Đã tròn hai năm kể từ ngày Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu ba mặt hàng vật liệu là nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và khí ăn mòn sang Hàn Quốc (1/7/2019).
Một doanh nghiệp Hàn Quốc từng sản xuất axit flohydric công nghiệp đã thành công trong việc phát triển khí ăn mòn độ tinh khiết cao sử dụng trong sản xuất chíp bán dẫn, một mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ sớm ra mắt sản phẩm thử nghiệm. Việc Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu ngược lại đã trở thành cơ hội cho doanh nghiệp.
Nhờ những nỗ lực này của các doanh nghiệp mà kim ngạch nhập khẩu khí ăn mòn từ Nhật Bản đã giảm mạnh sau hai năm. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc công bố ngày 1/7, kim ngạch nhập khẩu khí ăn mòn từ Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay đạt 46 triệu USD, giảm 83,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Mức độ phụ thuộc vào Nhật Bản về các mặt hàng vật liệu, linh kiện cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục. Nhập khẩu nhựa nhiệt dẻo trên thực tế đã chuyển sang bằng 0, do Hàn Quốc sử dụng vật liệu khác thay thế là kính siêu mỏng (Ultra Thin Glass - UTG). Nhập khẩu chất cản màu cũng không còn phụ thuộc vào Nhật Bản, do doanh nghiệp tăng nhập khẩu từ các quốc gia như Bỉ (tăng gấp 12 lần).
Một doanh nghiệp sản xuất linh kiện khác cũng đã thành công trong việc cung cấp linh kiện cho doanh nghiệp lớn trong nước. Đại diện doanh nghiệp này cho biết do không nhập được vật liệu, linh kiện từ Nhật Bản, nên các doanh nghiệp lớn đã tìm nguồn cung trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như đơn vị này.
Việc đảm bảo được nguồn cung ổn định trong nước sẽ góp phần lớn vào việc phát triển công nghệ có năng lực cạnh tranh. Đại diện một doanh nghiệp chíp bán dẫn cho biết việc ổn định nguồn cung vật liệu, linh kiện đã góp phần giúp phát triển công nghệ có năng lực cạnh tranh so với các đối thủ.
Mức độ phụ thuộc vào Nhật Bản đối với 100 mặt hàng quan trọng đã giảm từ 31,4% xuống 24,9%, tức giảm 6,5% sau hai năm. Quy mô thặng dư thương mại ở lĩnh vực vật liệu, linh kiện, trang thiết bị cao hơn gấp 2,69 lần so với quy mô thặng dư toàn ngành công nghiệp. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tầm trung ở lĩnh vực vật liệu, linh kiện, trang thiết bị có giá trị vốn hóa thị trường trên 1.000 tỷ won (882 triệu USD) đã tăng từ 13 lên 31 đơn vị.
Tuy nhiên, Seoul vẫn chưa thoát khỏi tình trạng thâm hụt trong thương mại với Tokyo. Một quan chức thuộc Viện nghiên cứu công nghiệp Hàn Quốc cho biết tỷ trọng các mặt hàng mà Hàn Quốc đang nỗ lực giảm phụ thuộc vào Nhật Bản chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thâm hụt thương mại với Tokyo. Do vậy, những thành quả đạt được trong thời gian qua chưa đủ để thay đổi toàn bộ cơ cấu nhập khẩu.
Sau hai năm Nhật Bản siết chặt quy chế xuất khẩu, Hàn Quốc cần có biện pháp khắc phục căn bản hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc đối phó với khủng hoảng, mà còn phải thay đổi cả "thể chất" nền kinh tế.