Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lãnh đạo Hàn-Mỹ-Nhật thông qua ba văn kiện quan trọng về hợp tác ba bên

Write: 2023-08-19 08:40:47

Thumbnail : YONHAP News

Vào ngày 18/8 (giờ địa phương), Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Trại David (bang Maryland), nơi nghỉ dưỡng dành riêng cho Tổng thống Mỹ. Lãnh đạo ba nước đã đạt được thỏa thuận đưa hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật trở thành một cơ chế tham vấn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. 
 
Sau cuộc họp kéo dài 4 tiếng, lãnh đạo ba nước đã thông qua tổng cộng ba văn kiện, đó là "Nguyên tắc Trại David" về khung hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật, tuyên bố chung có tên "Tinh thần Trại David" và "Cam kết tham vấn Hàn-Mỹ-Nhật" có nội dung cam kết về việc phối hợp trong tình hình khủng hoảng.
 
Trước tiên, trong "Nguyên tắc Trại David", các bên nhấn mạnh "ba nước Hàn-Mỹ-Nhật sẽ mạnh hơn khi thành một", tuyên bố sẽ tiếp tục phối hợp trong những năm tới. Mục đích của hợp tác an ninh Hàn-Mỹ-Nhật đó là thúc đẩy tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực. 
 
Cả ba nước bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ bất kỳ ý đồ đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng sức mạnh hoặc đàn áp; hối thúc giải quyết hòa bình vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan, vì hòa bình và sự ổn định tại eo biển Đài Loan. 

Seoul, Washington và Tokyo tuyên bố theo đuổi phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên một cách toàn diện, giải quyết các vấn đề con tin, tù nhân bị miền Bắc bắt giữ, tù nhân chiến tranh chưa được trao trả, ủng hộ "một bán đảo Hàn Quốc tự do, hòa bình và thống nhất". Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ba nước đề cập tới vấn đề tù nhân Hàn Quốc bị miền Bắc bắt trong chiến tranh, và cụm từ "một bán đảo Hàn Quốc tự do và thống nhất".
 
Ba nước tuyên bố bảo vệ các nguyên tắc về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết hòa bình tranh chấp, sử dụng vũ lực; kêu gọi tăng cường pháp trị và đảm bảo an ninh trong khu vực và quốc tế; tái khẳng định nguyên tắc đối phó chung cả trong vấn đề Ukraine.
 
Tiếp theo, tuyên bố chung được lãnh đạo ba nước thông qua sau hội nghị thượng đỉnh có tên "Tinh thần Trại David", nêu ra phương án hợp tác cụ thể dựa trên "Nguyên tắc Trại David".

Ba nước nhất trí tổ chức ít nhất một năm một lần cuộc hội đàm ở 4 cấp cao nhất, là cấp thượng đỉnh, cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn An ninh quốc gia. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Hàn-Mỹ-Nhật, và cuộc họp thường niên mới giữa Bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Công nghiệp ba bên.
 
Ba nước nhất trí lập ra Đối thoại Ấn Độ-Thái Bình Dương Hàn-Mỹ-Nhật, Đối thoại chính sách phát triển Hàn-Mỹ-Nhật, Nhóm chuyên viên hợp tác an ninh mạng Hàn-Mỹ-Nhật, trao đổi về chính sách đa phương diện.
 
Lãnh đạo các nước nhất trí tổ chức cuộc họp cấp chuyên viên để xây dựng kế hoạch tập trận Hàn-Mỹ-Nhật trong vòng nhiều năm. Ba nước sẽ xúc tiến tổ chức định kỳ tập trận chống hải tặc, tập trận chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trên biển, tập trận phòng thủ tên lửa trên biển và tập trận chống tàu ngầm, tập trận đối phó với thảm họa sự cố, viện trợ nhân đạo.
 
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết đây là lần đầu tiên lãnh đạo ba nước nhất trí lập kế hoạch tập trận ba bên trong nhiều năm, một bước tiến đầy ý nghĩa trong hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật.
 
