Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nhiệm vụ của các vệ tinh tư nhân trong vụ phóng lần ba tên lửa đẩy Nuri

Write: 2023-05-15 14:17:47

Thumbnail : YONHAP News

Chỉ còn 9 ngày nữa, tức vào ngày 24/5 tới, sẽ diễn ra vụ phóng lần ba tên lửa đẩy vũ trụ "Nuri" do Hàn Quốc phát triển hoàn toàn bằng công nghệ nội địa. Các khâu kiểm tra cuối cùng đang được triển khai gấp rút. Do trong lần phóng thứ ba, tên lửa Nuri sẽ chở vệ tinh thực nghiệm lên vũ trụ, nên công tác kiểm tra tính năng vệ tinh đang được triển khai một cách kỹ lưỡng. 

Trong vụ phóng lần ba này, tên lửa Nuri sẽ lần đầu được lắp vệ tinh thực nghiệm thay vì lắp vệ tinh mô phỏng trong hai lần phóng trước đó. 

Vệ tinh chính lắp trên tên lửa Nuri sẽ là vệ tinh cỡ nhỏ thế hệ mới số 2 do Trung tâm nghiên cứu vệ tinh nhân tạo thuộc Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) phát triển. Ba vệ tinh phụ do ba đơn vị tư nhân (Justek, Lumir, Kairo Space) phát triển. Một trong số đó là vệ tinh "Lumir-T1", có chức năng quan trắc lượng phóng xạ phía trên quỹ đạo vệ tinh và khả năng khắc phục lỗi máy móc có thể xảy ra do phóng xạ. Phía công ty Lumir cho biết công nghệ này có thể áp dụng đối với môi trường phóng xạ nồng độ cao như bên trong nhà máy điện nguyên tử Fukushima của Nhật Bản.

Giám đốc công ty Lumir Nam Myoung-yong cho biết trong môi trường phóng xạ, máy móc sẽ dễ bị hỏng hóc, cần tới một thiết bị điện tử có thể vượt qua được môi trường phóng xạ. Theo đó, có thể ứng dụng công nghệ vệ tinh Lumir-T1 vào việc sản xuất ra các thiết bị điện tử như vậy.

Hai vệ tinh còn lại do công ty Justek và Kairo Space phát triển sẽ tiến hành thu thập tài liệu quan trắc khí tượng bán đảo Hàn Quốc, kiểm chứng tính năng của hệ thống điều khiển vệ tinh và camera quang học vũ trụ. Giám đốc công ty Justek Kim Yong-il đánh giá đây sẽ là bước khởi đầu để Hàn Quốc tiến tới nội địa hóa toàn bộ phụ tùng vệ tinh.

Ngoài ra, thông qua vụ phóng lần này, Hàn Quốc cũng tiến hành thử nghiệm về công nghệ xử lý rác thải vũ trụ. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, các vệ tinh sẽ phóng ra một quả cầu lớn, phát nổ để quay trở lại bầu khí quyển một cách nhanh chóng. Khi đó, vệ tinh sẽ bị bốc cháy khi va chạm với bầu khí quyển, chỉ còn lại đống tro tàn. 

Các doanh nghiệp có chung kỳ vọng rằng vụ phóng tên lửa Nuri lần này sẽ trở thành một tài sản lớn, giúp doanh nghiệp tích lũy kinh nghiệm về việc đưa vệ tinh lên vũ trụ, mở đường xuất khẩu ra nước ngoài.

Tên lửa Nuri (KSLV-II) do Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc hoàn tất phát triển, được phóng lần một vào tháng 10/2021, lần hai vào tháng 6/2022. Sau thành công của vụ phóng lần hai, Hàn Quốc chính thức trở thành cường quốc vũ trụ thứ 7 thế giới sau Mỹ, Nga, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc, có thể phóng được vệ tinh thực nghiệm nặng trên 1 tấn bằng tên lửa đẩy nội địa.

Lựa chọn của ban biên tập