Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

KDI: "Kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục co hẹp do tác động của COVID-19"

Write: 2020-07-08 13:28:33Update: 2020-07-08 17:50:58

KDI:

Photo : YONHAP News

Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) ngày 8/7 đã công bố báo cáo xu hướng kinh tế tháng 7, đánh giá xu hướng đình trệ tiêu dùng đã được giảm nhẹ, nhưng do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới dẫn tới nguồn cung ngoài nước giảm, nên nền kinh tế Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục bị co hẹp. 

Vào tháng 1 và tháng 2 năm nay, KDI đánh giá xu hướng kinh tế trì trệ đã được giảm nhẹ hơn. Nhưng sau khi dịch COVID-19 bùng phát, từ tháng 3, KDI đánh giá nền kinh tế đang bị co hẹp và tiếp tục sử dụng cụm từ này cho tới báo cáo lần này.

Trong tháng 5, sản xuất toàn ngành công nghiệp Hàn Quốc đã giảm 5,6%. Mức giảm ở lĩnh vực dịch vụ đã được cải thiện hơn, từ mức 6,1% trong tháng 4 xuống 4% trong tháng 5 nhờ Chính phủ chuyển đổi sang cơ chế phòng dịch vừa giãn cách xã hội vừa duy trì nhịp sống thường ngày, cũng như nhờ hiệu quả từ chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân. Sản xuất lĩnh vực chế tạo và khai thác khoáng sản giảm 9,6% do các các ngành ô tô, linh kiện điện tử, gia công kim loại giảm sâu.
 
Trong tháng 5, sản xuất ngành chế tạo giảm mạnh, tồn kho gia tăng. Tỷ lệ vận hành ngành chế tạo giảm xuống mức tương tự với thời kỳ khủng hoảng kinh tế trong quá khứ.

Chỉ số động thái kinh tế tổng hợp, chỉ số tổng hợp đánh giá về tình trạng cũng như xu thế hiện tại của nền kinh tế, đạt 96,5 điểm, và chỉ số dự đoán biến động kinh tế trong tương lai đạt 98,9 điểm, đều tiếp tục xu hướng giảm.

Doanh số bán lẻ tháng 5 chuyển từ xu hướng giảm sang tăng 1,7% so với tháng trước, ảnh hưởng lớn từ việc doanh số ô tô tăng (27,7%).

KDI giải thích xu hướng đình trệ tiêu dùng đã được giảm nhẹ một phần, thể hiện ở doanh số bán lẻ tăng và mức giảm sản xuất ngành dịch vụ được thu hẹp.

Chỉ số tâm lý tiêu dùng tháng 6 đạt 81,8 điểm, vẫn dưới mức chuẩn 100 điểm, nhưng đã tăng so với tháng trước (77,6 điểm), cho thấy tâm lý tiêu dùng đang được hồi phục phần nào.

Đầu tư thiết bị trong tháng 5 tăng 3,6% so với tháng trước, chủ yếu là nhờ đầu tư mặt hàng máy móc. KDI giải thích mặc dù xuất khẩu và tỷ lệ vận hành ngành chế tạo đều giảm, nhưng các doanh nghiệp chíp bán dẫn vẫn tăng đầu tư quy mô lớn để mua máy móc.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 6  giảm 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm cải thiện đáng kể so với -23,6% của tháng 5. Nếu tính bình quân ngày, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 giảm 18,5% so với một năm trước, tương tự mức giảm của tháng 5 (18,3%).

Số lao động có việc làm trong tháng 5 giảm 392.000 người so với cùng kỳ một năm trước, thấp hơn mức giảm 476.000 người của tháng 4. 

Tỷ lệ lạm phát tháng 6 là 0%. KDI nhận định hiện tượng vật giá thấp sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. 

Ở thị trường tài chính, giá cổ phiếu và giá trị đồng won trong tháng 6 vẫn tăng do kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế, bất chấp lo ngại tái bùng phát dịch COVID-19 trên diện rộng. Lãi suất vẫn ở mức tương tự so với tháng trước.

KDI cho biết các nước lớn trên thế giới đang nối lại hoạt động kinh tế, dẫn tới tâm lý kỳ vọng về sự hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, hiện số ca nhiễm COVID-19 trong và ngoài nước vẫn đang có chiều hướng tăng, có thể sẽ gây áp lực kéo nền kinh tế đi xuống.

Lựa chọn của ban biên tập