Chính phủ Hàn Quốc ngày 7/6 công bố kết quả điều tra thực trạng người cao tuổi, tiến hành ba năm một lần. Kết quả cho thấy cứ ba người cao tuổi Hàn Quốc lại có một người đang hoạt động kinh tế, chủ yếu là để kiếm sống. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của người từ 65-69 tuổi đã tăng từ mức 39,9% năm 2008, thời kỳ bắt đầu điều tra, lên 55,1% vào năm ngoái.
Xét theo ngành nghề, tỷ lệ người cao tuổi làm các công việc chân tay đơn giản chiếm 48,7%. 13,5% làm việc ở lĩnh vực nông ngư nghiệp, 12,2% làm ở lĩnh vực dịch vụ. Thu nhập bình quân của người cao tuổi tăng từ 7 triệu won (6.300 USD) năm 2018 lên 15,58 triệu won (14.000 USD) vào năm ngoái, được phân tích là do thu nhập từ lao động và thu nhập từ lương hưu tăng. Thu nhập từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ chiếm 27,5% tổng thu nhập người cao tuổi.
Có 73,9% người cao tuổi trả lời làm việc để kiếm sống. Số người cao tuổi mong muốn sống riêng với con cái đang gia tăng đều đặn. Tỷ lệ người cao tuổi muốn sống chung với con cái năm 2008 là 32,5%, đã giảm xuống còn 12,8% năm 2020.
Trên thực tế, 78,2% người cao tuổi đang sống như một hộ riêng. 62% chọn lý do là bởi các yếu tố độc lập như về tình trạng sức khỏe, năng lực kinh tế, hưởng thụ đời sống cá nhân.
49,3% người cao tuổi đánh giá tình trạng sức khỏe bản thân ở mức "tốt", 13,5% trả lời có triệu chứng trầm cảm.
Kết quả điều tra trên được Viện nghiên cứu phúc lợi và xã hội Hàn Quốc (KIHASA) thực hiện trong vòng 9 tháng từ tháng 3 năm ngoái, theo hình thức phỏng vấn 10.097 người 65 tuổi trở lên trên toàn quốc. Kết quả điều tra có độ tin cậy 95%, sai số trong khoảng ±1%.