Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lãnh đạo Hàn Quốc để ngỏ khả năng thảo luận về cơ chế răn đe mở rộng Hàn-Mỹ-Nhật

Write: 2023-08-16 14:00:51

Thumbnail : YONHAP News

Trả lời phỏng vấn của truyền thông quốc tế vào ngày 16/8 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật dự kiến diễn ra vào ngày 18/8 (giờ Mỹ), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận Bắc Triều Tiên là quốc gia sở hữu hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào. 

Lãnh đạo Hàn Quốc chỉ ra rằng miền Bắc có ý đồ duy trì thể chế bằng cách lấy được vị thế là quốc gia sở hữu hạt nhân, nhưng việc phát triển hạt nhân, tên lửa ngược lại chỉ khiến nước này rơi vào thế cô lập và thể chế bị đe dọa.

Tổng thống khẳng định Seoul sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế để đưa Bình Nhưỡng đi vào con đường đối thoại và hợp tác thay vì phát triển hạt nhân và tên lửa, tăng cường đảm bảo đời sống cho người dân.

Bên cạnh đó, ông Yoon cho biết sẵn sàng tham gia thảo luận về răn đe mở rộng Hàn-Mỹ-Nhật. Răn đe mở rộng là việc Mỹ cung cấp tài sản hạt nhân như tàu ngầm hạt nhân khi đồng minh bị đe đọa hạt nhân. Hiện tại, cơ chế răn đe mở rộng được duy trì ở cấp độ song phương là Hàn-Mỹ, Mỹ-Nhật. Phát biểu trên của Tổng thống Yoon để ngỏ khả năng lãnh đạo ba nước sẽ thảo luận về một cơ chế răn đe mở rộng ba bên Hàn-Mỹ-Nhật tại cuộc họp thượng đỉnh tới. Cơ chế này nhằm mục đích tăng cường hợp tác ba bên đối phó với uy hiếp hạt nhân miền Bắc, nhưng cũng có thể coi là một cơ chế an ninh khu vực nhằm kìm hãm Trung Quốc.

Một quan chức Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trước đó cho biết rằng trong Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ-Nhật sắp tới sẽ không đề cập trực tiếp hay thể hiện sự thù địch với Trung Quốc.

Trước câu hỏi của phóng viên về phương án giảm nhẹ rủi ro chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, ông Yoon công bố kế hoạch xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin và cảnh báo sớm về chuỗi cung ứng Hàn-Mỹ-Nhật. Ngoài ra, ba nước cũng tăng cường hợp tác về công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hàn Quốc tỏ ra thận trọng về vấn đề kiểm soát xuất khẩu sang Bắc Kinh mà Washington khởi xướng, cho biết sẽ tiến hành thảo luận chặt chẽ về vấn đề này.

Một quan chức Văn phòng Tổng thống thì bác bỏ ý kiến cho rằng ba nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang thiết lập một cơ chế tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực Đông Á thông qua việc tăng cường hợp tác an ninh kinh tế là một phân tích "đi quá đà".

Lựa chọn của ban biên tập