận sâu sắc văn hóa Hàn Quốc. Một du khách người Nhật quan tâm về sự khác biệt trong cách uống trà truyền thống giữa Hàn Quốc và nước mình: “Tôi đã hỏi giảng viên hướng dẫn thì được biết rằng trong trà đạo của Hàn Quốc thì uống trà trước sau đó mới ăn bánh. Còn ở Nhật Bản thì ngược lại, ăn bánh xong mới uống trà. Cách thức uống trà truyền thống thật sự rất thú vị. Lần sau tôi muốn đến đây cùng bạn của mình.”

Tiếp theo việc trải nghiệm pha và uống trà truyền thống sẽ là khoảng thời gian cho bạn thưởng thức âm nhạc Hàn Quốc. Không chỉ nghe nhạc, du khách có thể học từng nhạc cụ truyền thống đã được sử dụng trong buổi công diễn. Một giảng viên hướng dẫn cách chơi trống phong yêu Janggu: “Trống phong yêu Janggu là một loại nhạc cụ gõ tiêu biểu của Hàn Quốc. Loại trống này được đánh ở hai bên mặt trống bọc bằng da động vật, có hình dáng như chiếc đồng hồ cát với những dây trống được làm từ cây Ngô đồng. Âm thanh phát ra nhịp tùng cắc, tùng cắc…tùy theo mức độ mạnh nhẹ và vị trí đánh trên trống.”

Trống Janggu vốn rất quen thuộc với du khách nước ngoài vì đây là 1 trong 4 nhạc cụ của bộ gõ Samulnori và luôn có mặt trong các buổi biểu diễn truyền thống. Khác với trống thông thường, trống Janggu có thể điều chỉnh âm vực thấp cao. Tiếp theo là đàn tranh 12 dây Gayageum: “Các bạn hãy dùng tay trái để gảy đàn này. Dây đàn được làm từ sợi tơ lụa còn mặt đàn được làm từ gỗ Ngô đồng. Mặt đàn tượng trưng cho đất, còn dây đàn tượng trưng cho bầu trời. Và bệ đỡ dây đàn gọi là Anjok tức ngựa đàn, tượng trưng cho con người. Vì thế đàn Gayageum còn mang nghĩa là cây đàn của sự kết hợp giữa trời, đất và con người. Tôi sẽ biểu diễn để các bạn cùng nghe.”

Gayageum với 12 dây kết nối bằng sợi tơ nên âm rất trong và tinh tế, được coi là nhạc cụ nữ tính tiêu biểu. Ngoài ra còn có sáo trúc Daegeum và đàn nhị Haegeum. Mỗi khi nghe giải thích cũng như thưởng thức âm thanh của từng loại nhạc cụ thì du khách nước ngoài lại ồ lên những tiếng trầm trồ tán thưởng. Sau khi học nhạc cụ xong, bạn sẽ được cảm thụ bản hợp âm được hòa tấu bởi những nhạc cụ này: “Xin chào, tôi là người Pháp. Tôi vừa mới xem biểu diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc xong. Thật cảm động làm sao, thật khác với những gì tôi đã xem từ trước tới nay. Âm thanh phát ra từ những nhạc cụ dây rất hấp dẫn. Tôi cho rằng nó có gì đó khác biệt với những dòng nhạc khác. Nghe rất hay.”

Tiếp theo là khoảng thời gian dành cho du khách học bài hát dân ca Arirang tiêu biểu của Hàn Quốc. Bạn sẽ được học bài Jindo Arirang, một bài dân ca có nhịp điệu rộn ràng trong số nhiều dị bản của Arirang. Còn một trải nghiệm thú vị khác nữa giúp du khách hòa mình vào chương trình công diễn nhạc truyền thống Hàn Quốc. Đó chính là học xướng họa (Chuimsae).

Tuyệt đấy, hay, hay quá! Học những lời xướng họa như vậy và thực hiện các động tác vỗ đầu gối và nhún vai theo điệu nhạc, rồi vui vẻ hát vang bài dân ca Arirang. Đây hẳn sẽ là kỷ niệm không thể nào quên đối với du khách nước ngoài: “Tôi tên là Pussan Kumar, đến từ Ấn Độ. Tôi rất thích trà, âm nhạc và trang phục truyền thống của Hàn Quốc. Tôi đặc biệt thích nhạc truyền thống. Rất độc đáo. Tôi đã có thể hình dung được rằng người Hàn Quốc xưa đã thưởng thức âm nhạc như thế nào. Tất cả những trải nghiệm ở đây đều rất tuyệt với tôi.”

Seoul Namsan Gukakdang quả là địa điểm lý tưởng để du khách thưởng thức và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc trong những ngày xuân tràn đầy sắc hoa này.

Lựa chọn của ban biên tập