Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

6. Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến trực tiếp biên soạn sách giáo khoa lịch sử

2015-12-28

6. Chính phủ Hàn Quốc xúc tiến trực tiếp biên soạn sách giáo khoa lịch sử
Ngày 3/11, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã đăng công báo quyết định về việc Nhà nước trực tiếp đứng ra biên soạn sách giáo khoa lịch sử thay vì chỉ thực hiện kiểm định như từ trước đến nay. Ngay lập tức, việc này đã gây tranh cãi kịch liệt không chỉ trong giới sử gia mà trong toàn xã hội. Dự đoán những dư âm của nó sẽ còn tiếp diễn sang năm 2016.

Theo đó, từ năm học 2017 trở đi, sách giáo khoa lịch sử do Nhà nước kiểm định đang dùng để giảng dạy ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ được thay bằng sách do Nhà nước biên soạn. Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội kiêm Bộ trưởng Giáo dục Hwang Woo-yea cho biết Chính phủ ra quyết định này dựa trên nhận định rằng chỉ với cơ chế kiểm định rồi cho phát hành như hiện nay thì không thể tạo ra cuốn sách giáo khoa lịch sử có nội dung đúng đắn được. Ông Hwang nói thêm rằng sách giáo khoa lịch sử bị lợi dụng biến thành công cụ khơi mào tranh cãi, gây chia rẽ nội bộ quốc gia và những mâu thuẫn trong xã hội. Do đó, nhằm ngăn chặn hỗn loạn xã hội phát sinh từ những tranh cãi liên quan, Chính phủ đã quyết định cải tổ lĩnh vực giáo dục lịch sử hướng đến thắt chặt tính thống nhất quốc gia, cụ thể đó chính là việc chịu trách nhiệm từ khâu biên soạn nội dung đến phát hành sách giáo khoa lịch sử.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ giới chuyên gia lịch sử nói riêng và trong xã hội nói chung đã ngay lập tức bày tỏ phản đối mạnh mẽ quyết định này của Chính phủ. Thậm chí, những người phản đối đã tổ chức các cuộc vận động, kêu gọi người dân cùng tham gia, đồng thời tuyên bố sẽ soạn thảo chung một quyển sách giáo khoa lịch sử khác thay thế cho sách do Nhà nước biên soạn.

Vấn đề sách giáo khoa lịch sử từ lâu đã tồn tại và chưa được giải quyết triệt để. Phe tán thành việc Nhà nước biên soạn sách cho rằng các sách đang được giảng dạy hiện nay có những nội dung mang tính phiến diện quá đà là tả khuynh. Ngược lại, phe phản đối lại cho rằng nếu để Nhà nước trực tiếp biên soạn thì nội dung sẽ bị bẻ theo hướng có lợi cho chính quyền đương nhiệm, đồng thời sẽ phá vỡ tính đa dạng của tri thức.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chỉ định Ủy ban biên soạn tư liệu lịch sử quốc gia là cơ quan phụ trách, đồng thời chọn nhóm viết sách gồm 47 người và Ủy ban thẩm định biên soạn gồm 16 người. Dự kiến, riêng việc biên soạn nội dung sách sẽ mất khoảng một năm, tức đến tháng 12 năm 2016 sẽ hoàn tất chuyển sang các khâu thẩm định và thí điểm để chính thức đưa vào áp dụng trong giảng dạy tại các trường từ tháng 3 năm 2017.

Lựa chọn của ban biên tập