Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Nguyệt đài trước cổng Gwanghwamun hoàn tất trùng tu sau 100 năm

Write: 2023-10-16 14:04:27

Thumbnail : YONHAP News

Công trình "Woldae" trước cổng Gwanghwamun (Quang Hóa Môn), một trong những biểu tượng của Hàn Quốc, đã kết thúc quá trình tu sửa và được mở cửa vào tối ngày 15/10. 

Woldae (Nguyệt đài) là khoảng không gian rộng ngay phía trước cung điện, từng là địa điểm tổ chức các kỳ thi trong thời triều đại Joseon (thế kỷ XIV-XIX), đón tiếp sứ thần, hay là nơi để vua chúa chào đón bách tính.

Công trình này đã được phục hồi sau 100 năm, mở ra con đường đi vào cung Gyeongbok (Cảnh Phúc).

Một người dân tham dự sự kiện mở cửa Woldae thể hiện niềm vui sướng khi được lần đầu đặt chân lên khu vực này, và cảm giác như bản thân mình chính là vua hay hoàng hậu của triều đại Joseon.

Công tác khai quật khu vực Woldae đã bắt đầu từ năm 2022, lộ ra con đường sắt được xây dựng từ thời đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc nhưng bị chôn vùi vào những năm 1960. Vật liệu đá làm nền được xác nhận là từ khu vực Donggureung, thành phố Guri, tỉnh Gyeonggi, và đã được phục hồi. Gia quyến của cố Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee cũng đã hiến tặng tượng linh vật trấn giữ khu vực Woldae. 

Một giáo sư tại trường Đại học Seoul nhận định Woldae là nét đặc trưng của cung điện Hàn Quốc, khác biệt với Trung Quốc và Nhật Bản, do đó việc phục hồi nguyên trạng cổng Gwanghwamun có ý nghĩa rất to lớn.

Tấm biển mới của cổng Gwanghwamun với nền đen và chữ viết ánh vàng cũng được công bố vào cùng ngày. Năm 2010, Hàn Quốc đã thay đổi bảng tên chữ viết tay hơn 40 năm tuổi từ thời Tổng thống ParkChung-hee, song tấm biển đã xuất hiện một số vết nứt, gây ra tranh cãi về thiếu sót trong việc trùng tu. 
 
Có ý kiến cho rằng tên gọi Quang Hóa Môn trên tấm biển nên được đổi thành hệ chữ Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm, tên gọi ban đầu của chữ Hàn Hangeul). Tuy nhiên, xét theo những hình ảnh được lưu trữ tại Viện bảo tàng Smithsonian của Mỹ và những ghi chép công trình tu sửa cung Gyeongbok được tìm thấy ở Nhật Bản, tấm biển mới đã được trùng tu theo nét chữ Hán được viết từ thời Joseon.

Lựa chọn của ban biên tập