Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc: "Tokyo phải được Seoul đồng ý mới được thực hiện năng lực phản công"

Write: 2022-12-19 11:19:25

Thumbnail : YONHAP News

Vào ngày 16/12 vừa qua, Nội các Chính phủ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thông qua dự thảo sửa đổi “Chiến lược an ninh quốc gia”, lần sửa đổi đầu tiên trong vòng 10 năm kể từ năm 2013.

Trong đó, Tokyo nêu rõ nước này có thể "phản công" vào khu vực của quân địch như một biện pháp tự vệ tối thiểu cần thiết để ngăn chặn cuộc tấn công vào nước Nhật. Nội dung sửa đổi này được coi là một bước ngoặt lịch sử trong chính sách an ninh của Nhật Bản, cho phép Tokyo sở hữu năng lực tấn công thay vì chỉ được phép "phòng thủ" suốt hơn 70 năm qua, kể từ sau khi nước này bại trận trong Chiến tranh Thái Bình Dương.
 
Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã đưa ra lập trường rằng đối với những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh bán đảo Hàn Quốc và lợi ích quốc gia của Seoul, Tokyo nhất định phải thảo luận chặt chẽ và được Hàn Quốc đồng ý trước.

Bộ Ngoại giao cũng chú ý tới một điểm rằng thông qua việc sửa đổi lần này, Nhật Bản có thể thực hiện năng lực phản công trong các điều kiện nghiêm ngặt mà không hề sửa đổi khái niệm "chuyên phòng thủ" trong Hiến pháp. Nội dung này được phân tích là nhằm hối thúc Tokyo thực hiện chính sách phòng thủ đảm bảo không làm lung lay nền tảng Hiến pháp Hòa bình của nước này.

Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc cũng nhấn mạnh rằng nếu Nhật Bản muốn tấn công Bắc Triều Tiên trong các trường hợp khẩn cấp thì phải được sự đồng ý của Chính phủ Hàn Quốc. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên cũng là lãnh thổ của Hàn Quốc, nên nếu Nhật Bản tấn công hay điều động nguồn lực chiến đấu tới miền Bắc thì phải được sự phê chuẩn của Hàn Quốc.

Giới nghiên cứu trong nước đang cho rằng sự đối phó của Chính phủ trong vấn đề này còn nhiều thiếu sót, do chính quyền đảng cầm quyền Dân chủ tự do của Nhật Bản đã liên tục xúc tiến thay đổi chính sách an ninh suốt thời gian qua, trong khi Hàn Quốc lại tập trung vào giải quyết các vấn đề quá khứ như vấn đề bồi thường cho nạn nhân cưỡng ép lao động thời chiến.

Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc cũng phản đối gay gắt lập luận của Nhật Bản về chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc trong văn kiện an ninh. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã triệu tập Công sứ và Viên chức chuyên trách về phòng thủ tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul để yêu cầu Tokyo xóa ngay các nội dung liên quan trong văn kiện mà nước này mới công bố.

Lựa chọn của ban biên tập