Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên và Nhật Bản nỗ lực cải thiện quan hệ song phương

2018-09-06

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tình hình chính trị xoay quanh bán đảo Hàn Quốc được dự đoán sẽ có những bước phát triển mau chóng trong tháng 9. Nếu chuyến thăm vừa qua tới miền Bắc của đoàn đặc phái viên Chính phủ Hàn Quốc được kỳ vọng là một bước ngoặt trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, tiến triển trong nỗ lực đối thoại giữa Bắc Triều Tiên và Nhật Bản cũng đang thu hút được sự quan tâm, chú ý. Hãy cùng lắng nghe ông Oh Gyeong-seop, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc, phân tích về các dấu hiệu cải thiện trong quan hệ Triều-Nhật vừa qua.


Tờ Bưu điện Washington của Mỹ hôm 28/8 (theo giờ địa phương) đưa tin Trưởng phòng Chính sách mặt trận thống nhất thuộc Bộ Mặt trận thống nhất đảng Lao động Bắc Triều Tiên Kim Song-hye đã có cuộc gặp bí mật với ông Shigeru Kitamura, người đứng đầu Cơ quan tình báo và nghiên cứu thuộc nội các Nhật Bản, tại Việt Nam vào trung tuần tháng 7 vừa qua. Điều này có nghĩa hai bên đang tìm kiếm đối thoại, và đây rất có thể sẽ là bước tiến triển quan trọng. Hơn nữa, Bình Nhưỡng đã có bước đi đặc biệt trong cải thiện quan hệ với Tokyo. Một du khách Nhật Bản tới Bắc Triều Tiên thông qua một công ty du lịch đóng tại Trung Quốc đã bị miền Bắc bắt giữ tại gần thành phố cảng Nampo. Tuy nhiên, người này đã được trả tự do chỉ chưa đầy một tháng sau đó, một điều chưa hề có tiền lệ. Sự kiện trên khiến các nhà quan sát nhận định rằng quan hệ Triều-Nhật rất có thể sẽ có bước đột phá.


Trên thực tế, Bình Nhưỡng và Tokyo đã từng có rất nhiều cơ hội để cải thiện quan hệ. Hai bên đã nỗ lực phát triển quan hệ song phương sau khi Nhật Bản và Liên Xô tái thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1956. Vào năm 2002, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Junichiro Koizumi đã tới thăm Bắc Triều Tiên và ký Tuyên bố Bình Nhưỡng. Tuyên bố này công nhận sự cần thiết phải bình thường hóa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước, thông qua việc giải quyết một cách toàn diện vấn đề hạt nhân, tên lửa miền Bắc, cũng như vấn đề công dân Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Tuy nhiên, bất chấp cuộc hội đàm thượng đỉnh này, các cuộc đàm phán đã đi vào bế tắc do cuộc khủng khoảng hạt nhân miền Bắc lần thứ hai và vấn đề bắt cóc công dân Nhật. Năm nay, Bình Nhưỡng và Tokyo một lần nữa tìm kiếm lối thoát cho quan hệ song phương.


Từ lập trường của Nhật Bản, vấn đề lớn nhất chính là vẫn chưa thiết lập được kênh đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc đều đã mở các kênh thảo luận với miền Bắc, tổ chức hội nghị thượng đỉnh và hội đàm thường xuyên. Là quốc gia duy nhất không có kênh liên lạc chính thức với Bình Nhưỡng, nhiều người cho rằng đang diễn ra hiện tượng “bỏ qua Nhật Bản”. Do đó, Tokyo dường như cảm thấy sự cần thiết phải đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng. Đối với miền Bắc, khi vấn đề phi hạt nhân hóa đang lâm vào bế tắc, nước này có thể nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản, xét tới sự thân cận của Tokyo với Washington. Bình Nhưỡng có thể nới rộng khoảng cách giữa Washington và Tokyo, trong khi tìm cách lôi kéo Nhật Bản thông qua đối thoại.