Ngoài ra, ba nước nhất trí chia sẻ thông tin cảnh báo tên lửa Bắc Triều Tiên theo thời gian thực cho tới cuối năm nay, tăng cường tổ chức Đối thoại an ninh vũ trụ ba bên, qua đó mở rộng hợp tác an ninh sang lĩnh vực không gian.

Liên quan đến Trung Quốc, văn kiện này có những nội dung cụ thể hơn “Nguyên tắc Trại David”. Tuyên bố bày tỏ lo ngại về những hành động không phù hợp với trật tự, chuẩn mực quốc tế; nhắc lại quan điểm mà ba nước đã công bố trước đó về những hành động nguy hiểm, hung hăng cổ vũ cho quan điểm chủ quyền trên biển bất hợp pháp của Trung Quốc trên vùng biển Hoa Nam (mà Việt Nam gọi là biển Đông).

Ba nước phản đối bất cứ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng tại vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó đề cập tới các hành vi cụ thể của Trung Quốc, như biến các khu vực san lấp thành căn cứ quân sự, sử dụng một cách nguy hiểm tàu của lực lượng Cảnh sát biển và dân quân, các hành động đàn áp, đánh bắt cá bất hợp pháp.

Ngoài ra, các bên tái khẳng định lập trường không đổi về vấn đề Đài Loan, nhấn mạnh hòa bình và ổn định tại khu vực này là yếu tố thiết yếu đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế; hối thúc giải quyết hòa bình vấn đề quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Ở lĩnh vực an ninh kinh tế, ba nước nhất trí mở rộng chia sẻ thông tin, ra mắt dự án thí điểm về hệ thống cảnh báo sớm chuỗi cung ứng nhằm khắc phục sự cưỡng bức kinh tế.

Lãnh đạo ba nước cũng nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hữu quan về phòng ngừa rò rỉ công nghệ; tiếp tục tăng cường hợp tác về kiểm soát xuất khẩu, nhằm ngăn chặn các công nghệ của ba nước bị sử dụng vào mục đích quân sự hoặc mục đích khác, có thể đe dọa tiềm tàng tới hòa bình và an ninh quốc tế.

Ba bên nhất trí nghiên cứu chung ở lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học), hợp tác ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, không gian, cùng hỗ trợ cho các nước phát triển và Ukraine. 

Văn kiện này nhấn mạnh hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật không chỉ là mối quan hệ đối tác vì người dân ba quốc gia đơn thuần, mà là vì toàn bộ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương; chính thức tuyên bố rằng sẽ đưa cơ chế hợp tác ba bên vượt ra khỏi ranh giới bán đảo Hàn Quốc, bao trùm toàn bộ khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, các nước cũng nhất trí đối phó với các mối uy hiếp chung. Nội dung này được tuyên bố chính thức bằng văn kiện riêng là "Cam kết tham vấn Hàn-Mỹ-Nhật". Trong đó, ba nước cam kết sẽ tiến hành tham vấn một cách nhanh chóng để trao đổi về việc đối phó với các thách thức, khiêu khích và đe dọa trong khu vực có thể ảnh hưởng tới lợi ích và an ninh chung. Thông qua quá trình tham vấn này, các bên sẽ cùng chia sẻ thông tin, thống nhất hài hòa các thông điệp và trao đổi về biện pháp đối phó. Điều này có nghĩa là khi xảy ra một mối đe dọa đối với cả ba nước thì Seoul, Washington và Tokyo sẽ cùng lên tiếng và đối phó.

Việc ba nước thông qua văn kiện về hợp tác Hàn-Mỹ-Nhật ở một cấp độ mới mang ý nghĩa là cấp độ hợp tác ba bên sẽ không đi lùi dù chính quyền ở mỗi nước thay đổi.

Lựa chọn của ban biên tập