Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

GDP quý I/2024 của Hàn Quốc tăng trưởng 1,3% so với quý trước

Write: 2024-04-25 10:50:04Update: 2024-04-25 18:34:36

GDP quý I/2024 của Hàn Quốc tăng trưởng 1,3% so với quý trước

Photo : KBS News

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 25/4 công bố Tổng sản phẩm quốc nội thực tế quý I/2024 tăng 1,3% so với quý IV năm 2023, và tăng trưởng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Trước đó, kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng dưới 1% liên tiếp kể từ sau quý IV/2021. BOK đánh giá nền kinh tế trong quý I đã có sự hồi phục rõ nét. Dự báo càng về nửa cuối năm, các điều kiện từng được coi là yếu tố bất ổn thời gian qua như tỷ giá hối đoái hay lãi suất có thể sẽ được cải thiện. BOK sẽ phản ánh điều này vào báo cáo triển vọng kinh tế sửa đổi trong tháng sau.

Trong quý I, cả xuất khẩu, đầu tư xây dựng và tiêu dùng tư nhân đều tăng. Trong đó, xuất khẩu tăng 0,9% chủ yếu nhờ mặt hàng công nghệ thông tin, mặc dù không bằng mức tăng quý trước (3,5%) nhưng đã tăng trưởng ba tháng liên tiếp, đóng góp lớn vào tỷ lệ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu quý này kém hơn là bởi xuất khẩu các mặt hàng chủ lực là ô tô, chíp bán dẫn không bằng quý trước.
 
Tiêu dùng tư nhân tăng 0,8% nhờ tiêu dùng cả hàng hóa (quần áo) và dịch vụ (nhà nghỉ, khách sạn) đều tăng. So với mức tăng quý trước (0,2%), tiêu dùng tư nhân quý này đã tăng trưởng mạnh hơn. BOK phân tích tiêu dùng tăng do người dân gia tăng các hoạt động ngoài trời, thêm vào đó còn do ảnh hưởng của sự ra mắt dòng martphone mới. Đầu tư xây dựng tăng 2,7% nhờ xây dựng công trình và xây dựng dân dụng đều tăng.

BOK đánh giá nếu chỉ nhìn vào thành tích quý I thì tiêu thụ nội địa có vẻ như đã hồi phục trở lại, tuy nhiên cần phải tiếp tục theo dõi đà hồi phục này sẽ kéo dài hay không. 

Ngân hàng trung ương phân tích tâm lý tiêu dùng tư nhân trong quý I cải thiện là nhờ sự kỳ vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc và các nước lớn hạ lãi suất. Đà hồi phục này còn phụ thuộc vào giá nông sản và giá dầu trong thời gian tới. Đầu tư xây dựng vẫn tăng trưởng khả quan trong quý I được phân tích là do hiệu ứng cơ sở, bởi đầu tư xây dựng quý IV năm ngoái không cao, và nhiều công trình thi công quy mô lớn bị trì hoãn do thời tiết. 

Tuy nhiên, BOK cũng chỉ ra rằng rủi ro các khoản vay của công ty tài chính phi ngân hàng đối với dự án bất động sản (PF) vẫn còn tồn tại, các chỉ số liên quan tới xây dựng vẫn chưa thực sự tích cực, nên xu hướng đình trệ hiện nay vẫn chưa thể thay đổi ngay.

Lựa chọn của ban biên tập