Không thể thiết lập kênh đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên, Nhật Bản trong thời gian vừa qua lại càng bị phụ thuộc vào Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã yêu cầu Mỹ giải quyết vấn đề công dân Nhật bị miền Bắc bắt cóc bất cứ khi nào có cơ hội, nhưng khi thấy không có tiến triển, ông Abe dường như đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề này. Xét về trung và dài hạn, Bình Nhưỡng cũng cần đến sự hợp tác của Tokyo. Bởi đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa đang bị kéo dài, miền Bắc cần phải đảm bảo được các mối quan hệ ngoại giao đa phương và tránh để nền kinh tế nước này ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, hai nước khó có thể giải quyết được một vấn đề nhức nhối.


Vấn đề gây chia rẽ lớn nhất trong quan hệ Triều-Nhật chính là việc công dân Nhật bị miền Bắc bắt cóc. Khi cựu Thủ thướng Nhật Bản Koizumi và nhà lãnh đạo miền Bắc khi đó là ông Kim Jong-il tổ chức hội đàm vào năm 2002, Tokyo đã công nhận 17 công dân nước mình đã bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Trong đó, năm người đã trở về Nhật Bản sau chuyến thăm miền Bắc của ông Koizumi. Nhưng hai bên đã không thể nhất trí về số phận của 12 người còn lại. Bắc Triều Tiên tuyên bố tám trên 12 người đã chết, trong khi bốn người còn lại chưa từng tới miền Bắc, cho rằng không cần phải thảo luận thêm về vấn đề này. Trong khi đó, Nhật Bản kêu gọi trả tự do cho tất cả các công dân nước này bị giam giữ tại miền Bắc. Bởi sự khác biệt về quan điểm, hai bên cần phải đưa ra các quyết định chính trị. Cuối cùng, hai bên sẽ cần phải thảo luận về việc liệu tám người mà Bình Nhưỡng tuyên bố đã chết có còn sống hay không, và liệu các con tin khác có thể trở về Nhật Bản.


Ngoài ra, một điểm bất đồng khác cũng rất khó giải quyết chính là quy mô hợp tác kinh tế của Nhật Bản với Bắc Triều Tiên. Nếu quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa, miền Bắc được dự đoán có thể nhận từ 10 đến 20 tỷ USD bồi thường cũng như viện trợ phát triển kinh tế từ Nhật Bản, để bù đắp cho các tổn hại gây ra trong thời kỳ chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc. Đây là một lý do khác khiến việc bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản có ý nghĩa rất quan trọng với miền Bắc, vốn đang cần nguồn lực để phát triển kinh tế. Bắc Triều Tiên tuyên bố việc Nhật Bản phải đền tội vì quá khứ thời chiến là một điều kiện tiên quyết cho bình thường hóa quan hệ song phương. Đối mặt với nhiều biến số và rào cản, quan hệ Bình Nhưỡng-Tokyo sẽ tiến triển như thế nào?


Mặc dù hai bên đều cảm thấy cần thiết phải cải thiện quan hệ, rất có thể quan hệ Triều-Nhật sẽ tiến triển song song với đàm phán về phi hạt nhân hóa. Bởi Mỹ đã chỉ trích các diễn biến mau chóng trong quan hệ liên Triều là không ăn khớp với các bước phát triển trong hội đàm phi hạt nhân hóa, Tokyo có thể sẽ xem xét tới lập trường của Washington khi tiếp cận quan hệ song phương với Bình Nhưỡng. Nếu tiến trình phi hạt nhân hóa được tăng tốc, quan hệ Triều-Nhật sẽ có cơ hội thuận lợi để cải thiện. Tuy nhiên, nếu đàm phán hạt nhân không được đẩy nhanh, bất cứ động thái nào tiến tới bình thường hóa quan hệ đối ngoại sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn, kể cả khi Bình Nhưỡng và Tokyo nối lại đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập