Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Mỹ vẫn duy trì quân đồn trú tại Hàn Quốc sau khi chuyển giao quyền tác chiến thời chiến

2018-11-04

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và người đồng cấp Mỹ James Mattis ngày 31/10 đã nhất trí về việc tiếp tục duy trì lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ, sau khi Washington hoàn tất chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul. Nội dung này được đề cập trong biên bản “Các nguyên tắc chỉ dẫn liên quân” ((Alliance Guiding Principles) được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thông qua tại “Hội nghị tư vấn an ninh Hàn-Mỹ” (SCM) lần thứ 50, diễn ra tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở Washington vào cùng ngày.


“Các nguyên tắc chỉ dẫn liên quân”


Biên bản “Các nguyên tắc chỉ dẫn liên quân” là một tài liệu chiến lược đề ra phương hướng duy trì trạng thái phòng thủ liên quân, sau khi hai nước kết thúc chuyển giao quyền tác chiến thời chiến. Có thể nói qua biên bản này, hai bên đã hoàn tất “khung” phòng thủ liên quân sau khi chuyển giao xong quyền tác chiến thời chiến. Tài liệu này gồm ba nội dung lớn. Thứ nhất là duy trì lực lượng quân đồn trú Mỹ tại Hàn Quốc, sau khi chuyển giao quyền tác chiến thời chiến. Thứ hai là duy trì bộ máy chỉ huy theo hình thức Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ. Thứ ba là chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ sẽ do một Đại tướng trong quân đội Hàn Quốc phụ trách, còn chức Phó Tư lệnh do Đại tướng trong quân đội Mỹ đảm nhiệm.


Các nội dung nhất trí trên giữa Bộ Quốc phòng hai nước đã dập tắt những ý kiến lo ngại cho rằng quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ có thể bị suy yếu sau khi chuyển giao quyền tác chiến thời chiến. Trước đó, đã có một số ý kiến lo ngại rằng Washington có thể sẽ rút quân đồn trú tại Hàn Quốc, giải thể Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ. Việc để một Đại tướng của quân đội Hàn Quốc giữ chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh liên quân đã phá vỡ “nguyên tắc Pershing” của Mỹ, tức nguyên tắc không trao quyền chỉ huy cho quân đội của nước đồng minh. (“Nguyên tắc Pershing” được lấy theo tên của một vị Tướng quân đội Mỹ trong Thế chiến I là John Pershing.) Ban đầu, có ý kiến phỏng đoán một Trung tướng trong quân đội Mỹ sẽ giữ chức Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ. Nếu vậy, quá trình điều động lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản tới Hàn Quốc sẽ bị hạn chế, vì cấp bậc của Tư lệnh lực lượng quân đồn trú Mỹ tại Nhật Bản hiện nay cũng là cấp Trung tướng. Ngược lại, nếu vị trí Phó Tư lệnh do một Đại tướng trong quân đội Mỹ đảm trách thì quá trình triển khai lực lượng tăng viện của quân đội Mỹ tới bán đảo Hàn Quốc trong các tình huống nguy cấp, sẽ có thể diễn ra một cách thuận lợi hơn.


Các giai đoạn chuyển giao quyền tác chiến thời chiến


Trong Hội nghị tư vấn an ninh Hàn-Mỹ lần này, ngoài biên bản “Các nguyên tắc chỉ dẫn liên minh”, hai bên còn thông qua nhiều văn bản cần thiết khác cho việc hoàn tất chuyển giao quyền tác chiến thời chiến, như “Sửa đổi câu chữ cơ bản trong Kế hoạch chuyển giao quyền tác chiến thời chiến căn cứ vào điều kiện, quyển 1”, “Phương án sửa đổi Biên bản ghi nhớ về bộ máy chỉ huy trong tương lai”, và “Cam kết liên quan đến mối quan hệ giữa Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc và Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ”.


Trước đó, trong Hội nghị tư vấn an ninh Hàn-Mỹ lần thứ 46 vào năm 2014, Hàn Quốc và Mỹ từng nhất trí về nguyên tắc “chuyển giao quyền tác chiến thời chiến có điều kiện” và đề ra ba điều kiện. Đó là quân đội Hàn Quốc có đủ năng lực quân sự quan trọng để có thể đóng vai trò chủ đạo trong trạng thái phòng thủ liên quân Hàn-Mỹ; quân đội Hàn Quốc xây dựng được năng lực đối phó thiết yếu giai đoạn đầu với mối đe dọa hạt nhân, tên lửa Bắc Triều Tiên; và tình hình an ninh bán đảo Hàn Quốc và khu vực phù hợp cho việc chuyển giao quyền tác chiến thời chiến. Cùng với đó, hai bên nhất trí đẩy nhanh công tác kiểm chứng năng lực chủ đạo trong tác chiến liên quân của quân đội Hàn Quốc. Phải hoàn thiện điều này thì Washington mới có thể chuyển giao quyền tác chiến thời chiến cho Seoul. Hai bên sẽ tiến hành giai đoạn 1 kiểm chứng về năng lực hoạt động cơ bản (initial operational capability - IOC) của quân đội Hàn Quốc bắt đầu từ năm sau. Tiếp theo, giai đoạn 2 sẽ tiến hành kiểm chứng về năng lực hoạt động toàn diện (full operational capability - FOC), và giai đoạn ba là kiểm chứng năng lực thực thi nhiệm vụ toàn diện (full mission capability - FMC)


Ý nghĩa và triển vọng


Hai nước Hàn-Mỹ tái khẳng định về mối quan hệ đồng minh vững chắc trong hiện tại và cả tương lai. Bộ Quốc phòng hai nước đánh giá: biên bản “Các nguyên tắc chỉ dẫn liên quân” lần này đã cân nhắc tới tương lai quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ trong hơn 50 năm tới. Giới phân tích cho rằng thời điểm hai bên hoàn tất quyền tác chiến thời chiến có thể là năm 2022, tức trong nhiệm kỳ của Chính phủ đương nhiệm. Điều này hoàn toàn có thể nếu mỗi giai đoạn kiểm chứng được kết thúc trong vòng một năm. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến khác thận trọng cho rằng hai bên chưa chắc đã hoàn tất chuyển giao quyền tác chiến thời chiến, dù có thể hoàn tất các công tác kiểm chứng cần thiết.

Lựa chọn của ban biên tập